10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động

Nhiều người nghĩ viết kết bài đơn giản thôi nhưng viết sao cho thuyết phục độc giả và khuyến khích họ hành động thì không phải ai cũng là được. Nhưng mọi chuyện sẽ không quá khó khăn nếu bạn đọc 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng dưới đây.

Đưa ra một câu nói, một triết lý

Kết bài này phù hợp chỉ khi bạn chọn lọc được những câu nói liên quan đến nội dung bài. Câu nói hay triết lý nó có thể bao quát tóm gọn nội dung toàn bài. Hoặc bạn có thể sử dụng câu nói làm đòn bẩy để phát triển, kêu gọi hành động.

Để viết kết bài cho bài viết Bạn viết vì điều gì, mình đã sử dụng một câu nói của nhà văn người Đức Herta Müller. Sau đó liên hệ với bản thân, đồng thời đưa ra câu hỏi cho độc giả. 

Ví dụ: “Herta Müller nói rằng “Tôi đã luôn viết chỉ cho bản thân mình – để làm rõ với mình, để hiểu bên trong nội tâm chuyện gì đang thực sự xảy ra.” Với mình, nếu không viết, có lẽ mình đã trở thành một con người khác, sống một cuộc đời khác. Còn bạn, bạn viết vì điều gì?”

Đưa ra gợi ý để hành động

Nếu bạn viết một chủ đề dài, và tách nó ra thành 2 phần. Ở kết bài của phần 1, hãy đưa ra gợi ý để độc giả đọc đọc tiếp phần 2. Bạn nên linh hoạt trong việc đưa ra gợi ý vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích của bạn. Chẳng hạn như kêu gọi độc giả click vào đường dẫn, tải tài liệu miễn phí hoặc hoàn thành khảo sát,… 

Viết kết bài dạng này, bạn sẽ tóm tắt nội dung chính trong toàn bài. Tiếp đến đưa ra gợi ý hành động. Một số cấu trúc mà bạn có thể áp dụng: 

  • Trên đây là những [tóm tắt nội dung chính toàn bài]. Ngoài ra bạn cũng có thể [đưa ra gợi ý], bằng cách [kêu gọi hành động]

Ví dụ: Trên đây là 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động cực hữu ích dành cho cây viết mới. Bạn cũng có thể học thêm cách viết đoạn mở đầu hấp dẫn bằng cách đọc thêm tại đây nhé.

  • Bạn vừa học [nhắc lại nội dung chính của bài]. Đừng quên [kêu gọi hành động] nếu bạn muốn [đưa ra gợi ý].

Ví dụ: Bạn vừa học 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động thông qua bài viết này. Đừng quên để lại đăng ký email theo dõi duongstory.com nếu bạn muốn đọc thêm những bài viết hay khác nhé.

Đưa ra cảnh báo, lời khuyên

Sẽ có những trường hợp bạn cần phải đưa ra cảnh báo, lời khuyên cho độc giả. Chẳng hạn như khi bạn viết về cách tạo blog miễn phí trên WordPress, đừng quên nhắc lại một vài lưu ý để họ nắm rõ. Đồng thời đưa ra lời khuyên trong trường hợp cần thiết.

Một kết bài truyền cảm hứng hành động bằng cách đưa ra lời khuyên
Photo by Andrew Dunstan on Unsplash

Bạn có thể đọc phần kết của bài viết 5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn để tham khảo cách mình đưa ra lời khuyên.

Cấu trúc bạn có thể áp dụng:

  • [Nhắc lại nội dung chính của bài]. Tuy nhiên [từ khóa] không có nghĩa là [đạt được kết quả tốt]. Vậy nên [đưa ra lời khuyên, cảnh báo, lời nhắc nhở của bạn].

Ví dụ: Trên đây là 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn mà mình tin rằng bất cứ cây viết mới nào cũng sẽ cần. Tuy nhiên tiêu đề hay không có nghĩa là bài viết tốt. Nội dung mới là yếu tố quyết định độc giả có ở lại trang web của bạn lâu hay không. Vì vậy ngoài viết đặt tít hấp dẫn, bạn cũng nên luyện viết nội dung tốt hơn.

Sử dụng biện pháp tu từ

Biện pháp tu từ ở đây là lặp từ, cụm từ nhằm tạo sự liệt kê hoặc nhấn mạnh tính chất, nội dung chính của bài viết.

Trong bài viết Sống chậm lại một chút, để biết đời còn yêu thương, mình đã nhấn mạnh cụm từ sống chậm lại như là một cách khẳng định thông điệp mình muốn truyền tải. 

Ví dụ: Sống chậm lại, để thấy ngoài kia bầu trời rất xanh và đầy ắp hy vọng. Sống chậm lại, để biết đời còn yêu thương.

Đặt ra câu hỏi cho độc giả

Một số bài viết là tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm, vậy nên những thiếu sót trong bài là khó tránh khỏi. Lúc này bạn có thể đặt ra câu hỏi cho độc giả, hỏi họ bài viết có thiếu sót gì không, có thể đưa ra lời góp ý cho bạn. 

Bạn cũng có thể hỏi độc giả góp ý cho bạn một số kiến thức mới (mà bạn chưa đề cập trong bài viết) để bạn có thể bổ sung. Thậm chí bạn có thể hỏi độc giả muốn đọc chủ đề nào, muốn biết về điều gì. Từ đó điều chỉnh những chủ đề trong bài viết sau.

