10 câu hỏi bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân

Bạn muốn viết blog cá nhân nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì, nên chọn chủ đề gì. Với 10 câu hỏi dưới đây, mình tin rằng bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất trên con đường trở thành blogger mơ ước.

1. Bạn lập blog miễn phí hay trả phí?

Khi công khai duongstory.com và những bài viết trên mạng xã hội, mình nhận được rất nhiều câu hỏi nên lập blog miễn phí hay trả phí. Thật ra dù ở nền tảng nào cũng sẽ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Để quyết định nên lập blog miễn phí hay có phí, bạn có thể tự trả lời những câu hỏi nhỏ sau:

– Bạn đã chuẩn bị ngân sách để làm blog chưa? 

– Bạn đã từng viết blog chưa? 

– Bạn thấy blog có thật sự cần thiết với bạn (ngay lúc này) không?

Nếu câu trả lời của bạn là Chưa hoặc Không, bạn có thể suy nghĩ về việc tạo một chiếc blog miễn phí. Bởi vì bạn chưa sẵn sàng, bạn cần thời gian để làm quen với viết lách. Vậy nên blog miễn phí là sự lựa chọn phù hợp nhất với bạn.

Bạn có thể lựa chọn tạo blog miễn phí trên WordPress.com, Blogspot hay Medium thông qua những hướng dẫn cơ bản trên Google. Tham khảo ưu điểm và hạn chế của các nền tảng này tại bài viết này nhé: Đem câu chuyện cũ họa đôi ba dòng.

Nếu câu trả lời của bạn là Có, bạn muốn lập blog có phí, WordPress.org là một gợi ý đáng để thử. Theo Creative Minds, ước tính có khoảng 64 triệu trang web hiện đang sử dụng WordPress. Đây là nền tảng web phổ biến, giao diện thân thiện và dễ sử dụng với những bạn newbie. 

2. Bạn dự định đặt tên blog là gì?

Khi đọc câu hỏi này, trong đầu bạn đã hiện lên cái tên blog nào ưng ý chưa? Nếu chưa có hãy làm theo những gợi ý bên dưới nhé.

– Liệt kê tất tần tật những tên blog mà bạn nghĩ đến ngay lúc này (ví dụ như biệt danh, chủ đề bạn viết, một cụm từ hay ho hoặc tên thật của bạn,…)

– Tham khảo ý kiến bạn bè để bổ sung vào kho tư liệu của bạn. Có thể bạn sẽ nhận được những cái tên thú vị mà mình chưa từng nghĩ đến.

– Gạch ra những cái tên bị trùng với những blogger khác bằng cách kiểm tra tên miền trên internet đã được đăng ký mua hay chưa.

– Trong những cái còn lại, xem tên nào bạn thích nhất, ấn tượng nhất. Hoặc bạn cũng có thể đăng bài trên các group để được tư vấn nếu bạn không biết chọn tên nào phù hợp.

Trường hợp bạn muốn viết blog cá nhân để xây dựng thương hiệu, tốt nhất nên dùng bút danh hoặc tên thật của bạn. Hoặc bạn muốn viết blog kiếm tiền, làm kinh doanh bằng việc bán blog (như một số blogger nổi tiếng đã từng làm), không nên chọn những cái tên mang tính cá nhân.

3. Tại sao bạn muốn viết blog?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân. Bạn sẽ có nhiều đáp án, nhiều lý do. Chẳng hạn như bạn viết blog để thỏa mãn đam mê viết lách, mong muốn có một sân chơi với con chữ. Hoặc viết để xây dựng thương hiệu cá nhân, kinh doanh sản phẩm của chính bạn. Bạn cũng có thể để kiếm tiền, làm tiếp thị liên kết,…

Tại sao bạn viết blog cá nhân?
Photo by Rachel Moenning on Unsplash

Hãy suy nghĩ về nó và trả lời những câu hỏi sau:

– Bạn thích viết không?

– Bạn sẽ dành thời gian viết bao nhiêu bài/tuần? 

– Bạn đã suy nghĩ kĩ chưa hay chỉ là hứng thú nhất thời?

– Bạn viết blog theo trào lưu hay là vì bản thân bạn thích viết?

