Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay

Nghề viết đòi hỏi ở bạn nhiều hơn không chỉ là sự sáng tạo. Nhiều người cứ mải miết tìm kiếm những gì xa vời lại quên mất rằng trước khi viết hay bạn phải viết đúng. Vậy viết đúng như thế nào? Ở phần 1 của Sổ tay luyện viết cơ bản này, cùng tìm hiểu với mình những nguyên tắc viết đúng dành cho writer mới nhập môn nhé.

Viết đúng chính tả

Bạn có thể viết sai chính tả trong những bình luận vui đùa với bạn bè nhưng đối với một sản phẩm viết lách, hãy viết đúng chính tả nhé. Viết đúng chính tả là một cách tôn trọng tiếng mẹ đẻ và để cho bài viết của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn. Mình tin là chẳng ai muốn đọc hết bài viết với lỗi chính tả nhan nhản đâu nhé.

Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về lỗi này, bạn có thể giúp mình trả lời những câu hỏi sau nhé:

1. Bạn đã từng ngờ ngợ một từ nào đó khi mình viết ra chưa?

2. Khi đó bạn có tra từ điển/Google để kiểm tra xem từ đó là đúng chính tả không hay là bạn tiếp tục lờ đi và bỏ qua cảm giác ngờ vực trong lòng?

3. Bạn đã từng bị nhắc nhở vì sai chính tả chưa?

4. Và khi bị nhắc nhở như vậy bạn đã tìm ra cách khắc phục hay là im lặng và mặc nhiên để nó trôi qua như thế?

Sổ tay luyện viết cơ bản - Phần 1
Photo on Unsplash

Khi có được câu trả lời, bạn đã hiểu rằng vấn đề của mình nằm ở đâu rồi. Giờ thì làm thế nào để khắc phục lỗi chính tả? Trước hết bạn hãy lấy giấy bút ra và viết những lý do khiến bạn đang mắc lỗi này. Nó có thể đến từ việc:

– Vốn từ vựng quá ít, không thường xuyên sử dụng từ ngữ dẫn đến khả năng phân biệt từ đúng – sai không chính xác.

– Đọc quá nhiều tư liệu và không có sự thống nhất chung giữ quy tắc chuẩn chỉnh tiếng Việt.

– Do tính cẩu thả trong viết lách và sau khi hoàn thành xong bài viết không kiểm tra lại các lỗi chính tả.

Sau khi đã liệt kê những lý do khiến bạn dễ viết sai chính tả thì bây giờ bạn phải tìm cách khắc phục. Thực tế không ai trên đời này chưa từng viết sai chính tả dù chỉ một lần. Bạn sẽ có ít nhất (hầu như rất hiếm người thuộc nhóm này) viết sai chính tả chỉ một hoặc 2 lần duy nhất trong đời. 

Điều bạn cần làm là hãy note lại những từ vựng bạn thường xuyên viết sai chính tả và dán chúng ngay góc làm việc/góc học tập của chính mình. Bất cứ khi nào viết, cảm thấy ngờ vực về một từ nào đó, hãy dừng lại một chút để kiểm tra xem nó đã đúng chính tả chưa. Thậm chí khi đã hoàn thành bài viết, dành một vài phút đọc lại. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm tra được lỗi chính tả mà còn có thể chỉnh lại nội dung (nếu bạn chưa vừa ý). Cũng đừng quên là Google Docs hay một số công cụ kiểm tra chính tả vẫn thật sự hữu ích khi bạn gõ trên máy tính.

Mình từng viết một bài giới thiệu Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết trên blog duongstory.com cũng như một số bài chia sẻ về tiếng Việt qua nhiều post MXH khác. Thông qua đó mọi người có thể hiểu hơn về tiếng Việt, học cách viết đúng chính tả cho những sản phẩm content. 

Tuy nhiên điều này lại vô tình khiến một vài bạn có những nhận thức sai lệch khi sử dụng tiếng Việt. Hãy đọc thông tin về tiếng Việt một cách chọn lọc. Hãy nhớ tất cả những kiến thức đều mang tính chất tham khảo và nếu bạn lăn tăn về chính tả, tốt nhất nên sử dụng Từ điển chính tả hoặc Từ điển tiếng Việt để tham khảo nhé.

Viết đúng ngữ pháp

Chúng ta bắt đầu ê a những con chữ đầu tiên vào năm tiểu học và học những kiến thức cơ bản về thành phần câu trong những năm tháng đó. Thế nhưng mình để ý một điều là có rất nhiều bạn chăm chút cho bài viết hay nhất, sáng tạo nhất mà lại bỏ qua yếu tố cần có của một văn bản: Viết đúng ngữ pháp.

