7 mẹo giúp bạn viết hiệu quả hơn mỗi ngày

Trên kênh YouTube của mình có một video ghi lại quá trình làm việc liên tục 90 phút bằng phương pháp Pomodoro. Sau khi đăng tải, nhiều bạn hỏi rằng làm thế nào để tập trung viết được trong thời gian dài như vậy. Làm nghề viết nhiều năm, mình hình thành được thói quen và kỷ luật. Nhưng mình biết người viết mới thường dễ nản lòng khi viết, cảm thấy buồn chán khi phải viết liên tục trong 60 hay 90 phút. Dưới đây là một số mẹo để viết hiệu quả mà mình đã áp dụng thành công, bạn thử nhé.

Mẹo số 1: Chia nhỏ công việc

Đầu tuần, mình thường lấy sổ bút liệt kê ra những công việc cần hoàn thành trong ngày hoặc chủ đề muốn viết trong tuần này. Sau khi đã liệt kê, mình sẽ chia nhỏ công việc ra, ví dụ để viết một bài đăng dài 3000 từ cho duongstory.com, mình sẽ chia ra viết trong 3 lần, mỗi lần 1000 từ.

7 mẹo giúp bạn viết hiệu quả hơn mỗi ngày
Nguồn ảnh: Fiona Murray-deGraaff, Unsplash

Chia nhỏ công việc giúp mình cảm thấy giảm tải áp lực khi viết một nội dung đồ sộ, ví dụ như chấp bút cho một cuốn sách dài 40.000 hoặc 50.000 từ. Với người viết mới, hoàn thành một bài dài 1000 từ đôi khi cũng mất nhiều thời gian, thay vì vậy bạn có thể chia nhỏ thời gian để thực hiện các công việc gồm:

– Tìm kiếm ý tưởng, nghiên cứu chủ đề

– Lập dàn ý và tìm tài liệu tham khảo

– Viết mở bài

– Viết thân bài

– Viết kết bài

– Biên tập bài viết

Như vậy, bạn sẽ thấy nhiệm vụ mình cần hoàn thành nhẹ nhàng hơn, viết trong tâm thế thoải mái cũng giúp câu từ được giải phóng, bạn sẽ viết nhiều hơn, viết tốt hơn.

Mẹo số 2: Tránh làm nhiều việc cùng một lúc

Mình có một bạn học viên thuộc kiểu người đa nhiệm, bạn có thể vừa nghe giảng bài trong lớp của mình, vừa ghi chép và thậm chí làm việc riêng một cách hoàn hảo. Mình đã chứng kiến quá trình bạn đưa ra phản hồi cho một hình ảnh được thiết kế từ team làm việc chỉ vài phút ngắn ngủi.

Thế nhưng, đa nhiệm không phải lúc nào cũng tốt, ngược lại nó dễ bạn rơi vào chiếc bẫy “sao nhãng”. Khi mình giao cho bạn 3 chủ đề để hoàn thành bài tập cuối khóa, bạn học viên trong câu chuyện kể trên đã làm liên tục cả 3 chủ đề cùng lúc. Kết quả, cả 3 bài đều có cách viết giống nhau (trong khi 3 bài thuộc 3 chủ đề khác nhau, viết cho 3 sản phẩm có phân khúc khách hàng khác nhau). 

Nguyên tắc của mình là làm tốt một việc trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dành thời gian cho công việc thứ hai. Ví dụ, trong khoảng thời gian 60 phút, mình sẽ hoàn thành bài website cho anthu.net, sau đó mình sẽ dành 5 hoặc 10 phút nghỉ ngơi (trả lời bình luận, tin nhắn,…) rồi tiếp tục viết bài cho mạng xã hội.

Mẹo số 3: Ưu tiên việc quan trọng và gấp

Nguồn ảnh: Fiona Murray-deGraaff, Unsplash
Nguồn ảnh: Fiona Murray-deGraaff, Unsplash

Chia sẻ này mình từng nhắc nhiều lần trong những bài viết trên Facebook cá nhân. Khi viết, mình thường chia các chủ đề hoặc các dạng bài theo thứ tự ưu tiên như sau: Với những chủ đề hoặc bài quan trọng nhất, cần làm gấp thì mình sẽ viết trước. Những bài viết không gấp thì mình sẽ viết sau. Ngoài ra, những chủ đề không còn phù hợp (chủ đề lỗi thời) thì mình sẽ bỏ đi, không viết nữa. 

Mỗi sáng thức giấc, mình sẽ thực hiện mẹo số 1. Sau khi có một danh sách chủ đề/dạng bài cần viết, mình sẽ bắt đầu sắp xếp theo mức độ quan trọng giảm dần. Căn cứ vào đó, mình sẽ hoàn thành công việc từ trên xuống dưới theo danh sách đã sắp xếp. Mình sẽ đánh dấu tick để xác nhận viết xong. 

Mẹo số 4: Nói “không” với những nhờ vả

Là một người viết, có website cá nhân và vận hành “án thư”, mình gần như nhận được hàng chục lá thư mỗi ngày. Có những lá thư chân thành và mình không tiếc thời gian để phản hồi. Nhưng cũng có những lá thư yêu cầu mình làm một điều gì đó vô lý. Những lúc như vậy, mình sẽ từ chối.

