Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?

Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa? Bạn có bao giờ tự hỏi và phân vân không biết chọn thế nào? Bài viết này mình sẽ phân tích từng ưu nhược điểm của mỗi cách và gợi ý một số lựa chọn phù hợp để bạn hoàn thiện kỹ năng viết nhé.

Ưu – nhược điểm của từng phương pháp

Một số người viết biên tập sau khi hoàn thiện bản nháp đầu tiên, trong khi số còn lại vừa viết vừa chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ. Trong bài viết Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie, mình từng chia sẻ chỉnh sửa bản nháp là công đoạn cuối cùng sau khi viết.

Tuy nhiên trong quá trình sáng tạo nội dung, mình cũng áp dụng cách vừa viết vừa chỉnh sửa. Mình nhận thấy đây cũng là cách viết khá thú vị. Vì vậy bài viết này chia sẻ đến bạn những trải nghiệm từ bản thân mình về cách lựa chọn thời điểm biên tập bài viết phù hợp.

Viết rồi biên tập

Viết xong rồi mới biên tập gần như là phương pháp truyền thống mà nhiều người lựa chọn. Bản thân mình cũng viết rồi biên tập trong phần lớn các bài từ content cho đến tản văn.

Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?
Photo by Nick Morrison on Unsplash

Ưu điểm

  • Viết rồi biên tập sẽ giúp bạn đi theo mạch cảm xúc mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn như bài Về quê thèm một chén sương sâm mát lành được viết theo cách này. Khi đó cảm hứng bắt đầu tuôn trào, mình gõ liền mạch mà không suy nghĩ bất cứ điều gì khác.
  • Bạn sẽ bám theo trọng tâm không sa đà vào các yếu tố khác. Khi tập trung vào viết theo dàn ý đã được vạch sẵn, giống như bạn đang lái con tàu đi đúng hướng. Bạn không quan tâm đến chuyện diễn ra bên ngoài, cứ thế tiến về phía trước.
  • Bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, thú vị hơn. Khi làm theo một quy trình xuyên suốt và không chịu sự ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, bộ não dễ dàng sản sinh ý tưởng mới.
  • Bạn sẽ viết nhanh hơn nhờ vào niềm cảm hứng tuôn trào dữ dội. Hãy luôn tin rằng bản nháp đầu tiên của bạn sẽ hoàn thành sớm hơn dự định.

Nhược điểm

  • Bởi vì viết theo dòng cảm xúc, nên bản thô đầu tiên của bạn chỉ hoàn thiện được 40-60%. Mặc dù bạn hoàn thành nhanh hơn, nhưng bạn cũng sẽ dành nhiều thời gian cho “hậu kỳ” như sửa lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, các lỗi diễn đạt, thậm chí là lỗi logic,…
  • Một số người viết cảm thấy lo lắng bất an về những gì vừa viết ra. Nó giống như kiểu thiếu niềm tin vào bài viết, bởi vì họ cứ lo sợ về nội dung trước đó có sai sót hoặc mắc lỗi nghiêm trọng gì không. Họ vẫn viết nhưng với tâm lý hoang mang, sợ hãi.

Vừa viết vừa chỉnh sửa

Photo by David Travis on Unsplash

Ưu điểm

  • Bản nháp đầu tiên sẽ hoàn thiện 60 – 80% nếu như bạn vừa viết vừa chỉnh sửa. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian cho việc biên tập cuối cùng, bởi mọi thứ bạn đã thực hiện trong quá trình viết. Chẳng hạn như mình viết bài Làm thế nào để viết những gì mình không biết, mình đã áp dụng cách này. 
  • Khi vừa viết vừa chỉnh sửa, mình có cảm giác an tâm về những gì đã viết. Mình tự tin với câu từ, ý tưởng đã triển khai trước đó. Giống như khi xây một bức tường, những những viên gạch đã được đặt chắc chắn ở đó, không bị xê dịch.

Nhược điểm

  • Vừa viết vừa biên tập sẽ ngăn mạch cảm xúc của bạn. Ví dụ khi bạn đang viết một truyện ngắn, thi thoảng bạn dừng lại để chỉnh sửa câu từ cũng sẽ làm cảm xúc bị khựng lại. Một số người viết phải mất một thời gian rất lâu để có thể tiếp tục những gì còn dang dở.
  • Người viết sẽ dễ rơi vào trường hợp viết lan man dài dòng, hoặc lạc đề, lệch đề vì sa đà vào chỉnh sửa quá nhiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi khi chỉnh sửa lại nội dung trước đó, bạn sẽ thêm vào câu từ, đoạn văn,… và có thể nó sẽ đi lệch hướng so với ban đầu bạn muốn nhắm đến.
  • Bạn sẽ rơi vào bẫy tâm lý muốn mọi thứ hoàn hảo hơn, hay còn gọi là rơi vào “chủ nghĩa hoàn hảo”. Lúc này bạn sẽ chỉ muốn sửa sao thật hay, thật tốt nhất có thể. Thậm chí có thể sửa mãi và không hoàn thành kịp deadline.
  • Với cách này, bạn sẽ viết cẩn thận hơn, bạn cũng dành thời gian để biên tập câu từ. Quá trình viết sẽ bị dừng lại, đồng nghĩa với việc bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn. 

