Thực hành viết mỗi ngày từ những phương pháp đơn giản sau

Từ newbie trở thành tác giả sách, mình nhận ra rằng, bất cứ người viết nào cũng sẽ trải qua giai đoạn tập viết những chủ đề đơn giản trước. Rồi sau đó, chúng ta mới tập viết những chủ đề phức tạp, đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn. 

Và để viết những chủ đề đơn giản, không có gì dễ dàng hơn bằng việc thực hành viết biết ơn, viết nhật ký hoặc viết morning page vào mỗi sáng.

Dưới đây là một số phương pháp thực hành viết mỗi ngày mà mình áp dụng trong 3 năm qua. Hy vọng là món quà dành tặng những bạn đã, đang và sẽ trở thành người viết trong tương lai. Một gợi ý nho nhỏ dành cho bạn, thử mở video mình viết liên tục trong 60 phút để cùng nhau thực hành, và xem kết quả sau 1 giờ viết tập trung hăng say, mình thu lại kết quả gì nhé.

Viết nhật ký

Hẳn bạn đã quá quen với hình thức này. Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã tập hí hoáy viết những cảm xúc, tâm trạng của mình qua cuốn sổ. Và về sau, khi cuộc sống bận rộn, ta đã ngừng thói quen đó. Trong các buổi hướng dẫn viết cơ bản, mình luôn khuyến khích học tập thói quen viết nhật ký, có thể viết trong sổ tay, trong ghi chú điện thoại hoặc một file nào đó trên máy tính.

Những chủ đề viết nhật ký có thể là những vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Như bạn đã vui thế nào khi được tặng một món quà vào đêm giáng sinh, bạn thấy thoải mái ra sao khi đi du lịch một mình, bạn thấy tuyệt vời khi thưởng thức món ăn ngon hoặc bạn buồn bã khi trải qua một thất bại trong công việc,… Ghi chép lại những cảm xúc trong đời sống không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng mà còn hình thành thói quen suy nghĩ khi viết, diễn đạt trôi chảy hơn.

Ghi chép những câu chuyện

Thực hành viết mỗi ngày từ những phương pháp đơn giản sau
Nguồn ảnh: Aleksander Vlad, Unsplash

Ngày nay những dạng nội dung kể chuyện (storytelling) thường hấp dẫn người đọc và dễ tạo được sự đồng cảm. Nếu câu chuyện ý nghĩa và lan tỏa giá trị tích cực, độc giả sẵn sàng chia sẻ bài viết.

Để ghi chép lại những câu chuyện, bạn tham khảo bài viết sau: Một số mẹo ghi chép nhanh giúp bạn lưu lại những câu chuyện. Mục đích của việc ghi chép là một phương pháp viết, đồng thời giúp bạn ghi nhớ và có thể sử dụng câu chuyện trong những bài viết sau này.

Viết morning page

Vào mỗi buổi sáng, bạn viết xuống giấy những điều cần làm trong ngày, những mục tiêu cần hoàn thành trong tuần hoặc lên danh sách những món đồ cần mua, kiến thức cần học,… Thực hành viết mỗi ngày đều đặn như vậy trong 2 – 3 tháng, việc viết sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Lưu ý là, với những người mới bắt đầu, không cần phải áp lực chuyện viết sao cho hay, viết sao cho sâu sắc và hữu ích. Vì mục tiêu của bạn lúc này là viết ra những gì mình nghĩ trong đầu… Duy trì viết morning page suốt nhiều năm, mình nhận ra rằng phương pháp viết này không chỉ cải thiện tư duy cực tốt mà còn hình thành kỷ luật viết.

Viết danh sách (gạch đầu dòng)

Đây là phương pháp dễ thực hiện, dành cho những bạn chưa từng viết bao giờ. Để thực hiện phương pháp này, bạn chỉ cần nhớ quy tắc: gạch đầu dòng. Nghĩa là thay vì trình bày theo đoạn, bạn chỉ cần gạch đầu dòng ra những ý chính.

Một số gợi ý như là:

– Viết xuống những công việc cần làm trong ngày, trong tuần, trong tháng/quý/năm

– Viết những mục tiêu bạn muốn đạt được trong một tháng/quý/năm

– Viết về những nơi bạn muốn đặt chân đến trong 5 – 10 năm tới

– Viết những tác giả, cuốn sách, bộ phim,… bạn yêu thích

– Viết công thức nấu ăn, hướng dẫn làm một điều gì đó (làm video Tiktok, làm đồ chơi cho bé, hướng dẫn viết sách,…)

Đọc thêm: 

Q&A: 10 câu hỏi về khóa học viết lách của Hải Dương

Cộng tác với báo chí và cách mình có mặt trên 10 tờ báo khác nhau

Áp dụng ngay mẹo đọc sách và ghi chép này để cải thiện kỹ năng viết

Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger

Viết thư cho chính mình

Thực hành viết mỗi ngày từ những phương pháp đơn giản sau
Nguồn ảnh: Noemi Jimenez, Unsplash

Gần 4 năm trước, mình biết đến Future Me – một công cụ cho phép người dùng viết thư và gửi đến tương lai. Thế là mình đã viết một lá thư thật dài gửi cho bản thân.