Khi lý do và niềm tin đủ lớn sẽ cho bạn thêm động lực để viết. Mình đã từng chứng kiến một vài bạn lập blog với bao nhiêu ước mơ tươi đẹp. Nhưng cuối cùng 2, 3 tháng chỉ mới sản xuất được một bài. Tất nhiên mình không nói đến chất lượng bài viết thế nào. Nhưng để đi lâu dài, không chỉ có ước mơ là đủ, bạn còn phải nỗ lực và chăm chỉ hơn rất nhiều.

4. Bạn theo đuổi chủ đề là gì?

Lĩnh vực viết lách (thị trường ngách) mà bạn muốn theo đuổi là gì? Nếu bạn chưa tìm được ngách phù hợp, có thể nghĩ về những điều dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé.

Thứ bạn giỏi nhất

Thử nghĩ xem thứ bạn giỏi nhất là gì? Nếu bạn chưa tìm ra, có thể đi tìm câu trả lời thông qua gợi ý sau:

– Xem lại những thành tích, giải thưởng mà mình đạt được. Thành tích nào khiến bạn tự hào và tự tin về nó.

– Hỏi những người xung quanh bạn, ví dụ như bạn bè, đồng nghiệp nhận xét về bạn.

– Hoặc nếu bạn chưa tìm thấy hoặc mọi người chưa nhìn thấy, giờ là lúc bạn phải đi tìm nó.

Thứ bạn hiểu biết hoặc có kiến thức sâu rộng

Đây không hẳn là thứ bạn giỏi mà có thể là từ quá trình làm việc, bạn tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức. Và bây giờ chính là lúc bạn chia sẻ nó đến với mọi người.

Ví dụ bạn đang học để trở thành HLV Yoga. Tất nhiên so với những người chuyên nghiệp khác, bạn vẫn còn thiếu sót. Nhưng bạn có một hiểu biết nhất định để chia sẻ với những người chưa biết gì, thậm chí là mù tịt về Yoga. 

Lúc này bạn có thể chia sẻ về những khó khăn khi người mới tập Yoga mắc phải. Hoặc viết bài truyền động lực cho những ai muốn tập nhưng chưa dám bắt đầu,…

Thứ bạn thích viết nhất

Khi bạn thích điều gì đó, bạn sẽ có nhiều động lực theo đuổi. Tương tự như trong viết lách, bạn thích review phim ảnh, hãy viết về nó. Hoặc bạn muốn trở thành cây viết trong lĩnh vực sức khỏe, tập trung viết ngay từ bây giờ.

Thế nhưng chỉ viết thứ mình thích thôi là chưa đủ, hãy dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về thứ bạn thích. Rồi bạn sẽ xuất bản những nội dung hữu ích và chất lượng hơn.

Thứ đang/sẽ có tiềm năng

Nếu bạn muốn kiếm tiền với nghề viết, có thể áp dụng cách này. Hãy phân tích xem điều gì đang hot, ngách nào có khả năng kiếm được tiền. 

Có thể ngách tiềm năng nó không phải là sở trường của bạn, bạn cũng không giỏi để viết về nó. Nhưng cũng đừng nản lòng, hãy cứ cố gắng mỗi ngày bằng cách đọc thêm sách, xem các chương trình, học hỏi từ những người có chuyên môn. 

5. Bạn đã biết gì về quản trị website?

Nhiều người lầm tưởng rằng viết blog cá nhân chỉ đơn giản là viết thôi, đây là một sự nhầm lẫn rất lớn. Viết blog cá nhân đồng nghĩa với việc bạn tự quản trị một website và vận hành nó. Khi website gặp sự cố, bạn phải biết cách xử lý nhanh chóng và tốt nhất. Bởi vì thời gian web sập càng lâu càng ảnh hưởng đến trải nghiệm của độc giả.

Photo by Scott Graham on Unsplash

Bạn có thể đọc thêm bài viết Bạn sẽ gặp những khó khăn này khi bắt đầu viết blog để hiểu rõ hơn.

Sự cố lỗi web là điều không thể tránh khỏi, do vậy trước khi sở hữu một chiếc blog, bạn nên thực hành:

– Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về cách vận hành website và cách xử lý khi gặp sự cố.

