Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân

Hẳn bạn đã biết sự cố các nền tảng thuộc hệ thống Meta như Facebook, Messenger hay Instagram bất ngờ sập toàn cầu vào ngày 5.3.2024. Sự kiện này đã khiến cộng đồng mạng chao đảo, một số người dùng còn dùng mạng xã hội khác để tương tác với nhau.

Trong thế giới của Solopreneur hay Freelance Writer, một số người chọn xây dựng nội dung vào kênh duy nhất là Facebook. Còn mình bắt đầu chia sẻ kiến thức và xây dựng thương hiệu với website cá nhân từ năm 2021. Và trong sự cố ngày 5.3, mình không quá lo lắng về việc sẽ bị mất toàn bộ nội dung đã viết, bởi vì website đã lưu trữ tất cả. Khi nhiều người hoang mang về việc tài khoản của họ có bị biến mất hay không, duongstory.com vẫn có lượt xem đều đặn hằng giờ, email của mình vẫn luôn có hộp thư đến thông qua các câu hỏi được gửi đến từ độc giả. 

Đó là lý do mà mình muốn chia sẻ với bạn bài viết: Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân.

Những nền tảng xây dựng thương hiệu cá nhân

Mỗi một Solopreneur hay Freelance Writer đều thường sẽ chọn cho mình một (vài) kênh để xây dựng nội dung, cụ thể là chia sẻ kiến thức cho độc giả và giúp quảng bá/xây dựng thương hiệu cá nhân. Một trong những nền tảng phổ biến mà các bạn thường chọn là Facebook, Tiktok, cũng có những bạn chọn xây dựng nội dung trên Instagram hay LinkedIn,… Và dĩ nhiên cũng có không ít Freelance Writer chọn viết trên website giống như mình.

Ở phần này, mình muốn chia sẻ với bạn những điểm mạnh – yếu của một vài nền tảng và phân tích sự phù hợp dành cho những người làm nội dung dựa trên trải nghiệm của mình.

Facebook

Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Facebook cá nhân của mình chủ yếu chia sẻ về cuộc sống

Nhiều người lựa chọn Facebook để chia sẻ nội dung, xây dựng thương hiệu, trong đó có fanpage Lai Thượng Hưng, trang cá nhân Phùng Thái Học hay trang cá nhân của mình – Hải Dương. Cùng mình tìm hiểu thêm về nền tảng này nhé:

– Hoàn toàn miễn phí, bạn dễ dàng tạo fanpage hay trang cá nhân tùy thích. Nếu nội dung chất lượng, bạn sẽ được xét danh hiệu Nhà sáng tạo nội dung đang hot và được đề xuất, tăng độ nhận diện, được nhiều người biết đến hơn.

– Sử dụng đơn giản, bạn chỉ cần viết bài và đăng, ngoài ra không cần thực hiện bất kỳ thao tác nào khác.

– Nội dung ngắn được ưa chuộng hơn nội dung dài. Nếu bạn muốn chia sẻ bài viết dài 1000 chữ hoặc hơn, hãy cân nhắc nhé vì người dùng Facebook thích một cái gì đó ngắn gọn, súc tích.

– Nội dung đăng tải gồm chữ viết (text) đi kèm hình ảnh, video,… sẽ thu hút sự chú ý hơn. 

– Nội dung cũ dễ bị lấp đầy bởi nội dung mới và người dùng muốn đọc lại những bài cũ của bạn, họ buộc phải kéo chuột để tìm kiếm.

– Có thể gặp rủi ro như mất tài khoản vĩnh viễn và không thể khôi phục lại, điều này kéo theo toàn bộ nội dung đăng trên Facebook đều sẽ bị mất.

– Một số nội dung bị báo cáo vi phạm không rõ nguyên nhân, mình từng có trải nghiệm này khi một bài viết hoàn toàn bình thường bị Facebook báo cáo vi phạm và xóa khỏi trang cá nhân.

Website

Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Lượt truy cập tháng 4/2024 hoàn toàn tự nhiên trên website duongstory.com

Website là kênh xây dựng thương hiệu tuyệt vời cho người viết nội dung, đặc biệt là những người viết hoặc những người làm tiếp thị liên kết. Tại bài viết này, mình sẽ chỉ nói về nền tảng website có trả phí. Bạn đọc thêm bài viết WordPress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay để lựa chọn nền tảng phù hợp nhé.

– Bạn sẽ phải trả một khoản phí bao gồm phí tên miền (domain) và hosting để lập website cá nhân. Bởi vì có trả phí nên bạn có quyền kiểm soát nội dung và mọi thứ trên website bạn là của bạn.

– Nội dung dài được ưa chuộng hơn nhằm mục đích tối ưu SEO, do vậy nếu bạn thích viết nội dung ngắn thì đây không phải là nền tảng lý tưởng.

