10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn 

Để viết tốt hơn, không cách nào tuyệt vời bằng việc học hỏi các phương pháp từ những tác giả nổi tiếng. Với kinh nghiệm và trải nghiệm từ nhiều năm viết lách, mình tin rằng lời khuyên của các cây viết này sẽ giúp chúng ta tìm ra phương pháp phù hợp nhất với mình

Đọc to mọi thứ khi viết, nhất là lời thoại

“Nếu bạn viết lời thoại, hãy nói to nó khi đang viết. Chỉ khi nói bạn mới cảm nhận được âm thanh của lời nói” – John Steinbeck

Tiểu thuyết gia người Mỹ John Steinbeck đã đưa ra lời khuyên cho các cây viết, đặc biệt là những người viết sáng tác. Ông đã từng nhận giải Nobel Văn học năm 1962 và giải Pulitzer cho những tác phẩm văn chương vừa hiện thực vừa đầy hoang tưởng, nổi bật với một sự hài hước đầy cảm thông và một cách nhìn xã hội thấu đáo.

Ông cũng được nhà báo Alison Flood của tờ The Guardian gọi là Người khổng lồ của văn học Mỹ (A giant of American letters). John Steinbeck khuyên rằng đọc to bài viết của chính bạn sẽ giúp bạn cảm nhận được giọng điệu của nhân vật trong trang viết giống như một cuộc trò chuyện thật ngoài đời hơn.

Đừng quên mang theo một cuốn sổ tay

“Luôn luôn mang theo một cuốn sổ tay. Bộ nhớ ngắn hạn của chúng ta chỉ lưu giữ thông tin được ba phút; nếu không được ghi chép lại trên giấy bạn có thể đánh rơi các ý tưởng thú vị từ cuộc sống” – Will Self

10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn 
Photo by Angèle Kamp on Unsplash

Will Self là một nhà báo, tác giả người Anh. Phần lớn trong sự nghiệp của mình ông đã viết hơn 11 tiểu thuyết, 5 tuyển tập truyện ngắn,… Tất nhiên Will Self không phải là cây viết duy nhất mang theo cuốn sổ bên người. 

Chẳng hạn như mình, luôn mang theo cuốn sổ tay và một cây bút dù đi công việc, hẹn hò với bạn bè hoặc bất cứ đâu. Một cuốn sổ sẽ giúp chúng ta ghi chép lại các ý tưởng tuyệt vời xung quanh mình. Nếu không viết ra, có thể những ý tưởng sẽ bị lãng quên. Hoặc kể cả khi bạn cố giữ nó trong suy nghĩ thì nó cũng khiến bạn mất tập trung và giam cầm tâm trí của bạn, khiến bạn không thể làm bất cứ chuyên gì khác nữa.

Một ví dụ khác về ông trùm kinh doanh người Anh Richard Branson. Ông luôn mang theo một cuốn sổ ở mọi nơi mình đặt chân đến. Nhà sáng lập Virgin Group tự nhận mình là một sinh viên trên trường đời.

Đọc thêm các bài viết về ý tưởng: 

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

15 ý tưởng viết bài đánh tan nỗi lo không biết viết gì

Không gian viết thật sự quan trọng

“Thời gian và không gian khi viết phải thật sự yên tĩnh, hãy giữ khoảng cách với mọi người, ngay cả người quan trọng nhất với bạn” – Zadie Smith

Không có cách nào tốt hơn bằng việc bảo vệ không gian cá nhân của bạn trước những tiếng ồn và cả phiền toái hằng ngày. Chẳng hạn như người thân, bạn bè, hàng xóm, bạn cùng phòng hay một con mèo của hàng xóm đều có thể làm cho công việc viết lách của bạn bị gián đoạn. 

Thậm chí tâm trạng và cảm xúc của bạn đều có thể bị ảnh hưởng theo. Chính vì thế, tiểu thuyết gia người Anh Zadie Smith khuyên bạn tốt nhất nên bảo vệ không gian làm việc cá nhân để tránh xa mọi yếu tố xung quanh tác động.

