Mình quyết định tổng hợp những bài viết lách hay từng xuất bản trên Facebook và đăng lại trên duongstory.com. Lý do là vì mình hy vọng trang web này có thể lưu giữ bài viết khoa học hơn, lưu giữ được lâu hơn trong trường hợp mạng xã hội gặp sự cố (bị mất tài khoản). Nếu bạn đang thực hành viết từ số 0, thử tham khảo những bài dưới đây nhé.
Tổng hợp những loạt bài hay của mình, bạn có thể đọc theo từng phần:
Tổng hợp những bài viết lách hay đăng Facebook cá nhân (phần 1)
Tổng hợp những bài viết lách hay đăng Facebook cá nhân (phần 2)
Tổng hợp những bài viết lách hay đăng Facebook cá nhân (phần 3)
Tổng hợp những bài viết lách hay đăng Facebook cá nhân (phần 4)
Bài 5: Không có sự nỗ lực nào là hơn kém nhau cả

Một người chị mình quen đã phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để viết bài, rồi tất bật chuẩn bị bữa sáng, chở con đi học. Lại có bạn độc giả nhắn tin bảo, kết thúc công việc văn phòng khi trong trạng thái rã rời, trời thì sẩm tối, bạn chỉ tranh thủ viết trong ngày cuối tuần mà thôi.
Cô bạn học viên bằng tuổi mình, ngày đi làm, tối miệt mài viết bài cộng tác cho báo chí, có hôm 12 giờ khuya mới xong rồi nhờ mình góp ý, nhưng tin vui mãi vẫn chưa đến với bạn. Có chị khác ít viết cực kỳ, mỗi lần hoàn thành bài vở thì mất đâu đó vài tháng, rồi sau đó khoe với mình bài viết đầu tiên trên báo với nhuận bút bằng nhiều ly trà sữa.
Nhiều bạn học viên của mình thường hay bảo, em thấy em chưa nỗ lực như chị A hoặc chưa cố gắng bằng bạn B.
Thực ra, không có sự cố gắng nào là thua cái nào cả. Chúng ta khó mà so sánh hay kết luận rằng người này cố gắng nhiều hơn người kia theo góc nhìn của chính mình. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, mỗi cố gắng đều là khác nhau.
Những người mình chia sẻ ở trên, ai cũng đang nỗ lực trong sự nghiệp viết lách của mình, có người đi nhanh, có người đi chậm. Tất nhiên mỗi người sẽ có câu chuyện riêng, khó khăn riêng và không phải ai cũng công khai điều đó. Nhưng mình biết tất cả các bạn đều đang bước đi, và các bạn xứng đáng được cổ vũ, được khích lệ.
Bài 6: Chăm chỉ là con đường đáng đi
Mình từng viết 50.000 từ trong 20 ngày xuyên Tết. Đó là một dự án chấp bút sách mà mình nhận được vào cuối năm và buộc phải hoàn thành gấp trong Tết. Mình đã lưỡng lự nhận hay không rồi quyết định gật đầu xem như thử thách bản thân.
Nếu là ngày thường, có lẽ con số này không có gì quá ấn tượng để chia sẻ. Bởi vì chỉ cần mỗi ngày viết 2.500 từ là đủ. Thế nhưng, thời điểm mình nhận đúng vào Tết Nguyên đán, nghĩa là mình vừa nghiên cứu chủ đề, vừa đọc tài liệu, vừa viết, vừa dọn nhà, vừa trang trí nhà cửa.
Bí quyết để mình làm được là:
– Có kế hoạch cụ thể, chia ra các phần sẽ viết và nếu hôm nào không viết được sẽ làm bù vào hôm sau.
– Kỷ luật theo sát deadline, đôi khi mình lo lắng thái quá, tưởng tượng ra rất nhiều kịch bản khác nhau nếu không hoàn thành đúng hạn. Và vì lo lắng nên mình cũng tự giác hơn.
– Tập trung cao độ khi viết, dự án gấp phải hoàn thành sớm, nên mình không thong thả sao nhãng. Mỗi lần làm việc, điện thoại để chế độ yên lặng, trình duyệt mở rất nhiều tab nhưng tuyệt nhiên không có mở mạng xã hội.
– Tạm ngừng viết các kênh khác bằng cách ngừng viết hằng ngày trên Facebook cá nhân để tập trung vào dự án này.
