Làm công việc chấp bút sách nhiều năm cho hàng chục khách hàng từ giám đốc, bác sĩ, tiến sĩ; từ khách hàng là Việt kiều hay khách hàng ở miền Bắc, miền Nam,… nếu hỏi mình điều gì khiến mình cảm thấy yêu thích công việc này đến vậy, có lẽ là được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Mỗi khi câu chuyện của khách hàng là những bài học, thông điệp thực tế đã nuôi dưỡng tâm hồn, khiến mình vỡ lẽ ra nhiều điều ý nghĩa.
Phỏng vấn – chạm vào những cuộc đời
Trong bài viết Nghề chấp bút sách: Không chỉ đơn giản là nghe và viết lại, mình có chia sẻ rằng một người làm công việc chấp bút sách sẽ phải làm rất nhiều việc khác nhau, trong đó có phỏng vấn khách hàng lấy để tư liệu.
Thông thường, trước mỗi buổi trò chuyện, mình sẽ gửi bảng câu hỏi để khách hàng xem qua trước nội dung cần chuẩn bị, đồng thời xin phép khách hàng record (ghi âm) lại để đề phòng trường hợp quá trình chép tay bị sót thông tin. Quá trình phỏng vấn thường diễn ra từ 60 phút đến 120 phút (tùy vào điều kiện thực tế mà thời gian này có thể ngắn hoặc dài hơn)
Tại buổi phỏng vấn, mình sẽ đặt câu hỏi cho khách hàng trả lời. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là “mình hỏi – khách trả lời” mà có đôi khi, buổi phỏng vấn ấy có thể sẽ biến thành buổi kể chuyện, nghĩa là khách hàng chẳng cần mình hỏi, cứ thể trải lòng thôi. Và đó là lúc mình cảm nhận được rõ nét hơn về chân dung khách hàng, về cuộc đời thăng trầm mà họ từng đi qua.

Sau mỗi buổi nói chuyện, mình, mình lại ngồi nghe bóc băng thủ công bằng cách ngồi nghe và gõ lại từng câu từng từ. Mặc dù hiện nay có nhiều công cụ để chuyển giọng nói (trong video/audio) thành văn bản (text), nhưng mình đã thử, kết quả cho ra bị thiếu sót khá nhiều. Chưa kể, khi khách hàng nói chuyện bằng giọng địa phương, công cụ không để đọc được âm thanh và cho ra kết quả không chính xác.
Vậy là mình ngồi nghe lại các video, mỗi video dài khoảng một tiếng hoặc hơn. Khi có ý tưởng nào đó nảy ra hay có chi tiết cần mổ xẻ phân tích, mình sẽ ghi chú để khai thác trong buổi phỏng vấn tiếp theo với khách hàng.
Đã có lúc, trong quá trình ghi chép, mình nghĩ tại sao không thuê một bạn làm phần việc này. Bạn ấy sẽ nghe video và gõ lại thành văn bản giúp mình, thậm chí bạn cũng có thể kiểm tra xem câu chuyện thiếu gì để bổ sung.
Thế nhưng, ý nghĩ đó nhanh chóng trôi đi. Vì nếu bạn ấy là người nghe và kiểm tra văn bản, thì khi mình bắt đầu công việc chấp bút, nhìn những con chữ được chép sẵn, mình cũng chẳng biết khách hàng muốn truyền tải điều gì, cảm xúc muốn nói là gì. Nhưng khi mình tự xem lại video, mình có thể quan sát được biểu cảm, nét mặt, sắc thái, cách nhấn nhá, giọng điệu và thậm chí cảm xúc của khách hàng. Và từ đó, mình biết làm thế nào để đẩy ra hết những điều họ nghĩ trong lòng – mà họ chưa nói hết.
Đọc thêm:
Tự xuất bản sách, nên hay không?
Chọn thể loại nào để viết sách: tự truyện, hồi ký hay nhật ký?
