“Chị có thấy bài này rất quen thuộc không? Nó không khác gì những bài viết khác trên Google cả.” Câu nói từ mentor Hải Dương khiến mình khựng lại. Mình đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng chỉ cần liệt kê các dịch vụ, tiện ích hiện có của sản phẩm là đủ. Nhưng không, khách hàng cần nhiều hơn thế.
Và sau nhiều lần học hỏi, rút kinh nghiệm, mình hiểu rằng để có thể xây dựng nội dung thu hút khách hàng tiềm năng, người viết nên chia sẻ trải nghiệm nhiều hơn. Và điều đó đòi hỏi một sự thấu hiểu sâu sắc khách hàng mục tiêu, sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Hiểu đúng độc giả mục tiêu
Để viết nội dung thu hút, điều đầu tiên mình học được là cần phải thật sự hiểu rõ về khách hàng mục tiêu. Không chỉ riêng lĩnh vực Khách sạn – Nhà hàng, mà ở bất kỳ ngành nghề nào, khi biết khách hàng là ai, bạn sẽ dễ dàng tạo ra nội dung chạm đến trái tim họ.
Với ngành này, khách hàng mục tiêu thường rất đa dạng. Bạn có thể bắt gặp hộ gia đình đi nghỉ dưỡng, nhóm bạn trẻ đi du lịch hay cặp đôi đi nghỉ tuần trăng mật. Ngoài ra, đó còn có thể là doanh nhân đi công tác, muốn có một điểm lưu trú yên tĩnh để làm việc, nghỉ ngơi. Mỗi nhóm đối tượng lại có những nhu cầu, mong muốn khác nhau về sản phẩm/dịch vụ.
Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào loại hình dịch vụ mà sự mong đợi cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn với dịch vụ lưu trú, khách hàng thường muốn tìm được nơi dừng chân thoải mái, tiện nghi với chiếc giường êm ái như ở nhà. Nhưng với dịch vụ ăn uống, khách hàng lại hy vọng tìm một địa chỉ có món ăn hợp khẩu vị hoặc mang đậm dấu ấn riêng.
Khách hàng thuộc ngành này không chỉ quan tâm đến dịch vụ, tiện nghi mà còn bị ảnh hưởng bởi một chút cảm xúc trong trải nghiệm của mình. Chính vì thế, một khi hiểu đúng độc giả mục tiêu, bạn có thể tạo nên những nội dung chạm đến tâm lý của khách hàng.
Mình đã từng viết thế này: “Mỗi phòng tại đây đều có cửa sổ lớn hoặc ban công đón gió trời, giúp bạn cảm thấy thư thái khi trở về”. Ở đây, mình khéo léo nhắc đến đặc điểm phòng nghỉ có cửa sổ hoặc ban công. Đồng thời, mình lồng ghép cảm giác thư thái mà khách hàng sẽ được trải nghiệm khi lưu trú tại đây. Bạn cũng có thể đọc thêm các bài viết khác trong hồ sơ năng lực của mình nhé.
Đọc thêm:
Content writer hướng nội, làm sao để có khách hàng?
Quy trình viết nội dung ẩm thực của một cây viết F&B
10 mẹo hữu ích giúp bạn viết nhanh hơn, viết nhiều hơn
Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger
Tạo sự đa dạng trong các nhóm nội dung
Sau một thời gian viết bài cho khách sạn, mình gặp phải vấn đề nghiêm trọng là các nội dung viết ra đều na ná nhau. Điều này không những khiến độc giả cảm thấy nhàm chán, nội dung cho thương hiệu thì một màu mà ngay chính bản thân mình cũng dần bí ý tưởng để triển khai.
