Sống chậm lại một chút, để biết đời còn yêu thương 

Những ngày giãn cách, tiếng xe cộ ồn ào mọi khi nhường chỗ cho âm thanh tĩnh lặng. Bạn chẳng cần dậy sớm tất bật chuẩn bị bữa sáng, cũng chẳng phải hòa vào dòng người hối hả tấp nập vào mỗi sớm cho kịp giờ làm. Bạn càng có thời gian nhìn ngắm thế giới mà bản thân bấy lâu nay tưởng chừng như đã bỏ quên. 

Là chú chim hót líu lo trong vườn nhà, là nụ hoa xinh xắn đang hé nở, là đôi ba đứa trẻ nhà bên í ới gọi nhau cười đùa vui vẻ. Tiếng cười rộn rã ngây thơ ấy khiến bạn giật mình, thì ra bấy lâu nay thứ âm thanh mình từng cằn nhằn bấy lâu lại có lúc đáng yêu như thế.

Mùa giãn cách, sống chậm lại…

Để nhận ra gia đình là điều tuyệt vời nhất

Trước đây khi chưa có dịch bệnh, hầu như chúng ta đều quen với sự vội vã. Trẻ con vội cắp sách đến trường, bố mẹ vội giờ làm, bà vội vã chở hoa quả cho kịp phiên chợ sáng nay. Những lời chào qua quýt cứ thế trôi qua. 

Khi giãn cách, gia đình mới có những phút giây bên nhau trọn vẹn. Bữa cơm sum họp xa xỉ lúc xưa giờ trở thành thói quen thường lệ. Mọi người quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe về những khó khăn vất vả vừa qua. Bố mẹ động viên con cái, anh em động viên nhau cùng vượt qua mùa Covid này.

Nguồn ảnh: Jessica Rockowitz on Unsplash

Bạn chợt nhận ra đã bấy lâu nay ta chưa từng sống chậm lại, dù chỉ một phút giây nào. Bạn từng mặc cho vòng xoáy công việc và tiền bạc cuốn lấy mình đi. Để rồi khi nhìn lại bạn mới nhận ra bên gia đình là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Dường như khi về với bố mẹ, về với vòng tay ấm êm của gia đình, bão tố cũng dừng chân nơi cánh cửa. Những áp lực cơm áo gạo tiền ngoài kia đều tan biến đi.

Kể cả khi vì quãng cách chẳng về quê được, bố mẹ vẫn gói ghém từng bó rau, con cá gửi lên phố thị. Những món quà quê vừa thơm ngát hương đồng gió nội vừa ngọt ngào tình thương. Bố mẹ luôn hỏi chúng ta có đủ lương thực không, có thích ăn món gì không. Rồi bằng một phép màu nào đó, thực phẩm tiếp tế đủ đầy. Từng con gà, trái bí, hũ dưa mắm hay mấy quả trứng gà được đóng gói cẩn thận gửi lên. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm ta nghẹn lòng. 

Cho dù bạn 20 tuổi, 30 tuổi hay thậm chí lớn từng nào, với bố mẹ, chúng ta chỉ là những đứa con bé bỏng. Bố mẹ sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng, chở che cho ta. Từ khoảnh khắc khi phát hiện ra bàn tay mẹ ngày càng gầy guộc vì gió sương, mái tóc bố lấm tấm hoa râm vì tuổi tác. Bạn mới nhận ra bấy lâu nay mình đã sống quá vội.

Sống chậm lại, để lắng nghe âm thanh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Sống chậm lại dù rằng cuộc sống đỗi khó khăn, nhưng vẫn may ta còn có gia đình cùng nhau vượt qua giông bão.

Để nhận ra sức khỏe là tài sản quý giá nhất của đời người

Dịch bệnh ập đến, cảm giác đầu tiên của chúng ta là hoang mang, là lo âu, sợ hãi. Trường học đóng cửa, hàng quán nghỉ bán, các tuyến đường cũng bớt nhộn nhịp hẳn. Tâm lý bất an cứ dồn nén lại khiến bạn lo lắng mãi không thôi. Vì bạn mang trong mình nhiều nỗi lo, lo cho sức khỏe của bản thân, lo cho gia đình và người thân. Những tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm ngày càng nhiều. Là vì ngoài kia có quá nhiều thứ khiến bạn hoang mang, chỉ khi được chuyện trò cùng người thân, bè bạn, nhìn thấy họ vẫn bình an bạn mới thôi không bận lòng.