Làm tốt một việc tại một thời điểm

“Hãy quên những cuốn sách bạn muốn viết, chỉ nghĩ đến những cuốn sách bạn đang viết” – Henry Miller

Bạn đã từng rơi vào tình trạng có rất nhiều ý tưởng trong đầu, mỗi ý tưởng là một câu chuyện dài phác thảo trên giấy? Bạn đã từng viết bản thảo của hàng chục cuốn sách, nhưng tất cả đều dở dang và phủ bụi trong ổ cứng? 

Để tránh tình trạng làm nhiều việc cùng một lúc, nhà văn người Mỹ Henry Miller đã khuyên chúng ta hãy tập trung làm tốt một cuốn sách tại một thời điểm. Hãy tìm kiếm ý tưởng tuyệt vời để triển khai, đồng thời tập trung vào nó, tránh phân tâm bởi những ý tưởng khác.

Bạn có thể nghĩ rằng mình là người đa nhiệm, có thể xử lý nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên điều này đôi khi sẽ ảnh hưởng đến não bộ, dẫn đến rơi vào tình trạng áp lực căng thẳng vì tất cả các đầu việc sẽ không xong cùng một lúc. Bạn quán xuyến nhiều hơn, đồng nghĩa với việc làm việc nhiều hơn. Hãy dồn toàn bộ sự sáng tạo của bạn vào một dự án tại một thời điểm nhé.

Tập luyện cách viết đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng

“Đơn giản là đỉnh cao của sự tinh tế”  – Leonardo Da Vinci

10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn 
Photo by Liana Mikah on Unsplash

Nhiều người chọn những từ ngữ hoa mỹ để truyền đạt thông điệp của họ, một số khác lại chọn ngôn ngữ dễ hiểu để viết. Là một writing mentor, mình chọn cách thứ hai, hướng đến sự đơn giản. Mình muốn viết làm sao để một bạn học sinh lớp 10 đọc vẫn hiểu, một phụ nữ 40 tuổi vẫn áp dụng được.

Một người có vốn từ vựng phong phú, đa dạng chưa chắc đã viết tốt. Với mình bài viết hiệu quả là khi truyền đạt được thông điệp, suy nghĩ, tình cảm đến với độc giả. Họ đọc được, thực hành theo và thấy hữu ích. 

Tác giả Sierra Bailey cho rằng “Viết không phải là dùng từ ngữ để gây ấn tượng”

Thậm chí Albert Einstein cũng từng nói “Nếu bạn không thể giải thích điều đó cho một đứa trẻ sáu tuổi, bạn cũng không hiểu chính mình”.

Khi bạn không có gì để viết?

“Không có gì để viết hết. Tất cả những gì bạn làm là ngồi xuống chỉ như một kẻ đánh chữ và nặn ra máu của mình.” – Ernest Hemingway 

Nếu bạn cảm thấy mình không có gì để viết, hãy cứ ngồi trước màn hình laptop và để cho dòng chữ trong người chảy tự nhiên. Hãy thả trôi bất kể điều gì trong đầu, kể cả những suy nghĩ vẩn vơ hay nhảm nhí, và bạn sẽ thực hiện biên tập sau cùng.

Trong Khóa học 1:1 30 ngày luyện viết mà mình đang hướng dẫn, bài tập đầu tiên mà các học viên thực hiện luôn là chủ đề tự do. Tuy nhiên nói đến viết tự do, không phải khi nào bạn ngồi xuống bàn làm việc là sẽ nhảy ra chữ trong đầu. Nó cần có bí quyết, và mình sẽ chia sẻ kỹ hơn trong các khóa học 1:1 của mình tại đây nhé.

Đọc thêm bài viết liên quan:

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

Làm thế nào để viết những gì mình không biết?

Sử dụng kỹ thuật “Show, don’t tell”

“Đừng nói với tôi là mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi ánh sáng lấp lánh trên mảnh thủy tinh vỡ.” – Anton Chekhov

Kỹ thuật này được mình áp dụng khá nhiều trong công việc, kể các dịch vụ viết bài website mình đang cung cấp hay các khóa học đang hướng dẫn.

Một bài tập trong Khóa học viết 1:1 30 ngày luyện viết, mình cũng đã cho học viên thực hành kỹ thuật này. Và ngạc nhiên rằng, bạn ấy đã chuyển trạng thái cảm thấy khó khăn khi đọc đề, sang kích thích khi viết và cuối cùng có một bài tập xuất sắc.

