Tự xuất bản sách, nên hay không?

“Chị ơi, em vừa hoàn thành xong bản thảo truyện ngắn, em có nên tự xuất bản sách hay là gửi đến NXB chờ tin báo?” Đó là lời nhắn ngắn gọn mà mình nhận được từ một bạn tác giả trẻ hiện là sinh viên ngành Văn học. Sau khi nhận câu hỏi của bạn, thay vì trả lời tin nhắn, mình đã đề xuất gọi cho bạn để giải thích và phân tích cả hai phương án, để bạn dễ dàng đưa ra quyết định cho mình.

Nên tự xuất bản sách vì…

Tự chủ thời gian

Mùa hè năm 2023, mình gửi bản thảo Nằm nghe gió thổi sau hè cho 2 đơn vị phát hành sách, kết quả là một đơn vị từ chối còn đơn vị còn lại vẫn chưa phản hồi. Khoảng thời gian chờ đợi, bà mình đã qua đời vì tuổi tác, thế là mình quyết định tự xuất bản sách để hy vọng có thể ra mắt sớm hơn dự kiến. Lý do vì những câu chuyện cuốn sách đầu tay này, có bóng dáng của bà. Và thế là cuốn sách đã ra mắt vào tháng 7 năm đó, với mình là một điều vô cùng hạnh phúc.

Khi tự xuất bản, bạn sẽ quyết định được thời gian xuất bản, thời gian ra mắt. Đặc biệt nếu bạn viết cuốn sách để kỷ niệm dấu mốc quan trọng nào đó trong cuộc đời (ví dụ dịp sinh nhật, kỷ niệm thành lập công ty,…).

Tự chủ nội dung

Tự xuất bản sách, nên hay không?
Nguồn ảnh: Christian Wiediger, Unsplash

Cuốn sách mà mình biên tập cho một giáo viên Tiểu học với tên gọi Chuyện ngày bé đã ra mắt đầu năm nay cũng về chủ đề tuổi thơ. Và bạn tác giả ấy cũng tự xuất bản bởi vì muốn toàn quyền quyết định về nội dung sách. 

Tự xuất bản đồng nghĩa với việc bạn tùy ý thêm phần này, bỏ phần kia dựa theo mục đích của mình mà không bị sự chi phối của bất kỳ đơn vị nào. Một vài tác giả mình biết, đã buộc phải sửa lại bản thảo (tùy theo mức độ) để xuất bản dựa theo sự góp ý, điều chỉnh từ bên mua bản quyền. Dẫn đến cuối cùng “đứa con tinh thần” ra đời không hoàn toàn theo 100% ý tưởng ban đầu của bạn.

Lợi nhuận từ sách cao hơn

Với một tác giả tự xuất bản sách và bán được gần 1000 bản bằng cách tự truyền thông, mình tự tin khẳng định rằng dự án này đã có lợi nhuận. Dù ban đầu, mình ra mắt sách chỉ là để lưu giữ lại kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng sau cùng lại mang đến cho mình khoản thu nhập đáng kể.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tự bán sách cũng sẽ thu lại lợi nhuận cao, bởi điều này còn phụ thuộc vào vào nội dung, chiến lược truyền thông marketing cho sách,… Nếu bạn làm tốt khâu này, thì chắc chắn thời gian hòa vốn và có lợi nhuận sẽ được rút ngắn. 

Đọc thêm:

Viết thư gửi bản thảo cho nhà xuất bản như thế nào?

Một số mẹo giúp bạn tiết kiệm chi phí tự xuất bản sách

Viết sách để xây dựng thương hiệu cá nhân – Lan tỏa giá trị bằng con chữ

7 lý do khiến cuốn sách của bạn bán chạy hơn – dành cho tác giả tự xuất bản

Không nên tự xuất bản vì…

Nếu không đủ kinh phí

Để tự xuất bản, bạn phải tự bỏ ra một khoản tiền lớn để chi trả cho các công việc:

– Biên tập lại nội dung bản thảo: Đa phần các tác giả sẽ nghĩ rằng nội dung mình viết ra đã ổn rồi không cần biên tập, nhưng thực tế trước khi sách được cấp phép vẫn cần phải biên tập qua nhiều công đoạn nữa. Chưa kể nếu sách có những yếu tố không được NXB duyệt, bạn phải chỉnh sửa nhiều lần. Là một người biên tập sách, mình sẽ đưa ra góp ý, chỉnh sửa bản thảo để có tác phẩm tốt nhất, được cấp phép nhanh chóng theo quy định. Nếu bạn cần người biên tập bản thảo, gửi email về cho mình qua haiduong7074@gmail.com để được tư vấn thêm nhé.