Mình đã bán cuốn sách đầu tiên như thế nào? (Kinh nghiệm bán sách tự xuất bản)
Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z – Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Chấp bút sách – sống nhiều cuộc đời khác nhau

Càng đi sâu vào chấp bút, mình càng yêu thích công việc này. Mỗi lần phỏng vấn rồi viết sách cho khách hàng, mình như được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Có câu chuyện màu hồng nhưng cũng có câu chuyện tối đen xám xịt không thấy nổi tia sáng. Có người hồn nhiên ở tuổi 40 nhưng cũng có người vội vã trưởng thành sau một đêm ở tuổi 20.
Mình nhớ mãi khách hàng là chủ một doanh nghiệp với hành trình đi lên từ hai bàn tay trắng. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ quanh năm gắn bó với ruộng đồng, gia tài chỉ là một ang lúa được lấp đầy sau mỗi mùa gặt. Dù gia đình cơ cực, nhưng anh lại chẳng có lý tưởng phấn đấu, cứ thả trôi cuộc đời. Cho đến một ngày, anh chứng kiến bố mẹ mình – những người sinh ra anh, trên mái đầu lấm tấm bạc dành dụm từng đồng bạc lẻ đi mua gạo nhưng bị người ta khinh khi, anh đã thức tỉnh. Để rồi sau này, anh gầy dựng doanh nghiệp, đưa bố mẹ lên thành phố sinh sống và an hưởng tuổi già.
Mỗi khi đặt bút viết câu chuyện của khách hàng là một lần mình được sống một cuộc đời khác. Mình cảm nhận được sự lam lũ của người mẹ, cảm nhận được sự nhẫn nhục của người cha khi bị xem thường, cảm nhận được sự tủi nhục của người con trai khi chứng kiến đấng sinh thành của mình phải cúi đầu trước người khác. Mình hóa thân thành người con, để kể lại cuộc đời đó.
Công việc chấp bút sách giúp mình mở mang hơn
Ngày còn bé, mình cứ nghĩ nỗi đau của mình là kinh thiên động địa, những khó khăn vấp ngã của mình sẽ chẳng có ai thấu hiểu. Nhưng từ khi làm công việc chấp bút, lắng nghe rất nhiều câu chuyện buồn vui trong đời, mình cảm thấy điều mà mình từng trải qua… vốn dĩ rất bình thường.
Có một câu chuyện khiến nhớ mãi khi được anh khác hàng đang là nha sĩ kể lại hành trình nhặt chữ. Anh kể rằng thời ấy cuộc sống khốn khó, anh đi học khi gà chưa gáy, trời chưa sáng tỏ. Con đường đi học quanh co, trời nắng bụi đất mù mịt, ngày mưa bùn đất lầy lội. Sách vở bỏ trong bao ni lông, cột bên hông, vừa đi vừa mò mẫm, kết quả vở sách rơi xuống bùn lầy, lấm lem ướt nhẹp. Anh đi bộ đến trường từ cấp 1 cho đến cấp 3, mỗi bước đi là hành trình khó nhọc đón lấy con chữ. Anh cười bảo: “Khó khăn vậy đó nhưng anh bao giờ có suy nghĩ muốn bỏ học.”
Lúc nghe anh khách hàng kể lại, mình tự nhủ trong đầu, nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, chưa chắc mình đã kiên trì được. Câu chuyện của khách hàng truyền cảm hứng cho mình rất nhiều, để mình than vãn ít hơn, cố gắng nhiều hơn. Và nhờ đó cũng hình thành một phiên bản tốt hơn – được biết đến là một Writing Mentor, một tác giả sách, một người chấp bút chăm chỉ, kỷ luật.
Từ khi làm công việc chấp bút sách, lắng nghe những câu chuyện của khách hàng ở mọi miền đất nước, mình thấy tâm hồn rộng mở, học được nhiều điều hay. Những cuốn sách mà mình từng chấp bút là hành trình đúc kết được từ những vị khách hàng tưởng chừng như nhỏ bé, bình thường nhưng đã làm nên điều phi thường, vĩ đại.