Viết mở bài được xem là thách thức lớn của người làm content writer, đặc biệt là những bạn mới nhập môn. Một số bạn dễ dàng từ bỏ chỉ vì loay hoay ngồi hàng giờ chỉ để viết phần mở sao cho thật hay, hấp dẫn. Gợi ý 12 cách viết mở đầu cho bài content website dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng bắt đầu hơn.
* Một số ví dụ trong bài viết này được trích lại từ những nội dung content website mình từng hợp tác với khách hàng.
Mở bài trực tiếp
Với cách này, bạn trực tiếp đi thẳng vào vấn đề. Thông thường viết mở bài trực tiếp, câu đầu tiên thường sẽ đưa ra định nghĩa, khái niệm về chủ đề đó. Ví dụ như với từ khóa “máy sấy tóc”, bạn có thể bắt đầu “Máy sấy tóc là món đồ quen thuộc…”
Ví dụ: “Phòng khách được xem là không gian quan trọng trong nhà. Không ít gia chủ muốn phòng rộng rãi một chút, nhưng cũng có người chỉ cần một không gian nhỏ xinh ấm cúng là đủ. Vậy thiết kế phòng khách như thế nào để vừa trở thành nơi sum họp lý tưởng, vừa hài hòa với tổng thể ngôi nhà?”
Mở bài bằng con số
Bạn có thể bắt đầu bằng việc trích dẫn những số liệu, thống kê từ các nghiên cứu uy tín. Mẹo dành cho bạn là nên tham khảo số liệu ở những tờ báo chính thống, trích số liệu gần nhất (ví dụ năm 2023, 2024) thay vì lấy số liệu cũ từ năm 2020 hay năm 2021. Các cách viết mở bài bằng con số thường là “Khoảng 70%…”, “Hơn ½ dân số thế giới…” hoặc “Thống kê mới nhất từ…”, “Nghiên cứu X cho thấy…”.
Ví dụ mở bài bằng con số: “Hơn 50 triệu người dùng TikTok tại Việt Nam*, con số ấn tượng cho thấy đây thực sự là “mảnh đất màu mỡ”, đặc biệt với người làm sáng tạo nội dung. Nếu bạn đang nghiên cứu về mạng xã hội này, đừng bỏ qua 7 bước sáng tạo nội dung TikTok thu hút nhiều lượt xem ngay dưới đây nhé.” (*theo thống kê mới nhất từ DataReportal).
Trích dẫn, thành ngữ/tục ngữ
Bạn có thể sử dụng trích dẫn trong các tác phẩm, danh ngôn, thành ngữ, tục ngữ để viết mở bài. Lưu ý với cách này, bạn nên chọn những câu nói phù hợp với chủ đề tránh viết lạc đề, lan man dài dòng.
Ví dụ: ““Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”, là nơi ta tìm thấy bình yên sau những ngày chạy theo guồng quay hối hả của công việc. Cùng chúng tôi học cách biến không gian sống thành nơi chữa lành về cả sức khỏe thể chất và tinh thần để có một nơi an trú bình yên nhé.”
Đi từ khái quát đến chi tiết
Bạn có thể nói đến cái chung (cái khái quát) và sau đó đi vào cái riêng (chi tiết) muốn trình bày. Hãy suy nghĩ về bất cứ thứ gì liên quan đến từ khóa mà bạn nhận được, thông thường mình sẽ dùng từ gợi nhớ “Nhắc đến/Khi nói đến… người ta sẽ nghĩ ngay… Thế nhưng…” để bắt đầu.
Ví dụ: “Nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến cốm – thức quà dẻo thơm bùi bùi. Thế nhưng, Hà Nội đâu chỉ gây nhớ thương bởi cốm, mảnh đất thủ đô còn có muôn vàn món ngon khác. Cùng khám phá 10 món ngon Hà Nội khiến du khách đến thăm một lần, lòng đều vương vấn không thôi.”
