Thông thường, quy trình viết của các bạn newbie sẽ là tìm ý tưởng, lập dàn ý, viết bài và biên tập. Trong đó tự biên tập là bước khá quan trọng, để biến bài viết từ chưa tốt trở nên tốt hơn. Thế nhưng để bài viết thu hút, hấp dẫn hơn, biên tập thôi là chưa đủ, người viết cần phải nâng cấp nội dung. Vậy nâng cấp là làm những công việc gì?
Những nội dung nào cần nâng cấp?
Để làm ra một chiếc bàn gỗ, người thợ cần phải cắt thanh gỗ, tạo khung và chân bàn. Sau đó họ sẽ lắp ráp các bộ phận lại với nhau. Tuy nhiên đó chỉ là bước làm ra một chiếc bàn phục vụ cho chức năng làm việc, học tập, để dụng cụ,…
Muốn có một chiếc bàn đẹp thì ngoài việc lắp ráp, người thợ còn phải chỉnh sửa các chi tiết nhỏ nhất. Họ sẽ phải đánh bóng, chạm khắc họa tiết tỉ mỉ và dĩ nhiên còn phải phun sơn bóng để bàn vừa đẹp, vừa chống lại sự tấn công của côn trùng. Mình gọi đó là sự nâng cấp.
Tương tự trong viết lách cũng vậy. Để viết một nội dung, bạn chỉ cần ngồi vào bàn, tìm kiếm ý tưởng và lập dàn ý, sau đó tiến hành viết và biên tập là xong. Thế nhưng như vậy chỉ đủ để nội dung của bạn dừng lại ở mức độ “ổn”, “tốt” mà thôi. Để nội dung hấp dẫn hơn, thu hút hơn bạn phải nâng cấp bài viết.
Nâng cấp nội dung được thực hiện sau quá trình biên tập. Biên tập là quá trình sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, cắt gọt, thêm bớt, thay thế từ ngữ, câu văn, thiết lập lại bố cục,… để nội dung trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Trong khi đó nâng cấp nội dung là làm cho nội dung trở nên ấn tượng. Nghĩa là với một từ ngữ sử dụng hợp lý, chúng ta vẫn có thể thay thế bằng từ/cụm từ khác hấp dẫn hơn, độc đáo hơn để biến những nội dung trở nên nhàm chán thành nội dung độc lạ. Hoặc tiêu đề đã ổn, tuy nhiên bạn vẫn có thể nâng cấp lên để nó độc đáo, khác biệt hơn.
Đặc biệt quá trình nâng cấp này còn phải dựa vào:
– Đối tượng độc giả bạn hướng đến, từ đó quyết định giọng điệu phù hợp. Đọc thêm bài viết của mình: Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
– Thể loại bạn đang viết, từ đó lựa chọn cách trình bày sao cho phù hợp. Chẳng hạn với tản văn bạn cần viết giọng điệu nhẹ nhàng, bay bổng hơn; trong khi báo chí thì cần sự chính xác, rõ ràng;…
– Nền tảng bạn chọn đăng tải (một số nền tảng sẽ có những quy định riêng, ví dụ độ dài giới hạn của mạng xã hội Twitter là 140 ký tự, độ dài status của LinkedIn có thể lên tới 700 ký tự đối với các bài trên trang công ty, và 1.300 ký tự đối với các tài khoản cá nhân. Trong khi đó, các bài Article không có giới hạn ký tự tuy nhiên theo báo cáo, các bài viết hơn 120.000 ký tự sẽ bị cắt bớt…)
– Mục đích viết bài là gì (viết tự do cho chính mình, viết tản mạn đăng blog, viết tản văn gửi cho báo, viết content cho blog/website, viết content cho sản phẩm, dịch vụ,…
Chẳng hạn như, với một bài tản văn gửi báo, bạn không thể dùng cách viết content để sửa và nâng cấp bài tản văn đó được. Hoặc với một nội dung đăng trên mạng xã hội, bạn không thể đòi hỏi viết một bài viết chuyên sâu dài 4000 – 5000 chữ được (tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể đăng những bài dài trên mạng xã hội, tuy nhiên hiệu ứng độc giả sẽ không được cao trừ khi người viết là một người nổi tiếng hoặc một người có tầm ảnh hưởng nhất định/có chuyên môn sâu trong lĩnh vực bạn đang làm).
Vậy, quy trình nâng cấp sẽ là:
– Nâng cấp tiêu đề, đoạn mở đầu, tiêu đề phụ.
– Nâng cấp nội dung trong thân bài (hình thức: từ, câu, đoạn,…; nội dung: thông tin, bố cục,…) và kết bài.