– Xin giấy phép xuất bản và giấy phép phát hành: Hai loại giấy phép này do chính NXB cấp và chi phí tùy thuộc vào từng đơn vị cấp phép. 

– Thiết kế bìa, dàn trang: Chi phí này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thiết kế, tuy nhiên theo mình, bìa sách là yếu tố “ăn điểm” với độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, nên bạn đầu tư vào phần bìa sách để có thể bán nhanh hơn.

– In ấn: Đây là phần nặng nhất trong tổng chi phí xuất bản và chiếm ⅔ tổng chi phí mà mình vừa liệt kê ở trên. 

Do vậy, nếu tự xuất bản, bạn sẽ bỏ ra chi phí khá cao từ vài chục cho đến trăm triệu để xuất bản từ vài trăm cho đến ngàn cuốn sách. Chi phí xuất bản sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau: số lượng bản in (ví dụ chi phí in 1000 cuốn sẽ nhiều hơn nếu in 300 cuốn), chất lượng giấy in (giấy tốt sẽ đắt hơn giấy thường), in màu sẽ có chi phí cao hơn in trắng đen, bìa sách,…

Nếu có NXB mua bản quyền

Tự xuất bản sách, nên hay không?
Nguồn: Nadi Borodina, Unsplash

Trường hợp nếu có NXB hoặc đơn vị phát hành mua bản quyền bản thảo của bạn, đồng nghĩa với việc bạn không cần phải tự mình làm những công đoạn như dàn trang, vẽ bìa,… nữa. Lúc này, bạn chỉ cần đợi ký kết hợp đồng và chờ sách ra mắt. 

Tuy nhiên, để NXB mua bản quyền, bản thảo của bạn phải chất lượng, không chỉ có nội dung lôi cuốn, thu hút mà còn có tiềm năng tạo ra lợi nhuận. Một tác giả mà mình biết đã gửi bản thảo đến đơn vị phát hành và nhận được phản hồi rằng bản thảo có nội dung khá – tốt, tuy nhiên đơn vị này ngần ngại mua bản quyền vì không thấy tiềm năng kinh doanh ở cuốn sách này. 

Tóm lại, việc được mua bản quyền là một điều vô cùng hạnh phúc, tuy nhiên không phải ai cũng có được hạnh phúc này. Nhìn nhận thực tế, bản thảo Nằm nghe gió thổi sau hè của mình đã bị loại ngay vòng đầu tiên khi gửi đến một nhà phát hành vì lý do tương tự như tác giả mình vừa kể trên. Nhưng lời từ chối đó lại là bước ngoặt để mình tự in sách và bán gần 1000 cuốn trong vòng một năm mà không nhờ bất kỳ một sự hỗ trợ từ đơn vị nào cả.  

Khi viết xong bài này, cũng là lúc học viên của mình hoàn thành bản thảo cuốn sách đầu tay. Bạn ấy là một du học sinh, đang theo chương trình thạc sĩ tại Hàn Quốc. Dù bận rộn học hành, dù có cả ngàn thứ để làm, bạn vẫn viết với hy vọng cầm trên tay cuốn sách đầu tiên. Bạn háo hức kể với mình rằng “Chị Dương hướng dẫn em xuất bản sách nha, em không thể chờ lâu hơn nữa, em chờ suốt 5 năm nay rồi!”. Nghe bạn tâm sự, mình cười, dù tự xuất bản hay được NXB mua bản quyền, dù bằng cách này hay cách kia, miễn cuốn sách ra đời đều là đúng cả. 

Vậy nên, với câu hỏi mình đặt ra ở đầu bài “Tự xuất bản sách, nên hay không?”, mình nghĩ, chẳng có đáp án đúng, chỉ có đáp án phù hợp mà thôi. Nếu bạn muốn ra mắt sách theo thời gian định sẵn, muốn giữ trọn vẹn nội dung sách theo ý muốn thì nên tự xuất bản. Ngược lại, bạn cứ chỉnh sửa bản thảo thật hay và gửi đến các đơn vị phát hành, NXB và chờ đợi kết quả. Lựa chọn nào cũng đều được, vậy nên cứ thử bạn nhé!

Để lại một bình luận

Tự xuất bản sách, nên hay không?

“Chị ơi, em vừa hoàn thành xong bản thảo truyện ngắn, em có nên tự xuất bản sách hay là gửi đến NXB chờ tin báo?” Đó là lời nhắn ngắn gọn mà mình nhận được từ một bạn tác giả trẻ hiện là sinh viên ngành Văn học. Sau

Đọc tiếp