Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer, những “được – mất” khi làm tự do?

Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer? Làm freelance writer có hoàn toàn tự do như mọi người vẫn nghĩ? Đó là những câu hỏi mà mình nhận được từ độc giả trong thời gian gần đây. Nếu bạn cũng quan tâm đến công việc viết lách tự do, bài viết này sẽ cho bạn góc nhìn thực tế hơn.

Lý do mình chọn làm tự do?

Bước ngoặt khiến mình chọn nghề viết bắt đầu vào năm 2020 – thời điểm Covid ập đến và mình đã lựa chọn nghỉ việc sau gần 3 năm làm trái ngành. Mặc dù không yêu công việc cũ, nhưng không thể phủ nhận, nó giúp mình sống tốt trong những năm tháng sau khi tốt nghiệp. Và cũng từ môi trường đó, mình học được kỹ năng thiết kế cơ bản để phục vụ cho công việc sau này.

Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer, những “được - mất” khi làm tự do?
Nguồn ảnh: Aleksi Tappura, Unsplash

Mãi khi Covid, mình được trải nghiệm một lĩnh vực mới hoàn toàn – thêu thùa. Mình bắt đầu mua kim chỉ, vải vóc để tập tành làm những món đồ thủ công (kẹp tóc, cột tóc,…). Mình xây dựng duongstory.com và chia sẻ những bài viết hướng dẫn thêu tay. Những bài viết về thêu của mình nhanh chóng xuất hiện ở top Google. Thử gõ “mũi thêu cơ bản” trên Google, bạn sẽ thấy bài viết của mình xuất hiện ở top 1, 2. 

Mặc dù thích thêu, nhưng khi ấy mình tìm được một hướng phát triển nào cho ngách này ngoài việc bán sản phẩm thủ công. Đó là lý do mình đã ngừng cập nhật nội dung thêu trên blog và chuyển hướng sang viết lách – một sở thích khác. 

Mình bắt đầu viết trên trang cá nhân, tạo một cộng đồng viết lách riêng mang tên Ngày đẹp trời để viết. Song song đó, mình phát triển duongstory.com trở thành một blog về viết lách, chia sẻ kỹ thuật viết cơ bản, viết blog, viết content.

Nhờ trải nghiệm này, mình nhận ra rằng không phải ai cũng may mắn chọn được ngách phù hợp khi bắt đầu viết blog. Mình thường bảo với học viên khóa học Viết blog rằng, mọi thứ đều cần có trải nghiệm. Nếu bạn chỉ nghe ai đó khuyên rằng nên viết chủ đề này, lĩnh vực kia mà bản thân bạn không thật sự thích, thì viết sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa. Ngách viết lý tưởng phải là sự hòa hợp giữa điều bạn thích cùng với lĩnh vực bạn có kinh nghiệm/kiến thức.

Đọc thêm:

5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn

10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động

10 câu hỏi mà newbie thường thắc mắc về content writer

Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do

Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer?

Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer, những “được - mất” khi làm tự do?
Nguồn ảnh: Bonnie Kittle, Unsplash

Mình không vội vàng tìm kiếm khách hàng khi bắt đầu làm tự do, vì hơn ai hết mình hiểu bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức còn là số 0. Chính vì vậy, thay vì chọn viết miễn phí hay viết để bán rẻ chất xám thì mình dành thời gian luyện viết. Ban đầu mình chọn viết hằng ngày với những chủ đề đơn giản, sau đó thử thách viết chủ đề phức tạp hơn.

Ngoài luyện viết, mình còn học kỹ năng thiết kế ảnh cơ bản từ Photoshop và Canva. Những bức ảnh ban đầu chưa được tốt, nhưng dần dần về sau mình đã tự thiết kế ảnh cho dự án cá nhân, ví dụ như ebook Viết từ số 0 hay gần đây là ấn phẩm lịch và sổ tay mang tên Ngày đẹp trời để viết 2024. Thậm chí bây giờ, mình gần như kiêm luôn công việc thiết kế ảnh trong mỗi dự án content với khách hàng.