Đọc thêm:
10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn
Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
Đổi gió với 7 dạng bài content giúp blog không còn nhàm chán
Mở đầu bằng một câu chuyện
Cách này thường phù hợp nếu bạn có khả năng kể chuyện, đó có thể là chuyện có thật hoặc hư cấu. Tuy nhiên lưu ý nên chọn những câu chuyện phù hợp, liên quan đến chủ đề cần viết để tránh lạc đề nhé.
Ví dụ mở bài bằng câu chuyện: “Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King đã viết gần 100 cuốn tiểu thuyết trong suốt sự nghiệp của mình. Thế nhưng, có một điều thú vị là đôi khi ông không nhớ những tác phẩm mà mình đã viết. Cụ thể, năm 1981, ông đã viết cuốn tiểu thuyết thứ 11 mang tên Cujo nhưng lại quên mất rằng mình đã xuất bản nó. Ngoài Cujo, còn có những tác phẩm từng bị lãng quên bởi chính cha đẻ của chúng – Stephen King, cùng mình tìm hiểu nhé.”
Đưa ra mặt trái vấn đề
Một trong những cách viết phần mở bài mà mình muốn gợi ý đến bạn là đưa ra quan điểm, mặt trái của vấn đề. Bằng cách nêu lên tác hại, sự nguy hiểm hoặc những rủi ro, tiềm ẩn, bạn khéo léo đưa ra lời khuyên.
Ví dụ: “Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến tình trạng da xấu đi, tệ hơn là về lâu dài các tế bào trên da mặt bị phá hủy, gây hiểm họa khôn lường cho sức khỏe. Tuy nhiên, trên thị trường hàng giả tràn lan, trôi nổi khiến người mua lúng túng khi lựa chọn. Bỏ túi những mẹo mua mỹ phẩm chính hãng, chất lượng dưới đây để bảo vệ làn da khỏe đẹp.”
Đưa ra nhận định để làm rõ
Với cách viết mở đầu này, ban đầu bạn có thể đưa ra một nhận định, một giả thiết hoặc nghi ngờ chưa được chứng minh. Sau đó nói với độc giả đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây bởi vì bạn sẽ làm rõ nhận định đó. Cấu trúc mình thường áp dụng trong khi viết bài content cho khách hàng là “Đa số chúng ta/mọi người thường nghĩ rằng… Vậy thực tế… có đúng không?”.
Ví dụ: “Đa số chúng ta đều cho rằng ở Việt Nam ban ngày thì Mỹ ban đêm và ngược lại, nghĩa là chúng ta cách nước xứ sở cờ hoa 12 tiếng. Vậy thực tế giờ Mỹ được tính thế nào, cách Việt Nam bao nhiêu tiếng, cùng tìm hiểu nhé.”
Đặt ra câu hỏi
Mở bài bằng câu hỏi dễ thu hút sự chú ý và gây tò mò cho người đọc. Thậm chí một số độc giả sau khi đọc câu hỏi, sẽ đoán câu trả lời và muốn khám phá đáp án cuối cùng bằng cách click ngay vào bài viết. Cách viết mở đầu bằng câu hỏi khá đơn giản, bạn có thể áp dụng cấu trúc như “Bạn có biết/đang/muốn…”, “Làm thế nào…”, “Tại sao/Vì sao…”
Ví dụ: “Bạn đang lên kế hoạch du lịch cho đại gia đình vào mùa xuân này nhưng lại chưa tìm được điểm vui chơi ưng ý. Nơi nào mát mẻ, thoáng gió, lại gần gũi với thiên nhiên để bé con cùng ông bà thư giãn? Vậy thì đừng bỏ lỡ hành trình khám phá thú vị tại khu du lịch sinh thái X nhé.”
Liên tưởng đến mốc thời gian
Ví dụ:c “Tiết trời mát dịu, những cơn mưa dông thi thoảng rơi xuống vùng trời phố thị. Đó cũng là lúc thực khách muốn tìm về SH Garden – một chốn bình yên để cùng nhau chuyện trò và thưởng thức hương vị bánh xèo chuẩn miền Tây.”
