Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè

Đại văn hào Nga Lev Tolstoy từng nói: “Ngôn từ của tác phẩm văn chương khác lời nói thường ở chỗ nó gợi ra một tập hợp không sao kể xiết những ý tưởng, những tình cảm, những sự giải thích.” Câu nói này đã chỉ ra rằng ngôn từ chính là chất liệu của văn học. Nếu người viết nghèo nàn về từ ngữ sẽ khiến bài viết trở nên nhàm chán, đơn điệu và một màu nên việc tăng vốn từ tiếng Việt sẽ dễ dàng mang tác phẩm đến gần hơn với độc giả.

Tăng vốn từ tiếng Việt qua sách

Nằm nghe gió thổi sau hè là tấm vé mang độc giả về những ngày tháng tuổi thơ, sống trọn từng khoảnh khắc dung dị nơi làng quê, những buổi rong chơi trên đồng, bữa cơm nhà ấm áp cùng gia đình Mận. Để làm được điều đó, tác giả Hải Dương đã tận dụng sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, giúp người đọc có được trải nghiệm chân thực qua từng mẩu chuyện.

Vậy các từ vựng độc đáo nào đã xuất hiện trong quyển sách này, cùng khám phá nhé.

– Biền biệt: (đi) không để lại, không có tin tức gì cả

Trong bài “Xuyến” có câu: “Ba vào Nam rồi, không phải đi biền biệt theo năm tháng mà cuối năm ba sẽ về, cứ thế đầu năm lại đi.” Thay vì viết “Ba vào Nam rồi, không phải đi không có tin tức gì theo năm tháng mà cuối năm ba sẽ về, cứ thế đầu năm lại đi.” sẽ khiến câu văn bị lặp từ “không” và trở nên lủng củng, vô hồn. Chính từ “biền biệt” đã khiến sự diễn đạt trở nên gãy gọn nhưng vẫn có chiều sâu và ngữ điệu cho câu văn.

– Buông thõng: chỉ hành động để cho thõng xuống

Từ “buông” thể hiện việc thả, để rơi một vật nào đó một cách tự do. Khi đi cùng với từ “thõng” sẽ khiến người đọc hình dung được hành động buông thẳng xuống một cách tự nhiên. Thay vì diễn đạt “buông tay thẳng xuống” thì sử dụng từ “buông thõng” sẽ tạo cảm giác chuyển động “rơi” nhiều hơn cho câu văn. Ví dụ khi đọc câu sau: “Nó nhìn gương mặt giận dữ của tôi rồi vội buông thõng đôi tay xuống, ban đầu chỉ là tiếng thút thít nhỏ nhưng sau đó là tiếng nức nở mỗi lúc một to hơn.” (trích  “Những khung trời hoa mộng”) ta sẽ dễ dàng hình dung được cách nhân vật thả rơi đôi tay trong cảm xúc thất vọng.

Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè

– Chỏng chơ: chơ vơ và lỏng chỏng

Đây là một từ ghép để thể hiện sự lẻ loi trong khoảng không vừa rộng vừa vắng của từ “chơ vơ” và nhấn mạnh cảm giác thưa thớt, ít ỏi của từ “lỏng chỏng”. Việc kết hợp này tạo nên cách diễn đạt vừa có cảnh vật, vừa có không gian lại vừa giàu cảm xúc. Nhận biết được điều đó, tác giả đã khéo léo đưa từ ghép này vào bài “Những khung trời hoa mộng” khiến câu văn dù ngắn gọn nhưng lại đầy cảm xúc và dễ hình dung: “Nói rồi chị ôm bé Út xuống dưới nhà, bỏ lại mình tôi bơ vơ chỏng chơ trên chiếc giường mây tre.

– Đằng hắng: phát ra tiếng như tiếng ho khẽ trong cổ họng, thường để chuẩn bị nói hoặc để làm hiệu.

Từ này xuất hiện trong bài “Bão” khiến việc miêu tả trở nên chân thực hơn với câu: “Chị tôi đằng hắng giọng, mỗi lần chị giả bộ người lớn, tôi thường thấy chị đằng hắng rồi nói bâng quơ: “Trước giông bão bầu trời lúc nào cũng bình yên!”. Khi đọc vào ta cả thể dễ dàng hình dung được hành động cố tình đẩy tiếng từ cổ họng trước khi chuẩn bị nói. Nếu không sử dụng từ này, thì việc diễn đạt sẽ rất dài dòng để người đọc hình dung được ý cần truyền tải.

– Giả lả: Làm ra bộ vui vẻ để tỏ ý muốn làm nhẹ không khí căng thẳng của người khác với mình.

Thay vì viết “Tôi giả bộ cười vui vẻ” đọc vào sẽ nhàm chán và có phần thẳng thừng, thiếu duyên dáng thì tác giả Hải Dương đã viết “Tôi cười giả lả, vội nắm lấy cái nón cời đội trên đầu để che đi gương mặt đỏ bừng vì xấu hổ.” Lúc này câu văn sẽ trở nên hóm hỉnh và tinh tế hơn nhiều.

