Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?

Văn nói và văn viết khác nhau như thế nào? Bạn có đang sử dụng văn nói khi viết? Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content? Chập chững bén duyên với viết lách, hẳn bạn sẽ rất bối rối khi được hỏi về chủ đề này. Nếu bạn chưa hiểu rõ về nó thì cùng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Văn nói

Văn nói (khẩu ngữ) là lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nó phụ thuộc vào cảm xúc, trạng thái của người nói.

Trong giao tiếp, người nói không tuân theo quy luật nào cả. Người ta có thể lược bỏ chủ ngữ hay vị ngữ để câu nói trở nên ngắn gọn, gần gũi hơn.

Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?
Photo by lexie janney on Unsplash

Sử dụng văn nói trong viết content nghĩa là bạn nghĩ sao viết vậy, trong đầu hình thành ý nghĩ nào, từ ngữ nào thì ghi chép lại như thế. Chính vì không trau chuốt, gọt giũa nên câu văn khó hiểu, trúc trắc, không tạo được hiệu quả trong diễn đạt.

Bạn không nên nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết. Một câu nói đời thường có thể tạo hiệu quả trong giao tiếp nhưng khi viết ra lại trúc trắc, khó hiểu. Ngược lại khi nói chuyện mà trau chuốt từ ngữ hay đáp ứng đủ điều kiện chủ  – vị như khi viết thì chẳng khác nào làm khó người nghe. 

Đặc điểm văn nói

  • Sử dụng khẩu ngữ (từ địa phương), tiếng lóng, thán từ,…
  • Lời nói giản lược, ngắn gọn hoặc đôi khi rườm rà quá mức.
  • Không tuân theo quy tắc ngữ pháp, quy tắc chính tả. 

Một số trường hợp có thể sử dụng khẩu ngữ

Vì những đặc điểm trên, khi viết không nên sử dụng khẩu ngữ. Tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có ngoại lệ. Ví dụ trong các sáng tác như truyện, tiểu thuyết,… người viết có thể sử dụng văn nói để tạo nên phong cách riêng cho mình. Điều này sẽ giúp cho tác phẩm trở nên thu hút, đặc trưng, tạo ra hiệu quả diễn diễn đạt, miêu tả.

Ví dụ 1: Bạn viết một cuốn truyện, trong đó nhân vật đang độc thoại:

Đi một đoạn khá xa, Lan chợt giật mình vì từng cơn gió lạnh rét run phả vào người. Cô thở dài một cái: “Thôi cần quái gì áo ấm, đến công ty cái đã. Giờ này quay về có mà trễ mất.”

Ví dụ 2: Hai nhân vật trong truyện đang nói chuyện với nhau có sử dụng phương ngữ (từ ngữ địa phương)

Nhà cái Hoa ở bên kia sườn đồi. Mỗi lần chăn trâu, nó thường qua bên này chỉ để chơi với chúng tôi. Hôm nay nó mang một con diều tự làm bằng giấy, đôi mắt ánh lên niềm vui sướng vô ngần. Nó hỏi tôi: Diều bọn bây mô rồi?” Tôi dợm đứng lên nhưng thằng Tí nhanh nhảu nói trước: “Chu choa, diều của chị Hoa đẹp thiệt. Kia, diều tụi em ở đằng kia.”

Bài viết liên quan:

Giúp bạn rèn luyện kỹ năng viết với 5 bước cơ bản

Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay

Văn viết

Văn viết được thể hiện qua chữ viết (ký tự) và được nhận thức qua thị giác. Người viết thường suy nghĩ, nghiên cứu, lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt cẩn thận để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. 

Photo by Glenn Carstens-Peters on Unsplash

Khác với văn nói, văn viết phải đảm bảo đúng ngữ pháp, đúng chính tả. Mục đích làm câu văn rõ nghĩa, người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin. Ở một số thể loại như viết content (bài blog, website, ebook,…) người viết không sử dụng từ địa phương nhằm đảm bảo độc giả hiểu được nội dung của văn bản. Thay vào đó họ sử dụng từ ngữ phổ thông.

