Những lưu ý quan trọng khi viết bài phỏng vấn nhân vật

Mình bén duyên với viết lách và sống với nghề từ khi còn là sinh viên năm 2, nhưng mãi đến năm thứ 2 đi làm mới có cơ hội được làm bài phỏng vấn nhân vật. Công ty mình đang làm việc là một trang tin tức về ngành truyền thông quảng cáo, với thế mạnh kể chuyện (storytelling), mình may mắn được đảm nhiệm nhiều bài phỏng vấn nhân vật – tất cả đều khai thác sâu để viết bài dạng longform.

Sau 11 tháng làm việc tại đây, mình đã thực hiện hơn 15 bài phỏng vấn với nhân vật là những người làm trong lĩnh vực sáng tạo và các nhân sự làm việc tại agency. Con số này không nhiều so với những người viết chuyên nghiệp, nhưng mình đã đúc kết được một số kinh nghiệm để viết dạng bài phỏng vấn. Hy vọng những chia sẻ dưới đây hữu ích cho bạn! 

Kiến thức chung về dạng bài phỏng vấn nhân vật

Phỏng vấn là một hoạt động trọng tâm của báo chí, là phương tiện chính để người viết/phóng viên sử dụng để thu thập thông tin nhằm mục tiêu tạo ra một bài viết thuyết phục. Phỏng vấn cũng là cách giúp người viết hiểu hơn về đời sống, công việc của các nhân vật nổi tiếng, từ đó mang đến những nội dung chất lượng cho độc giả. 

Những thông tin thu thập được sau buổi phỏng vấn sẽ được biên tập và viết lại thành 2 dạng bài cơ bản: Hỏi – đáp và tường thuật. 

– Dạng hỏi – đáp bao gồm các câu hỏi và câu trả lời được ghi chép nguyên vẹn trong bài viết. Tuy nhiên, người viết cần biên tập lại (chuyển văn nói thành văn viết) để bài viết trở nên mượt mà, dễ hiểu.

Bạn có thể tham khảo dạng bài này do mình thực hiện trên trang Advertising Vietnam, phỏng vấn Creator Dustin Phúc Nguyễn: “Thay vì lo lắng tương lai không ai cần đến mình nữa, creator có thể tự tạo công việc ngay bây giờ”

Những lưu ý quan trọng khi viết bài phỏng vấn nhân vật
Photo on Unsplash

– Dạng tường thuật là dạng bài sau khi có câu trả lời từ nhân vật, bạn sẽ biên tập lại thành một bài viết dưới góc nhìn cá nhân. Trong bài viết, bạn sẽ chèn một số trích dẫn của nhân vật với các nội dung phù hợp được nhắc đến trong bài.

Bạn có thể tham khảo dạng bài này do mình thực hiện trên trang Advertising Vietnam, phỏng vấn hoạ sĩ Huỳnh Thái Ngọc: “Khách hàng chỉ được feedback các yếu tố truyền thông, còn câu chuyện do chúng tôi quyết định”

Tuỳ vào chủ đề chính và văn phong của từng tạp chí/website mà chúng ta có thể triển khai dạng bài phù hợp. Nếu viết bài phỏng vấn để đăng website riêng, bạn có quyền lựa chọn dạng bài mình muốn. Cá nhân mình thường chọn dạng bài tường thuật vì mang tính kể chuyện và dẫn dắt người đọc tốt hơn. 

Các bước hoàn thiện một bài phỏng vấn

Bước 1: Xác định nhân vật cần phỏng vấn

Bạn cần lựa chọn nhân vật nào bạn muốn kết nối, họ làm trong lĩnh vực gì (có phù hợp với định hướng nội dung của bạn không), bạn muốn khai thác điều gì ở họ,…

Bước 2: Nghiên cứu thông tin về nhân vật

Bạn có thể tìm hiểu thông tin về nhân vật được công khai trên mạng xã hội hoặc các bài viết về nhân vật trên báo chí (nếu có). Đây là bước quan trọng giúp bạn hiểu hơn về nhân vật, từ đó tiếp cận họ một cách dễ dàng hơn. Mình sẽ nói kỹ hơn bước này ở phần sau nhé!