Lúc ấy bạn mới nhận ra sức khỏe mới là tài sản vô giá nhất của đời người. Bạn lo lắng lo lắng khi nghe cơn ho từ bố, cái hắt xì từ mẹ. Chỉ vậy thôi cũng làm bạn đứng ngồi không yên. Cũng hiểu thôi, giữa thời điểm này, còn gì quý hơn thân thể được khỏe mạnh. 

Rồi bạn nhìn về chính bản thân. Có phải bấy lâu nay bạn đã quá chủ quan với sức khỏe của mình? Những lần bỏ bữa sáng chỉ vì trễ giờ họp, những lần ăn tối muộn vì tăng ca tận khuya? Nếu bạn đã từng như thế thì có thể bạn đang không đối tốt với chính bản thân mình như bạn đã lầm tưởng. 

Hãy nghĩ xem, có phải bạn đã dành phần lớn thời gian trong đời bỏ bê bản thân mà không biết rằng sức khỏe cũng cần được chăm sóc? Nhưng bạn biết rằng cơ thể bạn xứng đáng được yêu thương nhiều hơn.

Vậy nên là, bạn nên dành thời gian giãn cách lúc này để nâng niu, trân trọng bản thân nhiều hơn. Bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng hay tập những bài tập thể dục sẽ để khỏe hơn nhé. 

Nếu bạn cảm thấy buồn chán vì ở trong nhà quá lâu, thậm chí bạn tuyệt vọng vì công việc khó khăn thì cũng hãy ngừng lại một chút, sống chậm lại một chút để nhận ra sức khỏe mới là điều quý giá. Bạn bình an, gia đình và đồng nghiệp còn bình an là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi. Còn sức khỏe bạn còn có thể làm lại mọi thứ, kể cả tìm thấy niềm vui hay một công việc mới. 

Để nhận ra cho đi là còn mãi

Những ngày giãn cách, đọc được những câu chuyện ấm áp nghĩa tình, ta thấy ấm lòng hơn hết. Là câu chuyện của người phụ nữ Nghệ An tặng phong bì 500.000 đồng cho những người nghèo về quê. Là anh Minh Râu bán rau rẻ như cho với câu nói nổi tiếng “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải ngay lúc này.”

Hay những người xung quanh bạn: Cô chủ trọ với tin nhắn dễ thương miễn giảm tiền phòng dù rằng cô còn một khoản nợ lớn từ ngân hàng. Bác hàng xóm đáng yêu mang biếu ít trứng gà cùng mớ ít hái được. Sự quan tâm nhỏ bé ấy trở thành điều đáng quý hơn cả. 

Có đôi lúc bạn sẽ kiệt sức vì gánh nặng trên vai, vì những mỏi mệt bấy lâu. Thì những câu chuyện xúc động ấy ly sữa nóng ngọt ngào tưới mát tâm hồn, làm bạn quên đi bao khó khăn phía trước.

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, điều còn đọng lại trong tim mỗi người chính là những kỷ niệm, những câu chuyện nghĩa tình. Ta biết ơn và trân trọng những nghĩa cử cao đẹp của mọi người, những hành động tương thân tương ái. Để rồi ta nhận ra rằng cho đi là còn mãi. 

Ta đã quen với hối hả bộn bề, khoảng thời gian giãn cách này có lẽ là dịp để ta dừng lại ngơi nghỉ và nhìn về con đường mình đã qua. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Sống chậm lại, để thấy ngoài kia bầu trời rất xanh và đầy ắp hy vọng. Sống chậm lại, để biết đời còn yêu thương.

Đọc thêm bài viết: Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại – như ngày hôm qua

2 bình luận

Trả lời