Để viết mở bài bằng mốc thời gian, bạn có thể bắt đầu bằng mùa, thời tiết, sự kiện đặc biệt và khéo léo đi đến chủ đề cần viết. Tuy nhiên khi viết mở đầu bằng mốc thời gian, bạn cần lưu ý nắm rõ thời tiết vùng miền, đặc trưng khác biệt để tránh đưa thông tin sai lệch. Chẳng hạn như viết về Sài Gòn nhưng bạn lại nhắc đến mùa thu hay viết về cúc họa mi, bạn nhấn mạnh loài hoa xinh đẹp này nở vào mùa hè.
Nhận xét, đánh giá từ khách hàng
Sử dụng feedback của khách hàng để viết mở bài làm cho bài viết trở nên uy tín, thuyết phục hơn. Cách này cũng giúp bạn đổi gió sau những mở bài trực tiếp hay gián tiếp nhàm chán, quen thuộc. Bạn có thể sử dụng phần review của khách hàng thông qua các kênh như Fanpage, Google Map,… để có tư liệu chân thực.
Ví dụ: “Bò khô ngon quá nè, dùng làm bánh tráng trộn hay ăn kèm với gỏi là tụi con nít nhà chị ăn ngoan không cần dỗ luôn.” Đó là tin nhắn hài hước của chị khách miền Trung đặt mua bò khô lần đầu tiên. Đâu chỉ có vậy, kể từ khi kinh doanh đặc sản này, chúng mình còn nhận được nhiều review tích cực từ khách hàng gần xa!”
Mở bài so sánh
Để viết mở bài so sánh, bạn có thể áp dụng cách đặt câu hỏi. Ví dụ “Với kinh phí 5 triệu, nên đi du lịch biển ở Đà Nẵng hay Nha Trang. Nơi nào sẽ hấp dẫn thú vị hơn, dịch vụ ở đâu có chi phí phải chăng hơn, cùng tìm hiểu qua bài phân tích dưới đây nhé.”
Hoặc đưa các sản phẩm lên bàn cân so sánh về lợi ích, giá cả,… và khéo léo lôi kéo độc giả đọc bài viết hoàn chỉnh để có cái nhìn thực tế hơn. Chẳng hạn như “Đều là thành phố biển xinh đẹp với biển xanh nắng vàng nhưng du lịch Nha Trang và Đà Nẵng lại phát triển theo hướng khác nhau. Nếu bạn đang phân vân lựa chọn nghỉ dưỡng tại một trong hai địa điểm trên, đừng bỏ qua những phân tích chi tiết dưới đây.”
Để người đọc tưởng tượng
Một ví dụ về mở bài tưởng tượng, “Tưởng tượng, một ngày nào đó bạn mở tủ lạnh ra và phát hiện chỉ còn mỗi nấm với rau củ. Thế nhưng bạn lại quá bận để có thể đi mua thêm nguyên liệu chuẩn bị cho bữa trưa. Vậy thì hãy lưu lại ngay 7 cách biến tấu với nấm dưới đây để bữa ăn không bao giờ ngán nhé.”
Mở bài tưởng tượng là một cách chữa cháy nếu bạn đang bí ý tưởng. Đồng thời mẹo này cũng sẽ giúp bài viết của bạn trở nên thu hút hơn, độc giả sẽ cuốn vào câu chuyện bạn tưởng tượng và kích thích muốn khám phá đến tận cùng. Cách viết này mình đã từng áp dụng khá nhiều trong các bài viết blog, bạn có thể tham khảo: Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger.
Là một người viết content, bạn đừng bỏ qua 12 cách viết mở đầu này để cho bài viết được trơn tru, mượt mà hơn nhé. Tìm hiểu thêm các nội dung để cải thiện kỹ thuật viết của mình tại đây, hoặc đồng hành cùng mình trong các khóa học viết kèm cặp 1:1 để được hướng dẫn viết và sửa bài chi tiết nhé.