Trở thành người viết tự do, kỹ năng lập kế hoạch, quản lý dự án hay kỹ năng quản trị nền tảng (website, fanpage,…) đều quan trọng không kém. Đó là lý do mình luôn học hỏi để nâng cao năng lực, vì mình nghĩ nếu không nâng cấp bản thân, sớm muộn mình cũng sẽ bị bỏ lại trên con đường làm nghề tự do này. Nhờ đó, từ một thợ viết (chỉ biết nhận chủ đề và viết) vào năm 2022, bây giờ mình có thể lên tư vấn chiến lược, triển khai nội dung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những kế hoạch của mình được khách hàng đánh giá cao, bạn có thể tìm hiểu những thương hiệu mà mình đã hợp tác tại đây.

Bài học mình nhận ra khi làm freelance writer là chuẩn bị nền tảng chuyên môn vững chắc. Bên cạnh đó bạn cũng không ngừng trau dồi bản thân thêm nhiều kỹ năng khác nữa, điều này có thể làm bạn đi chậm hơn nhưng vững chãi hơn, mưa giông bão tố cũng không khiến bạn chùn chân dừng bước. Và luôn nhớ một điều rằng, viết lách cần thời gian, bạn không thể nôn nóng muốn có khách hàng ngay lập tức trong khi kỹ năng viết chưa tốt. 

Những “được – mất” khi làm tự do

Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã viết tự do gần 3 năm, trong đó có gần 2 năm chính thức thành full-time freelance writer. Trên hành trình này, mình nhận được nhiều hạnh phúc, như là hợp tác với nhiều khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; kết nối với học viên khắp thế giới, xuất bản cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè cho riêng mình cùng với 3 cuốn ebook khác. Mình chưa bao giờ hối hận với công việc viết lách tự do, nhưng điều đó không có nghĩa mình hoàn toàn thoải mái.

Mình được tự do về giờ giấc làm việc, tuy nhiên mình dễ rơi vào trạng thái thiếu kỷ luật, lười biếng và bài vở để “nước đến chân mới nhảy”. Những tháng đầu tiên làm tự do, vì chưa có một lịch trình làm việc khoa học, mình đã thức tới 1, 2 giờ sáng để hoàn thành bài vở gửi đến khách hàng.

Mình tự do về không gian làm việc, đổi lại những chuyến đi chơi mình gần như trong trạng thái vừa chơi vừa làm. Mình có thể bay nhảy nhưng cũng dành thời gian kiểm tra thông báo, hộp thư xem phản hồi của khách hàng hoặc những sự cố cần được giải quyết ngay lập tức.

Làm tự do, đồng nghĩa với việc thu nhập của mình không cố định. Không có một con số cụ thể cho người làm tự do – chỉ cần bạn không làm việc, bạn sẽ chẳng có gì cả. 

Mặc dù sẽ có được mất, tuy nhiên mình hài lòng với công việc đang làm. Mình được viết những gì mình thích, viết những gì khách hàng muốn và cung cấp những kiến thức viết lách để các bạn bắt đầu từ số 0 có thể học hỏi, tham khảo và đưa ra quyết định đúng đắn.

Với mình, chọn làm freelance writer là một trong những quyết định sáng suốt nhất kể từ sau Covid. Dù đôi lúc có vài điều không được như ý, nhưng nhìn lại con đường đã qua, mình nhận lại được niềm vui nhiều hơn nỗi buồn, được nhiều hơn mất. Mình có cả một gia tài không chỉ là hơn 20 thương hiệu từng hợp tác, hơn 100 học viên hay vài ba cuốn sách, mà mình còn có được hơn 1000 bài viết trong suốt gần 3 năm qua. Đó là những tài sản vô giá trong hành trình này.

Trả lời