Mình nhớ mãi mùa đông năm ngoái, khi nhận được một tin nhắn nhờ giải đáp về quy trình tự xuất bản sách. Mặc dù mình có dịch vụ tư vấn có phí, tuy nhiên vì câu hỏi đơn giản, nên mình đã tặng bạn 30 phút để giải đáp tất cả vấn đề về xuất bản sách. Thế nhưng sau hôm ấy, những lời nhờ vả ngày càng nhiều hơn, khi thì nhờ mình góp ý cho Book Proposal (Bản đề xuất), khi thì nhờ mình viết hộ email để gửi cho NXB,… Điều đó khiến mình kiệt sức vì lúc nào cũng quay cuồng trong những câu hỏi.

Ngày xưa, mình thường hay lo ngại về việc nói “không”, sợ người gửi thư sẽ buồn hoặc cảm thấy thất vọng về mình. Nhưng sau một thời gian phải gồng mình để có “giấy chứng nhận người tốt”, dần dần mình dũng cảm nói “không”. Mình sẽ trả lời email của độc giả, nhưng chỉ khi cảm thấy thoải mái. Trường hợp độc giả muốn hỏi chuyên sâu, mình sẽ đề xuất phương án tư vấn 1:1 có phí. Nhờ thế, mình dành nhiều thời gian hơn cho viết và xuất bản hàng chục nội dung hữu ích trên duongstory.com.

Đọc thêm:

Tiếng Việt thú vị như thế nào?

5+ phương pháp giúp bạn tập trung hơn, viết nhiều hơn

30+ cách giúp bạn quyết tâm viết mỗi ngày bắt đầu từ hôm nay

Tổng hợp 50 chủ đề viết lách mỗi ngày cho người bắt đầu từ số 0

Mẹo số 5: Chọn không gian để viết

Với mình, không gian cực kỳ quan trọng để có một ngày viết năng suất. Một không gian yên tĩnh, không bị làm ảnh hưởng bởi những tiếng ồn sẽ giúp mình tập trung hơn. Trên bàn làm việc, sổ tay và bút viết luôn sẵn sàng để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Thi thoảng mình cũng chọn cách đến quán cà phê để làm việc. Mặc dù không gian này không quá lý tưởng, tuy nhiên đây là cách mình đổi gió để tìm nguồn cảm hứng mới, ý tưởng mới để viết. Tuy nhiên luôn mang theo tai nghe chống ồn để có thể viết hiệu quả hơn.

Mẹo số 6: Chọn thời gian để viết

Nguồn ảnh: Fiona Murray-deGraaff, Unsplash
Nguồn ảnh: Fiona Murray-deGraaff, Unsplash

Bạn có dành một ngày cố định trong tuần dành cho riêng cho việc viết? Bạn thường viết tỉnh táo nhất vào sáng hay chiều? Bạn cảm thấy mình viết nhanh hơn, viết nhiều hơn vào lúc nào?

Mình tin rằng mỗi người sẽ có một khung giờ lý tưởng để viết. Chẳng hạn như mình, vào khoảng 9 đến 10 giờ sáng, đây là thời điểm mình có nhiều cảm hứng nhất để viết. Vào buổi chiều hoặc tối, thời gian này mình dễ bị sao nhãng, mất tập trung nếu ngồi cặm cụi gõ thời gian dài; vì vậy mình ưu tiên cho những buổi họp hoặc training/mentoring (đào tạo/cố vấn) cho các chương trình dạy viết kèm cặp 1:1.

Nếu chưa có khung giờ lý tưởng, bạn có thể thử nghiệm để chọn khoảng thời gian lý tưởng để viết, mình nghĩ quá trình viết sẽ thuận lợi hơn.

Mẹo số 7: Nghỉ giải lao ngắn

Nếu theo dõi các video viết trong 60 phút hay 90 phút mà mình đăng tải trên kênh YouTube, bạn sẽ thấy mình thường áp dụng phương pháp Pomodoro. Với phương pháp này, mình sẽ viết liên tục trong 20 đến 30 phút, sau đó dành 5 hoặc 10 phút nghỉ ngơi

Vào khoảng nghỉ, mình chọn lướt mạng xã hội, xem một video ngắn hoặc một tách trà kèm chiếc bánh để thư giãn, sau đó quay lại với công việc. Đôi khi mình cũng sẽ tranh thủ giờ nghỉ ngắn này viết những nội dung ngắn, chẳng hạn như một vài câu đăng trên Facebook cá nhân, trả lời email của độc giả hay trả lời bình luận trong bài đăng của Ngày đẹp trời để viết.

Mình áp dụng 7 cách này để viết hiệu quả hơn mỗi ngày. Dĩ nhiên, mình không áp dụng một cách công thức máy móc mà thường điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Bạn có thể thử một vài mẹo trên và chia sẻ kết quả cho mình biết với nhé.

Để lại một bình luận

7 mẹo giúp bạn viết hiệu quả hơn mỗi ngày

Trên kênh YouTube của mình có một video ghi lại quá trình làm việc liên tục 90 phút bằng phương pháp Pomodoro. Sau khi đăng tải, nhiều bạn hỏi rằng làm thế nào để tập trung viết được trong thời gian dài như vậy. Làm nghề viết nhiều năm, mình

Đọc tiếp

Tự xuất bản sách, nên hay không?

“Chị ơi, em vừa hoàn thành xong bản thảo truyện ngắn, em có nên tự xuất bản sách hay là gửi đến NXB chờ tin báo?” Đó là lời nhắn ngắn gọn mà mình nhận được từ một bạn tác giả trẻ hiện là sinh viên ngành Văn học. Sau khi nhận câu hỏi của bạn, thay vì trả lời tin nhắn, mình đã đề xuất gọi cho bạn để giải thích và phân tích cả hai phương án, để bạn dễ dàng đưa ra quyết định cho mình.

Đọc tiếp