Ghostwriter là gì? Ghostwriter thường làm những công việc gì? Ghostwriter và Co-writer khác nhau như thế nào?,… Đó là những câu mình tự hỏi bản thân khi tìm hiểu về nghề viết. Và để tìm được câu trả lời, mình đã mất 3 năm học tập và trải nghiệm với những sản phẩm thực tế. Mình tin những bạn trẻ đang ấp ủ đi theo viết lách cũng sẽ có những thắc mắc này, vậy thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Ghostwriter là gì?
Trước khi tìm hiểu về nghề viết sách thuê, mình sẽ nói qua một chút về ghostwriting. Hẳn khi tìm hiểu về viết lách, bạn đã từng nghe nói đến cụm từ này rồi nhỉ. Ghostwriting được dịch sang tiếng Việt là “viết ma”, vậy bạn có biết tại sao lại gọi là “viết ma” không?
Viết ma là hành động người viết nhân danh một người hoặc một nhóm người, một công ty, tổ chức tạo ra sản phẩm (cụ thể là bài viết, sách,…) mà không được đứng tên tác giả. Đồng thời người viết ma cũng không được công nhận là tác giả, chủ sở hữu sản phẩm đó. Người viết những nội dung này gọi là ghostwriter.
Trong từ điển tiếng Việt, có một chức danh dành cho người làm công việc này gọi là người chấp bút, và hành động “viết ma” như mình chia sẻ gọi là chấp bút, tức là viết thuê cho một cá nhân, tổ chức mà không được công nhận, không được đứng tên, không ai biết bạn chính là người viết ra những nội dung đó.
Ghostwriter và Co-writer khác nhau như thế nào?
Nhiều bạn từng nhầm lẫn Ghostwriter và Co-writer, cho rằng đây là những danh từ chỉ những người làm công việc viết thuê. Tuy nhiên có sự khác biệt rõ ràng giữa hai công việc này.
Ghostwriter là chấp bút, tương tự như một công việc mình đang làm, bán kỹ năng viết của mình cho một người khác (tạm gọi là bên A) để hiện thực hóa một ý tưởng thành câu từ (ví dụ sách, báo,…). Lý do có thể là vì bên A không có thời gian để hoàn thành một cuốn sách hoặc kỹ năng viết chưa được tốt. Vì vậy bên A sẽ cần một Ghostwriter – người chấp bút sách để giúp họ hoàn thành mục tiêu của mình.

Ví dụ mình từng chấp bút 02 cuốn sách trong năm 2024 và tên của mình không được xuất hiện ở bìa sách. Tất cả những gì mình làm là nhận đề tài, viết bản thảo, biên tập và gửi cho khách. Tất cả thông tin trong 2 dự án chấp bút này đều được bảo mật, chỉ có mình và khách hàng biết, ngoài ra không một bên thứ 3 nào biết.
Trong khi đó, Co-writer thường được xem là đồng tác giả, nghĩa là người đóng góp ý tưởng, câu từ trong một sản phẩm nào đó và tên tuổi của họ được ghi nhận. Chẳng hạn như cuốn sách Về nhà (NXB Văn học) mà mình góp mặt với tư cách đồng tác giả, thì trường hợp này mình được xem là Co-writer.
Nếu một cuốn sách được viết bởi nhiều tác giả, thì trên bìa sách thường ghi là “Nhiều tác giả”. Hoặc trường hợp cuốn sách chỉ có 2, 3 tác giả, thì có thể đề tên toàn bộ tác giả đó trên bìa.
Ví dụ cuốn sách Kế toán vỉa hè của tác giả Darrell Mullis và Judith Orloff hay cuốn sách IELTS Writing Journey – From Basics To Band 6.0 của các nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Thành Việt, Đoàn Phương Anh, Đoàn Nguyễn Hạ Đan.
Đọc thêm:
Nghề viết #1 – Content writer là gì?
10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết
Bạn sẽ nhận được gì khi đăng ký khóa học viết từ Hải Dương?
Viết sách thuê cho người khác – Nghề hot dành cho Freelance Writer
Ghostwriter thường làm những công việc gì?
Nhiều bạn thường nghĩ Ghostwriter chỉ những người làm công việc chấp bút sách (viết sách thuê), thực tế không chỉ có vậy. Những Ghostwriter thường sẽ trình bày những ý tưởng của khách hàng thành một sản phẩm nhất định, ví dụ một bài đăng trên Facebook, bài viết website, một cuốn ebook hoặc một cuốn sách,… Nói một cách dễ hiểu, bất kỳ một sản phẩm chữ nào đó mà bạn là người viết ra nhưng không được đứng tên tác giả, không được tiết lộ danh tính và không sở hữu sản phẩm đó thì gọi là chấp bút.

Chấp bút sách
Đây là công việc hấp dẫn nhất mà mình nghĩ một Ghostwriter sẽ thích hơn cả. Lý do đầu tiên là vì thù lao của công việc chấp bút sách khá cao, từ vài chục triệu cho đến trăm triệu. Hơn nữa, hoàn thành một cuốn sách, bạn học thêm được rất nhiều kiến thức, như kỹ năng viết của bạn được tốt lên, biết được quy trình viết một cuốn sách, học được cách phỏng vấn khách hàng,…
Một số ví dụ về chấp bút sách như:
– Tự truyện Iacocca: An Autobiography được Ghostwriter William Novak chấp bút thay mặt cho Lee Iacocca.
– Profiles in Courage (tạm dịch Hồ sơ của lòng dũng cảm) không phải do John F. Kennedy viết; thực ra, cuốn sách này được viết bởi người viết diễn văn cho Kennedy là Ted Sorenson.
– Tự truyện Phút 89 của cựu cầu thủ quốc gia Lê Công Vinh không phải do chính anh viết mà là dịch giả, nhà báo Trần Minh (bút danh Bình Bồng Bột) chấp bút.
Viết nội dung mạng xã hội/website
Một KOL nổi tiếng với lượng theo dõi hàng triệu người có thể sẽ cần một cây viết chấp bút cho những bài đăng trên mạng xã hội, đó có thể là bài chia sẻ mẹo, kinh nghiệm hoặc là bài quảng cáo bán hàng.
Một blogger không có nhiều thời gian sản xuất nội dung trên blog/website thường sẽ thuê người chấp bút viết nội dung web.
Như vậy, nghề chấp bút không chỉ giới hạn ở viết sách thuê mà còn viết những nội dung khác như bài đăng trên Facebook, Instagram, viết kịch bản phim ngắn, viết bài blog cá nhân, viết nội dung website,…
Viết diễn văn
Ở các buổi lễ, diễn thuyết, thường khách mời sẽ lên đọc những tổng kết, báo cáo hoặc diễn văn. Thường phần này sẽ do một người khác chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung. Chẳng hạn như:
– Jeff Shesol – người chấp bút cho các bài diễn văn của Tổng thống Bill Clinton.
– Adam Frankel – thành viên trong một ekip chấp bút cho các bài diễn văn Tổng thống Obama.
– Ted Sorensen – người chấp bút và là cố vấn chính của Tổng thống John F.Kennedy.
Hẳn là bạn đã hiểu Ghostwriter là gì thông qua bài viết này. Với mình, Ghostwriter là một công việc thú vị để mình được lắng nghe được nhiều câu chuyện của khách hàng, được viết lại mọi điều dưới góc nhìn, cảm xúc, giọng điệu của chính họ. Và đặc biệt, mình được mở rộng mối quan hệ, có thêm thu nhập từ viết, làm cho cuộc sống freelance writer của mình ý nghĩa hơn.