WordPress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay

Năm ngoái, một người chị mình từng làm việc bỗng dưng ngừng sử dụng chiếc blog với nền tảng wordpress để chuyển sang wix – một nền tảng mà nhiều người cho rằng dễ dàng kéo thả. Cuối cùng, chị ấy quay về với wordpress và quyết định trung thành với nó.

Câu chuyện này xảy ra tương tự với một học viên gần đây của mình. Bạn ấy cũng bắt đầu với wordpress và niềm tin lung lay khi nghe rằng wix tiện hơn.

Những câu chuyện này khiến mình quyết định cho ra đời bài viết WordPress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay. Trong 3 nền tảng được giới thiệu, mình từng sử dụng cả wordpress và wix, đồng thời cũng tìm hiểu về trải nghiệm của người dùng ghost. Mong là bài viết này sẽ hữu ích với bạn nhé!

*Bài viết này không đi sâu vào phân tích mặt kỹ thuật mà cung cấp cho các freelance writer một cái nhìn tổng thể để bạn lựa chọn nền tảng viết lách phù hợp với mình dựa trên trải nghiệm cá nhân.

WordPress – nền tảng làm website phổ biến?

Thống kê mới nhất của W3Techs cho thấy có 43,2% website/blog trên thế giới sử dụng nền tảng wordpress trong khi năm 2021, con số này chỉ là 39,5% (theo Hubspot). Điều này cho thấy wordpress là nền tảng làm blog/web phổ biến nhất hiện nay.

Năm 2003, wordpress ra đời như một nền tảng chuyên biệt dành cho người viết. Sau này, wordpress càng nâng cấp và phát triển thành các website phức tạp nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng (bao gồm cá nhân, doanh nghiệp,…)

Nếu theo dõi duongstory.com từ năm 2021, ban đầu bạn sẽ thấy blog của mình chỉ đơn thuần đăng tải những bài viết về kỹ thuật viết cơ bản. Năm 2022, mình đã chỉnh sửa lại toàn bộ để website hiện tại không chỉ đăng tải bài viết mà còn có thông tin cơ bản về tác giả (là mình) cùng những sản phẩm số (ebook, khóa học online).

Wordpress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay
Blog duongstory.com được xây dựng trên nền tảng wordpress

Một số điểm cộng và điểm trừ khi sử dụng wordpress (trong trải nghiệm của mình) nhé:

Điểm cộng:

– Dễ sử dụng với các tùy chọn có sẵn, từ viết và đăng bài, xuất bản, chỉnh sửa bài viết. 

– Tự thao tác/chỉnh sửa một số chi tiết cơ bản trên giao diện nếu sử dụng Elementor Pro. Chẳng hạn với duongstory.com, mình dễ dàng tùy chỉnh, thay đổi màu sắc, bố cục website mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp của người làm web.

– Thuận lợi hơn khi tìm kiếm các tài liệu liên quan, bạn chỉ cần tìm kiếm trên Google/Youtube (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh) để nghiên cứu và tìm hiểu sâu khi cần.

– Dễ dàng nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài vì những người làm blog/website bằng wordpress khá nhiều, bạn có thể nhờ sự trợ giúp trong trường hợp cần thiết.

Điểm trừ:

– Nếu chỉ đơn thuần là viết, bạn sẽ chi trả khoảng 2,000,000 – 3,000,000 cho một blog xây dựng trên nền tảng wordpress (bao gồm phí tên miền và hosting). Trường hợp bạn muốn nâng cấp trở thành website chuyên nghiệp có landingpage cùng các tính năng mua-bán khóa học, phí sẽ cao hơn.

– Phải cài đặt một số plugin hỗ trợ để việc viết blog trở nên hiệu quả hơn, đơn giản là bạn phải tối ưu chuẩn SEO (kết hợp với plugin Yoast SEO hoặc Rank Math) cùng một số plugin hỗ trợ khác.

Wix – có thật sự “độc quyền” về mặt kéo thả?

Wix cho phép người dùng tạo blog/website bằng cách tự kéo thả, do đó bạn dễ dàng thiết kế cho mình một blog/website ưng ý. Thông thường bạn sẽ tạo wix miễn phí, nhưng nếu muốn sử dụng tên miền riêng và thêm nhiều tính năng cao cấp hơn, bạn cần mua các gói nâng cao. 

Mình đã từng sử dụng wix một thời gian khi làm việc với đối tác vào năm 2022. Tương tự như wordpress, wix cũng dễ dàng đăng bài, chỉnh sửa, xuất bản. Với phần tối ưu bài viết, mình không cảm nhận được sự tiện lợi khi sử dụng nền tảng này.

Một vài cây viết mà mình biết cũng từ bỏ wordpress sang wix vì dễ dàng kéo thả. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng wordpress với plugin hỗ trợ Elementor Pro, mình cũng có thể dễ dàng tùy chỉnh hình ảnh, kéo thả, chỉnh màu sắc hoặc text,… theo ý muốn. Do vậy nếu bạn cần một nền tảng thoải mái cho việc kéo thả thì Wix không phải là nền tảng độc quyền, bạn cũng có thể làm điều đó với wordpress.

Wordpress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay
Website của nhà hàng Grill & Sushi nằm ở Raleigh, Bắc Carolina sử dụng nền tảng Wix (theo Designbombs.com)

Điểm cộng:

– Đơn giản, dễ tạo blog mà không cần phải biết quá nhiều về code hay thiết kế website hoặc thuê dịch vụ như wordpress. 

