Những năm gần đây, mình thường đưa câu chuyện cá nhân vào trong các bài viết website, và điều đó khiến cho những nội dung của mình được chú ý nhiều hơn. Mình cũng khuyến khích các học viên hãy chia sẻ những câu chuyện nhiều hơn để kết nối với độc giả, nhưng các bạn đều lắc đầu bảo rằng không biết kể gì, vì không thể nào nhớ những chuyện đã xảy ra.
Thực tế, nếu chỉ lưu lại trong đầu, mình cũng không thể nhớ hết tất cả. Vậy nên mình hình thành thói quen ghi chép những chuyện từng chứng kiến hoặc chuyện mình vô tình bắt gặp ở xung quanh vào sổ tay để làm dẫn chứng cho bài viết. Vậy mình đã sử dụng những mẹo ghi chép nào để có thể lưu giữ được những câu chuyện suốt nhiều năm qua?
Ghi chép tất cả câu chuyện, dù là của ai
Nếu theo dõi những bài viết trên duongstory.com, bạn sẽ thấy đa phần những câu chuyện mà mình kể chủ yếu là về bản thân, ví dụ như làm việc với khách hàng giúp mình phát triển như thế nào, các khóa học viết đã giúp học viên đã tiến bộ ra sao, dự án chấp bút sách đó có gì thú vị không,… Tất cả những chuyện xảy ra trong công việc, mình đều ghi chép lại để làm làm ví dụ cho bài viết.
Tuy nhiên, nếu chỉ trích dẫn những câu chuyện của bản thân thì… đến một giai đoạn nào đó, chúng ta sẽ chẳng còn câu chuyện nào để kể. Vì vậy, mình chủ động ghi chép những chuyện vô tình nghe được trong một chuyến xe đò hay lần ngồi hóng mát trên vỉa hè, chuyện của anh chủ tiệm cà phê hay bác bảo vệ, của một bạn nhỏ đang chờ mẹ đón về sau buổi học hay chuyện của một bà cụ ngoài 70 tuổi. Những câu chuyện sinh động, mang dáng vẻ và màu sắc khác nhau được mình đưa vào trong trang viết.
Mẹo ghi chép nhanh là hãy lưu vào trong sổ tay, ghi chú điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào bạn đang mang theo bên người. Và bạn nhớ là, chỉ nên lưu lại những câu chuyện thú vị, độc đáo, ý nghĩa thay vì nhớ tất cả những chuyện vụn vặt xung quanh nhé.
Ghi nhanh sườn câu chuyện
Mẹo ghi chép giúp tiết kiệm thời gian mà thời Đại học mình được thầy cô hướng dẫn, đó là tốc ký (ghi nhanh). Thông thường chúng ta sẽ không viết hết lại tất cả diễn biến đã xảy ra, như vậy câu chuyện sẽ quá dài. Hơn nữa không phải lúc nào bạn cũng có đủ thời gian và không gian thuận lợi để viết, chẳng hạn như khi đang lang thang tại một trung tâm thương mại hoặc trong khi ngồi trên xe buýt.
Vậy nên, bạn chỉ cần lưu lại một số thông tin chính của câu chuyện bằng cách trả lời các câu hỏi dưới đây:
– Câu chuyện đó diễn ra vào thời điểm nào, diễn ra tại đâu?
Bạn không cần phải viết chi tiết mà có thể ghi nhanh các mốc thời gian (xảy ra vào năm nào, tháng nào, mùa nào,…) và không gian (tại sân trường, trong một quán cà phê, tại Tokyo, trong một cuộc họp nội bộ của công ty,…).
– Nhân vật của câu chuyện là ai?
Nhân vật của câu chuyện sẽ gồm nhân vật chính (người trực tiếp tham gia vào sự kiện đó) và nhân vật phụ (những người có liên quan đến sự kiện).
– Sự kiện diễn ra như thế nào?
Bạn chỉ cần viết một, hai dòng ngắn về diễn biến câu chuyện và kết quả sau cùng.
– Thông điệp câu chuyện là gì?
Bạn có thể ghi vắn tắt một từ, cụm từ để làm nổi bật thông điệp câu chuyện, ví dụ “lòng tốt”, “niềm tin”, “sự hiếu thảo”,… Như vậy sau khi xem lại, bạn vẫn có thể nhớ câu chuyện này gửi gắm điều gì, có giá trị ý nghĩa gì,… để đưa vào bài viết phù hợp.
Đọc thêm:
Kể chuyện giúp mình có khách hàng như thế nào?
Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
4 công thức viết quảng cáo áp dụng trong kể chuyện bán hàng storyselling
Sử dụng từ viết tắt, từ tiếng Anh
Mặc dù mình khuyến khích các học viên sử dụng từ tiếng Việt khi viết, nhưng trong một số tình huống cần tốc ký (ghi nhanh), mình sẽ gợi ý cho các bạn sử dụng tiếng Anh hoặc viết tắt để ghi chép nhanh hơn. Nhất là khi bạn trở thành một phóng viên cần ghi lại nội dung của một buổi phỏng vấn hay một trợ lý có nhiệm vụ ghi chép nội dung cuộc họp,…
Một độc giả của mình hiện đang làm công việc trợ lý cá nhân, bên cạnh quản lý các kênh nội dung cho khách hàng, bạn còn được cùng sếp tham gia các buổi phỏng vấn online với đối tác. Tuy nhiên trong quá trình lắng nghe và ghi chép, bạn đã sử dụng quá nhiều từ viết tắt đến nỗi khi đọc lại, bạn chẳng hiểu mình ghi chú điều gì. Điều này khiến sếp bạn ấy cảm thấy không hài lòng. Theo mình, dù là ghi tắt hay rút gọn, bạn nhớ viết theo một quy luật nào đó dễ nhớ, dễ đọc nhé.
Chừa khoảng trống để bổ sung nội dung còn thiếu
Một câu chuyện có thông điệp, bài học sẽ khiến độc giả nhớ lâu hơn, muốn tương tác với bạn hơn. Đồng thời nội dung đó cũng dễ lan tỏa hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian để ghi chép lại những câu chuyện một cách hoàn chỉnh, đầy đủ thông tin. Đặc biệt là những nội dung cần phải suy nghĩ, đào sâu hoặc nghiên cứu thêm như bổ sung số liệu, cảm nghĩ của bản thân, bài học rút ra,… Vậy nên nếu bạn không có thời gian để suy nghĩ, hãy để lại một khoảng trống và bổ sung sau đó.
Những mẹo ghi chép mà mình chia sẻ trong bài viết này chỉ giúp bạn lưu lại câu chuyện nhanh chóng. Tuy nhiên để câu chuyện hấp dẫn, thu hút người đọc thì một câu chuyện hay thôi là chưa đủ, bạn còn phải biết cách áp dụng kỹ thuật storytelling khéo léo như sắp xếp sự kiện trong câu chuyện một cách hợp lý, tạo yếu tố bất ngờ cho câu chuyện, giọng kể tự nhiên,… Để làm được điều đó, bạn cần phải luyện tập viết thật nhiều.