Kể chuyện làm freelance writer và cách mình tìm kiếm khách hàng

Làm freelance writer là một trải nghiệm thú vị mang đến cho mình sự tự do, mang đến một công việc sống đúng với đam mê, cho mình cơ hội để được học nhiều kỹ năng hơn, nâng cấp bản thân tốt hơn. 

Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer?

Chuẩn bị về tài chính

Có rất nhiều lời khuyên dành cho người mới khi bước chân vào con đường làm tự do, đặc biệt là lời khuyên về tài chính. Chuẩn bị quỹ dự phòng cho 6- 12 tháng sẽ đảm bảo cuộc sống của bạn không bị ảnh hưởng, bởi vì đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với tình cảnh không có khách hàng ở những tháng đầu tiên. Dĩ nhiên con số này chỉ mang tính ước chừng và ngân sách dành cho quỹ dự phòng sẽ thay đổi bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như bạn có khách hàng sớm hay muộn, bạn đầu tư cho kỹ năng chuyên môn tốt hay chưa,…

Trước khi là freelance writer như hiện tại, mình đã trải qua 11 tháng với thu nhập 0 đồng. Trong 11 tháng đó, mình vẫn hoạt động như người viết hằng ngày, tuy nhiên khi đó mình chưa có khách hàng hoặc dự án viết lách nào tạo ra thu nhập. 

Nếu không có sự chuẩn bị về tài chính, có thể mình sẽ vô cùng chật vật hoặc thậm chí có thể mình sẽ tạm dừng ý định theo đuổi tự do để trở lại làm một người làm văn phòng sáng đi chiều về. May mắn quỹ dự phòng đã giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn. Do vậy với những bạn đang có mong muốn trở thành một người viết lách tự do trong tương lai, đừng quên chuẩn bị một khoản thu nhập trước để tránh rơi vào “khủng hoảng tâm lý” khi chưa tìm được khách hàng nhé.

Trang bị kiến thức, kỹ năng

Kể chuyện làm freelance writer và cách mình tìm kiếm khách hàng

Abraham Lincoln có một câu nói rất hay rằng “Nếu cho tôi 6 giờ để đốn hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài sắc lưỡi rìu.” Chuẩn bị nền tảng thật tốt, bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi hơn.

Ví dụ bạn muốn trở thành freelance writer thì có thể rèn luyện kỹ năng viết cơ bản, thực hành viết mỗi ngày, có thể tham gia khóa học, workshop,… Hay tương tự trở thành freelance designer bạn phải có những hiểu biết nhất định về công cụ thiết kế đồ họa và học cách sử dụng chúng.

Một học viên của mình từng vẽ ra viễn cảnh đẹp như mơ khi từ bỏ công việc văn phòng để làm tự do. Rằng bạn ấy sẽ có khách hàng ở tháng thứ 3, sẽ có nguồn thu nhập cố định 8 con số vào tháng thứ 6. Tuy nhiên bạn ấy lại chưa từng viết bao giờ, cũng chưa hình dung được ngành viết cần kỹ năng gì.

Thực tế bạn không để đi xe được nếu bước đi còn chưa vững. Đó là lý do mình luôn gợi ý cho các bạn trẻ nên tìm một khóa học viết cơ bản trước khi bắt đầu với con đường viết lách chuyên nghiệp. Trang bị kỹ năng cơ bản chưa bao giờ là thừa, nó còn là tốt bởi vì bạn sẽ có một nền tảng vững chắc để bước đi.

Khi đặt mục tiêu trở thành freelance writer trong vòng 1 năm, mình không lao đầu vào tìm kiếm dự án hay khách hàng nào cả. Thay vào đó, mình dành 11 tháng để viết hằng ngày cũng như trang bị kiến thức về content marketing. Tổng kết sau gần 2 năm viết, mình đã hợp tác với gần 20 khách hàng là cá nhân/doanh nghiệp trong xây dựng nội dung social, website lẫn phát triển cộng đồng. Ngoài ra mình cũng đã có một bài đăng trên tạp chí và đạt một vài thành tựu khác. 

