Nếu bạn thường xuyên mắc lỗi chính tả có thể là do viết sai một số từ hiếm gặp, do không biên tập lại bài hoặc sai do lỗi đánh máy. Dưới đây là một trong những cách cải thiện lỗi chính tả và trau dồi vốn từ vựng mình thường áp dụng, hy vọng giúp bạn viết tốt hơn.
Kiểm tra khi không chắc chắn
Ngay cả những người viết chuyên nghiệp cũng đôi khi sẽ mắc lỗi chính tả, điều này là hoàn toàn bình thường. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cho rằng sai chính tả là điều hiển nhiên. Một bài viết chuyên nghiệp trước hết bài viết phải đúng chính tả, đúng ngữ pháp.
Tiếng Việt giàu đẹp, phong phú và đa dạng nhưng cũng có khi làm chúng ta phải đau đầu. Ví dụ như cách sử dụng y hay i, dấu hỏi hay ngã, âm cuối là c hay t,… Khi viết một từ nào đó, bạn cảm thấy nghi ngờ về độ chính xác, hãy dừng lại để kiểm tra thông tin ngay. Ví dụ bạn phân vân giữa hai từ “chỉnh chu” hay “chỉn chu”, và không biết từ nào đúng chính tả, có thể gõ vào ô tìm kiếm với từ khóa đơn giản “chỉnh chu hay chỉn chu?”.
Tuy nhiên cách này cũng có một số rủi ro, một số trang viết không trích dẫn nguồn tin cậy hoặc giải thích một cách lấp lửng, khiến độc giả đọc xong cũng không thể phân biệt từ nào đúng. Những lúc như thế bạn cần dùng đến Từ điển tiếng Việt.
Sử dụng từ điển tiếng Việt
Từ điển không chỉ giúp chúng ta phân biệt từ đúng mà còn phân tích rõ nghĩa của từng từ. Ví dụ khi bạn phân vân giữa “di sản” và “tài sản”, “rốt cục” hay “rốt cuộc”,… Hoặc “chỉnh chu” hay “chỉn chu”, “chấp bút” hay “chắp bút”,… , hãy mở Từ điển để tra cứu nhé.
Một số Từ điển tiếng Việt đã có bản ebook, bạn có thể tải miễn phí theo link dưới đây:
– Từ điển tiếng Việt 2003 – Hoàng Phê
– Việt Nam Tự điển, Lê Văn Đức
Chẳng hạn như, Tiếng Việt có hai từ “nông nổi” và “nông nỗi”, mỗi từ sẽ có định nghĩa, cách dùng hoàn toàn khác nhau. Trang 740 Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê 2003 chú thích:
– Nông nổi: Nông cạn, hời hợt, thiếu cân nhắc trước khi hành động. Ví dụ: Tính tình nông nổi. Hành động một cách nông nổi.
– Nông nỗi: Tình cảnh, sự thể không được như ý muốn. Ví dụ 1: Vì đâu mà ra nông nỗi này. Ví dụ 2: “Vì ai gầy dựng cho nên nỗi này” (Chinh phụ ngâm)
Hoặc bạn có thể xem qua ví dụ này để phân biệt “nông nổi” và “nông nỗi”: “Cô ấy không thể che giấu nổi nỗi thất vọng về em trai mình, khi nó làm những chuyện trẻ trâu nông nổi nên mới ra nông nỗi này.”
Đối với những từ còn tranh cãi, bạn có thể tham khảo nhiều tài liệu, Từ điển tiếng Việt khác nhau để có cái nhìn khách quan nhất.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm có câu: “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Khi tra cứu trên mạng lẫn từ điển, một số chỉ có “dông”, một số lại chấp nhận “giông tố”. Thậm chí, số người viết “giông tố” còn nhiều hơn cả “dông tố”. Vậy thì từ nào mới đúng chính tả?
– Việt Nam Từ điển trang 156 định nghĩ “dông” là cơn mưa gió to. “Dông tố” là mưa to gió lớn. Từ điển này không có từ “giông tố”.
– Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức trang 377 cho rằng “dông” là gió to, gió thổi mạnh. “Dông tố” là bão, dông to làm sập nhà, chìm thuyền,…
– Chính tả Tự Vị, Lê Ngọc Trụ trang 140 định nghĩa “dông” là gió lớn tốc lên trong chuyển mưa, dông bão, cơn dông, luồng dông, dông tố,…
– Trong khi đó, Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê trang 263 có ghi “dông” là biển động mạnh của thời tiết biểu hiện bằng hiện tượng phóng điện giữa các đám mây lớn, thường có gió to, sấm sét, mưa rào, đôi khi có cầu vồng. Từ điển này cũng cho rằng cả hai cách viết “giông tố” và “dông tố” đều đúng.
Như vậy, nếu bạn băn khoăn về “giông” hay “dông” thì giờ đã có câu trả lời rồi nhé. Xét theo Từ điển Hoàng Phê – cuốn từ điển được biên soạn và tổng hợp gần nhất, cả hai từ “giông tố” và “dông tố” đều được chấp nhận đúng. Vậy nên bạn có thể sử dụng một trong hai đều được.
