Bạn viết vì điều gì?

Người ta thường nói viết là hành động lấp đầy trang giấy bằng những ngôn từ xuất phát từ trái tim và khối óc. Đối với mình, viết không chỉ để lưu giữ kỷ niệm mà còn cách nuôi dưỡng cảm xúc giữa cuộc đời “khô cằn” này. Còn bạn, bạn viết vì điều gì?

Viết để kiếm sống

Có hai kiểu người làm nghề viết mà mình từng gặp: Hoặc là dạo chơi với con chữ hoặc là nghiêm túc theo đuổi con đường viết lách. 

Ở dạng một, thi thoảng họ sẽ kiếm được tiền. Ví dụ như đạt giải một vài cuộc thi viết trên mạng hay là nhận khoản nhuận bút nho nhỏ cho bài viết được đăng trên báo, tạp chí. Họ coi đó là thú vui sau những ngày bận rộn với công việc. 

Ở dạng hai, viết lách trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính. Họ sử dụng toàn bộ chất xám, sự sáng tạo và bền bỉ để tạo nên những tác phẩm cho riêng mình. Những người làm công việc này đôi khi là tác giả sách, người làm nội dung,…

Trường hợp đầu bạn sẽ thảnh thơi và thoải mái hơn. Nhưng nếu ở trường hợp thứ hai, bạn sẽ gặp nhiều áp lực hơn. Dù ở dạng nào viết lách cũng là một phương thức để kiếm sống. Và đôi khi phương thức này lại làm bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều như vậy. Có một số người đã, đang hoặc sẽ trải qua tình huống này. Cảm giác chán khiến cho bạn mất dần đi động lực viết để kiếm sống. Bạn bắt đầu chán ghét việc ngồi trước màn hình máy tính, chán ghét những con chữ. Nhưng bạn không phải là người duy nhất trải qua cảm giác này. 

Mình có một người bạn theo đuổi công việc content writer gần 3 năm. Suốt những năm tháng bầu bạn, điều mà mình nghe từ cô ấy là câu nói quen thuộc “Tao chán viết rồi mày ơi!”. Những lúc như thế, mình sẽ chỉ ngồi lặng im nghe cô gái giãi bày. Nào là công việc lặp lại không có sự thú vị, phần vì cô ấy làm freelancer nên cảm thấy nhàm chán. Bạn nghĩ xem, liệu cô ấy có ngừng viết để tìm một công việc khác hay không? 

Câu trả lời là không.

Chỉ vài ngày sau, cô gái với gương mặt ủ dột như muốn bỏ việc ấy lại lao đầu vào viết như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc đầu mình không hiểu vì lý do nào có thể khiến cô gái lấy lại động lực nhanh như thế. Có thể vì cô ấy ngại thay đổi công việc mới, cũng có thể đã tìm được hứng thú trở lại hoặc cũng có thể vì tiền. Nhưng sau này, khi đã quá quen với những câu than thở đó, mình không còn bất ngờ nữa.

Mình cảm thấy như giữa cô ấy và viết lách luôn có mối lương duyên vô hình nào đó. Mối lương duyên ấy ràng buộc cô ấy và nghề viết suốt nhiều năm trời.

Ai cũng biết cách thư giãn sau giờ làm việc nhưng lại sợ deadline tràn ngập, sợ không xong bài vở. Thực tế việc bạn ngồi trước màn hình máy tính thời gian dài không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tạo ra hiệu quả công việc cao hơn. Làm vườn, đi dạo hoặc làm điều gì bạn thích,… đó là cách để bộ não được nghỉ ngơi. Năng lượng vũ trụ sẽ nâng đỡ bạn, truyền cho bạn thêm nhiều ý tưởng để làm việc năng suất hơn.

Lưu giữ kỷ niệm

Chúng ta không ngừng tiến về phía trước, bỏ lại sau lưng là ngày hôm qua, ngày hôm kia. Những con người bạn từng gặp, những câu chuyện bạn từng nghe, chiếc lá từng xanh hay cái cây đứng ngả nghiêng trong gió rồi một ngày nào đó cũng sẽ là quá khứ. Suy cho cùng thứ khiến chúng ta nhớ nhất lại là kỷ niệm.

Nhiều người chọn giữ lại kỷ niệm trong tim. Nhưng cũng có người lựa chọn viết ra. Vì họ tin rằng đến một ngày kia, khi mắt mờ, chân tay run, những dòng chữ năm nào chính là thứ nhắc nhớ họ về hoài niệm cũ tưởng chừng như bị quên lãng.

Khi con chữ còn thì kỷ niệm mãi còn.

Nguồn ảnh: freestocks on Unsplash

Ngày còn nhỏ, ta thường viết lại tỉ tỉ điều về cuộc sống qua quyển nhật ký. Rồi cẩn thận giấu nó ở một nơi chẳng ai tìm thấy. Để rồi thỉnh thoảng lấy ra đọc, ra viết tiếp câu chuyện còn dang dở. 

