Làm thế nào để viết những gì mình không biết?

Thử tưởng tượng nhận một đề tài viết về Tây Ban Nha, nhưng bạn lại không hề biết về nó, cũng chưa đặt chân đến. Làm thế nào để viết cho kịp deadline? Một số tips dưới đây sẽ giúp bạn viết những gì mình không biết.

Sắp xếp những gì đang có trong đầu

Khi nhận một đề tài mình hoàn toàn không biết gì về nó, đầu tiên bạn sẽ hoang mang và mơ hồ. Bạn thậm chí không biết mình phải làm gì, viết gì, nên làm gì trước. Nếu bạn rơi vào cảm giác đó, thì giờ là lúc bạn nên bình tĩnh lại và nghĩ xem: Bạn có gì trong đầu rồi?

Tổ chức lại thông tin đã có

Bộ não có thể ghi nhớ mọi thứ mà chúng ta gặp, nhưng không phải là tất cả. Có những thông tin cũ sẽ nhanh chóng mờ đi và thay thế bằng thông tin mới khác. Điều này dẫn đến những cuốn sách, bộ phim hay câu chuyện bạn đã từng đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng không thể nhớ hết. Lúc này bạn hãy lục tìm chút ký ức còn sót lại trong đầu mình và liệt kê những gì bạn biết.

Ở ví dụ trong đoạn mở đầu, bạn không biết tất tần tật về Tây Ban Nha như một người bản địa, nhưng bạn sẽ có một chút (hoặc rất ít) những hiểu biết về nó. Chẳng hạn như Tây Ban Nha có trong bài Đàn ghi-ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo. Hay Tây Ban Nha được mệnh danh là xứ sở bò tót. 

Nghĩ về những thứ liên quan

Viết những gì mình không biết
Photo by Gabrielle Henderson on Unsplash

Tuy nhiên chừng đó chưa đủ để viết về Tây Ban Nha, rõ ràng bạn cần nhiều thông tin hơn thế nữa. Hãy nghĩ xem quốc gia bán đảo Iberia còn gì ngoài những trận đấu bò tót không? Một trận đấu bóng đỉnh cao giữa Real Madrid và Barcelona? Một loại giăm bông đặc sản mang tên Jamón Ibérico? Hay vũ điệu Flamenco trứ danh?,…

Hãy nghĩ về tất cả những thứ liên quan đến chủ đề bạn sẽ viết dù bạn không biết về nó. Bằng cách vẽ sơ đồ, liên tưởng đến những hình ảnh ví von, những điều gợi nhớ về sản phẩm/dịch vụ mà bạn sẽ viết. Từ đó bạn bổ sung vào kho ý tưởng đã ghi chép ở phần trước đó.

Tìm xem mình thiếu/cần điều gì

Sau khi đã có một số thông tin cơ bản, giờ là lúc bạn đọc lại đề bài và nghĩ xem mình đang cần tìm thông tin gì, mình cần bổ sung như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn viết đi đúng hướng cũng như sử dụng dẫn chứng, tư liệu phù hợp.

Ví dụ đề tài về du lịch Tây Ban Nha với chuyên mục ẩm thực. Nếu bạn chỉ biết về giăm bông Jamón Ibérico thì chừng này thôi chưa đủ. Bạn phải tìm hiểu xem lịch sử, cách chế biến, các giải thưởng,… mà nó nhận được. Và loại giăm bông ấy có vị trí quan trọng như thế nào trong văn hóa ẩm thực Tây Ban Nha. Để làm được điều này, hãy đọc phần bên dưới nhé.

Đào sâu những thông tin sẵn có

Trước khi đọc phần này, bạn có thể lướt qua nội dung bài viết Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay nhé!

Tìm thông tin trên internet

Photo by Brooke Lark on Unsplash

Internet là một kho lưu trữ thông tin khổng lồ trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên tìm và sử dụng thông tin như thế nào cho hợp lý? Bạn có thể gõ từ khóa bạn cần tìm trên công cụ tìm kiếm, sau đó ghi chép lại những gì bạn tìm được. Một số lưu ý bạn đừng quên nhé:

  • Nên tham khảo, trích dẫn từ trang web uy tín.
  • Từ kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học.
  • Tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, so sánh và đối chiếu để chọn lọc thông tin chuẩn xác hơn.
  • Nên chọn thông tin cập nhật gần nhất (xem thời gian xuất bản bài viết trên trang web) để tránh đưa thông tin lỗi thời, lạc hậu.

Tìm thông tin qua sách, tạp chí

Bên cạnh tìm thông tin trên internet, bạn cũng có thể đọc sách, báo, tạp chí. Sách không chỉ giúp bạn trau dồi, nâng cao vốn từ vựng mà còn cung cấp cho bạn kiến thức dồi dào. 