Dùng từ gần gũi, quen thuộc
Trong những trường hợp không chắc chắn và không có sách báo để tra cứu, bạn nên dùng từ mà chắc chắn nó là đúng. Ví dụ như chuẩn bị tóm tắt những ý chính mình vừa nói, thay vì phân vân suy nghĩ “tựu trung” hay “tựu chung” mới đúng chính tả, bạn có thể viết “tóm lại” hoặc “nhìn chung”.
Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê trang 1083 giải thích “tựu trung” biểu thị sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến.
Nếu bạn sai một lỗi lặp đi lặp lại, hãy tập thói quen ghi lại từ ngữ sai vào giấy chi chú và dán nơi dễ nhìn thấy nhất. Sau đó thực hành viết nhiều lần các chủ đề tự do có từ ngữ đó. Trường hợp gặp những từ lạ, từ hiếm gặp, bạn có thể dùng từ đồng nghĩa, từ gần nghĩa thay thế. Những từ quen thuộc mang đến cho bạn sự tự tin hơn là một từ hay, lạ nào đó nhưng không chắc đúng chính tả.
Thực hiện biên tập bài
Sau khi viết bài, hãy dành thời gian tự biên tập bài viết bằng cách kiểm tra, rà soát lỗi chính tả. Thông thường viết trên Google Docs sẽ giúp bạn phát hiện và sửa lỗi chính tả. Ngoài ra bạn có thể chỉnh cỡ chữ to hơn, đọc to văn bản vừa viết để dễ phát hiện lỗi.
Tự biên tập
Bạn không nhất thiết phải là một người viết xuất sắc mới có thể tự biên tập cho chính mình. Bạn chỉ cần nắm rõ các quy tắc chính tả, dấu câu hay cấu trúc ngữ pháp để chỉnh sửa lỗi cơ bản. Và luôn sử dụng Từ điển tiếng Việt khi cần nhé.
Nhờ người quen
Họ sẽ góp ý cho bài viết của bạn ví dụ như lỗi đánh máy, viết câu khó hiểu, từ địa phương,… Một mẹo nhỏ là hãy nói với người quen rằng bạn cần họ đọc với tư cách là một độc giả. Và nếu họ không hiểu chỗ nào, ghi chú lại để bạn chỉnh sửa nhé.
Để biên tập tốt hơn, bạn tham khảo thêm bài viết này nhé:
- Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?
- Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục
- Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới
Học hỏi, trau dồi vốn từ vựng
Học hỏi, tìm tòi những từ ngữ hay, mới lạ để đưa vào trong trang viết cũng là một cách trau dồi từ vựng. Khi có vốn từ phong phú đa dạng bạn sẽ linh hoạt trong việc sử dụng và hạn chế được lỗi chính tả.
Một sự nhầm lẫn về từ “cổ xúy”, về chính tả lẫn về ngữ nghĩa. Nhiều người cho rằng “cổ xúy” là xúi giục ai đó làm điều sai trái, tiêu cực. Thậm chí có người viết sai chính tả thành “cổ súy”. Từ điển tiếng Việt cũng định nghĩa “cổ xúy” (từ cũ) tại trang 204 là hô hào và động viên. Từ điển cũng không có từ “cổ súy”. Nếu ai đó viết “cổ súy”, rất có thể là do việc sử dụng lẫn lộn giữa x và s dẫn đến sai chính tả.
Ngày nay, “cổ xúy” đôi khi không còn dùng để mang ý nghĩa ủng hộ, tuyên truyền cho một điều gì đó tốt đẹp. Mà nó được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Ví dụ cổ xúy ai đó làm điều xấu.
Xã hội, con người,… mỗi ngày đều vận động và không ngừng phát triển, đổi mới. Điều đó kéo theo tiếng Việt sẽ có sự thay đổi thậm chí là xuất hiện những từ ngữ mới lạ, độc đáo và đầy tính sáng tạo hơn. Ví dụ như “sang chảnh”, “xịn sò”, “thả thính”,…
Vậy nên cùng với việc học và viết đúng chính tả, bạn cũng nên tiếp thu những từ ngữ mới để trau dồi vốn từ vựng. Đặc biệt là những người làm nghề viết, buộc phải tiếp cận với những đổi mới từng ngày.
Bài tập: Thử nghe một bài nhạc Việt mà bạn thích, tìm xem trong đó những từ ngữ nào bạn cảm thấy thú vị và ghi chép lại. Bạn có thể bắt đầu lưu lại từ bây giờ để làm cho kho từ vựng của mình ngày một giàu đẹp hơn nhé.
Từ điển tham khảo:
- Việt Nam Từ điển, Ban văn học, Hội Khai trí Tiền – Đức khởi thảo, 1954
- Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính)
- Chính tả Tự Vị, Lê Ngọc Trụ, 1959
- Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, 2003