Bạn có tự tin về ngữ pháp tiếng Việt của mình không? Cùng làm một bài trắc nghiệm nhỏ với mình nhé.

1. Trong một bài viết 1000 chữ, số lỗi ngữ pháp bạn từng mắc rơi vào khoảng bao nhiêu?

2. Bạn tự nhận ra lỗi sai của mình hay chờ đến khi khách hàng/sếp/đồng nghiệp phản hồi rồi bạn mới bắt đầu sửa?

3. Bạn có đang tìm phương pháp cải thiện ngữ pháp tiếng Việt?

Trong một câu có hai thành phần chính bao gồm chủ ngữ và vị ngữ. Đó là thành phần quan trọng không thể thiếu để cấu tạo thành câu hoàn chỉnh. Đặc biệt nếu bạn là một writer viết cho website, blog hay viết Ebook thì viết đúng ngữ pháp cực kỳ quan trọng. Một bài viết với câu văn mạch lạc, đầy đủ và rõ nghĩa thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Có thể bạn chưa thấy nó quan trọng cho đến khi bạn bắt đầu viết một sản phẩm content cho khách hàng hay xuất bản một cuốn sách.

Là một người viết chuyên nghiệp, bạn phải hiểu rằng sản phẩm (tức bài viết hoặc content của bạn) khi show cho khách hàng nó phải đảm bảo suôn sẻ, trôi chảy và không có lỗi diễn đạt. Nếu bạn đang theo đuổi con đường viết lách, hãy nhớ rằng trước khi viết hay phải viết đúng. Cũng giống như một cô gái muốn đẹp hơn trong mắt người khác, trước hết cô ấy phải gọn gàng sạch sẽ. Chỉ khi đó mọi người mới có thể thoải mái thưởng thức vẻ đẹp của cô.

Bài viết của bạn cũng vậy. Một bài viết được trình bày rõ ràng, không sai chính tả, không lỗi ngữ pháp sẽ ghi thêm một điểm trong mắt khách hàng và độc giả.

Để cải thiện lỗi này, không gì tốt hơn bằng việc thực hành viết mỗi ngày. Hãy dành thời gian viết và khi bạn không thể phát hiện ra lỗi sai của mình, hãy nhờ một người có kỹ năng viết tốt hơn chỉnh sửa giúp. Hoặc đơn giản là bạn đăng lên một vài group viết lách để được góp ý. 

Bạn có thể đọc thêm bài viết rèn luyện kỹ năng viết trên blog mình:

Giúp bạn rèn luyện kỹ năng viết với 5 bước cơ bản

Một số ghi nhớ quan trọng để cải thiện kỹ năng viết

Làm thế nào để luyện viết hiệu quả trong thời gian giãn cách?

Viết đúng thông tin

Đúng thông tin

Khi đưa thông tin đến với độc giả thì bạn phải tìm hiểu thông tin đó đã chính xác chưa, đã có kiểm chứng rõ ràng hay không. Ví dụ bạn viết về một chất A tốt cho cơ thể, hãy chắc chắn rằng bạn có đủ kiến thức để viết điều đó. Hoặc bạn có thể trao đổi với những chuyên gia hay những người làm trong ngành để có một cái nhìn chính xác hơn. Bạn cũng nên dành thời gian để nghiên cứu và tìm dẫn chứng cho bài viết. Nếu không nắm rõ về nó thì tốt nhất đừng viết.

Đó là lý do vì sao có nhiều blogger về sức khỏe, về du lịch hay về ẩm thực ra đời. Những người viết chuyên về một lĩnh vực nhất định họ đã có kiến thức về nó. Một trang web về sức khỏe sẽ cần một cây viết về sức khỏe. Một blogger về giáo dục giới tính sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho tạp chí về giáo dục giới tính. Nhưng nói như thế là những người viết đa lĩnh vực sẽ không làm được. Bởi vì việc viết đúng không tin nó không nằm duy nhất ở việc bạn có kiến thức về lĩnh vực đó mà nó còn phụ thuộc vào bạn có chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu và đào sâu lĩnh vực bạn viết hay không. 

Photo by Matthew Guay on Unsplash

Đúng số liệu thống kê

Một bài viết thuyết phục sẽ có luận điểm, luận cứ rõ ràng. Các con số thống kê phải chính xác, trích dẫn cụ thể. Nếu số liệu đó được đăng tải từ các tờ báo, bài nghiên cứu khoa học uy tín thì nên dẫn nguồn rõ ràng. Độc giả ngày nay họ thông minh và tỉnh táo hơn, do vậy với những bài viết mập mờ, viết chung chung và những con số mang tính ước chừng, phỏng đoán sẽ không đáng tin cậy.

