5 cách sang mẫu thêu đơn giản và dễ áp dụng nhất

Vài ngày trước mình có đọc bài post của một người chị trong group thêu thùa. Chuyện là chị ấy dùng giấy than để scan mẫu vẽ và không may bị dính mực lên vải.

Mình nghĩ rằng không những chị mà còn nhiều bạn khác cũng gặp không ít khó khăn trong công đoạn này. Điều đó đã thôi thúc mình thực hiện bài viết 5 cách sang mẫu thêu đơn giản và dễ áp dụng nhất. Hy vọng vài lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trên con đường luyện tập thêu tay.

Vẽ trực tiếp lên vải

Một trong những cách scan mẫu vẽ nhanh gọn nhất chính là vẽ trực tiếp lên vải thêu. Bạn cũng cần lưu ý nên dùng bút bay nhiệt thay vì bút bi thông thường nhé. Ngoài ra dụng cụ hỗ trợ không thể thiếu trong bước này là máy sấy hoặc bàn là.

Nếu quá trình vẽ bị lỗi, bạn có thể dùng máy sấy để thổi bay mực được vẽ từ bút bay nhiệt. Trong trường hợp cần xóa một chi tiết nhỏ, bạn có thể dùng giấy che đi phần đã vẽ đẹp rồi và dùng máy sấy lên phần vẽ bị lỗi.

Bạn dễ dàng áp dụng phương pháp này khi thêu chữ, thêu họa tiết nhỏ như chiếc lá, cành cây, ngôi sao hay các bông hoa có phác thảo hình tròn (thường dùng mũi thêu loose cast-on stitch, spider wheel rose…)

Mặc dù đây là cách nhanh nhất để sang mẫu thêu, tuy nhiên nó chỉ thực sự phù hợp với những bạn khéo tay, vẽ giỏi. Trường hợp nếu bạn không có hoa tay thì cũng đừng lo lắng nhé. Bật mí 4 cách sang mẫu thêu còn lại sẽ giúp bạn dễ dàng có được hình vẽ như ý.

Tận dụng ánh sáng từ ipad, laptop

Những ngày lười biếng không muốn ra tiệm photocopy để in mẫu vẽ, vậy thì hãy tận dụng ngay chiếc điện thoại của mình để scan hình vẽ nhé.

Bước 1: Chỉnh độ sáng màn hình và vẽ lại trên giấy can lụa

Đầu tiên bạn mở mẫu thêu muốn scan, sau đó tùy chỉnh độ sáng màn hình trên thiết bị di động, ipad hoặc laptop ở mức cao nhất. Đặt giấy can lụa lên trên màn hình thiết bị và dùng bút bi vẽ lại từng nét. Ở bước này bạn cần cẩn thận giữ giấy trên màn hình để không bị xê dịch nhé.

Bước 2: Sang trên vải thêu

Sau khi đã có hình vẽ trên giấy can lụa, bạn đặt giấy trên vải cần thêu và dùng bút bay màu vẽ lại. Tadaaaa… thế là bạn đã có một hình vẽ hoàn hảo. Việc bây giờ chỉ là xỏ chỉ vào kim và bắt đầu thêu thôi nào!

Nhược điểm của phương pháp này là chỉ sang được hoạ tiết nhỏ. Hơn nữa việc để độ sáng màn hình quá cao lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thị giác. Trong trường hợp bạn đè quá tay thì có thể làm hỏng màn hình.

Bài viết liên quan:

Những kiến thức cơ bản dành cho người mới nhập môn thêu thùa

Khám phá ưu – nhược điểm và mẹo hữu ích của 5 món đồ cần có khi thêu tay

Dùng giấy than văn phòng/giấy than thêu

Có 2 loại giấy than thường dùng là giấy than văn phòng và giấy than thêu. Chúng được sử dụng nhiều trong học tập, các công việc kinh doanh cần xuất hóa đơn cũng như trong thêu thùa, may vá.