Bài viết liên quan:

10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi

8 công việc giúp mình kiếm được tiền từ viết

Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?

Luôn phát triển bản thân

Điều này không chỉ cần thiết cho một freelance writer mà bất cứ người làm công việc nào cũng cần có. Trau dồi, phát triển bản thân sẽ giúp chúng ta có cơ hội tiếp cận những công việc tốt hơn, nâng cao hiệu suất công việc, tăng thu nhập hơn. 

Ví dụ hiện tại, bạn cần 3 tiếng đồng hồ để nghiên cứu chủ đề và tìm kiếm thông tin, và cần 2 tiếng đồng hồ nữa để hoàn thành bài viết 1000 từ. Thì khi nâng cấp kỹ năng cho bản thân, bạn có thể hoàn thành bài viết 1000 từ đó chỉ trong vòng 2 tiếng (vừa nghiên cứu thông tin vừa viết). Dĩ nhiên thời gian này có thể rút ngắn hơn tùy thuộc vào tốc độ gõ của bạn.

Hoặc nếu trước đây, bạn viết nội dung cho blog theo cảm hứng, khi nào có ý tưởng mới bắt tay vào thực hiện. Điều này sẽ khiến bạn có thể chậm trễ deadline hoặc rơi vào tình trạng bí ý tưởng. Tuy nhiên nếu có một bản kế hoạch chi tiết, bạn không cần phải tìm kiếm ý tưởng nữa, thay vào đó chỉ cần mở file kế hoạch đó và chọn một chủ đề/ý tưởng nào đó để triển khai theo dàn ý đã lập sẵn.

Phát triển bản thân còn là nâng cao kỹ năng viết, từ những chủ đề cơ bản, đơn giản bạn sẽ học cách viết các chủ đề khó nhằn hơn, phức tạp hơn. Từ những thể loại bạn đã quen thuộc hằng ngày như viết nhật ký, viết cho chính mình hoặc viết bài đăng mạng xã hội, bạn sẽ học cách viết các thể loại khác như viết nội dung mạng xã hội, viết PR cho báo chí,… Từ việc viết theo cảm hứng, bạn sẽ biết cách lên kế hoạch content cho bất cứ nền tảng nào bạn muốn.

“Freelance writer chỉ viết thôi là chưa đủ”

Kể chuyện làm freelance writer và cách mình tìm kiếm khách hàng

Có một ngộ nhận mà mình 90% học viên của mình từng mắc phải, đó là “ làm freelance writer chỉ viết thôi là đủ”. Là một freelance writer đồng nghĩa với việc bạn sẽ thực hiện nhiều đầu việc khác nhau không chỉ đơn thuần là viết, đó có thể là lên ý tưởng hình ảnh hoặc thậm chí thiết kế ảnh; quản trị website, xử lý những sự cố về web (nếu có); học cách làm quen với nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram,…

Đó là lý do mà với một người chuyên môn là viết, mình vẫn dành thời gian mỗi ngày để học thiết kế ảnh, học kỹ năng giao tiếp,… nhằm phục vụ cho công việc. Nếu theo dõi mình trên trang cá nhân hoặc qua cộng đồng Ngày đẹp trời để viết, ngoài hình ảnh tận dụng từ nguồn sẵn có, đa phần mình đều tự thiết kế ảnh cho các sự kiện/cuộc thi trong nhóm, các ấn phẩm như ebook,…

Một số kỹ năng/kiến thức khác ngoài viết lách có thể cần cho bạn để trở thành freelance writer gồm:

– Kỹ năng nghiên cứu chủ đề, tìm kiếm/khai thác thông tin.

– Kiến thức về Content Marketing, Digital Marketing.

– Thiết kế ảnh cơ bản.

– Kỹ năng lập kế hoạch, quản lý chiến lược.

– Kỹ năng giao tiếp.