– Tìm cho mình đơn vị set-up blog uy tín, hãy cân nhắc những nơi có chế độ bảo hành.

– Học cách sử dụng, đăng bài,… trên website thông qua Youtube và các tài liệu sẵn có trên mạng.

6. Bạn biết gì về SEO và bài viết chuẩn Seo?

– Bạn muốn bài viết của mình được biết đến nhiều hơn?

– Bạn muốn blog xuất hiện trên công cụ tìm kiếm?

– Bạn muốn có những độc giả trung thành và sẵn sàng truy cập vào blog bạn để đọc tin tức mỗi ngày?

Nếu câu trả lời của bạn là có, giờ đã đến lúc bạn nên nghĩ đến Seo và trang bị kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu với blog. 

Chỉ viết blog cá nhân không mà không chú trọng đến yếu tố Seo thì rất khó để độc giả biết đến bạn và bài viết của bạn. Đầu tư cho nội dung bài viết là tốt, nhưng bên cạnh đó bạn cũng nên tìm hiểu cách viết bài chuẩn Seo. Bạn có thể đọc thêm bài viết: Những thuật ngữ newbie cần biết khi viết bài chuẩn Seo.

Seo sẽ giúp blog bạn xếp thứ hạng cao và có cơ hội lọt top công cụ tìm kiếm. Đồng thời khi tối ưu, blog của bạn sẽ thu hút độc giả trung thành. Thử tưởng tượng độc giả click vào blog bạn với giao diện đẹp, tốc độ load web nhanh chóng, nội dung ấn tượng thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục quay lại.

Hãy dành thời gian tìm hiểu:

– Nghiên cứu từ khóa trước khi viết bài (các công cụ nghiên cứu từ khóa, quy trình nghiên cứu từ khóa).

– Cách viết một bài chuẩn Seo với nội dung thu hút, chất lượng.

– Học Seo Onpage và biết cách xây dựng backlink.

– Sử dụng mạng xã hội để chia sẻ và tăng view cho bài viết.

Bạn không nhất thiết phải học bài bản như một kỹ thuật Seo, nhưng hãy trang bị những kiến thức cơ bản. Nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc quảng bá blog đến với nhiều độc giả hơn.

Một số bài giúp bạn viết nội dung blog tốt hơn:

Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn

6 cách viết mở đầu cứu nguy cho bạn khi bí ý tưởng

10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động

7. Bạn đã lên kế hoạch viết bài cho blog chưa?

Mình từng chia sẻ ở bài viết trước đây, bạn sẽ gặp nhiều trở ngại trên hành trình trở thành blogger. Một trong số đó là trở ngại do chính bạn: vượt qua lười biếng để tìm kiếm động lực viết.

Khoảng thời gian ban đầu là màu hồng, bạn sẽ hăng hái viết và sản xuất ra những chủ đề mới. Tuy nhiên đến một giai đoạn nào đó, bạn sẽ mất dần động lực, không còn thời gian chăm blog. Đây là điều dễ hiểu. Bởi làm blog không mang lại thu nhập, thậm chí bạn phải đánh đổi thời gian và công sức rất nhiều ở giai đoạn đầu.

Vì vậy, bạn nên lên kế hoạch viết bài và dành thời gian viết (kể cả khi bạn chưa có blog nào cả). Bạn có thể dành ngày cuối tuần trong tháng để viết, tương ứng 4 bài/tháng. Tất nhiên bạn có thể viết nhiều hơn (nếu có thể). Điều quan trọng là đặt khung giờ cố định để nhắc nhở bản thân viết.

Một mẹo cho bạn là ghi chép lại những ý tưởng nảy ra trong đầu để triển khai viết blog. Bất kể bạn đang đi xe buýt, ngồi trên tàu lửa hoặc uống cà phê ở một quán cóc vỉa hè, hãy ghi chú lại mọi thứ.

8. Bạn đã sẵn sàng cho những trở ngại chưa?

Thử tưởng tượng thế này, một mình bạn chịu trách nhiệm tất cả mọi thứ trên blog: từ viết nội dung, sự cố, quảng bá. Bạn sẽ có nhiều việc phải làm, cũng sẽ đối mặt với vô vàn trở ngại.

