Khi bắt đầu chia sẻ hàng loạt những nội dung về xuất bản sách trên duongstory.com, mình nhận được rất nhiều thắc mắc của độc giả. Đa phần các bạn hỏi mình về lưu ý khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản như là nên gửi đơn vị nào, bản thảo được trình bày ra sao, có nên làm Book Proposal không,…
Chính vì vậy, mình quyết định mình tổng hợp những kinh nghiệm gửi bản thảo trong bài viết này để giúp các tác giả có cơ hội lọt vào mắt xanh NXB và sớm cầm trên tay cuốn sách của riêng mình.
Chọn nhà xuất bản phù hợp
Năm ngoái, mình đăng bài tuyển cộng tác viên viết content cho dự án đang phụ trách và nhận được hơn 50 email gửi về trong 3 ngày. Một số hồ sơ cực kỳ chất lượng nhưng mình phải nói lời từ chối vì không phù hợp. Lý do là vì portfolio của các bạn chủ yếu trình bày những sản phẩm video ngắn trên nền tảng Tiktok và Facebook Reels cùng nhiều hình ảnh thiết kế ấn tượng trong khi mình nhấn mạnh rằng cần một bạn viết và biên tập tốt.
Tại sao mình lại kể câu chuyện này, bởi vì mình tin rằng sự phù hợp vô cùng quan trọng, có thể giúp bạn giành tỉ lệ chiến thắng trong một cuộc tuyển chọn gay gắt. Trong xuất bản sách cũng vậy, khâu chọn mặt gửi vàng quan trọng không kém.
Giống như bạn viết về hôn nhân gia đình trong khi đó lại gửi bản thảo này đến NXB Kim Đồng – một đơn vị chuyên cung cấp sách và văn hoá phẩm phục vụ cho đối tượng thiếu nhi. Hoặc bạn viết một cuốn sách về lĩnh vực công nghệ nhưng lại chọn NXB Văn học để gửi. Chính vì vậy, bạn cần chọn NXB phù hợp để tăng tỉ lệ được xuất bản. Đọc thêm bài viết Các cách xuất bản một cuốn sách và quy trình tự xuất bản sách để phân biệt NXB và đơn vị phát hành sách nhé.
Trình bày bản thảo rõ ràng
Một ứng viên ăn mặc gọn gàng, tươm tất sẽ được đánh giá cao trong buổi phỏng vấn hơn là một ứng viên ăn mặc luộm thuộm, tóc tai rối bời. Một bài viết được trình bày rõ ràng, đẹp mắt thì người đọc sẽ có thiện cảm ơn với bài viết nhiều lỗi đánh máy, trình bày lộn xộn. Hình thức không phải là yếu tố quyết định đến kết quả nhưng là một trong những yếu tố quan trọng khiến người khác ấn tượng về bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Thử tưởng tượng, một bạn thảo dài 50,000 nhưng chi chít lỗi đánh máy, viết hoa lộn xộn và trình bày xô lệch, thiếu thông tin tác giả thì rõ ràng người tiếp nhận cũng không mấy mặn mà với bản thảo này. Đó là lý do vì sao mà trong tất cả các bạn học khóa Viết từ số 0 của mình, buổi training đầu tiên mình đều nói về cách trình bày một văn bản chuẩn, gửi email thuyết phục người nhận.
Với bản thảo sách, bạn có thể trình bày theo một vài gợi ý sau:
– Font chữ dễ nhìn như Arial hoặc Time New Roman và tránh những font chữ rườm rà, khó đọc.
– Size chữ nên là 13 hoặc 14; tránh chọn cỡ chữ quá nhỏ hoặc quá to.
– Phần tiêu đề nên viết in đậm, size chữ to hơn so với nội dung chính, cỡ 16 hoặc 18.
– Căn lề 2 bên, giãn dòng 1.25 hoặc 1.5; nên tách đoạn để dễ nhìn.
– Rà soát lại phần trình bày để tránh lỗi morat (lỗi đánh máy, viết sai dấu câu, viết hoa – thường lộn xộn,…)
Nội dung độc đáo mới lạ
Một cuốn sách với nội dung nhàm chán, quen thuộc đã xuất hiện trong hàng chục cuốn sách khác sẽ khó có cơ hội được ra mắt. Do vậy khi chọn chủ đề, bạn nên nghiên cứu thị trường và dựa vào thế mạnh của bản thân để lựa chọn chủ đề phù hợp.
Dựa theo trải nghiệm viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè và chấp bút 2 cuốn sách cho khách hàng, mình nhận ra hiện tại thể loại sách được ưa chuộng phần lớn là sách phi hư cấu. Ví dụ như sách ngành nghề, sách kỹ năng, sách chữa lành và phát triển bản thân. Trong khi đó những cuốn sách thuộc dòng sáng tác (sách hư cấu) như tản văn, tiểu thuyết, thơ,… không còn được yêu thích nhiều như trước đây.
Tuy nhiên những gì mình vừa chia sẻ dựa vào trải nghiệm cá nhân, do vậy bạn có thể gửi cho NXB nếu tự tin về bản thảo của mình. Mình tin rằng những bản thảo chất lượng, độc đáo, mới lạ sẽ được lựa chọn ra mắt.
