Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

Hầu hết những bạn tham gia khóa viết miễn phí của mình đều từng nói rằng: “Em không biết viết gì cả!” Đây là tình trạng chung của rất nhiều newbie khi mới tập viết. Bạn đã từng rơi vào tình trạng bí ý tưởng khi viết hoặc có ý tưởng nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Vậy thì tham khảo hướng dẫn Làm thế nào để viết khi không biết viết gì và thực hành những bài tập dưới đây nhé.

Hãy cứ viết dù là nhảm nhí

Nhiều bạn lầm tưởng rằng khi xuất bản một bài viết nào đó, nó phải thật hay và hữu ích. Tương tự như khi bạn muốn viết một vài dòng ngắn trên Facebook cá nhân nhưng lại ngần ngại vì không biết viết như thế nào cho hấp dẫn. Hoặc muốn đăng bài chia sẻ vào trong các cộng đồng về viết lách, lại không biết bắt đầu từ đâu. Chính điều đó vô tình cản trở quá trình sáng tạo của bạn. 

Đừng đợi viết hay rồi mới viết, nếu như thế thì bạn sẽ chẳng có được bài viết nào cả. Và khi tình trạng này lặp đi lặp lại, bạn sẽ rơi vào trạng thái không biết viết gì, không dám viết gì. 

Bạn cũng không cần phải tạo áp lực cho bản thân hay quan tâm những nút like. Thử nghĩ xem trong đầu bạn còn lại gì và viết nó ra, cho dù nó có nhảm nhí hay vớ vẩn thế nào đi chăng nữa. Khi con chữ thoát ra khỏi sự kìm hãm của nỗi sợ hãi và lo lắng, bạn mới có thể viết tốt hơn.

Bài tập 1: Bạn thử viết ngắn gọn một vài chủ đề sau: Tâm trạng của bạn hiện tại, một điều khiến bạn bức xúc và muốn giải tỏa; một lời cảm ơn hoặc xin lỗi; về bài hát/bộ phim từng xem,… 

Bạn còn nhớ, ngày cấp 2, bạn có thể viết một bài văn dài nửa trang giấy. Bạn có thể huyên thuyên chát chít với đám bạn mỗi giờ, thậm chí viết những bài thơ tình lãng mạn đến bất ngờ. Vậy tại sao điều đó không còn nữa? Bạn không biết viết hay thời gian bào mòn khả năng viết của bạn?

Lúc này, khi bạn đã bắt đầu viết nhảm nhí rồi, hãy luyện tập nó mỗi ngày. Dành khoảng 15-30 phút mỗi ngày để viết về những điều linh tinh xung quanh bạn. Hay cả những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Nếu bạn thấy quá khó, hãy áp dụng cách tập luyện sau nhé:

Bài tập 2: Thực hành chủ đề ở bài 1 khoảng 30 phút mỗi ngày!

Ý tưởng ở xung quanh bạn

Bất cứ những gì xung quanh bạn đều là chất liệu, ý tưởng cho bài viết. Chẳng hạn như với một cái bàn, bạn có thể viết về những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với nó. Hoặc đơn giản bạn sẽ viết về phương pháp chọn bàn học và tư thế viết khoa học tốt cho sức khỏe.

Hay đơn giản bạn nhìn thấy một ai đó đi trên đường với những hành động kỳ quặc và thú vị. Bạn cũng có thể kể nó lại với bạn bè thông qua một bài post nhỏ trên facebook. Vạn vật hiện hữu trên đời này nhiều vô kể, và nó là nguồn ý tưởng dồi dào để bạn viết hay bắt đầu một câu chuyện. Đọc thêm bài viết này 15 ý tưởng viết bài đánh tan nỗi lo không biết viết gì.

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?
Photo by Viktor Hanacek on Picjumbo

Mình thường gợi ý cho các học viên khóa viết 1:1 rằng, hãy viết bất cứ thứ gì xung quanh, cả những thứ mình thích và không thích. Cũng đừng quan tâm nó dài hay ngắn, hay hay dở. Nếu bạn muốn viết gì đó, hãy cứ viết thôi. 

Thông thường một số newbie khi bắt đầu tập viết, các bạn đặt nặng việc làm sao để viết câu văn hay, từ ngữ trau chuốt, làm sao ví von liên tưởng đặc sắc,… Thậm chí các bạn ám ảnh khi cây viết quá xuất sắc. 

Bài tập 3: Nhìn xung quanh căn phòng nơi bạn đang ngồi, nghĩ xem bạn có thể viết về điều gì, ví dụ như:

  • Những khung cửa sổ.
  • Bàn học và mọi thứ có trên bàn (bút viết, máy tính, sổ tay,..).
  • Nghĩ về phòng bếp và món bánh (hay thức uống) yêu thích.
  • Một tin nhắn bạn vừa xem.

