Ngày xưa đi học từng bị cô giáo thường phê bình “vốn từ nghèo nàn”, đến khi đi làm bị cấp trên góp ý dùng từ chưa sáng tạo,… làm thế nào để cải thiện tình trạng bí từ khi viết?
Cùng tìm hiểu bí quyết giúp cải thiện vốn từ trong viết lách và giúp bạn dùng từ chính xác hơn qua bài viết dưới đây nhé.
Hiện tượng “bí từ” khi viết
Đã bao giờ bạn từng muốn diễn tả một điều gì đó nhưng lại chưa tìm ra từ phù hợp? Hoặc bạn không thể sử dụng các từ đồng nghĩa, gần nghĩa thay thế tránh việc lặp lại từ? Trường hợp tệ hơn là khi giao tiếp bạn không thể diễn đạt được ý của mình vì không có vốn từ tiếng Việt.
Nếu bạn là newbie trên con đường viết dạo, mình tin chắc rằng đã có vài ba lần bạn bị “cạn từ”, “bí từ” khi viết. Những lúc như thế, việc phải ngồi nặn ra những dòng chữ sao cho đúng nghĩa hẳn là rất khó khăn nhỉ?
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “cạn từ”, trong đó có thể là:
+ Do vốn từ nghèo nàn dẫn đến khó khăn trong việc tìm từ phù hợp.
+ Do không biết chính xác nghĩa của từ nên đôi khi không thể phân biệt và sử dụng từ vựng hợp lý.
+ Do não làm việc quá tải dẫn đến hiện tượng đau đầu, ghi nhớ kém. Lúc này việc dùng từ để diễn đạt ý tưởng trong khi nói hoặc viết cũng bị ảnh hưởng.
Khi não làm việc liên tục sẽ gặp phải triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Bạn có thể thể cải thiện sức khỏe bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ quá trình lưu thông máu lên não. Lưu ý trước khi sử dụng bạn nên nhờ sự tư vấn của chuyên gia, bác sĩ. Ngoài ra bạn đừng quên nghỉ ngơi thư giãn để đầu óc thoải mái trước khi bắt đầu cuộc chiến giữa ma trận từ ngữ nhé.
Đối với 2 trường hợp còn lại, tham khảo những cách sau đây có thể tăng khả năng sử dụng từ ngữ cực hiệu quả đấy.
Đọc thêm bài viết:
5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn
Viết tốt hơn nhờ cải thiện chính tả và trau dồi vốn từ vựng
Cải thiện những lỗi sai cơ bản sau chắc chắn bạn sẽ viết tốt hơn
Các phương pháp cải thiện vốn từ trong viết lách
Đọc sách trau dồi vốn từ vựng
Dù thế giới có biến thiên thế nào thì sách vẫn là kho tàng tri thức cung cấp cho chúng ta kiến thức và vốn từ đa dạng. Đọc sách càng nhiều, khả năng hành văn của bạn cũng sẽ trôi chảy. Nhờ lượng từ vựng phong phú trong sách mà vốn từ cũng được bổ sung đáng kể.
Đầu tiên phải nói nhiều đến Từ điển. Từ điển Tiếng Việt mang đến lượng từ vựng dồi dào. Trong lúc tập viết hoặc nói, nếu bạn bí từ thì tra ngay luôn lúc đó. Sách Văn học nghệ thuật hay Tiểu thuyết cũng giúp bạn trau dồi vốn từ khi viết lách. Trong khi đó các đầu sách khoa học, kinh tế, y khoa… lại cung cấp một lượng lớn từ vựng chuyên môn.
Một ví dụ mình từng được nghe bài thơ Tình già (Phan Khôi) có viết: “Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính chuyện thuỷ chung!” Hoặc trong câu thành ngữ quen thuộc mà chúng thường nghe: “Già nhân ngãi, non vợ chồng”. Vậy “nhân ngãi” là gì?
Từ điển Tiếng Việt 2003 (Hoàng Phê), trang 710 có giải thích “nhân ngãi” chỉ người tình ăn ở với nhau như vợ chồng. Nhờ hiểu được ý nghĩa của các từ ghép hiếm dùng, bạn có thể sử dụng nó trong văn cảnh phù hợp.
Ngoài ra một số cuốn sách giúp tăng vốn từ tiếng Việt, chữa tình trạng bí từ như Nằm nghe gió thổi sau hè (cuốn sách đầu tay của mình), Chữ xưa còn một chút này hoặc các đầu sách của tác giả Thạch Lam, Xuân Diệu,…
Nghe nhạc
Mình thích nghe nhạc Trịnh, bởi cách dùng ca từ tinh tế, vừa hiếm lại vừa giàu cảm xúc. Ví dụ như từ “phiến” trong câu “Từng phiến mây hồng” (bài Tuổi đá buồn), hay “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm” (bài Ru em từng ngón xuân nồng) hoặc “phiến sầu” (bài Lời của dòng sông),… Và khi viết tản văn, sử dụng từ “phiến” kết hợp với một danh từ (ví dụ“phiến lá”) sẽ làm cho câu văn mềm mại, nhẹ nhàng và nên thơ hơn.
