Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới

Bạn muốn đăng một bài viết lên blog hoặc cộng đồng viết lách, nhưng không có Biên tập viên hoặc leader nào giúp bạn chỉnh sửa câu từ, vậy bạn phải làm gì? Đã đến lúc, bạn cần phải học cách tự biên tập bài viết của chính mình. Một số hướng dẫn cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn làm điều đó một cách dễ dàng hơn.

Rà soát lỗi chính tả

Không chỉ người mới tập viết mà một số cây bút lâu năm đôi khi cũng sẽ mắc lỗi chính tả hoặc lỗi đánh máy. Vì vậy trước khi công khai hoặc xuất bản bài viết, bạn nên dành thời gian rà soát lại các lỗi chính tả. Bạn có thể thử một vài mẹo sau nhé:

  • Chỉnh size chữ to hơn so với thông thường để phát hiện những lỗi sai.
  • Sử dụng Google Docs để viết bài sẽ giúp bạn hạn chế các lỗi chính tả. 
  • Đối với những từ ngữ bạn không chắc chắn, hãy tra Google hoặc sử dụng từ điển để tra cứu. 
  • Đối với văn bản nhiều trang, bạn nên in ra giấy để kiểm tra lỗi đánh máy. Khi đó, bạn có thể phát hiện thêm nhiều lỗi mà bạn trước nay chưa từng biết.

Hệ thống tiếng Việt vẫn chưa có quy tắc chính xác tuyệt đối, và vẫn còn tranh cãi nhiều về việc sử dụng từ này hay từ kia. Chẳng hạn như chỉnh chu hay chỉnh chu, chẩn đoán hay chuẩn đoán,… Nếu phân giữa việc dùng chúng, bạn nên tham khảo từ điển. Mình tin với những cuốn sách đã được dày công nghiên cứu và biên soạn, ít nhất nó sẽ không sai.

Diễn đạt câu ngắn gọn, dễ hiểu

Một số bạn mới tập viết có thói quen diễn đạt lòng vòng, khó hiểu. Hơn nữa, nếu bạn dịch hay viết lại thông tin từ các bài báo tiếng Anh, cố gắng trau chuốt từ ngữ nhé. Nếu không người đọc sẽ hoang mang không hiểu bạn muốn nói cái gì. 

Ví dụ bài của một bạn học viên lớp viết miễn phí: “Theo Khảo sát sức khỏe quốc gia tại Mỹ năm 2017 cho thấy 94% người lớn tập yoga vì các lý do liên quan đến sức khỏe như phòng ngừa bệnh hoặc để cải thiện năng lượng và 18% cho biết họ tập Yoga để điều trị một tình trạng sức khỏe cụ thể.”

Đoạn viết trên mắc lỗi dài dòng và cụm từ “điều trị một tình trạng sức khỏe cụ thể” mơ hồ và khó hiểu. Thay vì thế chúng ta có thể tự biên tập bài viết ngắn gọn và dễ hiểu hơn: “Một cuộc khảo sát tại Mỹ năm 2017 cho thấy 94% người lớn tập yoga để phòng ngừa bệnh, cải thiện sức khỏe và 18% tập Yoga để điều trị bệnh lý.”

Photo by Viktor Hanacek on Picjumbo

Hoặc bạn có thể tham khảo ví dụ này:

  • Trước: “Thay vì cố gắng “không” suy nghĩ vẩn vơ đến những điều về cuộc sống hàng ngày làm bạn cảm thấy căng thẳng, hãy hướng bản thân tập trung vào cái gì đó tích cực hơn, như hơi thở.”
  • Sau: “Thay vì không nghĩ đến những điều làm mình căng thẳng, bạn nên tập trung vào một cái gì đó tích cực hơn, như hơi thở.”

Bài viết liên quan:

Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết

Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết

Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?

Chú ý lỗi lặp từ, lặp ý

Không chỉ cây viết mới mà ngay cả bản thân mình vẫn thường xuyên mắc lỗi lặp từ. Để cải thiện lỗi này, mình tự học cách biên tập bài viết theo các bước sau:

  • Đọc to những gì vừa viết để phát hiện từ trùng lặp.
  • Bỏ từ lặp nếu nó không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa của câu văn. 
  • Thay thế từ lặp bằng một từ gần nghĩa, đồng nghĩa nếu việc cắt bỏ làm mất nghĩa vốn có của câu.

Để dễ hình dung, bạn có thể tham khảo ví dụ sau nhé:

  • Trước: “Bạn nên viết lại ý tưởng viết lách thú vị này vào sổ tay để viết bài cho blog.”
  • Sau: “Bạn nên ghi lại ý tưởng thú vị này vào sổ tay để viết bài blog.” 

Trong ví dụ gốc có 3 từ “viết”. Từ “viết” đầu tiên có thể đổi thành từ đồng nghĩa, gần nghĩa như “ghi chép”, “lưu lại”, “chép lại”, “ghi chú”,…; từ “viết” thứ hai bỏ đi không ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu.

