Có một thời gian mình được bạn bè nhờ góp ý bài viết review sách, khi ấy mình nhận ra đa phần ở những bài viết của các bạn chỉ nói về nội dung sách mà không có cảm nhận cá nhân, thứ làm nên “bản sắc” của một bài review sách. Sau vài lần sửa bài cho các bạn, mình rút ra được 6 bước đơn giản để ai cũng có thể bắt đầu viết cảm nhận một cuốn sách bất kỳ.
Bước 1: Tại sao bạn đọc cuốn sách đó?
Cách đơn giản nhất để bắt đầu viết review sách là chia sẻ lý do vì sao bạn lại chọn cuốn sách này. Ví dụ bạn muốn chọn review cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè của tác giả Hải Dương, lý do có thể bạn vô tình nhìn thấy một người bạn khác đọc và khen hay nên cũng muốn đọc. Hoặc cũng có thể đó là cuốn sách bạn đã mong chờ từ rất lâu mới được xuất bản. Hoặc có thể đó là cuốn sách bạn bắt buộc phải đọc để phục vụ công việc.
Bằng cách này, bạn sẽ không quá bị áp lực rằng mình phải viết những câu mở đầu thật hay và thu hút. Đôi khi sự đơn giản và chân thực lại tạo nên sức hút.
Bước 2: Điều đặc biệt ở cuốn sách
Tiếp đến, bạn hãy cho độc giả hiểu sơ qua về cuốn sách, giống như khi bạn giới thiệu một người bạn mới cho bạn bè của mình. Sau khi giới thiệu mối quan hệ của bạn và người đó, bạn phải giới thiệu tên, tuổi, quê quán của người đó cho mọi người. Tương tự, ở phần này bạn sẽ giới thiệu về tác giả cũng như đôi điều về tác phẩm.
Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây để có thêm ý tưởng:
Hoàn cảnh sáng tác cuốn sách này có gì đặc biệt không?
Ví dụ: Cuốn sách “Thư viện lúc nửa đêm” được viết trong thời kỳ tác giả Matt Haig đang trải qua một giai đoạn khó khăn về sức khỏe tinh thần. Anh tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống thông qua việc khám phá những lựa chọn khác nhau mà anh có thể đã thực hiện.
Tác giả cuốn sách này có gì đặc biệt không?
Ví dụ: Tác giả J.K. Rowling của “Harry Potter” là một người mẹ đơn thân. Cô từng phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính trước khi trở thành một trong những nhà văn thành công nhất mọi thời đại.
Cuốn sách này có gì đặc biệt không?
Ví dụ: Cuốn sách “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry là cuốn sách dành cho trẻ em nhưng chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống và tình yêu. Cuốn sách này cũng được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ trên thế giới.
Tên cuốn sách có điều gì khác lạ không?
Ví dụ: Tên cuốn sách “Giết con chim nhại” của Harper Lee gợi nên sự tò mò vì sử dụng hình ảnh một con chim hót – biểu tượng cho sự trong sáng và vô tội. Hành động đầy bạo lực này kết hợp với hình ảnh con chim phản ánh sâu sắc những bất công xã hội trong cuốn sách.
Đọc thêm:
Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì?
10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết
Nằm nghe gió thổi sau hè trong cái nhìn của người trưởng thành
10 đầu sách hay về viết lách giúp bạn trở thành freelance writer
Bước 3: Tóm tắt nội dung sách
Đây có lẽ là phần dễ nhất khi viết bài review sách, bởi vì bạn chỉ làm nhiệm vụ đơn giản là kể lại nội dung sách mà thôi. Tuy nhiên, để tránh kể lan man, dưới đây là kinh nghiệm của mình trong việc tóm tắt nội dung đối với hai dòng sách văn học và sách kỹ năng.
Đối với sách văn học, mình ưu tiên những đoạn tóm tắt nội dung trong phạm vi 6-7 dòng (khoảng 150 từ). Nếu chia sẻ quá dài, bài cảm nhận sẽ trở thành một phiên bản tóm tắt sách. Bạn chỉ cần giúp người đọc nắm được nội dung chính, sau đó tập trung nhiều hơn vào phần quan điểm cá nhân về cuốn sách. Như vậy, bạn mới có thể tạo được một bản sắc riêng của mình.
Ví dụ, khi viết bài review cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi”, dưới đây là phần tóm tắt sách với độ dài khoảng 150 từ của mình:
“Cây Cam Ngọt Của Tôi” kể về cậu bé Zezé, sống trong một gia đình nghèo khó ở Brazil. Zezé, dù hiếu động và thông minh, nhưng thường bị gia đình la mắng, đánh đập. Cậu tìm thấy niềm an ủi từ cây cam nhỏ trong vườn nhà, mà cậu coi như bạn thân và đặt tên là Minguinho. Zezé kết bạn với ông Bồ, người lái xe, người đã giúp cậu cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm. Tuy nhiên, những niềm vui ngắn ngủi của Zezé bị tan vỡ khi cây cam bị chặt để mở đường và ông Bồ qua đời trong một tai nạn. Những mất mát này để lại nỗi đau sâu sắc cho Zezé. Cuốn sách là câu chuyện cảm động về tuổi thơ khó khăn, tình bạn, lòng nhân ái và sự trưởng thành qua những thử thách của cuộc sống.
Đối với dòng sách kỹ năng, mình ưu tiên liệt kê lại từ 3 – 5 ý chính của sách. Bạn có thể dựa vào mục lục sách đã chia các chương hoặc tự đúc rút ra những ý chính trong quá trình đọc.