Ngoài ra có một số từ ngữ cực kỳ ấn tượng trong tình ca Trịnh như “vô thường” (bài Đóa hoa vô thường), “hư hao” (bài Có một ngày như thế), “bọt bèo” (bài Yêu dấu tan theo),… Hay câu hát “Tay măng trôi trên vùng tóc dài” để miêu tả đôi bàn tay đẹp của người con gái và động tác lùa tóc nhẹ nhàng.
Trong bài hát Nơi này có anh (Sơn Tùng M-TP) có câu: “Em là ai từ đâu bước đến nơi đây dịu dàng chân phương.” Từ ghép “chân phương” ít được sử dụng hiện nay. Do vậy mình tin là không nhiều người hiểu được ý nghĩa của nó. Theo Từ điển Tiếng Việt 2003 (Hoàng Phê), trang 142 giải nghĩa từ “chân phương” là thật thà ngay thẳng, chân thật.
Nghe nhạc không chỉ là cách giúp xoa dịu tâm hồn mà còn giúp tăng khả năng tiếp nhận những lời hay ý đẹp. Rõ ràng việc nghe và thuộc một bài hát dễ dàng hơn nhiều so với đọc và rút ra từ vựng hay từ một cuốn sách đúng không nhỉ?
Sử dụng mạng xã hội, internet
Internet cũng là công cụ hữu ích để tra từ vựng một cách nhanh chóng. Tại đây bạn có thể dễ dàng tra cứu và tìm hiểu nghĩa từ vựng dễ dàng để áp dụng trong bài viết.
Mạng xã hội cũng là nơi khá thú vị để học hỏi nhiều điều bổ ích. Ví dụ như mình đọc được một bình luận có cụm từ “tư tưởng thủ cựu”. Quả thật lúc đó “thủ cựu” là một từ mới mà mình chưa gặp bao giờ.
Sau khi tìm hiểu, mình mới biết “thủ cựu” là chỉ biết khư khư giữ cái cũ, không chịu tiếp thu cái mới. Các từ đồng nghĩa, gần nghĩa với từ này bao gồm “bảo thủ”, “cổ hủ”,…
Trước đây khi viết một bài đăng trên mạng xã hội, mình khá đắn đo khi sử dụng “miền biên viễn” hay “miền sơn cước”. Bởi vì mình tìm hiểu, “miền biên viễn” có hai cách hiểu: Hoặc là xa xôi hẻo lánh hoặc là nơi xa trung tâm như vùng biên giới.
Tuy nhiên sau khi được tham khảo ý kiến từ Ngày ngày viết chữ, mình đã sử dụng từ “miền sơn cước” cho bài viết đó. Bởi vì nó đúng nghĩa và đúng với ngữ cảnh hơn “miền biên viễn.”
Bài viết mới nhất: Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
Một số đầu sách cải thiện giúp bạn cải thiện vốn từ trong viết lách
Content là nghề sử dụng con chữ để sáng tạo nội dung. Chính vì thế việc trau dồi vốn từ vựng cũng vô cùng quan trọng. Gợi ý một số đầu sách Tiếng Việt cực thú vị dưới đây chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Từ điển Đồng nghĩa – trái nghĩa Tiếng Việt (NXB Dân Trí)
Để cho ra đời những content chất như nước cất làm khách hàng “like” tới tấp, nhiều nhà sáng tạo nội dung đã vận dụng khả năng chơi chữ cực đỉnh của mình. Kèm theo đó là việc khéo léo sử dụng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa… để câu chữ trở nên ấn tượng.
Nếu bạn làm content thì đừng bỏ qua cuốn sách Từ điển Đồng nghĩa – trái nghĩa Tiếng Việt của tác giả Bích Hằng và Nhóm biên soạn nhé.
Tham khảo mua sách tại: Link shopee hoặc Tiki
Từ vay hay dùng (NXB Kim Đồng)
Nếu bạn đã từng biết đến Fanpage Ngày ngày viết chữ với gần 150.000 lượt theo dõi thì không nên bỏ qua cuốn sách thú vị này. Tác giả Thùy Dung đưa người đọc đi từng bất ngờ này đến bất ngờ khác qua cách giải thích những từ thường dùng hằng ngày như osin, xà bông, cao bồi, lạp xưởng, lăng xê,…
Nếu bạn muốn khám phá thêm về những tự tiếng Việt mượn tiếng nước ngoài, Từ vay hay dùng đáng để đọc một lần trong đời.
