Khám phá ưu – nhược điểm và mẹo hữu ích của 5 món đồ cần có khi thêu tay

Chọn mua vải linen bột hay linen tưng? Khung gỗ tre hay khung nhựa? Kim thêu nên chọn cây nào?… Chân ướt chân ráo bước vào con đường thêu thùa, bạn chắc hẳn bị bủa vây giữa hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu.

Tạm gác những mớ hỗn độn trên kia và cùng duongstory.com khám phá ưu – nhược điểm, mẹo hữu ích của 5 món đồ cần có trong thêu tay nhé.

Bộ kim thêu 26 chiếc

Dạo một vòng trên mạng, không khó để bắt gặp những bộ kim thêu với số lượng kim khác nhau. Mỗi cây kim sẽ có chức năng khác nhau tùy vào mục đích người sử dụng.

Thực tế một bộ kim thêu có giá khá rẻ, dao động từ 10.000 đồng – 30.000 đồng (không tính chi phí vận chuyển). Lúc đó tôi đã mạnh dạn chọn ngay bộ kim 26 chiếc với giá 30.000 đồng/bộ. Công dụng mà chúng mang lại không làm tôi phải thất vọng.

21 chiếc kim thêu đầu vàng

Đây là bộ kim thêu bạn sẽ dùng thường xuyên trong suốt quá trình thêu tay. Nếu bạn băn khoăn giữa bộ kim được ghim trong giấy vàng và giấy xanh có gì đặc biệt thì thực ra chúng chỉ khác về độ dài và kích thước. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết Những kiến thức cơ bản dành cho người mới nhập môn thêu thùa.

Trong quá trình chọn kim, chắc hẳn bạn sẽ phải đau đầu để chọn ra một kim từ 26 chiếc kim lung linh đó. Với tôi, ngay từ lúc bắt đầu tôi luôn chọn ra cây kim nhỏ nhất có thể. Vì lỗ kim tạo ra trên bề mặt vải cũng sẽ nhỏ, sản phẩm hoàn thành cũng thẩm mỹ hơn rất nhiều.

Dụng cụ xỏ chỉ

Trước đây tôi khá tự tin với việc xỏ chỉ, cũng thường hay giúp mẹ khi cần khâu vá. Nhưng từ khi tập tành thêu tay, sự tự tin đó đã biến mất. Bởi số lượng chỉ xỏ không phải chỉ là 1, 2 sợi mà thậm chí nhiều hơn. Nhờ dụng cụ xỏ chỉ mà mọi việc gọn lẹ hơn nhiều.

Cách sử dụng rất đơn giản: Đầu tiên, bạn cần luồn dây thép qua lỗ kim. Sau đó mắc sợi chỉ vào dây thép và kéo qua lỗ kim. Tèn ten, thế là bạn đã bắt ngay vào tập luyện rồi!

Kim khâu Needle

Năm chiếc kim khâu với kích thước khá lớn trong bộ kim 26 chỉ thường dùng để khâu những chất liệu dày như thảm, bao tải, bạt, len… Chúng ít được sử dụng khi thêu những họa tiết nhỏ trên quần áo, mũ nón…

+ Carpet Needle: Kim khâu thảm

+ Sail Needle: Kim khâu bạt

+ Sack Needle: Kim khâu bao tải

+ Straight Uphostery Needle: Kim khâu đa năng

+ Curved Mattress Needle: Kim khâu cong

Các loại chỉ thêu

Hai loại chỉ thường dùng gồm chỉ cotton và chỉ tơ bóng. Khi nhen nhóm ý định thêu kẹp tóc, tôi đã nghiên cứu rất nhiều về chỉ thêu, đặc biệt là cotton. Loại chỉ này cực kỳ lý tưởng thêu trên vải linen.

Chỉ tơ bóng thích hợp thêu trên nền vải lụa hoặc áo dài. Nó cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Cũng có người chọn chỉ tơ bóng để thêu trên vải thun. Bạn có thể chọn chỉ gì tùy thích và thêu trên nền vải nào, điều này tùy vào sở thích, ý đồ hoặc mục đích của bạn nhé!

Chỉ cotton có ưu điểm là giá cả phải chăng, màu sắc đa dạng. Nhược điểm của nó là có độ xù nhẹ. Nếu thêu những họa tiết không cần phải chỉnh chu thì đây là lựa chọn hợp lý.

Một loại chỉ khá thú vị mà tôi nghĩ bạn nên thử trong khi thêu hoa, lá mùa thu. Nhờ khả năng chuyển màu vô cùng mượt mà, chỉ loang mang đến mẫu thêu vô cùng tự nhiên, đầy sinh động và cuốn hút.

Xem thêm những sản phẩm thêu tay mới nhất tại fanpage Demicdd House nhé.

Mời bạn đọc thêm bài viết: 

Những kiến thức cơ bản dành cho người mới nhập môn thêu thùa

Hướng dẫn chi tiết 8 mũi thêu cơ bản được sử dụng thường xuyên trong thêu thùa

Chọn vải linen nào?

