Storytelling cho blog: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn?

Tưởng tượng bạn bước vào một căn phòng, ở đó là những người đã chờ đợi sẵn để bắt đầu một buổi họp mặt liên quan đến viết lách. Chủ đề được đưa ra là kể một câu chuyện về bản thân và hành trình đến với viết. Bạn sẽ kể thế nào?

Mình nghĩ sẽ không một ai gõ lên mặt bàn để thu hút sự chú ý và nói “Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về quá trình tôi đến với viết”, bởi vì nó không thật sự phù hợp. Thu hút sự chú ý là tốt nhưng bạn cần nhẹ nhàng khéo léo hơn.

Áp dụng kỹ thuật storytelling chính là sử dụng một câu chuyện để truyền đạt thông tin, thông điệp đến với độc giả. Họ được truyền cảm hứng từ câu chuyện của bạn, thậm chí là được truyền cảm hứng từ một nhân vật hoặc một hành động nào đó trong câu chuyện. Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn!

Viết mở đầu bằng một câu chuyên

Một trong những cách mở đầu bài viết blog là kể lại một câu chuyện. Nếu câu chuyện hấp dẫn, độc giả sẽ tò mò đọc tiếp phần thân và kết của bài viết. Nếu người đọc nhận ra vấn đề của mình cũng tương tự như nhân vật chính trong câu chuyện bạn kể, họ sẽ trở nên phấn khích và muốn đọc phần tiếp theo để biết được kết quả của câu chuyện.

“Cụ bà ngồi bên vệ đường, hai tay giữ chặt chiếc túi đã cũ. Trong đó lẫn lộn những tờ vé số còn sót lại trong ngày và mấy đồng bạc lẻ kiếm được. Đôi bàn tay gầy guộc mò mẫm lôi ra vài tờ tiền nhàu bét. Đằng sau cụ, người thanh niên từ từ tiến lại. Dưới ánh đèn đường, một bên cánh tay lộ ra vô số hình xăm quái dị. Bạn có biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo không?”

Đây là một đoạn mở bài từng được mình chia sẻ trên blog cá nhân cũng như áp dụng trong khóa dạy viết 1:1. Câu chuyện ngắn thôi nhưng để lại cho độc giả những suy nghĩ, mường tượng về nhân vật cụ bà là ai, anh thanh niên là người thế nào, hành động tiếp theo của họ,…

Storytelling cho blog: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn?
Nguồn ảnh: Karolina Grabowska, Kaboompics

Đầu tiên bạn có thể bắt đầu bằng một dòng ngắn để miêu tả bối cảnh, trong ví dụ trên là “Cụ bà ngồi bên vệ đường, hai tay giữ chặt chiếc túi đã cũ”. Những dòng tiếp theo bạn có thể miêu tả rõ hơn về các nhân vật để người đọc tò mò. Chú ý ở bước này không nên giải thích hành động của nhân vật, thay vào đó bạn nên kể hoặc tả. Câu cuối cùng có thể là lời gợi ý để người đọc chuyển hướng sang phần nội dung chính của bài viết blog.

Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn, hãy bắt đầu bằng cách một câu chuyện trong đoạn mở bài. Một số bài viết có thể áp dụng cách mở bài chẳng hạn như bài viết hướng dẫn; bài viết quy trình, các bước thực hiện; bài tản văn (viết sáng tác);…

Ví dụ trong bài viết Làm thế nào để viết khi không biết viết gì, mình đã kể lại câu chuyện về những học viên tham gia khóa viết miễn phí kèm 1:1 tháng năm ngoái đều rơi vào tình trạng “không biết viết gì”. Câu chuyện đó đã giúp mình vào đề cho bài viết, và nó cũng là câu chuyện có thật.

Bài viết liên quan:

Storytelling là gì?

Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?

Sử dụng kỹ thuật storytelling để viết cho chính mình

Trích dẫn câu chuyện vào phần thân bài

Một cách viết storytelling mà mình khá thích và áp dụng viết nội dung cho blog là đưa câu chuyện vào thân bài. Bằng cách khi diễn giải, trình bày vấn đề nào đó, nếu có câu chuyện liên quan bạn có thể đưa vào làm ví dụ minh họa. Những câu chuyện thực tế sẽ làm cho nội dung bài viết chất lượng, chân thực và có độ tin cậy cao. 

Khi chọn câu chuyện đưa vào thân bài bạn nên lưu ý:

– Câu chuyện trong thân bài có thể là phần tiếp nối nội dung câu chuyện được kể ở mở bài, có thể là diễn biến tiếp theo hoặc kết thúc câu chuyện.

– Câu chuyện có liên quan đến nội dung bài viết, kể chuyện nhưng phải bám sát vào nội dung để tránh lạc đề, lan man dài dòng.

– Câu chuyện nhỏ với dung lượng ngắn sẽ tốt hơn câu chuyện dài.

– Câu chuyện nên có thông điệp, tạo ra giá trị về mặt nhận thức hoặc hành động, đừng kể một câu chuyện không đầu không kết để chính độc giả cũng không hiểu bạn muốn truyền tải điều gì nhé.