Tham khảo mua sách tại: Link shopee
Chữ xưa còn một chút này (NXB Thế giới)
Năm 2021, Ngày ngày viết chữ tiếp tục ra mắt bạn đọc cuốn sách Chữ xưa còn một chút này. Cuốn sách với ảnh bìa được thiết kế tối giản gồm 2 tone màu đen – trắng. Dĩ nhiên nội dung bên trong không khiến bạn phải thất vọng.
Tác giả Thùy Dung chia sẻ cuốn sách này dành cho những người yêu tiếng mẹ đẻ dân tộc. Đặc biệt Chữ xưa còn một chút này cực kỳ phù hợp với các bạn trẻ hành nghề content, quảng cáo,…
Tham khảo mua sách tại: Link shopee hoặc Tiki
Nỗi oan thì, là, mà (NXB Trẻ)
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Dân nằm trong bộ Tiếng Việt giàu đẹp xuất bản vào năm 2018. Nghe tựa đề, hẳn bạn đã hình dung được nội dung cơ bản của Nỗi oan thì, là mà.
Cách sử dụng các từ “thì”, “là”, “mà” được tác giả ví von ấn tượng. Nếu bạn yêu thích Tiếng Việt, đây là cuốn sách mình nghĩ không nên bỏ qua trong dịp giảm giá này.
Tham khảo mua sách tại: Link shopee hoặc Tiki
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các cuốn sách còn lại nằm trong bộ Tiếng Việt giàu đẹp (NXB Trẻ) gồm:
– Cuộc sống ở trong Ngôn ngữ (tác giả Hoàng Tuệ): Link giảm giá
– Ăn Uống Nói Cười & Khóc (tác giả Trần Huiền Ân): Link giảm giá
– Đi tìm bản sắc tiếng Việt (tác giả Trịnh Sâm): Link giảm giá
– Muôn màu Lập Luận (tác giả Nguyễn Đức Dân): Link giảm giá
Thú Chơi Chữ (NXB Khoa học Xã hội)
Cuốn sách được biên soạn bởi PGS.TS. Lê Trung Hoa và PGS. Hồ Lê chắc chắn sẽ là tư liệu tham khảo quý giá dành cho những ai yêu thích tiếng Việt. Cuốn sách viết về “thú chơi chữ” trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong văn học.
Thú Chơi Chữ dành cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Đặc biệt những người làm content, sáng tạo, quảng cáo,… thì việc sở hữu một cuốn sách như thế này chẳng khác gì biết được bí quyết làm nội dung.
Nằm nghe gió thổi sau hè (NXB Văn học)
Nằm nghe gió thổi sau hè là cuốn tản văn với hơn 40,000 chữ được mình xuất bản vào tháng 7.2023. Cuốn sách là những câu chuyện tuổi thơ mà đôi khi bạn sẽ thấy bóng dáng mình trong đó. Là những lần trốn ba má ra đồng bắt cá rô; là những khi chăn bò trên đồi hái sim tím. Là những lần thấy máy bay trên bầu trời xanh thẳm rồi chạy ùa ra ngước nhìn theo và thả luôn ước mơ vào đó. Hay những lần nằm võng đung đưa, nghe mùi thiên lý thoảng thơm rồi chìm vào giấc ngủ ban trưa.
Cuốn sách được độc giả yêu thích và đánh giá khá cao về mặt văn phong cũng như vốn từ đa dạng, phong phúc và giàu cảm xúc. Qua cuốn sách này, bạn cũng có thể thu nhặt được nhiều từ vựng hay ho, đặc biệt có thể áp dụng trong viết sáng tác hoặc viết nội dung về thương mại.
Tham khảo mua sách tại:
– Trên Tiki, Shopee hoặc Fahasa
– Trên Tri Thức Trẻ Books
Những ví dụ trên được rút ra từ quá trình đọc sách, nghiên cứu trên internet cùng tham khảo Từ điển tiếng Việt 2003 của tác giả Hoàng Phê. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp cải thiện tình trạng bí từ. Từ đó với nguồn từ vựng phong phú, bạn thỏa sức tạo ra những content hấp dẫn.
2 bình luận
Tuy vốn từ của em cũng khá rộng nhưng vẫn khó tránh đôi lúc bí từ, nghĩ mãi vẫn không biết dùng từ gì cho phù hợp. Nhớ bài viết của chị mà em đã cải thiện được phần nào vấn đề này. Cảm ơn chị.
Cảm ơn Chân đã luôn theo dõi blog chị nhé, nếu có khó khăn cần hỗ trợ Chân email cho chị qua haiduong7074@gmail.com. Chị sẽ hỗ trợ em trong khả năng cho phép nha! Mong em viết tốt nè.