Ngoài ra bạn cũng nên học cách sử dụng thành thạo công nghệ: công cụ soạn thảo văn bản, quản trị website hoặc các nền tảng liên quan để phục vụ cho công việc, đồng thời tìm hiểu về xây dựng thương hiệu cá nhân cho người viết.

Một số nội dung có thể bạn cần:

Top 5 cuốn sách “must-have” dành cho dân content

9 cuốn sách về Content và Storytelling dành cho mọi cây viết

10 đầu sách hay về viết lách giúp bạn trở thành freelance writer

Tìm kiếm khách hàng như thế nào?

Gần 2 năm viết tự do và gần 1 năm chính thức trở thành full-time freelance writer toàn thời gian, mình đúc kết một vài kinh nghiệm tìm kiếm khách hàng dành cho newbie:

– Thiết lập và xây dựng mạng lưới mối quan hệ: Gần như trong 6 tháng đầu tiên, các dự án viết lách của mình đến từ “đồng phím” khác giới thiệu. Điều này có được là nhờ mình đã chủ động kết nối, xây dựng mối quan hệ với nhiều người không chỉ là người viết mà còn là người làm lĩnh vực khác như thiết kế đồ họa, tác giả sách, chủ doanh nghiệp,… 

– Thông qua các hội nhóm việc làm dành cho người làm tự do: Trong thời gian đầu, hẳn bạn sẽ hoang mang không biết tìm khách hàng ở đâu, mình cũng đã từng như vậy. Và cách của mình áp dụng là nằm vùng rất nhiều nhóm viết lách, về content marketing, copywriting,… để chờ những tin tuyển dụng mới. Mặc dù cách này mang tính rủi ro khá cao như bạn có thể gặp những khách hàng không cùng hệ giá trị, một số bài đăng lừa đảo,.. tuy nhiên đôi khi bạn vẫn có cơ hội kết nối với khách hàng tốt. Hoặc tham gia cộng đồng Ngày đẹp trời để viết của mình, tại đây mình thường xuyên đăng hộ các tin tuyển dụng từ cá nhân, doanh nghiệp khác.

– Xây dựng thương hiệu: Đây cũng là một trong những cách mình áp dụng cho đến bây giờ và đạt được một số thành công nhất định. Xây dựng thương hiệu cá nhân cho người viết giúp mình đạt được lượt theo dõi, kết nối với nhiều chủ doanh nghiệp tiềm năng trong tương lai, nhờ đó mình cũng đã có khách hàng đầu tiên. Nhờ đó mình cũng may mắn xuất hiện trên Twinkl Vietnam trong Chiến dịch Phụ Nữ Việt Nam.

– Các bài đăng “tự bán thân”: Một trường hợp khác là đăng bài “tự bán thân” để tìm kiếm khách hàng, đây là cách khá hiệu quả nếu bạn có những bài bán thân độc đáo, thú vị và “chất lượng”. Gợi ý cho bạn là nên nhắm vào cộng đồng tiềm năng để đăng bài bán thân hiệu quả nhé.

– Thông qua blog/website: Mình đã từng nhận được 3 lời mời hợp tác trên duongstory.com trong 8 tháng đầu tiên trở thành freelance writer. Thông qua những bài đăng trên blog, khách hàng tìm đến mình để trao đổi và đề nghị hợp tác. Tất nhiên việc xây dựng nội dung blog từ số 0 đến khi có độc giả/khách hàng tiềm năng là một quá trình dài và đòi hỏi bạn phải có một tư duy đúng đắn, kế hoạch phát triển blog hiệu quả. Bạn sẽ làm được điều đó nhanh hơn với khóa học Viết blog 1:1 của mình, xem chi tiết khóa học tại đây nhé.

Hành trình trở thành freelance writer chưa bao giờ là đơn giản, và đôi khi trên hành trình ấy bạn sẽ gặp những khó khăn. Chuẩn bị cho mình những kỹ năng cũng như học cách tìm kiếm khách hàng sẽ giúp bạn có sự khởi đầu tốt hơn.

Trả lời