– Trích dẫn thông tin chính xác cũng là cách tôn trọng tác giả bài viết gốc.

– Trích dẫn các con số, số liệu thống kê chính xác từ những website uy tín. 

– Trích dẫn câu nói từ nhân vật nổi tiếng để làm dẫn chứng thì tốt hơn bạn nên nói qua một chút nó xảy ra tại đâu, trong hoàn cảnh nào,…

– Biết cách rút gọn các con số trong trường hợp cần thiết. Ví dụ: Dân số thế giới tính đến tháng 12.2020 (Theo ước tính của CIA Factbook) là 7.834.412.631 người. Đừng để các con số dài ngoằng đó làm cho độc giả của bạn khó chịu. Hãy rút gọn lại bằng con số 7,8 tỷ người. Cũng đừng nên rút gọn là dân số thế giới khoảng 8 tỷ người nhé. Giữa 7,8 tỷ và 8 tỷ nó hoàn toàn khác nhau đấy.

– Không nên bịa đặt số liệu, phỏng đoán, giả định từ cái nhìn cá nhân.

Viết đúng trọng tâm

Khi bạn đi sa đà vào những phần không liên quan sẽ dễ khiến bài viết lan man dài dòng không đúng trọng tâm. Cái mà chúng ta hay gọi là “lạc đề”. Có rất nhiều lý do khiến cho người viết lạc đề bài, trong đó có thể kể đến:

– Không lập dàn ý trước khi viết bài: Vì không có dàn ý để bám sát theo chủ đề nên bạn dễ rơi vào kiểu viết nhiều, viết dài nhưng lại chẳng bám vào trọng tâm.

– Không nắm vững đề bài: Khi không hiểu đề bài, bạn sẽ có cái nhìn sai lệch và từ đó cũng sẽ có xu hướng phân tích lạc đề.

– Thói quen viết: Điều này bắt nguồn từ việc đọc quá nhiều tiểu thuyết dẫn đến bạn bị ảnh hưởng bởi phong cách viết dài dòng, bay bổng. Bạn chú trọng nhiều hơn đến việc kể chuyện, miêu tả làm sao cho bài viết hay hơn mà quên mất rằng mình đã đi xa khỏi chủ đề viết hằng hà cây số.

Một cây viết chuyên nghiệp phải biết mình đang viết cái gì và sẽ viết cái gì. Do vậy nguyên tắc tối thiểu trước khi viết hay, viết sáng tạo thì bạn phải viết đúng cái đã. Chắc bạn cũng không muốn độc giả của mình đọc bài viết Làm thế nào để luyện viết hiệu quả trong thời gian giãn cách nhưng trong bài viết chỉ toàn đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe mùa giãn cách đúng không?

Nếu bạn vẫn chưa biết cách viết đúng trọng tâm, có thể thử một vài phương pháp dưới đây cùng mình:

– Lập dàn ý trước khi viết: Điều này sẽ giúp bạn đi đúng hướng, viết đúng chỗ mà độc giả muốn đọc. Đừng để vừa viết vừa suy nghĩ về outline trong đầu, bạn dễ lạc đường lắm đấy.

– Không nên tham lam quá nhiều dẫn chứng hoặc sa vào kể chuyện: Những câu chuyện hấp dẫn thì sẽ thu hút độc giả. Tuy nhiên nếu bạn nhồi nhét quá nhiều câu chuyện thì nó sẽ phản tác dụng, ngược lại làm cho bài viết lan man dài dòng. Độc giả cũng không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Hãy đưa vào bài viết những chi tiết đắt giá và chất lượng.

– Tìm hiểu, nghiên cứu về chủ đề: Bạn phải hiểu đề bài muốn nói cái gì, bạn phải đi tìm cái gì? Hãy nghiên cứu thật sâu về chủ đề, bạn sẽ có nhiều ý tưởng chất lượng để viết.

– Tập thói quen viết gọn: Ví dụ như viết con đường từ A đến Z thì hãy tập trung vào chuyến hành trình từ A đến Z. Nếu có kể các vấn đề ngoài lề, hãy nhớ viết ngắn gọn súc tích thôi. Đừng viết cánh cổng nhà B thế nào, cửa hàng C ra sao hay tiệm cà phê D hấp dẫn thế nào. Độc giả sẽ đi theo lời bạn viết và cuối cùng cả bạn lẫn độc giả đều đi lòng vòng mà chẳng tới được đích.