Cách sử dụng giấy than khá đơn giản. Bạn chỉ cần đặt chúng vào giữa vải thêu và họa tiết cần thêu thêu theo thứ tự: Vải – giấy than – họa tiết cần thêu. Như vậy vải thêu sẽ đặt dưới cùng, ở giữa là giấy than và trên cùng là hình vẽ có họa tiết cần thêu.

Đối với giấy than chuyên scan mẫu thêu thì thực tế mình chưa dùng bao giờ. Tuy nhiên khi đặt hàng ở một số tiệm đồ thêu uy tín thì được tư vấn rằng giấy than chuyên dụng khó dùng. Lý giải là mực in ra khá mờ, do vậy bạn phải mạnh tay một chút thì nét vẽ mới rõ nét được.

Dĩ nhiên cách nào thì cũng có ưu nhược điểm riêng. Đối với hai loại giấy than:

+ Ưu điểm: Nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian như dùng giấy can lụa.

+ Nhược điểm: Giấy than văn phòng dễ bị lem mực và khó giặt. Trong khi đó giấy than chuyên dụng cho sang mẫu thêu thì không bị lem mực, tuy nhiên mực in ra mờ, mất nét.

Dùng giấy can lụa

Có lẽ đây là cách scan mẫu thêu phổ biến nhất hiện nay bởi vì tính tiện lợi và hiệu quả. Cách sử dụng giấy can lụa không quá phức tạp.

Bước 1: Scan trên giấy can lụa

Đặt giấy can lụa trên mẫu vẽ rồi vẽ lại theo từng nét. Bạn có thể dùng bút bay màu bằng nhiệt hoặc bút bi.

Bước 2: Scan trên vải thêu

Sau khi có mẫu vẽ trên giấy can lụa, bạn đặt chúng trên vải thêu rồi dùng bút bay màu vẽ lại. Các nét vẽ sẽ dần dần được in trên vải. Lưu ý bước này chỉ nên dùng bút bay màu thôi bạn nhé!

Ưu điểm của giấy can lụa là có thể scan bất kỳ họa tiết ở kích cỡ nào. Trong quá trình sử dụng bạn cũng không phải lo lắng bị lem mực như dùng giấy than. Chỉ có một chút xíu lưu ý nhỏ bạn đừng quên nhé, hãy đè mạnh tay một chút ở bước 2 để hình vẽ được sang đủ nét.

Đoc thêm: 

Hướng dẫn chi tiết 8 mũi thêu cơ bản được sử dụng thường xuyên trong thêu thùa

Thì ra đây là lý do khiến bạn thêu không bao giờ tiến bộ

Dùng giấy magic tan trong nước

Giấy magic thực chất chỉ là một lớp giấy cực mỏng và dễ dàng hòa tan trong nước. Chúng được sử dụng rộng rãi trong nghề nghề dệt may. Các bước sử dụng giấy magic cũng tương đối đơn giản:

+ Scan hình ảnh từ mẫu ra giấy magic

+ Đặt giấy magic lên vải thêu rồi bắt đầu “múa kim vẽ chỉ” thôi nào.

+ Sau khi hoàn thành, bạn chỉ cần ngâm chúng vào nước hoặc dùng bình xịt vào là giấy tự tan biến.

Một sản phẩm thân thiện với môi trường này thì không có lời phàn nàn nào để nói. Giấy magic tan nhanh trong nước, hầu như không để lại cặn. Nếu bạn chọn giấy magic để scan hình vẽ, đừng ngâm chúng ở nhiệt độ cao vì vải sẽ bị nhăn, chất lượng chỉ cũng bị ảnh hưởng.

Sau khi đã nắm rõ được ưu – nhược điểm của từng cách sang mẫu thêu, bây giờ bạn đã tự tin chọn phương pháp phù hợp nhất cho mình rồi nhỉ. Đừng quên để lại bình luận và khoe với mình về sản phẩm thêu tay xinh đẹp của bạn nhé!

Để lại một bình luận