Những lưu ý quan trọng khi viết bài phỏng vấn nhân vật
Photo by Unsplash

Bước 3: Liên hệ với nhân vật

Nếu không biết email, bạn có thể tìm nhân vật qua Facebook, LinkedIn hoặc nhờ người quen kết nối. Để nhận vật đồng ý phỏng vấn, bạn cần nêu rõ mình là ai, đang làm việc ở đâu và mục đích phỏng vấn là gì. Trong trường hợp nhân vật từ chối vì bất kỳ lý do nào, hãy tôn trọng và chờ đợi một thời điểm thích hợp hơn để liên hệ lại.

Bước 4: Lên bộ câu hỏi

Soạn thảo bộ câu hỏi và gửi nhân vật xem trước, cần lưu ý tránh hỏi những câu hỏi đã xuất hiện trên các trang báo khác. Điều này khiến nhân vật cảm thấy khó chịu vì chúng ta không tìm hiểu về họ trước. Đồng thời, bạn có thể hỏi nhân vật muốn lựa chọn hình thức phỏng vấn nào (online, offline hoặc tự soạn nội dung trả lời bằng văn bản).

Bước 5: Phỏng vấn

Nhân vật đã đồng ý lời mời rồi thì chỉ cần “lên đồ” đi phỏng vấn thôi nè. Dù phỏng vấn offline hay online bạn cũng nhớ chọn trang phục phù hợp và đến sớm để thể hiện sự chuyên nghiệp.  

Bước 6: Biên tập câu trả lời và viết bài

Bạn chọn dạng bài hỏi – đáp hoặc tường thuật để triển khai bài viết từ câu trả lời của nhân vật. Ở dạng bài nào, chúng ta đều cần biên tập lại câu trả lời của nhân vật, đảm bảo câu từ dễ hiểu nhưng vẫn đúng ý mà họ muốn truyền tải. 

Bước 7: Gửi bài viết hoàn chỉnh cho nhân vật

Sau khi hoàn thiện bài viết, bạn cần gửi cho nhân vật để học xem qua và chỉnh sửa nội dung (nếu cần). Điều này vừa giúp bạn xác minh lại thông tin đã viết vừa thể hiện sự tôn trọng đối với nhân vật. Ở bước này, mình thường hoàn thiện cả phần design rồi mới gửi để tiện cho nhân vật kiểm tra cùng lúc.

Bước 8: Xuất bản

Sau khi hoàn thiện các bước trên, bạn chỉ cần đăng tải và chia sẻ trên các nền tảng social media là được. 

Đọc thêm:

Bạn có đưa đánh giá chủ quan vào bài viết?

Đây là những lý do khiến bạn viết mãi không tiến bộ

Cộng tác với báo chí và cách mình có mặt trên 10 tờ báo khác nhau

3 lưu ý quan trọng trước khi chỉnh sửa, biên tập bài viết cho người khác

Những lưu ý khi phỏng vấn nhân vật

Dành thời gian để nghiên cứu về chủ đề và nhân vật trước khi phỏng vấn

Việc nghiên cứu kỹ về nhân vật và chủ đề là điều đầu tiên thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp của người viết với người được phỏng vấn. 

Trước khi chọn chủ đề và lên bộ câu hỏi, mình thường “stalk” mạng xã hội, fanpage hoặc website của nhân vật để biết được những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống của họ, những dự án mà họ đang tập trung là gì,… Càng hiểu sâu về nhân vật, mạch câu chuyện càng rộng, cách nói chuyện và tương tác với nhân vật cũng sẽ tự tin hơn. Ngoài ra, mình còn tìm kiếm các bài phỏng vấn về họ để biết ngoài kia người ta đã viết về chủ đề nào rồi và khai thác ở góc độ khác. Bởi vì một bài viết mà chỉ nhắc lại những điều người khác đã viết rồi thì không có nhiều giá trị.

Đặt câu hỏi gần gũi và gợi mở nhân vật trả lời

Bên cạnh việc tránh hỏi những câu hỏi đã được nhân vật trả lời trước đó trong các bài phỏng vấn khác, chúng ta cần đặt câu hỏi gần gũi và gợi mở nhân vật trả lời. Những lưu ý quan trọng nhất khi đặt câu hỏi mình được cấp trên hướng dẫn và đúc kết được là: 

– Không hỏi quá nhiều ý trong một câu, điều này đảm bảo không có ý nào bị bỏ lỡ và giúp nhân vật dễ dàng hệ thống được phần trả lời.   

