Một trong những vấn đề của người viết mới mình thường hướng dẫn là mang quan điểm, cảm nhận chủ quan để kết luận một vấn đề. Điều đó làm cho bài viết thiếu sự khách quan và không đủ sức thuyết phục. Cùng mình nhìn lại xem, bạn đã từng đưa đánh giá chủ quan vào bài viết?
Kết luận từ câu chuyện cá nhân
Một người quen của mình đã kể lại câu chuyện bạn ấy cho người họ hàng thân thiết mượn một khoản tiền lớn. Nhưng sau đó người họ hàng này đã không trả lại khoản tiền đúng hẹn. Khi chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân, bạn đã gay gắt kết luận rằng “Những người vay mượn thường không biết cách chi tiêu nên mới rơi vào tình trạng túng thiếu”. Mình không bàn câu chuyện cá nhân, mà điều mình chú ý là nội dung thông điệp bạn muốn truyền tải.
Không phải toàn bộ người vay nợ đều là người không biết chi tiêu, bởi vì họ có thể gặp sự cố, rủi ro bất ngờ nên cần sự trợ giúp về tài chính. Có những người vay mượn trả đúng hẹn, thậm chí trả trước hẹn. Nhưng vì một trải nghiệm không tốt mà bạn ấy quy chụp toàn bộ người mượn nợ đều không biết tự quản lý tài chính. Đây chính là việc đưa đánh giá chủ quan vào bài viết.
Có thể trong trải nghiệm của bạn, điều này là không tốt, người này là xấu, tuy nhiên không có nghĩa là trải nghiệm của người khác cũng thế. Chúng ta không nên đánh đồng và kết luận cho một vấn đề chỉ dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình. Vì vậy trong quá trình học viết, mình luôn nhắc nhở học viên, đừng mang đánh giá chủ quan vào bài viết.
Trong một ví dụ trên cuốn ebook Viết từ số 0 – một cuốn ebook dành cho newbie tập viết mình có đưa ra ví dụ về viết logic, trong đó có một lỗi phổ biến là đưa cảm nhận mang tính cá nhân. Bạn có thể tìm đặt mua tại đây.
Chẳng hạn, khi mình hỏi bạn: “Bạn thấy bài viết này có hữu ích không? Nếu có (hoặc không) hãy giải thích vì sao.” Nếu câu trả lời của bạn là “Không, vì tôi không thích bạn Hải Dương này” này hoặc “Có, vì tôi thích bạn Hải Dương này” thì đây là lập luận mang tính cảm quan. Câu trả lời của bạn không giải thích cho vấn đề được hỏi, là “ebook này hữu ích hay không” mà bạn chỉ tập trung vào tác giả. Như vậy lập luận mang tính khách quan sẽ là: “Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết, có ví dụ dẫn chứng cụ thể rõ ràng nên mình áp dụng được. Đây là một bài viết hữu ích.”
Bài viết liên quan:
Học và thực hành copyworking như thế nào?
Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu
30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn
Vì sao nội dung của chat GPT không thể sánh kịp bạn?
90% cây viết mới thường rơi vào tình trạng writer’s block
Đưa ra dẫn chứng chung chung
Đây là lỗi phổ biến ở những cây viết về sức khỏe mình từng hướng dẫn trong chương trình Viết blog 1:1. Đa phần các bạn thường đưa ra một kết luận chỉ vì “Một bài báo nói rằng…”, “Nghiên cứu cho rằng…”, thậm chí là “Một người bạn của mình đã nói…”
Đưa ra dẫn chứng chung chung không giúp bài viết của bạn tin cậy hơn, ngược lại làm cho bài viết của bạn mơ hồ, không đáng tin cậy. Do vậy với những chủ đề đặc thù như sức khỏe, bạn cần có những ví dụ minh họa cụ thể, rõ ràng; với chủ đề tài chính ngân hàng nên có số liệu thống kê,… Đọc bài viết Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay để biết được cách trích dẫn thông tin sao cho chính xác nhé.
Lưu ý khi dẫn chứng:
– Không nên trích dẫn dẫn chứng lạc hậu so với thời đại; ưu tiên dẫn chứng mới, được cập nhật thời gian gần nhất.
– Không trích dẫn chung chung như là “Một nghiên cứu chỉ ra rằng…” mà hãy viết “Nghiên cứu mới nhất của X chỉ ra rằng…” (X có thể là một trường Đại học, một nhóm giáo sư, tiến sĩ,…)
– Không trích dẫn dẫn chứng từ những tờ báo lá cải hoặc trang thông tin không có giấy phép/nguồn tin cậy.
– Kiểm tra dẫn chứng trong sách trước khi cho vào bài viết, vì rất có thể thông tin, số liệu trong sách đã quá cũ.
Trích dẫn câu nói của người nổi tiếng để kết luận/diễn giải
Trích câu nói của người nổi tiếng, một vĩ nhân để làm dẫn chứng hoặc kết luận cho một vấn đề không phải là cách viết hiệu quả. Bởi không phải câu nói của người nổi tiếng nào cũng đúng tuyệt đối.
