Nằm nghe gió thổi sau hè – Tấm vé khứ hồi trở lại “căn nhà cũ”

Mình nghe ai đó nói rằng dịu dàng nhất chính là thời gian mà vô tình nhất cũng là thời gian. Thời gian làm con người ta trưởng thành hơn, lớn khôn hơn. Nhưng cũng chính thời gian đã mang đi bao kí ức đẹp của đời người ngày một cách xa. Tuổi thơ chính là một trong những đoạn hồi ức đẹp đẽ ấy. Đó là món quà vô giá mà bao đứa trẻ ai cũng sở hữu một hộp quà con con cất giữ cho riêng mình.

Thời gian lặng lẽ vô tình nào có chờ đợi ai, để rồi một mai lớn lên, đến với thị thành xa lạ mình mới hiểu đường về nhà cách xa thật xa. Cuộc sống với bao bộn bề, lo toan mình chỉ mong được quay lại cái tuổi hồn nhiên, ngây dại cạnh bên gia đình, có ông, có bà, có ba mẹ yêu thương.

Được sống lại một thời tuổi thơ leo núi băng rừng để vác về những chiến lợi phẩm chất đầy nón cời. Nào là sim tím căng mọng, dủ dẻ vàng ươm và cả chùm sương sâm xanh mướt. Từng dòng kí ức dịu nhẹ, êm đềm lũ lượt kéo về trong tâm trí qua lời kể của cô bé Mận trong “Nằm nghe gió thổi sau hè.” Cuốn sách mà khi đọc đến đâu mình chậc lưỡi tấm tắc đến đó. Thì ra tuổi thơ của đứa trẻ nào cũng đều “oanh oanh liệt liệt” như thế nhỉ.

“Nằm nghe gió thổi sau hè” – Tuổi thơ của Mận hay của chúng ta?

Nằm nghe gió thổi sau hè” là cuốn sách tác giả Hải Dương dành tặng tuổi thơ – cảm ơn tuổi thơ đã bao dung, nâng đỡ để cô tận hưởng những tháng năm êm đềm. Đồng thời đây cũng là cuốn sách đầu tay đánh dấu cột mốc đáng nhớ trên con đường trở thành một người viết, để viết cho mình và viết cho người.

Nằm nghe gió thổi sau hè - Tấm vé khứ hồi trở lại “căn nhà cũ”
Nguồn ảnh: Hoi An Photographer, Unsplash

Mận là cô bé lớn lên ở vùng quê nghèo, cuộc sống với bao khốn khó, nỗi lo thiếu trước hụt sau, nhưng không vì thế mà tuổi thơ của Mận u tối đượm buồn. Đổi lại là những tháng ngày hồn nhiên, vui tươi với bao kỷ niệm. Nào là tiếng cười khúc khích nhìn nhau của Út và Mận hay những bữa cơm bình dị đơn sơ đầy ấp tình gia đình, có món “canh nhà giàu”, có gian bánh xèo mùa đông của bà hay chiếc bánh thơm lừng mùi trứng.

“Gian hàng tự phát của bà mở bán bốn mùa quanh năm với những thức bánh quen thuộc mà chúng tôi đều đã thử.”

Suốt tuổi thơ, bà là người gần gũi sớm hôm, luôn dành cho chị em Mận tình yêu thương dịu ngọt. Bà sẵn sàng “nghỉ chơi” với hàng xóm chỉ vì người ta nói cháu bà là “đàn vịt giời”, có bao nhiêu đồ ăn ngon bà đều dành hết cho cháu.

“Tuổi thơ có những gam màu xám xịt bữa đói bữa no, nhưng từ khi có bà mọi thứ trở nên nhiều màu sắc, sống động rực rỡ đôi phần. Mỗi khi đi cạnh bà, tôi cảm tưởng con đường dài hun hút phía trước kia rồi sẽ có lối ra. Tôi nhìn thấy sắc màu tươi xanh của những nhánh cây ngọn cỏ ven đường, tôi thấy đám mây trắng thong dong, bầu trời xanh ngát và lòng tôi cũng bao la hơn.”

Bà sớm hôm tảo tần, luôn tay luôn chân, những đồng tiền bà dành dụm khi thì bán bó rau, khi thì bán trái mướp để cho Mận lên phố có gì ngon mà mua ăn.

“Nhận lấy những đồng tiền, nào là một ngàn, hai ngàn, năm ngàn đã cũ mèm và đầy nếp gấp … tôi xếp chúng lại ngay ngắn. Dụi đầu vào lòng bà, tôi nghe mùi lá trầu thoang thoảng trong không trung. Những đồng bạc nhàu bét, vò nát cả tâm tư!”

Một nỗi nhớ bà trào dâng, lòng mình như thắt lại. Mình nhớ bữa cơm bà nấu, mùi dầu gió thoang thoảng, đôi tay nhăn nheo và cả tiếng cười giòn tan của bà mỗi khi sum vầy cùng con cháu.