Văn viết phải đáp ứng điều kiện câu chữ rõ ràng, mạch lạc. Một số cấu trúc nối trong văn viết ví dụ như:

Cặp quan hệ từ: 

  • Vì…nên…
  • Tuy…nhưng…
  • Nếu…thì…
  • Không những…mà còn…
  • Giá…thì…

Cặp từ hô ứng:

  • Vừa… vừa
  • Càng…càng
  • Bao nhiêu… bấy nhiêu

Đặc điểm văn viết trong content

  • Sử dụng từ ngữ chuẩn xác (đúng về chính tả và đúng về mặt ngữ nghĩa)
  • Đúng cấu trúc ngữ pháp
  • Có dấu câu rõ ràng (dấu chấm, dấu phẩy, ngoặc kép, ngoặc đơn,…)
  • Không sử dụng từ địa phương, tiếng lóng, từ cảm thán,…

Cách hạn chế văn nói khi viết content

  • Không nên dùng tình thái từ khi viết: “à”, “hả”, “chứ”, “ư”, “thế”, “đâu”, “đâu nhỉ”,…hoặc các thán từ chao ôi”, “trời ơi”,…
  • Xác định thành phần chính của câu: Chủ ngữ, vị ngữ để đảm bảo viết câu đúng ngữ pháp.
  • Dùng từ ngữ chính xác bằng cách sử dụng từ điển tiếng Việt, đọc sách, đọc báo để học hỏi và cải thiện vốn từ.
  • Hạn chế sử dụng từ ngữ địa phương, tiếng lóng,..
  • Dùng cặp từ quan hệ, cặp từ hô ứng để luyện viết các câu dài ngắn khác nhau. 
  • Nối các vế câu để tạo sự logic, mạch lạc giữa các câu trong đoạn và giữa các đoạn văn trong bài.

Một số cách nối vế câu:

  • Từ nối: thì, và, với, nhưng, hoặc, mà, bởi vì,…
  • Dấu câu: dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu gạch ngang, dấu chấm phẩy,…
  • Cặp từ hô ứng: Vừa… vừa, Càng…càng, Bao nhiêu… bấy nhiêu
  • Cặp quan hệ từ: Nếu…thì, Tuy…nhưng,…

Một số ví dụ về sự nhầm lẫn giữa văn nói và văn viết

Tình trạng sử dụng văn nói khi viết content xảy ra phổ biến. Một số bạn mới bén duyên với viết lách và học viết content đa phần đều không phân biệt được chúng. Để khắc phục lỗi này, bạn có thể thực hành bằng cách viết lại các ví dụ sau. 

Ví dụ 1: “Trứng là nguồn cung cấp Lutein và Zeaxanthin tốt cho mắt. Giàu vitamin C, E và kẽm nữa. Nên ăn trứng để cho mắt khỏe. Rất đơn giản nhé, bạn chỉ cần nấu trứng trong các bữa ăn rồi mắt bạn sẽ khỏe hơn.”

Nên sửa lại: “Trứng là thực phẩm giàu vitamin C, E, kẽm và là nguồn cung cấp Lutein, Zeaxanthin tốt cho mắt. Bạn có thể kết hợp trứng trong thực đơn hằng ngày để giúp mắt khỏe hơn.”

Ví dụ 2: “Nhiều bạn nữ mắc chứng ám ảnh rụng tóc trầm trọng. Họ lo lắng mỗi khi nhìn thấy tóc rụng nhiều dưới sàn nhà. Nào, cùng ngồi xuống đây và giải tỏa những lo âu với tôi đi.”

Nên sửa lại: “Bạn từng lo lắng khi thấy tóc mình rụng nhiều? Bạn từng stress vì đã tìm cách cải thiện nhưng mãi không khỏi? Cùng tìm hiểu nguyên và cách chữa trị rụng tóc qua bài viết dưới đây nhé.”

Hạn chế văn nói khi viết content sẽ giúp bạn cho ra nội dung chất lượng, chuyên nghiệp và tôn trọng độc giả. Với một cây viết mới, không gì tốt hơn bằng việc luyện viết đúng trước khi viết hay. Bạn có thể để lại email ngay tại phần bình luận để mình gửi đến bạn những bài viết mới nhất trên duongstory.com nhé. 

7 bình luận

  1. Bài viết này rất bổ ích đối với tôi vì tôi đang nghiên cứu VĂN VIẾT nhằm LUYỆN VĂN sao cho chuẩn mực. Bài viết này sẽ giúp tôi hạn chế tối đa VĂN NÓI khi viết. Cám ơn tác giả Hải Dương. Tôi rất mong đọc nhiều bài viết của cô để học hỏi, luyện tập thêm.

    1. Con cảm ơn chú đã ghé thăm duongstory.com, con cũng mong rằng chú sẽ tìm được những điều hữu ích trên blog này ạ. Chúc chúc thật nhiều sức khỏe và viết tốt.

  2. Bài viết này rất bổ ích đối với tôi, tôi được giao vị trí thư ký mà còn đang bối rối giữa văn nói và văn viết . Tôi rất mong đọc đc nhiều bài viết của e để học hỏi. Trau dồi kiến thức thêm

Trả lời