– Không đặt câu hỏi đóng (chỉ trả lời có hoặc không), những câu hỏi này thường sẽ không thu được thông tin gì từ nhân vật. 

– Không sử dụng ngôn từ nhạy cảm hoặc phóng đại quá mức, khiến nhân vật bối rối không thể trả lời.

– Không hỏi theo trình tự chủ quan theo bộ câu hỏi sẵn có, nên dựa trên câu trả lời của nhân vật để hỏi thêm những câu hỏi mở rộng và giúp cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên hơn. 

– Không xem mọi thứ nhân vật trả lời là điều hiển nhiên, hãy đặt mình vào tâm thế độc giả để hình dung nhân vật trả lời như vậy mình đã hiểu chưa, có bị thiếu hay hụt ý không. Đây là một trong những bí quyết giúp chúng ta tăng xác suất khai thác được thông tin độc quyền (unique) – những gì nhân vật chưa bao giờ kể ở nơi khác. 

Những lưu ý quan trọng khi viết bài phỏng vấn nhân vật
Photo on Unsplash

Giữ sự tò mò và cởi mở

Chỉ sự tò mò và cởi mở để lắng nghe thật sự mới giúp chúng ta đào sâu vấn đề. Không phải nhân vật nào cũng có khả năng trình bày câu trả lời một cách rõ ràng, dễ hiểu. Đôi khi họ cần những câu hỏi mở rộng của chúng ta để trả lời đúng trọng tâm hơn, làm rõ vấn đề hơn. Nhưng nếu chúng ta không cởi mở để lắng nghe họ, họ cũng sẽ không hào hứng để trả lời. 

Hãy luôn đến một buổi phỏng vấn tâm thế tò mò và mong muốn tìm được những câu trả lời thật sự có giá trị, đừng chỉ hỏi cho xong danh sách câu hỏi đã chuẩn bị trước. Và luôn giữ sự cởi mở, không phán xét để lắng nghe 100% nhé! 

Hãy có mặt sớm hơn lịch hẹn

Trừ trường hợp nhân vật tự trình bày câu trả lời bằng văn bản, mình thường phỏng vấn nhân vật bằng cách gặp trực tiếp hoặc online nếu tình hình dịch phức tạp. Dù là gặp mặt trực tiếp hay online, mình nghĩ việc có mặt sớm hơn lịch hẹn không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn cho chúng ta thêm không gian và thời gian để “lên dây cót” trước buổi phỏng vấn. Tránh trường hợp cập rập do mạng yếu hoặc để người khác phải chờ đợi mình. 

Mình thích gặp mặt trực tiếp hơn vì như vậy sẽ dễ cảm nhận được mạch cảm xúc của nhân vật, nên nếu được mình luôn cố gắng hẹn nhân vật tại một quán cà phê. Thường thì mình sẽ đến sớm 15 phút, chọn chỗ ngồi yên tĩnh, thoải mái và gọi một cốc nước để đợi nhân vật. Trong lúc chờ họ tới, mình có thể review lại về chủ đề phỏng vấn, xem hôm nay mình sẽ muốn hỏi họ những gì, ngồi bình tĩnh quan sát xung quanh cho tinh thần vui vẻ hơn. Nhờ đó mà buổi phỏng vấn cũng diễn ra tự nhiên, thoải mái hơn

Mình đánh giá phỏng vấn nhân vật là một dạng bài cực thú vị và giúp người viết rèn luyện được nhiều kỹ năng. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn như viết và biên tập, dạng bài phỏng vấn giúp chúng ta phát triển kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe và giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, nếu có cơ hội bạn hãy mạnh dạn viết dạng bài phỏng vấn và thử áp dụng những “tips” trên đây nhé! 

Tác giả bài viết: Tâm Thương

Bài viết thuộc bản quyền của blogger Tâm Thương đăng lần đầu trên duongstory.com. Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về kỹ năng viết phỏng vấn nhân vật hoặc các dạng bài storytelling, longform có thể theo dõi Tâm Thương qua blog tamthuong.com nhé.

Trả lời

Viết nội dung bằng AI, nên hay không?

Mình có một bạn học viên đang làm công việc Social Media cho một công ty. Hơn một năm nay, bạn thường dùng các công cụ AI để tìm kiếm ý tưởng, lập dàn ý và viết bài để đăng trên trang cá nhân. Lạm dụng quá nhiều, dẫn đến

Đọc tiếp