– Thao tác viết bài, tối ưu và xuất bản dễ dàng thông qua các tùy chỉnh có sẵn.

– Hỗ trợ tạo gian hàng trực tuyến phục vụ cho bán sản phẩm/dịch vụ với điều kiện bạn sử dụng phiên bản wix có phí.

Điểm trừ:

– Không có quá nhiều người làm web chuyên về Wix, do vậy bạn sẽ khó khăn trong việc chỉnh sửa, nhờ sự hỗ trợ.

– Có ít plugin hỗ trợ trên Wix.

Ghost – cung cấp gói membership trả phí

Mình chưa từng dùng Ghost, song từng có một thời gian tìm hiểu về nền tảng này. Ghost.io ra đời vào năm 2013, được xem là nền tảng viết blog chuyên nghiệp phù hợp dành cho freelance writer. Hơn nữa theo mình được chia sẻ, nền tảng này cho phép độc giả trả phí để được đọc nội dung của bạn.

Wordpress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay
Blog của engineering.gusto.com được xây dựng với Ghost CMS (theo Thinkleaf.net)

Điểm cộng:

– Ghost sẽ là điểm cộng nếu bạn chỉ tạo blog để viết. Giao diện đơn giản, dễ sử dụng và chỉ tập trung vào những bài viết.

Cho phép độc giả trả phí để đọc nội dung của bạn, thay vì dùng substack có thể viết bài trên Ghost.io và cung cấp gói membership. Tuy nhiên Ghost.io chỉ hỗ trợ thanh toán bằng Stripe Gateway nên sẽ khó khăn với người dùng tại Việt Nam nếu muốn cung cấp hình thức trả phí.

– Kho giao diện miễn phí đẹp và đủ cho bạn sử dụng.

Điểm trừ:

– Không quá phổ biến tại Việt nam nên có ít tài liệu hướng dẫn.

– Chỉ phù hợp nếu bạn chuyên viết, nếu bạn cần tiếp thị nội dung để bán sản phẩm số hoặc tạo một landing page thì Ghost không hoàn toàn phù hợp.

– Một số hạn chế về phông chữ tiếng Việt và plugin hỗ trợ.

“Không có tốt nhất, chỉ có phù hợp nhất”

Hơn 2 năm vận hành duongstory.com, trừ lần đầu tiên chỉnh sửa giao diện và nâng cấp các plugin cần thiết, đến hiện tại mình gần như không chỉnh sửa những gì trên blog nữa. Thay vào đó tập trung viết bài blog và tối ưu chuẩn SEO để bài viết nhanh chóng tiếp cận với độc giả thông qua công cụ tìm kiếm. 

Đứng ở góc độ người sử dụng wordpress 2 năm và tiếp xúc với wordpress từ năm 2017 nhưng mình chưa bao giờ cho rằng wordpress là số 1. Nhưng điều mà mình chắc chắn đó là wordpress thực sự hợp với mình và phục vụ tốt cho công việc viết nội dung blog. 

Có rất nhiều trường hợp, loay hoay chọn giữa wordpress và wix, để rồi cuối cùng blog trở thành một ngôi nhà dở dang chẳng biết khi nào hoàn thành. Vì các bạn cứ bận nghĩ mãi về wix hay wordpress nền tảng nào tốt hơn.

Với kinh nghiệm của mình, không có nền tảng viết blog nào tốt nhất, chỉ có phù hợp nhất với bạn mà thôi.

– Nếu bạn đơn thuần muốn làm một chiếc blog chỉ viết mà thôi, có thể chọn wordpress, wix hoặc ghost.

– Nếu bạn muốn làm một chiếc blog có tính năng giỏ hàng (nhằm bán sản phẩm/dịch vụ), thử cân nhắc về wordpress hoặc wix. Ví dụ blog của mình duongstory.com làm từ wordpress và vẫn có mọi tính năng giỏ hàng, thanh toán cho bạn cần.

– Nếu bạn muốn làm một chiếc blog thuần về viết nhưng lại tích hợp tính năng để độc giả trả phí, hãy tham khảo ghost.

– Nếu bạn muốn kéo thả, wordpress hay wix vẫn đủ tính năng bạn cần.

– Nếu bạn muốn làm một chiếc website cho thương hiệu hoặc tích hợp mua bán sản phẩm vật lý, hãy thuê một đơn vị set-up blog chuyên nghiệp giúp bạn code nhé.

– Nếu bạn muốn nhận được sự hỗ trợ/bảo hành từ dịch vụ làm blog/website, cân nhắc trước khi chọn lựa wix hoặc ghost bởi 2 nền tảng này hiện không quá phổ biến tại Việt Nam. Và đội ngũ hỗ trợ sẽ không có nhiều, thậm chí bạn muốn tìm kiếm tài liệu liên quan cũng khó khăn hơn. 

WordPress hay Wix đều có phiên bản miễn phí, do vậy bạn có thể trải nghiệm các nền tảng miễn phí trước, sau đó hãy chọn điều phù hợp nhất. Hoặc nếu muốn thảo luận cụ thể hơn với mình về những vấn đề liên quan đến nền tảng viết blog, bạn có thể tham khảo phiên tư vấn 45 – 60 phút về phát triển nội dung blog cùng với mình tại đây nhé. 

Để lại một bình luận