Trước đây, một chị từng hỏi mình có từng lo lắng đến việc một thời điểm mình không có dự án để làm không. Mình cười bảo, ngày xưa thì có, cuống cuồng tìm khách; giờ thì cứ để mọi thứ tự nhiên. Mình cứ chăm chỉ cố gắng phần mình, khách sẽ tự tìm đến. Và bằng một cách thần kỳ đó, mình đã có khách hàng tìm đến trong nhiều làm viết lách tự do này.
Mình biết “chăm chỉ không phải là một con đường dễ đi, nhưng nó là con đường đáng đi”. Và khi đi hết một trạm dừng để nghỉ chân, bạn sẽ phát hiện mình đã vượt qua giới hạn của bản thân để làm điều không tưởng. Khoảnh khắc ấy thật sự rất tuyệt.
Đọc thêm:
Thực hành viết mỗi ngày từ những phương pháp đơn giản sau
30+ cách giúp bạn quyết tâm viết mỗi ngày bắt đầu từ hôm nay
2 lỗi viết phổ biến nhất mà mình thường gặp khi làm Writing Mentor
Viết sách để xây dựng thương hiệu cá nhân – Lan tỏa giá trị bằng con chữ
Bài 7: Thứ cản trở bạn không phải là tuổi tác, mà là nỗi sợ

“Em có từng nhận học viên lớn tuổi như chị không? Chắc chị già nhất nhỉ?” Lần đầu gặp, chị học viên hỏi mình như thế. Rồi mình lắc đầu cười bảo: “Học viên lớn tuổi nhất mà em từng hướng dẫn 45 tuổi lận.”
Đa phần các bạn hỏi vì tò mò, có bạn hỏi là để tìm thêm “đồng minh”, cũng có bạn hỏi để tìm xem trong nhóm học viên của mình có ai học tiến bộ hoặc đạt được thành tựu gì đó nổi bật không để học hỏi.
Có vài lý do mà các bạn học viên lớn tuổi lo ngại khi học viết là vì:
– Không rành về công nghệ, khó khăn khi sử dụng máy tính hay các phần mềm, công cụ viết.
– Cảm thấy chậm hơn so với lớp trẻ, không nhạy bén để bắt kịp xu hướng.
– Cảm thấy e ngại khi xuất hiện trên mạng xã hội hay chủ động tìm dự án.
– …
Các bạn đều cho rằng tuổi tác là rào cản lớn nhất khi học viết. Mình đồng ý, vì đã từng hướng dẫn cho một chị học viên lớn tuổi sử dụng Google Drive khi chị ấy không biết cách dùng. Mình cũng từng chỉ dẫn cho một chị khác đăng bài lên website đến buổi thứ 4 chị mới hoàn thành suôn sẻ.
Nhưng, học viên của mình có những bạn trẻ còn còn chưa biết cách trình bày email sao cho chuẩn, thi thoảng ngắt câu không đúng chỗ.
Ở độ tuổi nào cũng có khó khăn cả. Bản thân mình từng bị từ chối một dự án chấp bút vì giọng văn của mình còn non quá, không phù hợp với một người trưởng thành và thiếu sự từng trải trong cuộc sống. Nên mình nghĩ, bất kỳ độ tuổi nào cũng sẽ có khó khăn, nhưng đi cùng với đó có một số thuận lợi.
Và chị học viên trong câu chuyện mình kể ở mở bài, đã có liên tiếp nhiều bài được đăng báo, nhận nhuận bút. Bây giờ chị còn đang làm thêm một số công việc liên quan đến viết.
Thực ra, mình nghĩ thứ cản trở bạn không phải là tuổi tác, mà là nỗi sợ. Vì sợ nên đôi khi bạn sẽ tự trấn an kiểu “Mình lớn tuổi nên chậm chạp, chắc không hợp với cái này đâu,….” rồi lại thôi.
Chỉ cần bạn muốn học hay làm một điều gì đó, đừng để cho tuổi tác là cái cớ để bạn từ bỏ nhé.
Bài 8: Sắp xếp từng thứ nhỏ, để sẽ sáng tỏ việc cần làm
Mình không mắc chứng OCD mà đơn giản là thích giữ mọi thứ ngăn nắp, từ không gian phòng bếp, tiếp khách cho đến không gian làm việc. Cảm giác mọi thứ đâu vào đó, nằm đúng vị trí chúng vốn dĩ thuộc về, mình có cảm hứng làm việc hơn.
– Kệ sách thì một bên sổ, một bên sách, xếp từ lớn đến nhỏ.
– Trong máy tính mình, các thư mục sắp xếp gọn hàng, phân biệt bằng cách đánh dấu màu sắc khác nhau.