– Nội dung chữ được ưa chuộng, hình ảnh và video hỗ trợ thêm cho text tuy nhiên yếu tố quyết định vẫn là chữ viết. Do vậy chỉ cần bạn viết nội dung chất lượng thì tỷ lệ bài viết lọt top tìm kiếm cao hơn. Để viết bài blog hấp dẫn, thu hút và tăng khả năng bán được hàng, đừng bỏ qua khóa học Viết blog của mình nhé.

– Dễ dàng tìm kiếm nội dung cũ, bạn chỉ cần nhấn và số trang hoặc trang cuối để đọc những bài cũ mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm.

– Hệ thống phân mục rõ ràng, chẳng hạn như duongstory.com của mình có 4 mục chính gồm Viết tốt hơn, Viết blog, StorytellingGóc sách, độc giả muốn tìm đọc nội dung nào thì nhấp chuột trực tiếp vào chuyên mục đó.

– Có thể gặp rủi ro như bị hack hoặc website gặp sự cố (sập web, web bị dính virus), tuy nhiên bạn hoàn toàn yên tâm nội dung của bạn không bị mất đi (nếu được backup dữ liệu đầy đủ).

– Khó sử dụng hơn so với Facebook, và sau khi đăng bài, bạn cần thực hiện một loạt các tối ưu onpage và offpage để bài viết có cơ hội xuất hiện ở thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm.

Substack

Những năm gần đây, xu hướng làm bản tin (Newsletters) ngày càng phổ biến và Substack là một trong những nền tảng được nhiều người dùng tin tưởng lựa chọn. Mình từng có một thời gian sử dụng nền tảng này và rút ra một số bài học:

– Tạo tài khoản miễn phí và dễ sử dụng bởi Substack không có nhiều tính năng phức tạp như website.

– Phù hợp với cả nội dung dài hay ngắn, tính năng định dạng văn bản giúp bài đăng trở nên đẹp mắt, thu hút.

– Tương tự như Facebook, để tìm lại nội dung cũ trên Substack tương đối khó khăn vì phải kéo chuột khá nhiều.

– Người dùng khó tìm kiếm nội dung của Substack thông qua Google và để làm được điều này, bạn cần mua tên miền cho Substack.

– Cho phép bạn xuất bản những bản tin miễn phí thu lợi nhuận từ bản tin có phí. Tuy nhiên để tạo bản tin có phí, bạn bắt buộc phải có lượng độc giả lớn đủ để chi ngân sách đọc bản tin của bạn. Vì Substack sẽ giữ lại 10% số tiền bạn thu được và bạn phải trả thêm 3% trả cho một bên tạm gọi là thứ 3, bên này sẽ cung cấp giải pháp thanh toán – Theo Báo Tuổi Trẻ. Do đó nếu độc giả của bạn quá ít hoặc bạn đang hướng đến tệp độc giả có thu nhập trung bình – thấp thì việc tạo lợi nhuận từ bản tin đủ để bạn trả phí nền tảng, trả phí cho bên thứ 3 và có lợi nhuận là điều bất khả thi. Đặc biệt, Substack không hỗ trợ thanh toán tại Việt Nam, nên nếu làm Substack, bạn buộc phải có tài khoản ở nước ngoài.

Đọc thêm:

Tìm kiếm chủ đề, ý tưởng cho blog như thế nào?

10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục

Bí quyết viết blog giúp duongstory.com đạt hơn 8,000 lượt xem/tháng

Xây dựng nội dung hiệu quả, tăng lượt truy cập với khóa học viết blog

Vì sao bạn nên có một website cá nhân?

Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Gần 90,000 độc giả đã và đang theo dõi duongstory.com

Trong 3 nền tảng để viết lách, với mình website cá nhân vẫn đáng để đầu tư nếu bạn thích viết nội dung dài và muốn được độc giả biết đến mình dù họ là ai, ở đâu. Chỉ cần nội dung đủ tốt, website được thiết kế tối ưu thì việc nội dung của bạn xuất hiện ở thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm chỉ là vấn đề thời gian.

Vì sao bạn nên có một website cá nhân?

– Tạo sự ảnh hưởng rộng khắp: Ví dụ mình viết blog cá nhân từ năm 2021 và xuất bản gần 200 bài. Hiện tại mình đang có hơn 200,000 lượt xem tự nhiên từ website, hơn 80,000 độc giả khắp thế giới, hơn 1,000 độc giả theo dõi bản tin hằng tuần.

– Không phụ thuộc vào một kênh: Mình vẫn chia sẻ nội dung trên Facebook cá nhân, qua cộng đồng Ngày đẹp trời để viết nhưng kênh chính mình tập trung vẫn là website. Bởi vì không phụ thuộc vào Facebook nên mình gần như không lo lắng Facebook bị sập hay trang cá nhân bị hack.

– Bán hàng tiện lợi: Nếu bạn có một sản phẩm số hay sản phẩm vật lý, bán hàng trên website vô cùng lý tưởng. Chẳng hạn như nhờ chia sẻ kỹ thuật viết cơ bản và hướng dẫn viết cộng tác cho báo, có rất nhiều độc giả từ trong nước đến học viên người Việt ở Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Đài Loan, Hàn Quốc,… đăng ký học viết với mình. Hay cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè của mình được chia sẻ trên duongstory.com, độc giả cũng biết đến nhiều hơn.