Thế là mình bắt đầu tìm đọc nhiều hơn để thu thập ý tưởng. Mình đọc sách báo trong ngành, nội dung từ đối thủ cũng như ý kiến đánh giá, đóng góp của khách hàng. Bên cạnh đó, thông qua những chia sẻ tận tình của mentor Hải Dương trong chương trình Content Website – một khoá học giúp mình tiến bộ rõ rệt cả kỹ năng lẫn tư duy viết, mình hiểu rằng cần đa dạng các nhóm nội dung khi viết bài.
Và dưới đây là những nhóm nội dung mà mình thường sử dụng:
– Nhóm nội dung giới thiệu dịch vụ và tiện nghi: Đây là nhóm nội dung cơ bản nhưng vô cùng quan trọng. Thông qua những nội dung này, khách hàng có thể nắm được các dịch vụ tiện nghi hiện có của khách sạn, nhà hàng. Bạn có thể lồng ghép các câu chuyện để nội dung được hấp dẫn hơn đấy nhé.
– Nhóm nội dung trải nghiệm, đánh giá của khách hàng: Chúng ta thường có xu hướng tin tưởng hơn vào những trải nghiệm của người khác. Chính vì thế, với nhóm nội dung này, bạn có thể giúp người đọc thêm tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Vậy nên, đừng bỏ qua bất kỳ lời khen, lời đánh giá nào của khách hàng để làm chất liệu viết bài.
– Nhóm nội dung liên quan đến du lịch, địa phương: Trước mỗi chuyến đi, độc giả thường tìm hiểu trước đặc điểm địa phương, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống tại nơi sẽ đến để lên kế hoạch hợp lý. Cho nên, đây sẽ là nhóm nội dung giúp bạn thu hút khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
– Nhóm nội dung sự kiện, ưu đãi: Những bài viết này không chỉ tạo cảm giác phấn khích mà còn thúc đẩy khách hàng hành động ngay lập tức, như đặt bàn hay đặt phòng sớm để không bỏ lỡ các ưu đãi hấp dẫn.
Chọn phong cách viết phù hợp
Mình biết rằng, phong cách viết cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút độc giả mục tiêu. Vậy nên, mình chọn giọng văn chuyên nghiệp nhưng gần gũi cho mỗi bài viết thuộc ngách Khách sạn – Nhà hàng. Phong cách này giúp mình làm nổi bật được sự đẳng cấp, tiện nghi của thương hiệu nhưng không khiến độc giả cảm thấy “xa cách”.
Ngoài ra, tùy thuộc vào mỗi dịch vụ mà mình sẽ sử dụng giọng văn phù hợp. Ví dụ, mình thường sử dụng giọng văn gần gũi nhưng lãng mạn, tinh tế và tràn đầy cảm xúc để nói đến dịch vụ cưới. Khi đó, bài viết có thể gợi lên cảm xúc thăng hoa, trọn vẹn và hạnh phúc của ngày trọng đại.
Nhưng khi viết về dịch vụ tổ chức sự kiện – hội nghị, mình lại viết với giọng văn nghiêm túc và lịch sự. Bởi vì các buổi hội nghị và hội thảo thường rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Vậy nên, mình muốn khách hàng cảm nhận được sự chuyên nghiệp và chỉn chu qua từng chi tiết trong quá trình tổ chức. Sự nghiêm túc và lịch sự trong giọng văn không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn góp phần làm tăng sự tin tưởng và an tâm của khách hàng về một sự kiện thành công.
Từ khi nhận ra bài viết không chỉ cung cấp thông tin mà còn giúp kết nối cảm xúc với khách hàng, mình đã dần thay đổi để xây dựng nội dung thu hút hơn. Kết quả, các bài viết không những khiến độc giả yêu thích mà còn tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp. Và mình tin rằng, bạn cũng sẽ làm được.
Tác giả bài viết: Thủy Tiên
Bài viết của tác giả Thủy Tiên thuộc bản quyền duongstory.com. Thủy Tiên là học viên khóa học Content Website của mình và hiện đang là cây viết tự do thuộc lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn. Bạn có thể cộng tác với Thủy Tiên thông qua hồ sơ năng lực này.