Độc giả ngày nay đã “tỉnh táo” hơn khi đứng trước một bài quảng cáo, thậm chí họ đã quá ngán với những bài tiếp thị kiểu như “sản phẩm của chúng tôi là tốt nhất trên thị trường” hoặc “Mua sản phẩm này vì nó sẽ giúp bạn…”. Chính vì thế những người viết nội dung đã nghĩ ra nhiều cách viết bán hàng, trong đó có hình thức kể chuyện bán hàng bằng storyselling.
Kể chuyện bán hàng làm khả năng tiếp thị nội dung và thúc đẩy doanh số. Dưới đây là 5 bước kể chuyện bán hàng bằng storyselling giúp bạn bán sản phẩm/dịch vụ của chính mình khi làm tự do.
Bước 1: Xác định mục tiêu kể chuyện
Trước khi kể chuyện bán hàng bằng storyselling, bạn không phải bắt đầu vội bằng cách ngồi vẽ ra một câu chuyện. Hãy bắt đầu bằng việc tự trả lời “Bạn kể chuyện nhằm mục đích gì? Bạn sẽ bán sản phẩm gì trong câu chuyện này? Thông điệp bạn gửi đến là gì?…”
Ví dụ, mình cần viết bài bán hàng bằng storyselling nhằm tuyển sinh học viên mới, như vậy mục đích kể chuyện của mình là để thu hút những bạn có nhu cầu học viết. Sản phẩm mình sẽ bán là khóa học viết 1:1 cùng những dịch vụ liên quan như các phiên tư vấn 60 phút, ebook Viết từ số 0.
Thông điệp mình muốn gửi đến là: Dù bạn là ai, bắt đầu với tấm bằng học sinh giỏi Văn hay là một tay mơ, bạn sẽ phải trải qua những thất bại trên hành trình viết. Bạn có thể tự vượt qua khó khăn nhưng sẽ đi lâu hơn, mất nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu có thêm một người đồng hành – một mentor bạn sẽ đi nhanh hơn.
Bước 2: Chọn cách kể chân thành, tự nhiên
Tương tự với ví dụ trên, mình sẽ kể lại câu chuyện của bản thân từ những ngày đầu bước chân vào con đường viết lách và để có được khách hàng đầu tiên. Trong câu chuyện này, mình sẽ lồng ghép các chi tiết đinh như là:
– Theo đuổi con đường viết lách tự do sau hơn 3 năm làm trái ngành và 2 năm thất nghiệp.
– Quyết định học viết và bắt đầu lại từ số 0.
– Bị từ chối, phán xét, đôi lúc bí ý tưởng, bị chê bai, bị từ chối,… và gặp thất bại trong những lần thử gửi hồ sơ đến khách hàng.
Với câu chuyện này, gần như sẽ có nhiều bạn newbie cảm thấy chính họ trong câu chuyện đó, cũng từng viết, gặp thất bại, bị từ chối và không có thu nhập. Ở đây mình khuyến khích bạn đề cao sự thật, hãy kể những câu chuyện có thật bằng giọng văn chân thành, gần gũi và tự nhiên. Độc giả sẽ đồng cảm với câu chuyện của bạn hơn.
Đọc thêm:
Storyselling và nghệ thuật kể chuyện bán hàng
Kể chuyện giúp mình có khách hàng như thế nào?
Sự khác biệt giữa viết cho chính mình và viết cho độc giả
Để trở thành content writer, bạn không thể thiếu những kỹ năng này
Bước 3: Thêm vào câu chuyện những bước ngoặt
Một câu chuyện đều đều không có cao trào sẽ khiến độc giả nhàm chán. Do vậy bạn cần thêm vào câu chuyện của mình những bước ngoặt với các motip như:
– “Before – After”: Nhân vật chính trải qua sự thay đổi lớn từ người tốt thành xấu, từ người lạc quan thành bi quan, từ tích cực sang tiêu cực và chịu số phận bi thảm. Cốt truyện này đa phần sẽ phù hợp với kể cho chính mình (tự sự bản thân) và thường được nhiều tỷ phú/doanh nhân/nghệ sĩ trên thế giới sử dụng trong các cuốn hồi ký.
– Hero’s Journey: Trong cốt truyện này, đa phần nhân vật chính sẽ trải qua hai phần: Đầu tiên nhân vật sẽ không nhận ra mình cần phải thực hiện nhiệm vụ cho đến khi họ được truyền cảm hứng. Sau đó nhân vật tự nhận thức, khao khát được thể hiện sứ mệnh vai trò của mình thông qua nhiệm vụ.
– Hoàn lương: Thông thường nhân vật xuất hiện với một quá khứ bi thảm khiến họ có cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Tuy nhiên xảy ra hàng loạt biến cố, họ đã chuyển mình để trở thành người tốt.
– “Hoài niệm”: Là cốt truyện khá phù hợp để chúng ta xây dựng thương hiệu, như là từ hiện tại nhớ về quá khứ với các chủ đề gợi ý như: chuyện đậu Đại học, lần đầu đu idol thành công, bị thất nghiệp, chuyện khởi nghiệp,…
Trở lại với ví dụ câu chuyện bán hàng storyselling của mình, mình chọn cốt truyện “Before – After” với bước ngoặt là “Mình viết gần như liên tục đều đặn suốt 11 tháng, 0 khách hàng, 0 thu nhập.” Từ một người gần như không có thu nhập, từng phán xét và nhận được chục lời từ chối khác nhau, mình đã trở thành Content Strategist hợp tác hơn 20 thương hiệu khác nhau, có tên trong 4 cuốn sách, trở thành mentor cho hơn 100 học viên khắp nơi.