– Huyên thuyên: (Nói năng) nhiều lời và lan man, chưa hết chuyện này đã sang chuyện kia

Trong câu chuyện “Có nỗi buồn không cũ nổi trong tôi”, tác giả Hải Dương viết: “Những khi tôi buồn ngủ, bà vẫn cứ huyên thuyên đủ điều, để rồi khi mở mắt tỉnh sức, bà sẽ dúi vào tay tôi một bao chứa đầy những đồng bạc lẻ.” Vốn tác giả có thể sử dụng từ khác thay thế, nhưng có thể nó sẽ không thể truyền tải hết cảm xúc. Chẳng hạn như từ “nói” mang một sắc thái trung lập, không có biểu cảm hay từ “lải nhải” cũng có nghĩa tương tự nhưng lại mang hàm ý tiêu cực hơn. Cụm từ “thao thao bất tuyệt” thì lại quá trang trọng, không phù hợp ngữ cảnh. 

Việc sử dụng từ “huyên thuyên” vừa thể hiện hành động muốn truyền tải, vừa mang lại giá trị biểu cảm cho lời kể về tình thương và sự quan tâm của bà. Trong Từ điển tiếng Việt, cách viết “huyên thiên” hay “luyên thuyên” đều đúng và được chấp nhận tương tự như “huyên thuyên”.

Ngoài ra tác giả còn sử dụng một số từ độc đáo khác ví dụ như: lang bạt, liêu xiêu, lò dò, lơ thơ, lửng lơ, lững thững, luyến lưu, mảy may, núng nính, quyến luyến, tần ngần, thong dong, tỉ mẩn, triền miên, vân vê, vấn vít, vắt vẻo, xoay vần,… Bạn có tìm đọc Nằm nghe gió thổi sau hè để thấy rõ sự tinh tế trong lối diễn đạt của tác giả.

Đọc thêm:

10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi

10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết

Ký ức tuổi thơ ùa về qua trang sách Nằm nghe gió thổi sau hè

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Copyworking để làm giàu vốn từ

Theo tác giả Hải Dương: “Copyworking là một khái niệm học tập bằng cách sao chép lại một từ ngữ, câu nói, trích dẫn, đoạn văn,… thậm chí giọng văn của một tác giả/cây viết nổi tiếng nào đó. Sau đó bạn sẽ ghi chép lại và sử dụng nó trong các bài viết của mình. Copyworking còn là một cách giúp bạn viết tốt hơn, bạn sẽ có nhiều ý tưởng, sáng tạo hơn với câu chữ.” Có thể thấy rằng đây là phương pháp hiệu quả để mở rộng vốn từ và rèn luyện kỹ năng viết.

Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè

Để hiểu rõ hơn phương pháp này, hãy thực hành cùng với một số từ vựng vừa được phân tích phía trên.

– Biền biệt: “Tôi xa nhà cả năm, chỉ khi tết đến mới trở về nhà. Mỗi năm mỗi khác, có năm khấm khá tay xách nách mang biết bao đồ lỉnh kỉnh, có năm khó khăn trở về chỉ với vài hộp bánh mứt công ty tặng. Thể nhưng, chỉ cần đến nhà nhìn thấy mẹ vẫn đứng ở cửa, ánh mắt chờ mong cùng nụ cười ấm áp đón tôi trở về là mọi muộn phiền trong tôi tan biến, biền biệt vào hư vô.”

– Buông thõng: “Sau khi cố hết sức bơi ra giữa dòng nước lạnh buốt trong cái tiết trời mùa đông, anh nắm vội cánh tay yếu ớt đang giơ lên khỏi mặt nước, vòng tay qua người, ôm chặt rồi bơi vào bờ. Trong khi mọi người vây lại sơ cứu em bé, anh đứng sang một góc, thở dốc từng cơn, hai tay buông thõng không còn sức lực.”

– Chỏng chơ: “Trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Hà Giang, em chỉ tay về phía quả đồi trước mặt. Nhà em nằm chỏng chơ bên sườn đồi, nhỏ bé, đơn sơ và mộc mạc.” 

– Thong dong: “Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, ông quyết định đưa bà trở về quê. Đó là nơi hai người lần đầu gặp gỡ, lần đầu rung động và cũng là nơi họ trao lời thề cùng nhau đi đến cuối con đường. Ông hy vọng có thể sống thong dong nơi làng quê yên bình này, gạt bỏ những phiền muộn, lo âu để những ngày tháng cuối đời của bà trở nên ý nghĩa.” 

Khép lại cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè không chỉ khép lại những câu chuyện đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương mà còn mở ra nguồn từ vựng vô cùng đẹp đẽ của tiếng Việt. Thế nên mới thấy, giá trị của một quyển sách không dừng lại ở việc đọc hiểu mà còn mang đến kho tàng từ vựng hay ho. Tăng vốn từ tiếng Việt qua sách cũng là một cách cải thiện tình trạng bí từ hiệu quả, làm giàu ho từ vựng để giúp bạn viết tốt hơn.

Tác giả bài viết: Mai Anh

Bài viết của tác giả Mai Anh thuộc bản quyền duongstory.com. Mai Anh hiện là một freelance content writer. Bạn có thể theo dõi Mai Anh tại facebook cá nhân: Đoàn Mai Anh.

Trả lời