Bắt bệnh cho người viết: Tại sao không ai đọc bài viết của tôi? 

Tại sao không ai đọc bài viết của mình? Tại sao độc giả không hiểu những gì mình muốn truyền tải? Có bao giờ bạn tự hỏi những câu như vậy. Có rất nhiều lý do khiến độc giả không đọc, thậm chí chẳng mặn mà tương tác với bài viết của bạn, đó là vì…

Sử dụng văn nói

Nhiều bạn không phân biệt được văn viết và văn nói, dẫn đến khi viết bài, đảo lộn trật tự vế câu dẫn đến câu văn lủng củng khó hiểu. Đây là tình trạng mình thường gặp nhiều nhất khi hướng dẫn viết kèm cặp 1:1 cho gần 500 học viên suốt nhiều năm qua.

Ví dụ đơn giản nhất, một bạn học viên của mình từng viết “Tôi thậm chí chưa từng trò chuyện với kế toán” trong khi nên viết là  “Thậm chí, tôi chưa từng trò chuyện với kế toán”

Hoặc có bạn viết là “Tôi cuối cùng cũng thăng chức được sếp tin tưởng trao cho vị trí Trưởng phòng”, câu này vừa lủng củng, vừa lặp ý “thăng chức” và “được sếp tin tưởng giao cho vị trí…”. Khi đó, mình đã sửa lại là “Cuối cùng, tôi được sếp tin tưởng giao cho vị trí Trưởng phòng”.

Còn đây là một ví dụ khác khi mình vô tình đọc một bài đăng trên cộng đồng Ngày đẹp trời để viết: “Một doanh nghiệp, nếu như tất cả các nhân sự trong doanh nghiệp đó phấn đấu thì doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ ngày càng phát triển hơn”. Câu này không chỉ mắc lỗi văn nói mà còn lặp từ “doanh nghiệp” đến 3 lần. Và mình đã gợi ý cho bạn sửa lại là “Trong doanh nghiệp, nếu tất cả nhân sự đều phấn đấu thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ ngày càng phát triển hơn” hoặc “Nếu tất cả nhân sự của một doanh nghiệp đều phấn đấu thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ ngày càng phát triển hơn”.

Viết mơ hồ khó hiểu

Bắt bệnh cho người viết: Tại sao không ai đọc bài viết của tôi? 
Nguồn ảnh: Kelly Brito, Unsplash

Có một sự thật đáng buồn là những gì mình trích dẫn để minh họa trong phần này lại đến từ một cuốn sách. Và mình tự hỏi rằng, liệu những bạn mới bắt đầu luyện viết có hiểu được những gì tác giả truyền tải hay không. 

Mình cũng hiểu rằng chỉ trích dẫn một câu văn đôi khi làm bạn không nắm được nội dung của đoạn văn, do vậy mình chỉ trích dẫn những câu mà khi đứng độc lập, nó vẫn thể hiện trọn vẹn ý. 

Chẳng hạn, trong sách có câu “Một trong những e ngại của người cầm bút chính là niềm tin về khả năng truyền tải nội dung của mình để tiếp cận bạn đọc”. Mình không đánh giá câu này là sai, tuy nhiên nếu đây là một cuốn sách dành cho người mới, thì tác giả nên viết một cách dễ hiểu hơn, ví dụ như “Một trong những điều khiến người viết lo lắng là sợ nội dung mình viết ra không ai hiểu/không ai hiểu đúng thông điệp”.

Hoặc có một câu khác mà mình đọc được là “Lời khuyên thừa nhận sự hiện hữu của những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực không có nghĩa chúng ta chấp nhận niềm tin rằng chúng ta không xứng đáng”. Thú thật, khi đọc câu này mình cảm thấy bối rối – dù bản thân là một người viết nhiều năm.

