Bạn đang ấp ủ ý tưởng để viết một cuốn sách? Bạn loay hoay không biết làm thế nào để gửi bản thảo đã hoàn thiện đến nhà xuất bản (NXB)? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn. Với trải nghiệm xuất bản sách Nằm nghe gió thổi sau hè, mình tin rằng những quy trình gửi bản thảo đến NXB hoặc nhà phát hành sách dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trên con đường trở thành tác giả sách.
Hoàn thành bản thảo
Để xuất bản một cuốn sách, bạn cần có bản thảo hoàn chỉnh. Mặc dù ai cũng hiểu rõ điều này song không phải cây viết nào cũng hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Có những người từ bỏ sau khi nghĩ ra ý tưởng và lập dàn ý cho sách, có người lại từ bỏ khi chỉ viết được một, hai trang đầu. Thậm chí có người từ bỏ khi đã viết đến 10,000 hay 20,000 chữ. Điều này hoàn toàn bình thường.
Nếu bạn có ý tưởng viết sách, hãy lên kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ. Chẳng hạn như bạn sẽ viết 10,000 chữ đầu tiên trong thời gian bao lâu, bạn sẽ mất bao nhiêu ngày để hoàn thành việc biên tập và đánh bóng* (đánh bóng nghĩa là làm cho tác phẩm trở nên hay hơn, hấp dẫn hơn),… Đừng quên học cách làm bạn với việc mất cảm hứng hay bí ý tưởng nhé, nhưng mình tin nếu quyết tâm đủ lớn, bạn sẽ hoàn thành bản thảo theo đúng lộ trình.
Ngày nay việc hoàn thiện một bản thảo càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết bởi có sự xuất hiện của ghostwriter – chấp bút. Nghĩa là nếu bạn có ý tưởng để viết một cuốn sách nhưng lại quá bận để viết hoặc không giỏi viết, hãy thuê những người chấp bút. Họ sẽ lắng nghe câu chuyện của bạn, viết lại bằng giọng văn, suy nghĩ của chính bạn. Những cuốn sách, tự truyện của nhiều nghệ sĩ Việt Nam lẫn thế giới đều thường xuất bản theo cách này, chẳng hạn như tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” của nghệ sĩ Hoàng Thùy Linh do nhà báo Trần Minh (bút danh Bình Bồng Bột) chấp bút.
Tìm đơn vị xuất bản phù hợp
Khi bạn có một bản thảo về truyện dài, rõ ràng bạn không thể gửi đến đơn vị phát hành sách RIO Book bởi vì đây là thương hiệu xuất bản sách chuyên ngành Marketing, Design. Hoặc nếu bạn có cuốn sách về kỹ năng sống, đừng gửi cho NXB Hội Nhà Văn hoặc NXB Văn học nếu bạn không muốn bản thảo bị từ chối.
Việc lựa chọn đơn vị xuất bản phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng giúp bản thảo của bạn được thông qua. Trước khi gửi bản thảo, bạn tự trả lời những câu hỏi sau:
– Bản thảo của bạn thuộc dòng sách hư cấu hay phi hư cấu?
– Bản thảo của bạn thuộc thể loại gì?
Nếu đó là dòng sách hư cấu với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, thơ,… thì bạn có thể cân nhắc những NXB hoặc đơn vị phát hành sách sau:
– NXB Hội Nhà Văn
– NXB Văn học
– NXB Đà Nẵng
– NXB Phụ nữ
– NXB Trẻ
Ngoài ra một số thương hiệu hành sách thường nhận những dòng sách hư cấu như Skybooks, Timebooks,..
Với những dòng sách ngành truyền cảm hứng, bạn tham khảo một số đơn vị phát hành sách như Wavebooks, Bloom Books, BeYouBooks. Với sách ngành nghề, sách kỹ năng, bạn gửi email đến Tri Thức Trẻ Books. Thông tin về email của NXB hoặc đơn vị phát hành sách mình cập nhật khá chi tiết tại bài viết: Các cách xuất bản một cuốn sách và quy trình tự xuất bản sách.