Nằm nghe gió thổi sau hè không chỉ là câu chuyện kể về tình thân gia đình, mà đâu đó đan xen những mẫu chuyện dại khờ, những rung động đầu đời của chị em Mận.

Là lần đầu thất tình của chị Hai, lần đầu viết thư tay của cô bé Mận. Để rồi không dám ló đầu ra khỏi nhà khi làng trên xóm dưới ai ai cũng biết Mận thích anh thằng Lư. Lời văn nhẹ nhàng như yến đưa thoi, tác giả đã khéo léo lồng ghép những rung cảm của tuổi mới lớn trong sáng vô ưu, để làm nổi bậc lên câu chuyện tình thân, tình yêu gia đình.

Bài viết liên quan:

Mua sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?

Sách Nằm nghe gió thổi sau hè và 101 câu chuyện “hậu trường”

Các cách xuất bản một cuốn sách và quy trình tự xuất bản sách

Những lần khóc cười cùng trang sách

Theo chân tác giả là những lần cùng khóc cùng cười, khi thì bậc cười thành tiếng với những câu nói hồn nhiên hóm hỉnh của bé Út, hay là hình ảnh chị em chạy trốn vun bao sương sâm sợ ba đánh đòn. Cùng với đó là nỗi thất vọng khi con diều giấy bị mưa gió xô ngã sõng soài trên đất ướt nhẹp, rách tươm. Đó cũng là lần đầu tiên Mận khao khát có một Phượng Hoàng Lửa dũng mãnh, để dù cho bị hạt mưa giày xéo cũng không làm nó thay hình đổi dạng.

“Tôi khao khát được vươn lên bầu trời như con diều vút cao kia, tôi muốn nhìn ngắm mây trời, được thoát ra khỏi cái đói nghèo đang chực chờ cuốn lấy miền quê đầy sỏi đá.”

Dù cuộc sống với bao khốn khó, cái nghèo bủa vây, nhưng Mận vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết của một đứa trẻ, với trái tim khao khát vươn lên.

Nằm nghe gió thổi sau hè - Tấm vé khứ hồi trở lại “căn nhà cũ”

Xuyên qua hình ảnh bé Mận, mình như được sống lại tuổi thơ một lần nữa với bao trò quậy phá. Cảm giác như “bầy ngựa hoang” tung tăng chạy khắp núi đồi với cánh diều vút cao, với chàng ngự lâm dủ dẻ bên công chúa sim tím. Một đoạn hồi ức đẹp, bình yên giữa những tháng năm hè. Rồi khi nhận ra sự tàn phá của thời gian dẫu có đẹp cũng chẳng thể nào níu giữ.

“Ngày còn bé tôi ước mong lớn thật nhanh để rời khỏi miền dấu yêu này mà đến với thị thành tấp nập. Vậy mà giờ đây, tôi lại khao khát mong một lần bé lại, để trở về mùa hè có hoa sim tím, có hương dủ dẻ ngày xưa, trở về nơi khoảng trời đẹp nhất của chúng tôi!”

Từng dòng hồi tưởng như thước phim tua chậm đưa mình trở lại một thời để nhớ, theo mẹ đốn củi, trồng mì, gieo hạt mồng tơi. Khi thì lẽo đẽo chạy theo ngắm hoa cỏ mùa xuân, ngắm vòi nước đung đưa trên luống rau xanh, với đôi mắt thòm thèm dõi theo giỏ bánh ngày Tết. Bao câu thơ câu hát theo gió đi về miền nơi xa. Để khi xa quê mình đêm ngày nhớ mong, luyến tiếc kỷ niệm xưa. Có ai đó gọi hè, có ai đó đứng đợi đôi quang gánh của mẹ, có ai đó háo hức hân hoan trên chiếc xe năm người đi ngắm phố phường về đêm.

Những năm tháng ấy dường như chỉ mới hôm qua để khi ngoảnh lại đã là chuyện của nhiều năm về trước với chiếc võng đung đưa, khoảng sân trước nhà và khoảng trời bình yên. Mình thấy bóng dáng của chính mình thấp thoáng đâu đây, để rồi “Mười năm xa quê, giữa thị thành xa lạ, giữa ánh đèn lung linh chớp nhoáng, giữa tiếng xe cộ bủa vây tứ bề, tôi thèm một lần về lại mái nhà xưa, nơi có bức tường rêu phong đã cũ, nơi có chiếc võng đu đưa, chỉ để… nằm nghe gió thổi sau hè.” Với mình đây không chỉ là cuốn sách tác giả dành tặng chính mình mà còn dành tặng những người con xa quê, dành tặng tất cả chúng ta – những người lớn đã từng là trẻ thơ.

Tác giả bài viết: Lương Thanh Nga

Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Lương Thanh Nga và duongstory.com. Bạn có thể đọc thêm những câu chuyện hay các bức tranh do chính Nga sáng tạo nên, vui lòng theo dõi tại facebook cá nhân: Lương Thanh Nga.

Trả lời