Những kiểu CTV “trời ơi đất hỡi” khiến leader nào cũng muốn bỏ chạy

Làm leader, quản lý một nhóm CTV (cộng tác viên) content website biến bạn từ một người hiền lành dễ tính trở thành một bà cô/ông chú già khó tính, nghiêm túc. Lý do đằng sau phải chăng đến từ những kiểu CTV dưới đây?

Viết sai chính tả, sai ngữ pháp

Không chỉ riêng trong viết lách mà hầu như tất cả ngành nghề khác, sai chính tả là điều khó chấp nhận. Mặc dù nó không phải là thước đo chuẩn xác, song một phần nào đó đánh giá bạn là người thiếu cẩn thận, lười suy nghĩ và năng lực chính tả kém.

Đặc biệt làm những nghề liên quan đến con chữ như content website, writer thì bạn càng nên tỉ mỉ trong câu chữ. Một bài viết hay phải là bài viết đúng chính tả, không mắc lỗi ngữ pháp.

“Sai chính tả trong nghề viết là một điều tối kỵ”

Trước đây mình từng có dịp sửa bài cho một vài người bạn, người em khóa dưới. Và điều mình nhận thấy là hầu như bài nào cũng xuất hiện lỗi chính tả, không ít thì nhiều. Thời gian bỏ ra để sửa chính tả gấp đôi thời gian chỉnh sửa nội dung bài viết.

Trường hợp khác mà mình tin rằng nếu bạn từng làm leader chắc chắn sẽ lắc đầu ngán ngẩm, đó là bài viết mắc quá nhiều lỗi ngữ pháp. Câu văn không có chủ ngữ – vị ngữ. Chưa kể một câu dài 5, 6 dòng không có chấm phẩy khiến cho người đọc tưởng chừng như mình sắp hết hơi.

Làm content website, leader là người sửa bài cho không chỉ một hoặc hai CTV mà còn số đó nhiều gấp ba, gấp bốn lần. Với những kiểu CTV như vậy, leader không sớm thì muộn cũng sẽ “đổ bệnh” mà thôi.

Viết lan man cho đủ số lượng chữ

Viết lan man là căn bệnh chung của nhiều CTV trong những ngày đầu mới vào nghề. Nguyên nhân chính là để đáp ứng đủ số lượng chữ. Với những bài yêu cầu 1000 chữ, 1500 chữ hoặc hơn, leader dễ dàng nhận về hàng chục bài viết lan man không đúng trọng tâm.

Thay vì đọc tài liệu để nghiên cứu đề tài, CTV thường tìm cách làm thế nào để bài viết dài hơn. Và thế là những câu văn dài nửa trang giấy không dấu chấm câu ra đời trong nỗi sợ hãi tột cùng của các leader.

Một số CTV lười suy nghĩ, lười tư duy. Khi nhận được chủ đề, họ không tìm hiểu về sản phẩm, cũng không phác thảo dàn ý chính. Kết quả càng viết càng không thấy cái kết, nội dung thì dài dòng cứ như đưa leader vào một mê cung mơ hồ không thấy lối ra.

Đọc thêm bài viết:

Freelancer tìm công việc viết bài online ở đâu?

10 trang web tuyển CTV viết bài tăng thu nhập mùa dịch

Kinh nghiệm tránh lừa đảo khi viết bài online – Bài học vỡ lòng dành cho CTV mới vào nghề

Copy bài, unique không đạt 100%

“Hãy tạo ra một bản chính hoàn hảo, đừng làm một bản sao chắp vá”

Viết sai chính tả, viết lan man đã đành, đằng này còn đi copy bài trên mạng, hẳn leader nào cũng phải bỏ chạy. Tình trạng CTV copy xào nấu bài người khác xảy ra thường xuyên như cơm bữa.

Một vài CTV xem content website là ngành dễ kiếm ra tiền, vì vậy không ngại vất vả copy từ chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Đó là lý do vì sao cùng một bài với số lượng chữ như nhau, bạn chỉ nhận mức giá 30.000 đồng, 40.000 đồng trong khi số tiền người khác nhận được lên đến vài trăm.

Hiện nay có khá nhiều công cụ check unique (miễn phí lẫn thu phí). Do vậy leader dễ dàng phát hiện ra bài nào đạo văn. Việc copy bài viết không chỉ làm mất thời gian của leader mà qua đó họ còn đánh giá năng lực và đạo đức của bạn.

Một khi bạn không đủ năng lực, không tôn trọng chất xám của người khác thì bạn sẽ không có chỗ đứng trong ngành content website. Cuối cùng sự đào thải không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra.

Thường xuyên chậm deadline

Làm leader sợ nhất là khi nhắn tin Facebook hỏi “Em ơi có bài hôm nay cho chị chưa?” và câu trả lời nhận được là “Xin lỗi chị em quên.”

“Em quên; em bị ốm; em làm xong rồi nhưng mà…” và hàng trăm lý do khác để bào chữa cho việc chậm deadline.

Một khi đã bước chân trên con đường làm leader, mình nghĩ rằng điều đầu tiên bạn nên chuẩn bị là một trái tim sắt đá. Vì chắc chắn sẽ có lúc bạn gặp những tình huống đau tim như thế này.

Thực tế, nhiều CTV sau khi nhận bài thì lặn mất tăm không thấy dạng. Đến khi gần tới hạn nộp bài thì vội vã gửi vài dòng xin lỗi kèm một vài lý do (có thật hoặc bịa ra) chỉ để cho qua chuyện.

Một số trường hợp nhờ người viết hộ để gửi kịp deadline. Bài viết tốt thì không nói làm gì, nhưng có những bài viết cho có, nội dung không có gì ngoài những dòng chữ ráo rỗng vô nghĩa.

Thế mới nói, làm leader ai cũng phải tôi luyện cho mình khả năng chịu đựng cao. Chỉ có những người thần kinh thép mới có thể quản lý một nhóm CTV “sáng nắng chiều mưa trưa lâm râm tối trễ deadline” như vậy được.

CTV ơi! Đọc bài viết này đừng quên không ngừng học hỏi và cải thiện những thiếu sót để ngày một hoàn thiện hơn trong nghề content nhé!

————-

Bài viết liên quan:

Cải thiện những lỗi sai cơ bản sau chắc chắn bạn sẽ viết tốt hơn

Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết lách

2 bình luận

Trả lời