Đôi khi câu nói đó ở hoàn cảnh đó, trong buổi nói chuyện đó, tại thời gian đó là đúng nhưng không còn phù hợp với hoàn cảnh sau này. Trích dẫn câu nói của người nổi tiếng làm cho bài viết của bạn thêm sinh động, thu hút hơn chứ không nhằm mục đích làm thuyết phục câu chuyện bạn muốn trình bày.
Ví dụ 1: Một bạn trẻ bạn viết về gia đình, bạn kết luận trích dẫn câu nói của nhà kịch vĩ đại của Athena thời Hy Lạp cổ điển Euripides để kết luận: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận.” Câu nói này không sai, nhưng để dùng kết luận thì không hoàn toàn đúng. Bởi con người ta vượt qua số phận đôi khi không chỉ có mỗi gia đình, mà còn có bạn bè, có những người dưng tốt bụng trong đời mà ta gặp qua,…
Ví dụ 2: Trong Techfest Vietnam 2015, ông Trương Gia Bình (chủ tịch FPT) từng nói: “Với khởi nghiệp, vấn đề không phải là tiền”. Nếu trích dẫn câu đó ra phân tích, nhiều người sẽ phản đối, bởi vì họ cho rằng khởi nghiệp phải có tiền. Nhưng nếu suy ngẫm một chút về nơi diễn ra hội thảo, ông Bình đang đối thoại với các bạn trẻ thì những chia sẻ của ông không hẳn là sai. Bởi vì ông ấy muốn nói nhiều hơn về tầm nhìn, nền tảng, về môi trường phát triển, và cả sự nỗ lực hơn người,…
Mình từng băn khoăn việc bóc tách một câu thơ hoặc một câu văn trong tác phẩm để cảm nhận đôi khi sẽ làm sai lệch ý đồ cũng như tư tưởng của tác giả. Thậm chí có những câu nói được viết ra trong hoàn cảnh đó, thời gian đó, nhưng khi phân tích độc lập có thể mang ý nghĩa khác. Từ đó mình rút ra bài học.
– Đối với trích dẫn trực tiếp, bạn nên tìm nguyên văn câu nói để đưa vào bài viết, chính xác từng từ để đảm bảo mình không phân tích sai ý tác giả.
– Trường hợp không nhớ chính xác câu trích dẫn, bạn nên viết gián tiếp lại theo cách hiểu của mình sao cho đúng với nội dung bản gốc.
– Nên xem xét khía cạnh khác của tác phẩm, ví dụ như tác phẩm đó nói về cái gì, ra đời trong hoàn cảnh nào, thời gian nào.
– Trường hợp cắt nghĩa một câu trong một chỉnh thể thống nhất để cảm nhận, bạn nên ghi chú đó là cảm nhận của bản thân ở thời điểm hiện tại (và không liên quan đến toàn bộ tác phẩm).
“Số đông là chân lý”
Chắc hẳn bạn biết chương trình truyền hình Ai là triệu phú được phát sóng trên VTV. Trong chương trình, người chơi có một quyền trợ giúp là hỏi ý kiến khán giả. Một người chơi đã nhờ sự trợ giúp của khán giả trường quay khi nhận được câu hỏi “Tên ngọn núi Đambri hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên có ý nghĩa là gì?”. Kết quả 100% khán giả đều chọn đáp án D (Chung thủy) trong khi đáp án đúng là A (Đợi chờ). Một ví dụ nhỏ như vậy để thấy không phải lúc nào ý kiến của số đông cũng đều là chân lý.
Tuy nhiên không phải lúc nào người viết cũng nhận ra điều này. Một số cây viết mới thường có xu hướng tin vào những gì số đông cho là đúng, đồng thời mượn ý kiến số đông để “hợp thức hóa” quan điểm của mình.
Ví dụ một bạn học viên của mình viết trong một chương trình có phí kéo dài 30 ngày: “Có rất nhiều người xung quanh mình, từ ông bà, bố mẹ, anh chị hay hàng xóm đều có thói quen tập thể dục vào buổi sáng. Nhờ đó họ có tinh thần minh mẫn, thể chất khỏe mạnh. Họ cũng tiết lộ rằng tập thể dục vào buổi sáng tốt hơn rất nhiều so với buổi chiều hoặc tối.” Rõ ràng điều này không có cơ sở vì nó dựa vào trải nghiệm xung quanh bạn ấy. Và những người bạn ấy gặp chỉ mang tính chất tương đối, do vậy không thể kết luận.
Mình luôn nói với các bạn học viên rằng, muốn trở thành một người viết content hay viết quảng cáo giỏi trước hết hãy là người viết đúng. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đi từ con số 0, để chỉn chu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và một trong điều cơ bản bạn cần khắc phục, đó chính là dừng ngay việc đưa đánh giá chủ quan vào bài viết, thay vào đó tập trung vào dẫn chứng cụ thể, thuyết phục. Tham khảo chuyên mục Viết tốt hơn của mình để cùng cải thiện kỹ năng nhé.
2 bình luận
Cảm ơn em nhiều vì đã chia sẻ chi tiết để người viết nhận ra vấn đề này. Hướng dẫn cũng rất dễ dàng để học viên biết cách tạo nội dung khách quan.
Dạ, có gì thắc mắc chị Hằng cứ nhắn tin hoặc email cho em để em giải đáp thêm nha.