Thời điểm viết thư là năm 2021, lúc đó mình chỉ là người viết hằng ngày, chưa làm nghề và cũng chẳng có thành tựu gì cả. Và trong một đêm chán nản vì thấy nghề viết này mịt mờ không lối, mình đã viết một bức thư gửi đến bản thân vào năm 2024 bày tỏ mong muốn trở thành một người viết tự do và sống tốt với nghề. 

Thậm chí trong thư mình còn chia sẻ rằng muốn trở thành tác giả sách. Những điều viển vông khi ấy không dám bày tỏ với một ai, mình lựa chọn thổ lộ trong thư. Rồi mình quên bẵng lá thư đi, cứ thế chăm chỉ làm việc.

Cho đến một ngày, mình nhận được thư. Khi đọc lại, nhận ra những điều gửi gắm trong thư phần lớn đã trở thành hiện thực, như là đang sống tốt với công việc này, có muốn cuốn sách cho riêng mình, làm việc với vài nhãn hàng và cũng hướng dẫn cho nhiều học viên. 

Gửi một lá thư đến tương lai, người nhận là chính mình, cảm giác như gửi đi một ước mộng. Để sau này nhận thư, bạn sẽ thấy vui vì điều đã làm được và có động lực cho những điều còn dang dở.

Viết nhanh với Squibler

Mình chia sẻ rất nhiều về Squibler, đây là một công cụ không thể thiếu trong những ngày đầu luyện viết. Squibler giúp bạn cải thiện tốc độ gõ và tốc độ suy nghĩ bằng việc viết nhanh trong khoảng thời gian nhất định.

Bạn có thể cài đặt thời gian để viết, chẳng hạn 3 phút, 5 phút hay 10 phút. Trong khoảng thời gian đó, điều bạn cần làm là viết liên tục những gì có trong đầu vì chỉ cần dừng lại khoảng 3 giây thì mọi thứ trước đó biến mất. Học viên của mình từng sử dụng Squibler để luyện viết mỗi ngày, và sau 3 tháng viết liên tục, bạn đã có thể dễ dàng hoàn thành bài viết 1000 chữ trong vòng 60 phút.

Viết biết ơn

Thực hành viết mỗi ngày từ những phương pháp đơn giản sau
Nguồn ảnh: Melanie These, Unsplash

Cảm ơn mọi điều xung quanh cũng là một cách để ta ghi nhớ điều tốt đẹp và biết đối đãi với người đã từng giúp đỡ ta. Thông thường, mình chọn viết biết ơn vào những ngày cuối năm, khi năm cũ sắp khép lại, mình dành thời gian cảm ơn cho những người đặc biệt yêu quý.

Đó là người thân, bạn bè hoặc một người xa lạ nào đó đã giúp đỡ mình, là bác bảo vệ che ô cho mình trong ngày mưa, là bạn nhân viên giao hàng cẩn thận đặt gói hàng của mình dưới tán cây khi mình vắng nhà, là một độc giả đã gửi tặng cho mình một ly cà phê sau khi mình tư vấn miễn phí cho bạn ấy 30 phút về viết lách.

Nếu bạn muốn cảm ơn đến một ai đó hay một sự vật, sự việc, đừng quên viết biết ơn nhé. Bạn có thể ghi vào sổ, hoặc chia sẻ trên mạng xã hội và đừng quên đánh dấu người nhận để họ nhận được lời cảm ơn từ bạn.

Viết trên mạng xã hội

Nếu bạn có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó, có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trên mạng xã hội. Đó là bài kiến thức nuôi dạy con cái, cách chăm sóc cây cảnh trong nhà, bí quyết nấu món chay ngon, hướng dẫn vệ sinh máy giặt tại nhà,… Bất cứ điều gì bạn biết, đều có thể chia sẻ với độc giả.

Đừng ngại kiến thức của mình chưa vững vàng, bởi ai cũng đi từ số 0 cả. Khi bắt đầu viết trên duongstory.com, những bài chia sẻ của mình cũng chưa sâu sắc, lại mang tính cá nhân quá nhiều. Nhưng về sau, những bài viết mới chuyên sâu hơn, cung cấp thông tin đầy đủ hữu ích hơn. Mình tin là, chỉ cần chia sẻ những điều bạn hiểu biết bằng sự chân thành, đơn giản là độc giả sẽ cảm nhận được.

Hy vọng những phương pháp mà mình gợi ý trên đây giúp bạn dễ dàng thực hành viết mỗi ngày. Không có hành trình nào là dễ đi, nhất là khi bước những bước đầu tiên. Nhưng mình tin nếu bạn đi lâu, đi quen rồi thì sẽ đi xa và đi nhanh hơn.

Để lại một bình luận