Bạn thử nhắm mắt lại và tưởng tượng ra:

  • “Chúng tôi đi qua nhà bác Năm trên con đường mòn trong thôn ra ruộng.”
  • “Để qua nhà bác Năm, chúng tôi phải men theo con đường mòn được bồi đắp được hai bên. Đây là lối đi chung của người trong thôn ra ruộng, nó chật hẹp đến mức chỉ cần có người đi ngược chiều, người còn lại buộc lòng phải nép sát một bên để tránh.”

Bạn thấy cách viết nào miêu tả nhiều hơn, cách viết nào hấp dẫn hơn? Hãy tạo ra những câu viết mang màu sắc, hình ảnh nhiều hơn thay vì kể nhé.

Sử dụng từ ngắn thay cho từ dài

“Đừng bao giờ sử dụng một từ dài mà một từ ngắn có thể diễn tả được.” – George Orwell

10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn 
Photo by Sincerely Media on Unsplash

Trong bài viết Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục, mình có chỉ ra một số lỗi thừa từ mà newbie thường mắc. Ví dụ như hoàn thành xong, bạn chỉ cần viết hoàn thành hoặc xong là đủ.

Ví dụ để chỉ một học sinh Việt Nam đang sống và học tập ở nước ngoài, ta có thể viết du học sinh Việt. Đây cũng là lời khuyên mà tác giả và phóng viên người Anh George Orwell (tên thật là Eric Arthur Blair) nhắn nhủ. Nếu không tập luyện kỹ năng này, bài viết của bạn sẽ dài dòng, đồng thời khiến độc giả cảm thấy khó chịu.

Viết mỗi ngày để viết tốt hơn

“Bạn phải viết, nếu chỉ mơ mộng rằng bạn sẽ viết sách vào một ngày nào đó, bạn không phải đang viết, bạn đang mơ mộng. Hãy mở laptop và bắt đầu viết.” – Andy  Weir

Rất nhiều người sống trong giấc mộng ảo tưởng của chính họ, và mơ về một ngày trở thành cây viết giỏi. Họ muốn kiếm tiền từ viết, muốn xuất bản sách trong khi thực tế họ chẳng viết được dòng chữ nào.

Đừng chỉ mơ, hãy biến mọi thứ thành sự thật bằng cách lập kế hoạch và vạch ra những mục tiêu cho đời mình. Chẳng hạn như trong tháng đầu tiên bạn sẽ viết bao nhiêu bài, tháng thứ hai bạn sẽ tạo blog, tháng thứ ba bạn bắt đầu chia sẻ bài viết công khai lên MXH.

Mình từng viết thế này: “Viết mỗi ngày để viết tốt hơn”. Sự thật bạn phải bắt đầu, phải dấn thân thì mới nên mơ mộng.

Tạo ra “công thức viết” riêng cho chính mình

“Bỏ qua tất cả quy tắc đưa ra và tạo ra cho mình quy tắc riêng, phù hợp với bạn nhất.” – Michael Moorcock

Công thức để viết tốt hơn là không có một công thức nào cả. Mình tin rằng sẽ chẳng có chuẩn chỉnh nào cho người viết, bởi vì đây vốn dĩ là bộ môn nghệ thuật được sáng tạo từ con chữ.

Michael Moorcock không phải là tác giả đầu tiên thực hành theo ý tưởng viết những gì mình thích. Mà mình tin nhiều cây viết thành công khác cũng thế.

Bạn có thể áp dụng copyworking để viết, có thể học hỏi phong cách của một ai đó nhưng những gì còn sót lại sau nhiều năm đi với nghề thì cũng sẽ là của bạn. 

Mình cũng từng có một câu nói như thế này: “Không có một công thức chung áp dụng cho tất cả mọi người viết. Bất cứ điều gì phù hợp với bạn đều là tốt nhất.”

Vậy nên là để viết tốt hơn, bạn không nhất thiết phải áp dụng tất cả 10 lời khuyên này. Hãy đọc và suy ngẫm về những gì phù hợp với bạn, để từ đó thực hành nhé.

Trả lời