– Ngay cả bài viết cũ từ 3, 4 năm trước mình cũng giữ lại ở một thư mục riêng.
– Zalo cũng đánh dấu cái nào là công việc, cái nào là dành cho cá nhân.
– Mỗi dự án với khách là một folder riêng, trong folder đó sẽ có 1 file bảng giá, 1 file tiến trình làm việc và các thư mục con chứa video, tài liệu, hình ảnh mà khách hàng cung cấp.
Sắp xếp từng món nhỏ nhất, khiến mình rõ ràng hơn về mọi thứ đang làm.
Nếu bạn chưa biết sắp xếp những gì, bắt đầu từ đâu, có thể thử:
– Sắp xếp lại góc làm việc của mình
– Sắp xếp và phân loại những cuốn sách đã đọc hoặc chưa đọc
– Sắp xếp lại các mối quan hệ trong cuộc sống
– Sắp xếp lại những chủ đề viết đã lưu nhưng chưa viết và lên kế hoạch viết dần
– Sắp xếp lại các khóa học đã đăng ký để bắt đầu học ngay trong năm nay
– Sắp xếp lại mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện (bắt đầu từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn, từ mục tiêu ngắn hạn đến dài hạn)
Và đừng quên sắp xếp và dọn dẹp tâm trí để có một năm 2025 thật sự như ý nhé.
Bài 9: “Là do may mắn thôi”
Bạn từng bị người khác phủ nhận mọi cố gắng bằng câu nói này chưa?
Vài ngày trước, mình gặp lại một người bạn cũ sau nhiều năm xa cách. Lan man từ chuyện nhà sang chuyện công việc, mình kể cho bạn nghe về một khách hàng trong một dự án biên tập gần đây. Đó là một khách hàng cực kỳ tử tế, lịch sự, chưa bao giờ giao việc gấp vào buổi tối, luôn chủ động thanh toán trước thời hạn. Kết thúc dự án, khách còn giới thiệu cho mình một khách hàng mới nữa.
Nghe mình kể xong, bạn tổng kết lại một câu, đại ý là do mình may mắn mới gặp khách tốt như vậy, không phải ai cũng được như thế.
Chuyện này làm mình nhớ lại năm cấp 2, khi mình thi Văn đạt giải nhì rồi được đi thi tỉnh, cũng có bạn từng bảo mình đạt giải cao là vì trúng tủ.
Tất nhiên đó chỉ là hai trong số những câu chuyện mà mình trải qua. Đến hiện tại, thi thoảng mình vẫn nghe những câu như “Do em may mắn đó” hoặc “Dương có phước lắm nha”. Giống như dù có nỗ lực đến thế nào, cũng sẽ có người phủ nhận nỗ lực của bạn vậy.
Mình gặp khách hàng tốt bởi vì suốt thời gian trước đó mình đã lao động một cách nghiêm túc, chăm chỉ.
Hay trước mỗi lần đi thi Văn, mình đều đọc lại mỗi phẩm; phân tích, cảm nhận từng câu từ. Mình cũng ghi chép thật nhiều đoạn trích hay, từ ngữ hay, làm giàu vốn từ và cả vốn sống. Vậy nên cứ năm nào được cử đi thi mình đều có giải. Nếu là may mắn, mình nghĩ ông trời không ban cho mình nhiều vận may đến vậy đâu.
Người nói bạn gặp may, là vì chưa nhìn thấy nỗ lực thầm lặng của bạn. Đôi khi người ta nhìn phần nổi với thành tựu đạt được rồi tóm gọn bằng hai từ “may mắn”; nhưng phần chìm với biết bao nhiêu đêm kiên trì, biết bao nhiêu ngày cố gắng thì lại bị bỏ qua.
Có một câu nói mà mình rất thích: “Vận may tốt nhất là vận may bạn tự tạo ra cho chính mình.” Không bàn đến những vấn đề khác trong cuộc sống, chỉ riêng trong công việc, mình thấy đúng thật. Vận may không tự nhiên đến, mà là tích lũy từ nhiều hành động trước đó. Và mình nhận ra, càng chăm chỉ lao động, càng nhận được nhiều may mắn hơn.
Khi đọc xong những bài mình gợi ý phía trên, bạn có nảy ra ý tưởng nào để viết hay không? Có câu nói hay từ ngữ nào hay bạn muốn học hỏi, vậy thì ghi vào sổ tay của mình nhé. Cùng đón chờ danh sách tổng hợp những bài viết lách hay ở bài tiếp theo trên duongstory.com nhé.