Đây là phần tóm tắt những ý chính từ cuốn sách “Atomic Habit” mà mình đã đọc:
– Hiệu ứng tích lũy của thói quen nhỏ: Những thay đổi nhỏ hàng ngày có thể dẫn đến cải thiện đáng kể trong dài hạn. Cải thiện bản thân 1% mỗi ngày sẽ tạo ra sự khác biệt lớn theo thời gian.
– Quá trình tạo dựng và phá bỏ thói quen: Để hình thành thói quen mới, hãy tuân theo bốn quy luật: Tín hiệu, Khát vọng, Phản ứng, và Phần thưởng. Để phá vỡ thói quen xấu, làm cho chúng không hiển thị, không hấp dẫn, khó thực hiện và không thỏa mãn.
– Hệ thống hơn là mục tiêu: Thay vì chỉ đặt mục tiêu, hãy xây dựng hệ thống và quy trình để đạt được chúng. Tập trung vào hệ thống giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho thói quen tốt phát triển.
Bước 4: Điều bạn thích và không thích ở cuốn sách
Phần này là phần mình yêu thích và mong chờ nhất. Suy cho cùng, mục đích phổ biến nhất của việc viết review sách chỉ có hai: khen hoặc chê. Vậy nên đây chính là lúc để bạn trình bày những cảm nhận riêng của bản thân về cuốn sách.
Bạn có thể kể về một chi tiết mà bạn ấn tượng, hoặc một ý tưởng mà bạn thấy có thể áp dụng ngay.
Ví dụ, trong cuốn sách “Bà nội Găngxtơ” của David Walliams mình đọc gần đây, có một chi tiết mình thấy khá ấn tượng nên mình chọn để ghi vào bài viết review của mình. Đó là chi tiết bà nội của Ben không biết nói gì với cậu và cậu cũng thế mặc dù hai bà cháu mỗi tuần đều sẽ ở cùng nhau từ chiều thứ Sáu đến trưa thứ Bảy. Tất cả những gì cả hai làm là ăn trong im lặng, chơi trong im lặng và ngủ sớm. Điều này phần nào phản ánh thực tế sự giao tiếp của các thế hệ ngày nay. Ông bà mong cháu về thăm, nhưng cháu về chẳng hỏi han, chỉ cắm mặt vào điện thoại, đến lúc ngước lên thì cũng không biết nói gì ngoài câu: “Có gì ăn không bà?” Một thực tế, cũng là một lời nhắc nhở để chúng ta nghiêm túc xem lại.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy một chi tiết nào đó trong truyện không hợp lý, hoặc một phương pháp được đề cập trong sách còn thiếu bằng chứng khoa học, thì bạn cũng có thể trình bày ở phần này.
Tính cá nhân trong một bài review sách được thể hiện nhiều nhất ở phần này. Vậy nên bạn có thể tự do trình bày những điều bạn thích hoặc chưa thích ở cuốn sách đó, nếu kèm theo lý do và gợi ý chỉnh sửa sẽ càng tốt hơn.
Bước 5: Những việc sẽ làm sau khi đọc cuốn sách
Một phần mà mình thấy mọi người ít khi nói đến trong các bài review sách chính là chia sẻ về những việc bạn sẽ làm sau khi đọc cuốn sách này.
Nếu bạn rất yêu thích cuốn sách đó, bạn có dự định sẽ tìm đọc thêm các tác phẩm khác của cùng tác giả?
Nếu bạn thấy cuốn sách đó trình bày rất nhiều những phương pháp giúp loại bỏ thói quen trì hoãn, bạn dự kiến sẽ áp dụng chúng như thế nào?
Đây là một phần rất hay, nhưng chính bản thân mình cũng ít khi viết vào bài review sách. Bởi mình nghĩ ý này không cần thiết, và làm gì tiếp theo là việc của bản thân, không liên quan đến việc review sách. Tuy nhiên, khi mình xem rất nhiều video về đọc sách, các chuyên gia đều bảo để nhớ được nội dung của một cuốn sách nhanh nhất thì phải thực hành nó, và để việc thực hành dễ đi vào thực tiễn thì hãy nói ra nó.
Ngoài ra, nếu bài viết của bạn có thêm phần này sẽ khiến độc giả cảm thấy thú vị hơn. Ví dụ như bạn sẽ liệt kê ra một số cuốn sách cùng chủ đề, cùng tác giả dự kiến sẽ đọc. Như vậy, độc giả vừa có thêm một vài gợi ý đọc, vừa nhớ đến và theo dõi xem bạn sẽ đánh giá những cuốn sách đó ra sao.
Bước 6: Chấm điểm và đánh giá
Để kết thúc một bài review sách, bạn có thể cho điểm cuốn sách trên thang điểm 10, hoặc đánh giá sao theo thang 5 sao. Đồng thời, bạn có thể đưa ra một vài đối tượng phù hợp với cuốn sách theo quan điểm của chính bạn.
Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn sách “Atomic Habit”, đây là phần chấm điểm và đánh giá của mình:
– Chấm điểm: 9.5/10
– Ai phù hợp để đọc: người bị trì hoãn kinh niên nhưng muốn thành công
Với 6 bước đơn giản này, mình tin các bạn sẽ dễ dàng viết review sách mà không sợ bị sa đà vào nội dung sách. Để bài viết thêm phần trọn vẹn, bạn có thể đính kèm một số bức ảnh như: ảnh bìa sách, ảnh những trang có câu quote được tô đậm, ảnh bạn ghi chép đọc sách,…
Tác giả bài viết: Mai Sương
Bài viết của tác giả Mai Sương thuộc bản quyền duongstory.com. Mai Sương là học viên khóa Viết nâng cao K03 của mình, tốt nghiệp chuyên ngành Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và hiện đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản. Bạn có thể kết nối với Mai Sương qua trang cá nhân: Mai Sương