Bài viết liên quan:

Những lưu ý cần biết khi viết nội dung chất lượng

Làm thế nào để viết những gì mình không biết?

Một số ghi nhớ quan trọng để cải thiện kỹ năng viết

Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?

Sau khi đã hiểu rõ ưu và nhược điểm, liệu bạn sẽ viết bản nháp đầu tiên thật nhanh chóng, dồn hết tâm sức vào viết hay bạn sẽ dừng lại để sửa các vấn đề mà bài viết đang gặp phải?

Photo by Steve Johnson on Unsplash

Trong cuốn sách The Secret Miracle: The Novelist’s Handbook xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010, Deniel Alarcón đã ghi lại một số quan điểm của các tác giả nổi tiếng trên thế giới.

Anne Enright, tiểu thuyết gia người Ireland cho rằng: “Tôi thường xuyên tiếp xúc với câu văn và vần điệu. Tôi không thể chuyển sang câu tiếp theo nếu câu trước đó còn chưa tốt. Việc này quá mức tồi tệ tựa như lúc đi trên đường bạn bỏ lại một đứa bé sau lưng vậy.”

Song, Curtis Sittenfield (Prep) lại hoàn toàn không đồng ý: “Tôi tin chắc rằng việc cố gắng làm cho mỗi câu văn trở nên tỏa sáng và hoàn hảo trước khi chuyển sang câu tiếp theo trong bản nháp đầu tiên chưa bao giờ là công thức để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết cả.”

Bất cứ điều gì phù hợp với bạn đều là tốt nhất. Viết là một cuộc hành trình và mỗi người đều có một cuộc hành trình riêng. Tuy nhiên dù chọn phương pháp nào thì bạn cũng nên lưu ý những điều sau:

  • Xem thể loại đang viết là gì?
  • Nhìn nhận bản thân phù hợp với kiểu nào?
  • Bạn có đủ thời gian để làm theo cách đó hay không?

Ví dụ như với thể loại viết văn học như tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết,… viết rồi biên tập sẽ thuận lợi hơn so với vừa viết vừa chỉnh sửa. Bạn không bị chi phối từ những thứ bên ngoài và đi theo mạch truyện ban đầu.

Ngoài ra hãy chú ý xem bản thân hợp với kiểu nào. Bằng cách tập luyện thử cả 2 lựa chọn cho cùng một chủ đề, xem cách nào bạn viết hiệu quả hơn, nhanh hơn, suôn sẻ hơn.

Một yếu tố quyết định đó chính là thời gian. Nếu bạn có thể áp dụng cả 2 cách viết, tuy nhiên thời gian không cho phép, hãy cân nhắc xem cách nào tiết kiệm thời gian nhất nhé.

Mẹo vừa viết chỉnh sửa hiệu quả và tiết kiệm thời gian

KM Weiland, nhà văn, blogger của Helping Writers Become Authors chia sẻ rằng sẽ thật khó khăn khi cô biết có vấn đề với nội dung trước đó mà không thể sửa. Nếu như bạn chọn cách truyền thống viết rồi biên tập, hãy cứ thả hồn theo cảm xúc. Nếu bạn cũng giống như KM Weiland, muốn vừa viết vừa chỉnh sửa, có thể áp dụng với những mẹo sau.

  • Ví dụ bạn phát hiện nội dung trước đó có vấn đề và sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phần sau, hãy dừng lại để sửa nó sớm hơn. Điều này sẽ giúp bài viết không bị lệch đề và bạn cũng có thể tiếp tục viết mà không phải suy nghĩ gì thêm nữa.
  • Trường hợp bạn đang viết theo mạch cảm xúc, muốn dừng lại để chỉnh sửa phần trước đó, hãy viết tất cả ra giấy trước để có thể quay lại sau khi đã viết hết câu.
  • Tác giả Simon White chia sẻ trên Stack Exchange về cách viết tiểu thuyết của mình: “Bạn nên viết đến chương cuối và dành một ngày nào đó để chỉnh sửa, trau chuốt từng chương. Sau đó bạn có thể tiếp tục viết chương tiếp theo.”

Chẳng có phương pháp nào làm nên một bài viết hoàn hảo, nếu nó phù hợp với bạn thì nó là tốt nhất. Giờ thì bạn thử xem mình nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa bằng cách lấy giấy bút ra thực hành. Và đừng quên quay lại đây chia sẻ với mình về lựa chọn của bạn nhé!

Trả lời