Bước 4: Lợi ích và tính năng của sản phẩm hoặc dịch vụ
Sau khi thuyết phục được khách hàng tiềm năng lắng nghe câu chuyện của bạn, giờ là lúc bạn cho họ biết sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ mang lại lợi ích gì cho họ.
Ví dụ trong bài kể chuyện bán khóa học của mình là “Nhưng mình tin bạn không cần phải mất thời gian dài như thế nếu có một mentor đồng hành.” Điều này có nghĩa là khi đồng hành cùng mình trong các khóa học viết 1:1, bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn vì được kèm cặp, sửa chữa bài viết hằng tuần. Thậm chí sẽ có cơ hội được làm việc với các dự án thực tế của mình.
Ở bước liệt kê lợi ích, tính năng của sản phẩm/dịch vụ, bạn nên áp dụng các cách viết quảng cáo. Nghĩa là bạn đừng nên nói về tính năng, hãy nói về lợi ích; đừng nên nói về những gì bạn cung cấp, hãy nói về những gì khách hàng sẽ nhận được ở dịch vụ này.
Bước 5: Kêu gọi hành động (CTA)
Sau khi đã kể xong câu chuyện, đừng quên khéo léo chèn vào CTA (lời kêu gọi hành động) nhé. CTA có thể là:
– Để lại bình luận hoặc chia sẻ bài đăng của bạn.
– Gợi ý để lại email để nhận quà tặng.
– Đăng ký khóa học/ebook miễn phí của bạn
– Đăng ký theo dõi kênh truyền thông của bạn
– Đăng ký khóa học có trả phí của bạn
Và đây là câu chuyện bán hàng storyselling của mình với sản phẩm là các khóa học viết.
“Mình bắt đầu theo đuổi con đường viết lách tự do sau hơn 3 năm làm trái ngành và 2 năm Covid. Dù tốt nghiệp Báo chí nhưng dòng đời lại đưa đẩy mình làm một công việc không liên quan đến viết, mức lương ổn và hai chữ “ổn định” đã khiến mình chấp nhận làm công việc này suốt 3 năm trời, chính xác hơn là 2 năm 8 tháng.
Rồi sau đó, mình quyết tâm tìm một công việc liên quan đến viết và nghĩ về content writer. Nhưng không may, đó là thời điểm Covid bùng phát mạnh mẽ, mình đã thất nghiệp trong 2 năm. Mình tự thêu tay và bán những sản phẩm làm ra, học tiếng Anh với mong ước đổi nghề. Ừ thì mình có thích thêu, thích tiếng Anh nhưng chưa đủ để dấn thân.
Trong những ngày tháng mệt mỏi và chán chường, mình tìm về với viết. Từng là học sinh chuyên Văn, cũng tốt nghiệp trường Báo, những con chữ bắt đầu cuốn lấy mình. Trước tiên là viết cho mình, rồi viết cho người.
Thế nhưng khi bắt đầu lại mọi thứ không đơn giản như mình nghĩ. Viết lên mạng xã hội, viết thương mại là một cái gì đó rất khác so với viết Văn hoặc viết báo. Mình viết rồi sợ sai, sợ phán xét, đôi lúc bí ý tưởng, bị chê bai, bị từ chối,… và gặp thất bại trong những lần thử gửi hồ sơ đến khách hàng.
Khoảng thời gian ấy, mình nhận rất nhiều cái lắc đầu từ chối vì kỹ năng chuyên môn chưa tốt. Nhưng rồi mình không từ bỏ, dành gần 1 năm trời để thực hành viết hằng ngày và luyện viết nâng cao. Mình viết gần như liên tục đều đặn suốt 11 tháng, 0 khách hàng, 0 thu nhập.
Lúc ấy thứ duy nhất khiến mình cố gắng là những lời phản hồi tích cực từ độc giả. Mình cảm thấy dường như mỗi một thời gian qua đi, mình viết tốt hơn, tư duy tốt hơn, kế hoạch rõ ràng hơn, mục tiêu cụ thể hơn.
Dù có vốn liếng về viết nhưng sau 5 năm dài lạc lối, để trở thành một content writer, mình cũng như bạn, là con số 0. Nhưng mình đã cố gắng lấp đầy bằng trải nghiệm, bằng kiến thức học được để sau 11 tháng có khách hàng đầu tiên.
Và giờ thì đã cộng tác với hơn 20 thương hiệu khác nhau, có tên trong 4 cuốn sách, trở thành mentor cho hơn 100 học viên khắp nơi. Nhìn lại con đường dù có hơi lâu, những 11 tháng lận.
Nhưng mình tin bạn không cần phải mất thời gian dài như thế nếu có một mentor đồng hành. Và mình chính là mentor mà bạn cần.
Đồng hành cùng mình trong chương trình
– Viết từ số 0 nếu kỹ năng viết cơ bản của bạn còn yếu hoặc không cải thiện, thiếu kỷ luật viết.
– Viết blog nếu bạn muốn xây dựng và phát triển một chiếc blog bền vững, nội dung có lượt tiếp cận cao.
– Content Website nếu bạn muốn viết nội dung thu hút, hấp dẫn cho website và có cơ hội tìm kiếm khách hàng trong lĩnh vực content.”
Còn bây giờ, đến lượt bạn kể chuyện bán hàng bằng storyselling cho mình nhé. Và đừng quên để lại bình luận cho mình nếu bạn muốn đọc thêm các nội dung khác về viết lách, mình sẽ sớm xuất bản trên duongstory.com.