Câu chuyện kích thích trí tưởng tượng

Quay lại phần mở đầu của bài viết này, mình đã bắt đầu bằng “Tưởng tượng bạn bước vào một căn phòng,…” thì đây chính là cách kể một câu chuyện kích thích trí tưởng tượng. Bạn cũng có thể kể câu chuyện như vậy dựa trên sự tưởng tượng của bản thân hoặc liên tưởng, gợi mở đến nội dung bạn muốn trình bày. Ở phần thân bài, mình chia sẻ câu chuyện “cụ bà và anh thanh niên có hình xăm”, đây cũng là cách kích thích sự tưởng tượng, sáng tạo cho độc giả. 

Storytelling cho blog: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn?
Nguồn ảnh: Social Cut, Unsplash

Để kể một câu chuyện theo phong cách này, đầu tiên hãy cho độc giả ở trong một hoàn cảnh, một địa điểm bạn tự tạo ra. Bạn có thể bắt đầu với gợi ý “Thử tượng bạn đang ở/làm/đi…”, sau đó vận dụng kỹ thuật kể/tả đặt người đọc vào không gian đó.

Chẳng hạn như: “Mình quen một người bạn, cô ấy đã không viết trong nhiều năm liền và giờ không biết bắt đầu từ đâu, không biết viết gì. Cô ấy muốn bắt đầu viết lại, tìm kiếm định hướng cho nghề viết tự do.

Cô ấy tìm kiếm những trang blog, cộng đồng về viết lách để thực hành. Sau đó tập tành viết những dòng đầu tiên trên MXH, nhưn một người lạ để lại bình luận nhận xét bài viết của cô ấy thật dở tệ và cô ấy sẽ không thể nào trở thành một người viết.

Nếu ở trong trường hợp đó, bạn sẽ đưa ra quyết định gì? Tiếp tục viết bất kể lời phán xét, chỉ trích hay dừng lại mọi kế hoạch để quay về cuộc sống bình thường như trước kia? Nếu bạn lựa chọn tiếp tục, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.”

Đôi khi độc giả không hiểu vấn đề của họ là gì, một câu chuyện, một lời nghi vấn đặt ra có thể sẽ giúp độc giả biết bản thân họ muốn gì, nên làm gì.

Câu chuyện về hành trình/quá trình

Nếu bạn đang vận hành một doanh nghiệp nhỏ cho chính mình, đơn giản là một quán ăn, nhà hàng, tiệm bánh,… Bạn sẽ không có nhiều kinh phí để chi trả cho những hoạt động quảng cáo, tại sao bạn lại không thử bằng cách thu hút khách hàng thông qua những câu chuyện của mình. Những câu chuyện về hành trình kinh doanh, những bài học đạt được, thất bại nhận lấy,… trong hành trình phát triển thương hiệu. Tất cả đều có thể trở thành content storytelling hấp dẫn.

Một câu chuyện hay sẽ truyền cảm hứng hành động, giúp khách hàng đến gần hơn với sản phẩm của bạn. Thử tượng tượng ngày xưa bạn từng được nghe những câu chuyện hay rồi dẫn chìm vào giấc ngủ. Khách hàng của bạn chắc chắn sẽ không buồn ngủ vì câu chuyện của bạn, nhưng họ sẽ cảm thấy dễ chịu, thư thái vì được tiếp nhận một thông tin theo cái cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Bạn có thể thấy được có rất nhiều câu chuyện về thương hiệu được kế ngoài kia, chẳng hạn như đằng sau logo quả táo khuyết của Apple, cách Harland David Sanders bắt đầu với cửa hàng thức ăn nhanh KFC như thế nào, hành trình Internet Explorer ra đời và khai tử sau 27 năm hoạt động,…

Ví dụ một câu chuyện kinh doanh bia thủ công BrewDog mình đọc được trên Enchanting Marketing 

“Martin và tôi (James) đã chán ngán những loại bia công nghiệp và bia hơi đang thống trị thị trường Anh. Thế là chúng tôi tự nấu một loại bia theo công thức riêng. Tháng 4.2007, thương hiệu bia tự nấu BrewDog ra đời.

Thời điểm đó, cả hai chỉ mới 24, chúng tôi thuê một tòa nhà ở Fraserburgh, vay một ngân hàng, thuê một tòa nhà bỏ hoang và bắt đầu nấu bia thủ công.

Chúng tôi pha những mẻ nhỏ, đóng chai bằng tay và bán tại chợ địa phương hoặc từ thùng chiếc xe tải cũ nát của chúng tôi. Sứ mệnh lớn nhất khi thành lập BrewDog là làm cho những người khác đam mê bia thủ công tuyệt vời như chúng tôi.”

Bạn cũng có thể bắt đầu viết storytelling cho thương hiệu của bạn, trên chính website của ban như câu chuyện BrewDog.

Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn, rất đơn giản bằng cách bạn bắt đầu kể một câu chuyện ở phần mở bài hoặc khéo léo lồng ghép vào phần thân bài. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng kỹ thuật storytelling vào phần kết bài, để gửi gắm một giá trị nào đó. Tham gia cộng đồng viết Ngày đẹp trời để viết của mình để cùng thực hành viết storytelling và viết blog nhé.

Trả lời