– Nâng cấp từ ngữ, câu, đoạn.
– Giọng điệu/phong cách.
– Tạo câu đinh cho bài viết, câu đinh.
Nâng cấp nội dung vô cùng quan trọng, đó cũng là Module đầu tiên mình cho các học viên trong chương trình Viết nâng cao thực hành. Nhờ đó các bạn đã có những bài viết được đăng báo hoặc biết cách viết bài content thu hút, độc đáo cho các doanh nghiệp.
Đọc thêm:
Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới
Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?
3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp
90% cây viết mới thường rơi vào tình trạng writer’s block và bạn không phải ngoại lệ
Quy trình nâng cấp nội dung
Hãy lật lại một bài viết cũ (hoặc một bài viết gần nhất của bạn), sau đó trả lời những câu hỏi sau:
– Tiêu đề này đã đủ kích thích chưa, có khiến độc giả nhấp chuột vào xem tiếp nội dung hay không, tiêu đề có quá dài hay không, có từ khóa (keyword) chính hay không? Nếu chưa, bạn có thể tham khảo bài viết này: 5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn và Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn.
– Đoạn mở đầu đã cô đọng và thu hút chưa, có từ ngữ nào khó hiểu, câu văn nào chưa mượt mà logic, đoạn mở đầu có dài quá không? Tham khảo cách viết mở bài của mình: 6 cách viết mở đầu cứu nguy khi bạn bí ý tưởng
– Bài viết có phân bổ tiêu đề phụ, tiêu đề phụ đã hợp lý, tiêu đề phụ có cung cấp nội dung hay kích thích độc giả đọc hiểu không?
– Nội dung bài viết đã ổn chưa? Với dạng bài cung cấp thông tin (dạng bài content), nội dung đã rõ ràng và tin cậy không? Với dạng bài sáng tác, bài viết có thông điệp, mục tiêu rõ ràng hay không? Có câu văn nào khó hiểu, đoạn văn nào quá dài dòng? Bạn đã tách đoạn chưa? Bài viết sơ sài quá hoặc lan man dài dòng quá không? Tham khảo các nội dung sau: Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục, Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản và Làm thế nào để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc?
– Kết bài đã đủ ấn tượng chưa, bạn có kèm lời kêu gọi hành động (CTA) vào kết bài không? Nếu kết bài của bạn chưa thật sự truyền cảm hứng hành động, đừng bỏ qua bài viết: 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
– Từ ngữ trong bài có dễ hiểu không? Một số thuật ngữ khó hiểu đã được giải thích đầy đủ? Bạn có lạm dụng từ tiếng Anh hoặc từ cũ (từ cổ) không? Những nội dung về ngôn từ sẽ có trong bài viết Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?.
– Bài viết này có giọng điệu thế nào, phong cách có phù hợp với đối tượng độc giả mà bạn hướng đến không, có cần điều chỉnh lại tone giọng không (ví dụ như giảm bớt sự hài hước nhí nhố, tăng thêm thông tin logic, khoa học rõ ràng,…). Nếu chưa tìm thấy giọng điệu cho riêng mình, tham khảo bài viết này nhé: Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân cho riêng bạn.
– Bạn có cần tạo câu đinh cho bài viết không? Thông thường một bài viết đều đều, không có điểm nhấn hay sự sáng tạo sẽ khiến độc giả đọc xong một lần rồi thôi. Họ sẽ trôi tuột theo câu chữ mà không đọng lại được gì. Cố gắng chắt lọc nội dung bài và cô đọng thành một (một vài) câu nói ấn tượng. Ở bước này, đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều câu đinh nhé. Nó sẽ khiến độc giả cảm thấy mệt và phản tác dụng, thay vì thế hãy cố gắng chắt lọc 1, 2 câu mà bạn cho là cô đọng nhất.
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, giờ là lúc bạn bắt tay vào nâng cấp bài viết của mình, sau đó đọc lại xem có khác biệt trước và sau khi nâng cấp không. Và nhớ chia sẻ với mình biết bằng cách để lại bình luận tại đây nhé.
Những chia sẻ về “nâng cấp nội dung” dựa trên trải nghiệm của mình trong quá trình gần 2 năm mentoring. Do vậy có thể bạn sẽ không tìm được khái niệm hoặc nội dung tương tự trên website/blog khác. Nếu bạn gặp những vấn đề về viết hoặc đang gặp khó khăn trên hành trình freelance writer, đừng ngần ngại email cho mình qua haiduong7074@gmail.com nhé. Mình sẽ giải đáp dựa trên sự hiểu biết và trải nghiệm của mình.