Photo by Karsten Würth on Unsplash

Trở ngại từ chính bạn

Như mình đề cập ở trên, bạn sẽ trải qua việc mình lười biếng, chán nản, mất dần hứng thú thậm chí là bí ý tưởng. Hãy chuẩn bị tinh thần để đối mặt với trở ngại đó. Nếu bạn vượt qua được, bạn sẽ có thêm động lực để bước tiếp. Trường hợp bạn muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ về những lý do bạn bắt đầu hoặc những độc giả đang chờ bài viết tiếp theo của bạn. Và tiếp tục cố gắng nhé!

Trở ngại từ xung quanh

Có thể bạn sẽ đi trên một hành trình đơn độc, tiếp tục viết và chia sẻ trên mạng xã hội. Bạn sẽ gặp những ý kiến trái chiều, thậm chí những chỉ trích về nội dung hoặc blog bạn tệ như thế nào. Tin mình đi, mình cũng đã từng trải qua những điều như thế. Và giờ mình ở đây chia sẻ với bạn. 

9. Kế hoạch trong năm đầu của bạn là gì?

Mặc dù câu hỏi này có vẻ hơi xa, nhưng bạn cũng nên lập kế hoạch phát triển nội dung blog trong một năm là gì. Điều này giúp bạn tránh rơi vào những trường hợp sau:

– Không biết định hướng tiếp theo sẽ làm gì.

– Không sắp xếp được khối lượng công việc.

– Không quản lý thời gian và dễ rơi vào trạng thái bị động.

Bây giờ là lúc bạn tưởng tượng những công việc mình sẽ làm và phát triển nó ra sao. Ví dụ liệt kê một số mục tiêu bạn muốn hoàn thành trong năm đầu:

– Số lượng bài viết cụ thể.

– Quảng bá bài viết trên những kênh nào (Facebook, Youtube, LinkedIn, Tumblr,…)?

Bạn cũng có thể chia nhỏ kế hoạch ra, theo từng quý, theo từng tháng. Lập danh sách công việc bạn muốn làm và giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ: Viết bài blog  -> quảng bá bài viết  -> tương tác với độc giả  -> thực hiện email marketing,…

Dĩ nhiên quy trình mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào định hướng, khối lượng công việc cũng như mục tiêu của bạn.

10. Kế hoạch trong những năm tới là gì?

Sau một năm viết blog cá nhân, giờ là lúc bạn nên ngồi lại phân tích xem tất cả những thống kê, đánh giá về blog. Chẳng hạn như nội dung nào chất lượng, bài viết nào có lượt view cao. Lĩnh vực nào bạn viết đang thu hút độc giả, bạn sẽ làm gì để phát triển nội dung đó.

Ngoài ra, hãy nghĩ đến những dự định xa hơn. Bạn sẽ kinh doanh những dịch vụ gì trên đó? Bạn bán sản phẩm của bạn hay làm tiếp thị bán những sản phẩm của người khác? Bạn sẽ mở rộng dự án mới hay phát triển dự án cũ?

Bạn cũng có thể tìm mentor hoặc một người đồng hành/hỗ trợ bạn trong việc sản xuất nội dung. Bạn sẽ xuất bản ra những nội dung chất lượng, hữu ích với cộng đồng. Ví dụ như ebook (sách điện tử), template hay tài liệu hướng dẫn,…

Mỗi blogger đều đi trên một con đường riêng, không ai giống ai. Kế hoạch của người này sẽ khác với người kia. Vì vậy nếu bạn đi nhanh hơn, bạn có thể tạo ra dịch vụ/sản phẩm nhanh hơn chỉ trong năm đầu viết blog. Điều này hoàn toàn có thể.

Quan trọng là, nếu bạn muốn đi xa hơn, viết blog cá nhân không đơn giản chỉ là chuyện viết lách. Hãy nghĩ về 10 câu hỏi trên đây và lập kế hoạch cho riêng mình nhé!

2 bình luận

    1. Em chào chị Hòa,
      Chẳng lẽ em phải khen lại chị chứ em đang chờ blog web Sẻ nâu nhặt chữ đây chị ạ. Mong dự án của chị sẽ lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến với những bạn thích viết như tụi em.

Trả lời