– Hạn chế dùng từ thừa, từ ngữ vô nghĩa: Bạn có thể xem lại bài viết Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục trên blog mình nhé.

Viết đúng yêu cầu

Viết đúng yêu cầu người ra đề

Nhiều trường hợp có những bạn content writer đã “bật” lại sếp/khách hàng chỉ vì bài viết của mình không đúng như ý sếp/khách. Bởi vì những bạn đó tin rằng, bài viết phải đi theo hướng bạn viết mới là đúng, mới là hay. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Và bạn cần có một cái nhìn tỉnh táo về vấn đề này.

Cho dù bạn có là content leader thì có một nguyên tắc bạn nên tuân thủ là viết đúng yêu cầu của người ra đề (có thể là khách hàng, sếp, đối tác hay là thầy cô giáo của bạn). Hãy viết đúng theo yêu cầu của khách hàng dù yêu cầu đó bạn nghe có vẻ “vô lý” như thế nào. 

Nếu bạn có một cái góc nhìn khác, quan điểm khác thì có thể phản biện với họ. Khi hai bên thống nhất, bạn có thể viết bài vừa đúng yêu cầu vừa hợp với mong muốn của bạn. Trường hợp khi không thể thống nhất được, bạn cũng nên làm theo quy định nhé. 

Photo by Debby Hudson on Unsplash

Viết đúng nguyên tắc bản thân đã đặt ra

Có rất nhiều lý do khiến người viết đã không tuân thủ nguyên tắc do chính mình đặt ra. Ví dụ như yếu tố khách quan nào đó hoặc là do bản thân lười suy nghĩ, lười viết,… 

Ví dụ bạn viết bài Những thuật ngữ newbie cần biết khi viết bài chuẩn Seo, bạn dự định viết 10 thuật ngữ phổ biến và dễ gặp nhất. Tuy nhiên khi đến con số 5 bạn cảm thấy hơi lười rồi, vậy nên bạn dừng lại ở đó. Dĩ nhiên độc giả chẳng thể biết điều này. Trường hợp này bạn có thể ghi chú dòng chữ “Còn tiếp” hoặc đại loại như thế. Bạn vừa tuân thủ nguyên tắc do mình đặt ra, vừa có thể lôi kéo độc giả đến với phần sau của bài viết.

Viết đúng đối tượng

Việc xác định đúng đối tượng sẽ giúp bạn khoanh vùng được những vấn đề cần viết. Bạn viết nội dung cho đối tượng là phụ nữ sẽ khác cho nam giới. Nhóm khách hàng bạn hướng tới từ 18-30 sẽ khác với nhóm khách hàng 35-50 tuổi. Tùy thuộc vào nhóm khách hàng mà bạn sẽ sản xuất những nội dung phù hợp.

Hãy dành thời gian phân tích xem sản phẩm, nội dung của bạn hướng đến đối tượng nào. Họ là ai, họ có vai trò hoặc vị trí gì trong xã hội? Điều họ mong muốn là gì? Họ cần gì ở bài viết này?… Sau khi xác định được đối tượng, bằng kiến thức vốn có cùng việc nghiên cứu, phân tích vấn đề để lên nội dung đúng đối tượng bạn hướng đến.

Cho dù bạn viết có hay đến đâu, bài viết có sáng tạo thế nào nhưng không đến đúng tệp khách hàng thì mọi công sức đều là vô nghĩa. 

Một nội dung thành công phải là một nội dung có hấp dẫn (hay) và thu hút độc giả/khách hàng tương tác với nó. Nếu bạn không nhắm đúng đối tượng khách hàng, bạn sẽ chẳng nhận được một sự tương tác ý nghĩa nào. Vậy nên trước khi nghĩ đến việc làm sao cho ra một nội dung hay, hãy tập viết đúng.

Cuối cùng, để tạo ra một nội dung hay, trước hết bạn phải viết đúng. Đúng về chính tả, ngữ pháp, đúng thông tin, đúng trọng tâm và đúng yêu cầu nhé. Đừng quên đăng ký theo dõi bài viết mới hoặc để lại email để mình có thể gửi bạn những bài viết mới nhất trong Sổ tay luyện viết cơ bản của mình. Cảm ơn bạn đã đọc, nếu bạn thấy bài viết này bổ ích, có thể tặng mình một tách trà nhé!

2 bình luận

  1. Công học được rất nhiều thứ từ vài viết của bạn, cám ơn bạn. Có 1 câu bạn xem lại nhé: “Nếu bạn có một cái góc nhìn khác, quan điểm khác thì có thể phản biệt với họ” => Câu này có lẽ là từ “phản biện” phải không?

Trả lời