Hoặc luyện viết những gì bạn muốn, ví dụ như:

  • Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?
  • Một người mà bạn nghĩ đến lúc này.
  • Về ước mơ của bạn.
  • Về bộ phim bạn thích hoặc không thích (nêu rõ lý do vì sao)
  • Về cuốn sách bạn tâm đắc.

Phá bỏ những rào cản

Có một lần mình viết bài Hôm nay bạn học được những gì và gợi ý một bạn sinh viên viết theo chủ đề đó. Bạn ấy nói ngày hôm nay rất mệt mỏi và bạn ấy chưa học được gì, vậy thì nên viết cái gì. Lúc đó mình đã ngẩn người, thì ra một câu hỏi tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng lại hóc búa với bạn. 

Mình nhận thấy không chỉ bạn mà còn một vài bạn trẻ khác mà mình biết cũng vậy. Chúng ta thường mặc định chỉ có lên lớp mới là học, chỉ có mở sách Toán học hay Vật lý làm bài tập mới gọi là học. Thực ra học đâu chỉ là bổ sung kiến thức.

By Picography in Technology

Thử nghĩ xem, bạn đã học được những gì từ cuộc sống xung quanh. Có thể bạn học được nhiều, nhưng bạn chưa nhận ra. Hoặc có thể bạn bị ngăn lại bởi dòng suy nghĩ học chính là thu nạp kiến thức. Chính vì những lý do đó khiến bạn không thể viết và không biết viết gì.

  • Một ngày mệt mỏi nhưng chúng ta cười nhiều hơn, đó cũng là cách học. Chúng ta học cách lạc quan, yêu đời hơn.
  • Một ngày mệt mỏi nhưng chúng ta đã vượt qua nó. Khi đó, chúng ta học được cách đối mặt và giải quyết khó khăn.
  • Vẫn là một ngày mệt mỏi ấy, nhưng chúng ta gạt nó đi để giúp đỡ bố mẹ làm cái này, giúp đỡ ông bà làm cái kia. Là chúng ta đang học, học cách quan tâm người thân trong gia đình.
  • Hoặc nhưng khi bạn đọc bài viết này, bạn đồng ý viết theo những chủ đề mình gợi ý, đó cũng là cách học. Bạn ấy học cách chấp nhận làm điều mình không muốn và thử thách chính mình.

Những ý tưởng thú vị thì luôn ở xung quanh bạn, khi thoát ra khỏi những tiêu chuẩn hay quy tắc thông thường, bạn sẽ rất nhiều điều đáng để đưa vào trong trang giấy. 

Viết theo dạng danh sách (bullet hay numbering)

Trong một lần tìm kiếm tài liệu cho bài viết, mình tìm thấy trang blog Find The Good Everyday của tác giả Katie, 40 tuổi, sống ở miền đông nam nước Anh.

Katie viết về những cuốn sách cô đã đọc, những chuyến du hành và những điều khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày. Hầu hết các bài viết được liệt kê theo kiểu danh sách, liệt kê. Ví dụ như 37 điều có được ở tuổi 37 hay 20 điều hạnh phúc từ năm 2020,…

Mình nhận thấy đây là phương pháp viết khá thú vị và sẽ giúp những bạn trẻ tự tin viết, viết được nhiều hơn. Thay vì cứ suy nghĩ làm sao để viết từ đoạn văn này sang đoạn văn khác, bạn chỉ cần liệt kê bằng cách gạch đầu dòng những gì bạn muốn viết.

Bài tập 4: Bạn thử thực hành một số chủ đề sau và viết thật ngắn gọn nhé.

  • Viết ra 12 điều bạn muốn làm trong tháng này.
  • Danh sách 22 điều bạn muốn hoàn thành trong năm 2022.
  • Liệt kê những tác giả sách mà bạn yêu thích và viết 1, 2 dòng tóm tắt về họ.
  • Liệt kê những lỗi sai bạn thường mắc khi viết.
  • Top 10 cuốn sách bạn hoặc blogger bạn yêu thích

Ngoài ra một số cây viết cũng sử dụng dạng bài top list cho các bài blog. Bạn có thể tham khảo một số ví dụ nhé:

Trong bài viết Làm thế nào để viết khi không biết viết gì, mình có đính kèm một số bài tập thực hành, hy vọng sẽ hữu ích với bạn. Và nếu bạn muốn được góp ý để viết tốt hơn, đừng ngại liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmail.com nhé.

Trả lời