– Tính lâu dài: Nếu xây dựng nội dung trên website, bạn cần đăng tải đều đặn, liên tục. Và cũng nhờ sự đều đặn ấy mà website của bạn sẽ dễ dàng xuất hiện ở vị trí cao, nội dung chất lượng thì ngày này qua tháng nọ vẫn nằm chễm chệ ở đó. Ví dụ bài viết Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết của mình nằm top 1 Google kể từ năm 2021 đến nay khi gõ từ khóa “chữa bí từ”. Ngoài ra bài viết 10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết cũng nằm ở top 2 từ năm 2022 đến nay.

Sự phù hợp là yếu tố quyết định

Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Mình thường xuyên nhận được email và tin nhắn thông qua các bài chia sẻ trên website

Trở thành Freelance Writer, như bao người mình cũng bắt đầu tìm hiểu nền tảng nào phù hợp để chia sẻ nội dung. 

Mình từng lập một fanpage với tên gọi My whole life for writing nhằm chia sẻ toàn bộ kiến thức viết lách trên đó, nhưng cảm thấy không phù hợp với định hướng phát triển. Mình cũng từng lập một kênh Tiktok mang tên haiduong_writer với video đầu tiên đăng lên lọt xu hướng với gần 300,000 lượt xem chỉ trong một đêm. Sau đó mình có làm thêm một vài video nữa và rồi mình nhận ra bản thân không hứng thú với công việc lên ý tưởng và quay dựng video. Mình thích lên ý tưởng cho một chủ đề, nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu, sau đó tập trung viết hơn là cắt ghép hình ảnh, video. Mình cũng chia sẻ trên LinkedIn nhưng có vẻ mạng xã hội này phù hợp với nội dung ngắn và liên quan đến công việc nhiều hơn.

Và rồi mình nghĩ về nền tảng phù hợp cho viết lách, một số cái tên xuất hiện trong đầu là Facebook và Website. Thế rồi mình bắt đầu phân tích.

– Mình thích viết nội dung dài trong khi người dùng Facebook thích đọc nội dung ngắn hơn.

– Mình thích trang có sự phân mục, chẳng hạn như khi độc giả vào trang của mình, họ thoải mái lựa chọn danh mục bài viết mà họ thích. 

– Mình muốn độc giả chủ động tìm lại bài viết cũ nhanh và tiện lợi hơn. Nếu như Facebook phải lướt rất nhiều mới tìm thấy nội dung cũ thì trên website chỉ cần nhấn chuột vào số trang (ví dụ trang 1, trang 2, trang 3,…) hoặc “trang cuối” là biết được những bài cũ.

– Mình thích độc giả tìm thấy và đọc nội dung của mình thông qua công cụ tìm kiếm, như vậy cảm giác được kết nối rộng hơn. Với Facebook, hoặc là độc giả phải kết bạn hay nhấn nút theo dõi thì mới đọc được bài viết mới của mình; hoặc là bài viết của mình viral và được đề xuất/gợi ý đến người dùng khác một cách ngẫu nhiên. Trong khi với website, chỉ cần mình nghiêm túc viết nội dung chất lượng và thực hiện các tối ưu, bài viết của mình không sớm thì muộn sẽ xuất hiện trên top 10 Google, Cốc Cốc hoặc các công cụ tìm kiếm khác.

– Mình muốn một nơi lưu trữ bài viết an toàn mà không phải lo lắng bài bị mất đi. Với Facebook, chẳng may vì lý do nào đó tài khoản của mình bị khóa, bị hack thì gần như 100% bài viết đã đăng sẽ biến mất hoàn toàn. Trong khi với website, mình gần như không phải lo lắng nội dung mất đi vì mọi dữ liệu đã được lưu trữ.

Cuối cùng mình lựa chọn làm một chiếc website cá nhân và trả phí hằng năm. Đến bây giờ, mình cảm thấy viết trên web là lựa chọn đúng đắn. Với những nội dung trên Facebook cá nhân hữu ích và được đông đảo bạn đọc đón nhận, mình đều biên soạn chi tiết và đầy đủ rồi một lần nữa đăng tải trên duongstory.com.

Cuối cùng, mình không cho rằng website là tốt nhất, cũng không khuyến khích bạn chọn website mà bỏ qua Facebook. Mà mình muốn nhấn mạnh là, hãy suy nghĩ thật kỹ về mục đích của bạn, ngân sách của bạn, dạng nội dung mà bạn muốn truyền tải… rồi chọn kênh phù hợp. 

Cũng giống như sự kiện facebook gặp sự cố sập toàn cầu, nhiều người nghĩ ngay đến việc tạo một website cá nhân chỉ vì nhiều người khuyên như vậy, nhưng thật sự bạn có thích viết không, bạn có muốn chia sẻ nội dung dài không, website có phục vụ cho công việc của bạn không,…. Hãy suy nghĩ thật kỹ rồi quyết định nhé. 

Trả lời