Trước kia chỉ biết linen là linen, nhưng bước chân vào con đường thêu thùa, tôi mới phát hiện rằng thì ra linen cũng có nhiều loại khác nhau.

Là người mới, bạn nên chọn linen thay vì các loại vải khác. Vải linen chắc chắn, độ dày vừa phải và không bị co dãn, thích hợp tập thêu. Nhược điểm lớn nhất của loại vải này chính là dễ nhăn.

Việc nhận xét một điều gì đó khi chưa sử dụng trực tiếp thật là khó khăn, do vậy tôi chỉ review một vài loại linen mình đã từng tiếp xúc qua.

+ Vải linen thô mộc

Nhờ mua set dụng cụ thêu đầy đủ tôi được tặng kèm vải linen thô mộc. Cảm nhận đầu tiên là vải thô, chưa qua xử lý, màu sắc mang đến cảm giác khá cũ.

Vì chủ yếu để tập thêu nên tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều ở mặt chất lượng. Có thể xem linen thô mộc đã hoàn thành tròn vai nhiệm vụ của mình.

+ Vải linen bột

Cầm trên tay xấp vải linen bột, cảm giác đầu tiên là vải mềm mịn. Sợi vải khít và mang đến cảm giác chắc chắn. Đây cũng là loại linen mà tôi thường xuyên sử dụng trong thêu cột tóc, khăn tay…

+ Vải linen xước

Linen xước mỏng và rủ hơn rất nhiều so với linen bột. Với độ mỏng như vậy nên khi căng khung và tiến hành thêu tôi gặp khá nhiều trở ngại. Tuy nhiên giá của nó thì rẻ hơn nhiều so với linen bột, bạn cũng có thể thử!

Chọn khung thêu phù hợp

Dựa vào khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng, bạn có thể chọn khung thêu gỗ du, khung tre hoặc khung nhựa với kích thước khác nhau từ 8cm – 37cm.

+ Khung gỗ

Khung gỗ được gia công chắc chắn, khung dày và cứng cáp. Hiện tại tôi vẫn đang sử dụng khung gỗ du sau một thời gian dài “điên cuồng” với thêu thùa. Song nó vẫn chưa có dấu hiệu của “xuống cấp” hay hư hỏng. Theo tôi đánh giá, khung thêu này đáng để bạn bỏ tiền ra mua!

+ Khung tre

Ưu điểm của khung tre là giá rẻ, phù hợp cho những ai mới bắt đầu thêu thùa và muốn tiết kiệm chi phí.

+ Khung nhựa

Tương tự như khung tre, giá loại khung này cũng rất rẻ. Khung nhựa có màu sắc đa dạng, dễ dàng tìm mua ở chợ hoặc các tiệm văn phòng phẩm.

Trong quá trình thêu mã vạch Spotify, tôi cũng đã có dịp thử qua khung thêu nhựa giả vân gỗ. Do khung thêu khó bỏ vào nên nó chỉ phù hợp khi bạn đã hoàn thành xong tác phẩm và muốn giữa nguyên trên khung treo tường.

Ngoài ra còn có nhiều loại khung thêu khác, song vì nhiều lý do chưa có điều kiện để thử qua. Và nếu có cơ hội trải nghiệm, tôi sẽ bổ sung vào bài viết này nhé.

Bút vẽ bay màu

Hai loại bút sang mẫu thêu được ưa chuộng hiện nay là bút bay màu sau khi giặt và sấy. Mỗi loại bút sẽ có ưu và nhược điểm riêng, hãy cùng duongstory.com khám phá nhé.

+ Bút bay màu khi giặt

Sau khi đã hoàn thành xong sản phẩm, bạn chỉ cần chấm nước xoa vào, mực sẽ tự bay. Dùng bút màu trắng để vẽ trên nền vải tối và bút màu đỏ, đen để vẽ trên vải trắng hoặc vải sáng.

Khi thực hiện thao tác này bạn nên cẩn thận, vì chỉ cần sơ ý một chút, các sợi chỉ sẽ bị xô lệch khiến chỉ bị rút, xoắn lại.

+ Bút bay màu bằng nhiệt

Thay vì giặt, sử dụng bút này, bạn chỉ cần dùng bàn là hoặc máy sấy là mực đã bay hơi. Trải nghiệm của tôi khi dùng bút này là lúc sấy thì có vẻ mực bay hơi rất nhanh, tuy nhiên vài ngày sau thì mực dường như chưa bay hết.

Những trải nghiệm từ thêu thùa mang lại mà tôi chia sẻ trong bài viết này, có thể đúng với người này nhưng lại sai với người kia. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi mỗi cá nhân sẽ có những cách cảm nhận, xử lý và thực hiện tác phẩm khác nhau.

Tôi mong những bạn đang còn loay hoay lạc lối trong thế giới thêu thùa rộng lớn kia, có thể ngồi lại đây, cùng nhau thưởng trà, cùng nhau thêu!

Một bình luận

Trả lời