Hay, học viên của mình – một bạn sinh viên từng học tại Pháp đã viết rằng “Tiếng than vãn xé lòng của chú mèo khiến ba bốn cái hạn nộp báo cáo cùng lúc cũng không giúp mình tập trung được.” Và mình đã góp ý sửa lại là “Tiếng than vãn xé lòng của chú mèo khiến mình không thể tập trung được dù hạn nộp báo đang đến gần.”.

Đọc thêm:

Viết bài content có cần lồng ghép yếu tố cảm xúc không?

Các khóa học viết cơ bản và nâng cao cho người mới bắt đầu

30+ cách giúp bạn quyết tâm viết mỗi ngày bắt đầu từ hôm nay

Ứng dụng AI để viết bài nhanh chóng mà vẫn giữ được nét riêng

Lặp ý, lòng vòng lan man

Bắt bệnh cho người viết: Tại sao không ai đọc bài viết của tôi? 
Nguồn ảnh: Swenico, Unsplash

Khi sáng lập “án thư” – một website chuyên về sách, nhân sự ban đầu chưa phải là thành viên có kỹ thuật viết tốt. Vậy nên mình đau đầu nghĩ làm sao cho các bạn nhân sự viết tốt súc tích, mạch lạc hơn thay vì lan man dài dòng

Trong một lần sửa bài, có bạn viết: “Với mình, đây không chỉ là cuốn sách giúp bản thân thư giãn, mà còn là con tàu đưa mình quay về những ngày đã xa. Cuốn sách tựa như một thước phim tái hiện lại những mẩu chuyện vụn vặt hay cảm xúc thơ dại. Chính cái sự mộc mạc trong từng câu từ đã đưa mình về một miền ký ức thời thơ ấu.” Chỉ với 3 câu văn nhưng thể hiện một ý là “quay về thời thơ ấu”. Và mình đã tức tốc có một buổi họp để đào tạo chuyên sâu để giúp các bạn cải thiện kỹ năng viết.

Mình nghĩ là, trong tương lai, chất lượng bài viết trên “án thư” sẽ ngày càng tốt hơn. Và nếu bạn mê những trang sách dày đặc con chữ và thơm mùi giấy, đừng bỏ qua những bài review sách trên anthu.net nhé.

Dùng từ cũ hoặc lạm dụng mỹ từ

Từ cũ, từ cổ là những từ tiếng Việt được dùng ngày xưa, nhưng thời nay ít dùng hoặc không còn sử dụng nữa. Thi thoảng mình vẫn đọc một số bài viết sử dụng khá nhiều từ cổ hoặc nhồi nhét mỹ từ khiến bài viết có cảm giác mệt mỏi nặng nề và khó hiểu. 

Với mình, thì một bài viết nếu không đáp ứng được nhu cầu đọc – hiểu của người đọc, thì bài viết đó chưa thật sự hiệu quả. Và giải pháp mà mình đề xuất là, nếu bạn viết cho đại chúng, không hướng tới một nhóm độc giả chuyên biệt nào thì nên viết ngôn từ gần gũi, dễ hiểu. Trường hợp bạn hướng tới một nhóm độc giả riêng, thì sử dụng ngôn từ phù hợp cho nhóm đó. Chẳng hạn với nhóm kinh tế là số liệu, viết logic, rõ ràng; với nhóm văn chương thì ngôn từ bay bổng lãng mạn;… Khi chọn ngôn ngữ sai cho đối tượng hướng đến, thì nội dung của chúng ta không đạt hiệu quả, chưa kể còn khiến độc giả dần dần rời xa mình.

Nếu không ai đọc bài viết của bạn, không ai hiểu nội dung bạn viết, việc chúng ta cần làm là tự đọc lại, xem thử bài vở có vấn đề gì không, ngôn từ dễ hiểu chưa, câu cú đã đúng ngữ pháp không, có lạm dụng từ cũ hay đảo trật tự các từ/cụm từ trong câu hay không,… Mình tin là khi tự biên tập những lỗi này, bài viết của bạn sẽ dễ đọc, dễ hiểu hơn.

Để lại một bình luận