Đọc thêm:
Một số mẹo giúp bạn tiết kiệm chi phí tự xuất bản sách
Quy trình gửi bản thảo đến NXB hoặc nhà phát hành sách
Chữa bí từ, làm đầy “chiếc túi ngôn từ” với 7 đầu sách cực hay
Các loại chi phí xuất bản sách mà bạn cần biết để tự xuất bản sách
Nên tóm tắt về tác giả – tác phẩm
Lưu ý khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản, bạn nên bổ sung phần tóm tắt về tác giả – tác phẩm. Một vài gợi ý cho bạn là:
Với phần tác giả, bạn chỉ cần trình bày những thông tin ngắn gọn bao gồm tên tác giả, bút danh (nếu có), quê quán, ngày sinh và nghề nghiệp hiện tại. Với phần tác phẩm, bạn có thể trình bày súc tích lý do/động lực khiến bạn viết nên cuốn sách này và nội dung sách nói về điều gì. Nếu sách được chia làm nhiều phần, nhiều chương, bạn đừng quên tóm tắt nội dung từng chương nhé.
Một số bạn gửi bản thảo cho NXB thường chỉ gửi tóm tắt tác phẩm hoặc gửi một phần tác phẩm, nhưng theo mình thì nên gửi toàn bộ tác phẩm để NXB đánh giá chung. Vì nếu bạn chỉ gửi một phần, NXB không đủ cơ sở để quyết định mua tác phẩm của bạn. Hơn nữa những NXB đều là đơn vị có uy tín, nên mình nghĩ bạn cũng không cần quá lo lắng về việc sợ lộ nội dung tác phẩm ra bên ngoài.
Trình bày email ngắn gọn
Một lỗi mà mình dễ nhận thấy nhất khi nhận email của nhiều bạn, đó là trình bày thư quá dông dài, rườm rà và gây khó hiểu cho người đọc. Theo mình, một email hiệu quả khi truyền đạt được thông tin cho người nhận một cách rõ ràng, dễ hiểu, khoa học. Với thư gửi cho NXB, bạn nên lưu ý:
– Nên có lời chào, về việc lựa chọn thân gửi hay kính gửi, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: Hướng dẫn viết thư “đúng người, đúng thời điểm”
– Giới thiệu ngắn gọn về bản thân, tránh dài dòng vì trong file bản thảo đã có phần tóm tắt về bản thân.
– Trình bày ngắn gọn về bản thảo cũng như mong muốn, ước vọng của bạn khi viết nên tác phẩm này.
– Lời chào cảm ơn và đừng quên một câu nhắc nhở khéo léo để NXB có thể phản hồi email của bạn sớm.
– Trình bày văn phong đơn giản, tránh viết rườm rà hoặc đậm yếu tố văn chương không cần thiết.
Nên có Book Proposal để gửi kèm
Gần như có rất ít tác giả làm Book Proposal khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản, trong khi theo mình phần này khá quan trọng. Một bản đề xuất sẽ giúp cho NXB tiết kiệm được thời gian nghiên cứu bản thảo đồng thời bạn cũng có thể để đề xuất các phương án hỗ trợ truyền thông nếu sách ra mắt.
Trong Book Proposal nên có thêm phương án hợp tác xuất bản. Lý do là vì hiện nay thị trường sách gặp nhiều khó khăn, và để xuất bản một cuốn sách, NXB cũng sẽ cân nhắc rất nhiều phương án để đảm bảo mang lại lợi nhuận. Do vậy, nếu Book Proposal của bạn có thêm nhiều phương án xuất bản như hợp tác 50 – 50, nhận nhuận bút bằng sách thay vì bằng tiền,… cũng là một gợi ý. Bạn có thể đặt lịch tư vấn 1:1 với mình để được tư vấn cụ thể hơn.
Không gửi một bản thảo cho nhiều NXB
Thường nhiều bạn cho rằng gửi bản thảo cùng lúc cho nhiều NXB càng tốt, như vậy cơ hội được lựa chọn sẽ cao hơn. Thế nhưng mình không đồng tình với cách này. Bởi vì giả sử nếu 2 NXB cùng gửi email phản hồi sẽ chọn mua bản quyền cuốn sách của bạn, như vậy bạn dễ rơi vào thế khó xử và không biết xử lý như thế nào cho hợp lý.
Thông thường thời gian chờ đợi để NXB phản hồi bản thảo từ 1 – 2 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy vào tình hình cụ thể. Nếu gửi sau 2 tháng cho bên A và không nhận được phản hồi hoặc bị từ chối, lúc đó bạn có thể suy nghĩ sửa lại nội dung cho tốt hơn và gửi cho bên B.
Chờ đợi và kiên nhẫn, mình tin bản thảo chất lượng nhất định sẽ được NXB sớm mua bản quyền in thành sách. Mong rằng với những lưu ý khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản mà mình vừa gợi ý trên đây có thể giúp ích được bạn trên con đường trở thành tác giả. Chúc bạn sớm có cuốn sách cho riêng mình.