Ví dụ: Ngoài 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động trên đây, bạn còn biết thêm cách viết nào khác nữa không? Nếu bạn biết, có thể góp ý với mình bằng cách để lại bình luận dưới bài viết này nhé. 

Gợi ý về những việc làm tiếp theo

Chẳng hạn như bạn viết về thực phẩm giúp giảm cân, hãy gợi ý cho họ kết hợp với tập thể dục. Hoặc bạn viết về một kiến thức về viết, hãy gợi ý cho người đọc biết họ cần thực hành để áp dụng kiến thức đó. 

Tùy từng trường hợp mà bạn kết hợp đưa vào gợi ý cho phù hợp.

10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
Photo by Clay Banks on Unsplash

Ví dụ: Mọi kiến thức chỉ là lý thuyết suông nếu bạn không bắt tay vào việc thực hành. Vì vậy sau khi tham khảo 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động trên đây, bạn đừng quên lấy giấy bút ra luyện viết ngay nhé. 

Khơi gợi ước mơ để thôi thúc hành động

Độc giả của bạn cũng có ước mơ. Hãy nói nhiều về nó, về những viễn cảnh tươi đẹp khi ước mơ được hoàn thành. Vậy nên sau khi chia sẻ tất tần tật những kiến thức ở nội dung chính, giờ là lúc bạn nói về những điều tốt đẹp phía trước nếu họ hành động. 

Ở bài viết Luyện viết hiệu quả trong thời gian giãn cách, mình đã liên tưởng đến hình ảnh ươm mầm chồi xanh và một ngày nào đó nó sẽ ra hoa. Tựa như công việc viết lách chúng ta đang làm. 

Ví dụ: “Vậy nên, bạn hãy dành thời gian để luyện viết hiệu quả trong thời gian giãn cách nhé. Cũng giống như khi bạn ươm một chồi xanh. Bây giờ chồi non chỉ mới hé thôi, nhưng kiên trì nỗ lực sau này chắc chắn nó sẽ cho ra quả ngọt.”

Tóm tắt ý chính trong bài

Kiểu viết bài này khá phổ biến và được hầu hết người viết áp dụng. Nó cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. Đơn giản bạn tóm tắt lại các nội dung mà bạn trình bày với độc giả.

Bạn có thể dùng cấu trúc:

  • Vậy là bạn đã học được cách [nội dung chính của bài]. Ngay bây giờ hãy [thực hành theo kiến thức gợi ý trong bài] như [liệt kê lại các ý chính] để có thể [đạt được kết quả cụ thể].

Ví dụ: Vậy là bạn đã học được 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động thông qua bài viết này. Bao gồm cách viết đưa ra một trích dẫn, cảnh báo lời khuyên, tóm tắt ý chính, sử dụng biện pháp tu từ,… Hãy lưu lại và thực hành theo các gợi ý để viết kết bài đa dạng nhé.

Để người đọc tự trải nghiệm

Một nội dung viết ra sẽ có người thích và người không thích, người ủng hộ và không ủng hộ. Bạn phải chấp nhận sự thật đó. Ví dụ bạn có quy trình viết bài mà bạn đúc kết nhiều năm kinh nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người. Hãy nói với độc giả rằng mọi quy trình đều mang tính chất tham khảo. Điều cuối cùng vẫn là trải nghiệm của chính họ.

10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
Photo by Max Bender on Unsplash

Ví dụ trong bài viết Giúp bạn rèn luyện kỹ năng viết với 5 bước cơ bản mình đã viết kết bài thế này.

Ví dụ: Mỗi người sẽ có những con đường đi khác nhau, một hành trình khác sẽ cho ra trải nghiệm khác. Năm bước cơ bản rèn luyện kỹ năng viết trên đây có thể sẽ hợp với người này và không hợp với người kia. Điều bạn cần làm là tự trải nghiệm viết và rút ra quy trình tốt nhất cho mình!

Gửi gắm niềm tin hoặc lời chúc

Một lời chúc, lời động viên cổ vũ sẽ có ý nghĩa rất lớn với những bạn đang không biết bắt đầu từ đâu. Đây cũng là cách mình thường xuyên áp dụng để viết bài. Đối với những bài viết dạng nhật ký, mình thường củng cố niềm tin bằng cách “Mình tin là…”, “mình tin rằng…”, “bạn nhất định sẽ…”,…

Ví dụ ở bài viết Mình đã học được gì khi viết blog, kết bài sẽ như thế này “Viết blog là một hành trình dài từ ngày này qua tháng nọ. Và mình tin rằng trong chuyến hành trình ấy mình sẽ học được rất nhiều thứ, không chỉ là viết tốt hơn.”

Hoặc bạn cũng có thể gửi đến lời chúc, lời hứa hẹn trong một tương lai xa. Lời chúc bao giờ cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như “Mong bạn…”, “chúc bạn…”, “hy vọng bạn sẽ…”,…

Bạn hãy xem kết bài theo kiểu lời chúc của bài viết này:

Mong rằng với 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động trên đây sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng dồi dào để viết bài. Chúc bạn luôn giữ vững đam mê trên hành trình viết lách của chính mình.

Trả lời