Ngoài ra còn một số lỗi khác, bạn có thể đọc bài viết Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục trên blog mình nhé.

Mạnh dạn cắt bỏ từ thừa

Nếu sử dụng từ thừa quá nhiều, câu văn sẽ dài dòng lê thê và người đọc sẽ có cảm giác mệt mỏi. Đối với những từ khi bỏ bớt, ý nghĩa câu văn không đổi thì bạn nên mạnh dạn cắt bỏ nó. 

Hướng dẫn cơ bản cách tự biên tập bài viết cho người mới
Photo by Olia Danilevich on Pexels

Bạn có thể tìm một bài viết cũ và xem xét có những từ thừa như “thì”, “mà”, “là”, “khá”, “rất”,… hay không. Nếu có thì hãy cắt bớt chúng và đọc lại câu một lần nữa. Bạn tham khảo ví dụ sau nhé:

  • Trước: “Yoga nó được xem là cách tốt nhất để giảm cân. Nếu tập Yoga thường xuyên bạn sẽ thấy cơ thể rất săn chắc, thon gọn.”
  • Sau: “Yoga được xem là cách tốt nhất để giảm cân. Nếu tập Yoga thường xuyên bạn sẽ thấy cơ thể săn chắc, thon gọn.” 

Nên tách đoạn, tách câu

Tách đoạn khi bạn diễn đạt xong một ý và muốn triển khai thêm một ý khác. Điều này sẽ giúp bài viết rõ ràng mạch lạc hơn, người đọc cũng dễ theo dõi. Khi tách đoạn, nên dùng từ nối để tạo sự liên kết giữa hai đoạn văn. Ví dụ: Hơn nữa, đặc biệt, vì thế, bên cạnh đó,…

Ngoài ra bạn cũng đừng viết một câu quá dài, người đọc sẽ cảm thấy mệt mỏi vì không biết khi nào thì họ có thể dừng lại để nghỉ. Đối với những câu quá dài, bạn nên tách chúng ra. Bạn có thể tham khảo ví dụ sau:

  • Trước: “Bạn có thể nắm tay lại và để trong lòng, hoặc để thả lỏng chúng bên hông, hay làm bất cứ kiểu nào miễn là vẫn đảm bảo đầu óc bạn được thư giãn và tập trung cao độ vào hơi thở của mình.”
  • Sau: “Bạn có thể nắm tay lại để trong lòng hoặc thả lỏng bên hông. Hay làm bất cứ kiểu nào bạn thích miễn là đầu óc được thư giãn và tập trung cao độ vào hơi thở của mình.”

Sử dụng dấu câu và icon hỗ trợ

Việc sử dụng dấu câu hợp lý sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp cho bài viết của bạn. Quy tắc sử dụng dấu câu đã có trên mạng, bạn có thể tìm đọc nhé.

Photo by Viktor Hanacek on Picjumbo

Điều này mình thấy thường xuyên ở các bài viết mang tính văn học ví dụ như truyện ngắn, tản văn hay truyện dài. Có lẽ mục đích của người viết muốn nhấn mạnh câu nói hoặc có hàm ý sâu xa. Tuy nhiên trong tiếng Việt chúng ta không có dấu !?, ???, !!!,… Các bạn lưu ý sử dụng cho đúng nhé.

  • Không nên viết: Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content???
  • Nên viết: Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?

Ngoài ra một điều bạn nên lưu ý khi viết bài trên mạng xã hội, đó là việc dùng icon. Icon làm cho bài post trở nên sinh động và thu hút. Tuy nhiên cái gì quá cũng đều không tốt. Vì vậy bạn nên tiết chế và phân bố icon cho hợp lý bằng cách dùng 2, 3 icon trong cùng một bài viết. Hãy nghĩ nhiều hơn đến cảm nhận của độc giả nhé.

Đọc lại bài viết lần cuối

Trường hợp sau khi cắt bỏ các câu, các đoạn thừa và bài viết bị thiếu ý thì bạn bổ sung vào. Hoặc bạn có thể điều chỉnh cấu trúc bài viết như sắp xếp lại các đoạn hay các phần văn bản.

Sau khi đã chỉnh sửa xong các lỗi cơ bản gồm chính tả, lỗi đánh máy, từ thừa,… lúc này bạn hãy đọc lại toàn bộ bài viết một lần nữa. Nếu có thể thì nên đọc to nhé! Khi cảm thấy hài lòng và thỏa mãn thì bạn đã có một bài viết ưng ý rồi.

Bài tập: Hãy chọn một bài bạn từng viết, thử biên tập một những gợi ý trên. Sau đó so sánh với phiên bản đầu tiên, bạn có nhận thấy sự khác biệt gì không?

Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới trên đây hy vọng sẽ giúp bạn có một sản phẩm chỉn chu trước khi ra mắt. Có thể sau khi chỉnh sửa, bài của chúng ta vẫn chưa phải là tốt nhất. Nhưng chỉ cần mỗi ngày phát hiện và sửa một lỗi sai thì đã tiến bộ hơn hôm qua rồi!

Trả lời