Cho đến khi lớn lên một chút, hầu như tuổi 8x, 9x đời đầu đều có cho mình cuốn lưu bút. Nơi đó cất giữ những kỷ niệm đẹp thời học trò, những mối tình gà bông đáng yêu trong sáng.

Rồi thời đại internet phát triển, nhiều công cụ ra đời cho bạn thêm một nơi để gửi gắm tâm sự. Đó là blog Yahoo 360 từng làm mưa làm gió khắp diễn đàn hay ngày hôm nay, các trang blog nở rộ và trở thành nơi blogger chia sẻ câu chuyện của họ.

Nhiều người nghĩ rằng phải viết những bài tâm sự hay kể lại câu chuyện dưới dạng nhật ký thì mới là lưu giữ kỷ niệm. Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Bạn là một Travel Blogger, bạn chia sẻ câu chuyện du lịch vòng quanh thế giới của mình qua những trang viết. Đó cũng là một kiểu để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời.

Có thể mỗi người sẽ lựa chọn phương thức khác nhau (viết trên giấy, viết trên laptop,…) và đăng tải câu chuyện đó ở nơi khác nhau (sổ ghi chép, MXH, blog,…). Nhưng mục đích cuối cùng, vẫn là hy vọng câu chuyện của bạn có thể hiện hữu mãi trên cuộc đời này, là sợi dây gắn kết bạn hôm nay và bạn của ngày xưa. 

Đọc thêm:

Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?

Storytelling cho blog: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn?

Kể chuyện làm freelance writer và cách mình tìm kiếm khách hàng

Gia tài của mình sau 2 năm làm freelance writer là 5 cuốn sách và 3 ebook

Viết để nuôi dưỡng cảm xúc và chữa lành vết thương

Tác giả người Mỹ – Gertrude Stein có một câu nói rất hay rằng: Rốt cuộc thì tất cả mọi người, hay nói đúng hơn, tất cả những ai cầm bút viết đều thích sống bên trong bản thân để có thể nói lên điều gì ở bên trong mình. Đó là vì sao người viết văn có hai đất nước, một là nơi họ thuộc về, và một là nơi họ thực sự sống. Đất nước thứ hai đầy lãng mạn, và tách rời khỏi họ, nó không có thực, nhưng nó thực sự ở đó.

Mình tin rằng mỗi người viết đều có một thế giới riêng của họ. Một thế giới mà nơi đó tình yêu được nuôi dưỡng, nỗi đau bị xóa nhòa. Một thế giới hư ảo mà lại rất thật.

Thực tế có rất nhiều cách nuôi dưỡng cảm xúc. Mỗi cá nhân sẽ có cho mình phương pháp riêng – điều mà họ tin là nó sẽ giúp tâm hồn họ trở nên thanh thản. 

Nếu bạn đã quá nhàm chán với con đường từ nhà đến văn phòng và ngược lại, có thể viết ra. Những bông hoa nơi ven đường, tán cây xanh rợp bóng mát hay một cụ già ngồi nơi ngã tư đường có thể sẽ khiến bạn cảm thấy yêu đời hơn.

Khi bạn viết một điều gì đó vừa trải qua hoặc đã xảy ra trong quá khứ, thử đặt mình là một người thứ 3 để hồi tưởng lại. Bạn sẽ thấy vô vàn điều tuyệt vời ẩn chứa trong câu chuyện đó. Bạn sẽ có thêm góc nhìn mới, thêm nguồn cảm xúc mới. 

Và mình cũng tin rằng có nhiều người đã từng viết về nỗi đau của chính mình. Đó có thể là vài ba câu thơ, vài ba dòng chữ. Có người gửi gắm một thông điệp thẳng thắn rõ ràng, có người lại chọn chia sẻ chuyện buồn thông qua một tác phẩm hư cấu (do chính mình sáng tác). Những nỗi đau được viết nên có thể sẽ vơi đi bớt.  

Ở một trường hợp khác, khi bạn quyết định chọn chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng. Đó có thể là cảm xúc tiêu cực, nỗi sợ, sự yếu đuối vốn đã tồn tại từ rất lâu trong con người bạn. Bạn sẽ nhận được những lời động viên chân thành để vượt qua mọi giông bão. 

Viết là để chữa lành vết thương và đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.

Herta Müller nói rằng Tôi đã luôn viết chỉ cho bản thân mình – để làm rõ với mình, để hiểu bên trong nội tâm chuyện gì đang thực sự xảy ra. Với mình, nếu không viết, có lẽ mình đã trở thành một con người khác, sống một cuộc đời khác. Còn bạn, bạn viết vì điều gì?

Trả lời