Ví dụ đề tài du lịch Tây Ban Nha, bạn có thể tìm những tờ tạp chí du lịch, những cuốn sách khám phá về văn hóa, vùng đất của “đất nước không bao giờ lặn” này. Ví dụ như Tây Ban Nha  – hành trình không ngôn ngữ (Uyên Nguyên), Vòng quanh thế giới: Tây Ban Nha (Minh Tuấn & Nguyễn Hào) hay The Train in Spain (Christopher Howse),… Tương tự đối với các lĩnh vực khác cũng vậy.

Tìm thông tin qua phim ảnh/video

Một cách tìm thông tin cực thú vị, vừa kết hợp giải trí đó chính là xem phim. Những bộ phim khoa học, phim lịch sử,… sẽ mang đến cho bạn những kiến thức sống động. Đây cũng là cách để bộ não ghi nhớ thông tin nhanh và sâu hơn. Hoặc bạn cũng có thể xem các vlog của những vlogger nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Bài viết liên quan:

Cách phát hiện ý tưởng viết thú vị từ cuộc sống

Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie

Đăng ký theo dõi các cây viết chuyên nghiệp

Một cách mà mình áp dụng cho đến bây giờ là đăng ký email để nhận thông báo mới nhất từ các cây viết chuyên nghiệp. Khi các blogger, writer xuất bản nội dung trên website, bạn có thể đọc bài và không bỏ sót bất kỳ nội dung hữu ích nào. Đa số những nội dung dạng này thường miễn phí.

Bạn nên chọn lọc tác giả thuộc lĩnh vực bạn theo đuổi thay vì đăng ký hàng loạt. Ví dụ bạn viết về sức khỏe, hãy theo dõi blogger chuyên viết về lĩnh vực sức khỏe. Hoặc bạn viết về du lịch, ngay từ bây giờ hãy hãy đăng ký các kênh Facebook, Youtube và blog của các nhà sáng tạo đó. Bạn sẽ học thêm nhiều điều bổ ích và thú vị hơn.

Nhờ sự trợ giúp của người thân, hỏi ý kiến bạn bè

Photo by KOBU Agency on Unsplash

Trong ví dụ đoạn mở đầu, bạn có một nhóm bạn thân vừa trở về từ chuyến đi Tây Ban Nha. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn khai thác thông tin từ bạn bè và viết những gì mình không biết. Hãy hỏi mọi thứ ở Tây Ban Nha, ghi chép lại những điều nhỏ nhặt nhất. Bài viết của bạn sẽ trở nên đặc biệt giữa trăm ngàn câu chuyện du lịch khác.

Tất cả mọi người xung quanh bạn đều chứa những câu chuyện, những trải nghiệm, thậm chí là cả hộp chứa kiến thức mới. Hãy nói chuyện với họ nhiều hơn, những câu chuyện thực tế này sẽ có sức thuyết phục hơn hết thảy. Ví dụ như bạn viết về bí quyết làm mẹ, có thể trò chuyện với mẹ của bạn, gặp gỡ những người đã làm mẹ, hay một người nào đó bạn thân thiết. Ghi chép lại và sử dụng chúng làm tư liệu, minh họa, dẫn chứng cho bài viết của bạn.

Nhờ người lạ giúp đỡ ngay cả khi không quen biết

Năm 2016, mình từng làm một đề tài nghiên cứu cấp khoa. Ngoài việc tìm kiếm thông tin từ sách, báo mình còn tích cực tìm kiếm thông tin trên internet. Khi đó mình đọc được một bài viết rất hay liên quan đến đề tài đang làm. 

Tuy nhiên mình không hiểu hết được nội dung đó, vậy là mình đã gửi email đến với tất cả sự chân thành, mong muốn được tác giả chia sẻ, giải thích thêm. Và mình nhận được phản hồi của tác giả, hơn nữa mình còn được hỗ trợ trong việc khai thác, nghiên cứu.

Vậy đấy, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ những người tưởng chừng như không quen biết. Thậm chí những người đó có thể không nói cùng một ngôn ngữ hay cách xa bạn nửa vòng trái đất. Bằng cách bạn tìm thông tin liên hệ của tác giả dưới chân trang website, trên các cuốn sách hay hồ sơ công khai trên mạng xã hội.

Thường khi viết về những gì mình không biết, chúng ta có xu hướng hoang mang, lo lắng. Với những bí quyết trên, bạn sẽ dễ dàng hơn khi viết mọi thứ. Dĩ nhiên việc trải nghiệm trực tiếp vẫn tốt hơn, nhưng không sao cả. Khi chúng ta chưa có đủ điều kiện trải nghiệm hoặc tiếp cận sản phẩm/dịch vụ, học hỏi cũng là một cách để viết tốt hơn.

Trả lời

Viết nội dung bằng AI, nên hay không?

Mình có một bạn học viên đang làm công việc Social Media cho một công ty. Hơn một năm nay, bạn thường dùng các công cụ AI để tìm kiếm ý tưởng, lập dàn ý và viết bài để đăng trên trang cá nhân. Lạm dụng quá nhiều, dẫn đến

Đọc tiếp