Đọc thêm:
Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì?
10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn
Một số mẹo giúp bạn tiết kiệm chi phí tự xuất bản sách
Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
Gửi bản thảo đến NXB
Đây là một trong những bước quan trọng để đánh giá sự chuyên nghiệp và kiên nhẫn của bạn. Sự chuyên nghiệp thể hiện ở quy cách trình bày bản thảo, làm Book Proposal (bản đề xuất) đi kèm cũng như trình bày email gửi đi. Sau khi gửi email, bạn cần kiên trì chờ đợi để được phản hồi, thời gian trung bình thường từ 1 – 2 tháng hoặc sớm hơn/muộn hơn tùy thuộc vào chất lượng bản thảo cũng như nhiều yếu tố khác.
Lưu ý trình bày bản thảo và bản đề xuất
Bạn nên đọc toàn bộ những lưu ý về việc gửi bản thảo trên website của các NXB hoặc đơn vị phát hành sách (ví dụ font chữ, size chữ, tiêu đề email,…) nếu có để trình bày theo đúng quy định.
– Nên chọn font chữ rõ ràng, dễ nhìn, tránh dùng font rườm rà khó đọc. Với size chữ nên chọn size 13 hoặc 14, tránh chọn cỡ chữ nhỏ khó đọc.
– Luôn có một phần giới thiệu về tác giả – tác phẩm bao gồm: giới thiệu tác giả, tóm tắt nội dung bản thảo,…
– Nên có Book Proposal đi kèm, NXB sẽ đánh giá sự chuyên nghiệp của bạn cũng như biết rằng bạn đã nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng.
Nếu bạn chưa biết cách viết một bản đề xuất sách, có thể đặt lịch tư vấn 1:1 với mình thông qua buổi nói chuyện 60 phút. Tại buổi nói chuyện, mình sẽ chia sẻ với bạn mẹo viết Book Proposal chuyên nghiệp giúp NXB đánh giá cao, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tự xuất bản sách.
Lưu ý về gửi email cho NXB
Bạn tham khảo bài viết Hướng dẫn viết thư “đúng người, đúng thời điểm” để nắm được một số quy tắc cơ bản khi viết thư nhé. Khi viết thư gửi đến NXB, bạn nên tránh lan man dài dòng hoặc sa vào những thông tin không cần thiết. Bức thư nên ngắn gọn, rõ ràng, súc tích và trình bày đầy đủ những thông tin như:
– Phần chào hỏi, bạn nên xác định gửi đến cá nhân cụ thể hay là gửi đến một phòng ban, để từ đó chào hỏi cho phù hợp nhé. Ví dụ “Kính gửi anh A, chị B” hay là “Kính gửi Phòng biên tập NXB X”,…
– Nội dung chính, tương tự như phần giới thiệu, hãy trình bày ngắn gọn về bản thảo bao gồm thể loại sách, số lượng từ, nội dung. (Những nội dung chi tiết nên để trong Book Proposal)
Xuất bản sách không phải là “cuộc chơi” dành cho người nóng vội hoặc thiếu kiên nhẫn. Bởi vì rõ ràng một bản thảo dài 40,000 từ hoặc nhiều hơn, NXB không thể trả lời bạn sau 1, 2 ngày được. Họ không chỉ đọc bản thảo mà còn thẩm định bản thảo và đánh giá xem nội dung này có phù hợp với định hướng hay không, nghiên cứu thị trường xem chủ đề này có đang hot hoặc được nhiều người quan tâm hay không. (Nếu bạn làm Book Proposal đôi khi sẽ tiết kiệm thời gian cho bên thẩm định bản thảo).
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn hiểu rõ hơn về cách gửi bản thảo đến NXB/nhà phát hành sách. Nếu bạn cần được tư vấn trong quá trình xuất bản sách, đừng ngại email cho mình qua haiduong7074@gmail.com để được hỗ trợ nhé.