Làm thế nào để xuất bản nội dung chất lượng đến với độc giả? Không có gì tốt nhất bằng việc bạn có một quy trình làm việc rõ ràng, khoa học. Đó là lý do rất nhiều người làm nội dung đã xây dựng cho mình một công thức, quy trình viết theo họ suốt nhiều năm liền. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, cùng áp dụng 5 bước viết nội dung hiệu quả dưới đây nhé.
Bước 1. Nghiên cứu chủ đề, tìm hiểu thông tin
Nghiên cứu chủ đề
Nghiên cứu chủ đề là bước đầu tiên để cấu thành một nội dung chất lượng. Quy trình viết nội dung của bạn có thể gồm 10 bước, thậm chí 3 bước. Tuy nhiên nghiên cứu chủ đề là phần quan trọng nhất. Nó quyết định bạn sẽ viết cái gì, viết như thế nào, thêm thắt thông tin sao cho hợp lý.
Dù bạn viết bài chuẩn SEO cho một website hay đơn giản chỉ là viết một bài post trên MXH, bạn bắt buộc phải nghiên cứu chủ đề. Bằng cách đưa ra các câu hỏi Who, How, What, When, Where,… bạn sẽ giải đáp được tất cả những vấn đề xung quanh chủ đề mình cần làm việc với nó.
Ví dụ như:
– Nội dung này viết cho ai? (Đối tượng, độ tuổi, tầng lớp, nghề nghiệp,…)
– Sử dụng giọng văn nào là hợp lý? (Nhẹ nhàng, hài hước, nghiêm túc,…)
– Mục đích viết bài là gì? (Cung cấp thông tin, bán hàng, kêu gọi hành động,…)
– Mình sẽ viết về điều gì? (Sản phẩm bán hàng, phần mềm công nghệ, chính sách khuyến mãi, tin tức hằng ngày,…)
– Đăng tải bài viết ở đâu? (MXH, blog, website, sách báo,…)
Trả lời những câu hỏi này là bạn đã có một cái nhìn tổng thể về chủ đề cần viết. Bạn sẽ biết được điều mình cần làm tiếp theo là gì. Sau bước nghiên cứu chủ đề, bây giờ đến phần việc khó khăn và đòi hỏi bạn có kỹ năng thu thập, phân tích thông tin.
Tìm hiểu thông tin
Bất cứ nội dung nào được viết ra phải đảm bảo chính xác về mặt thông tin (số liệu, dẫn chứng,…). Điều này sẽ giúp độc giả có một cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn. Tìm hiểu thông tin là điều gần như bắt buộc mà các cây viết nào từng viết đều phải trải qua. Tuy nhiên không phải ai cũng có kỹ năng tìm hiểu và thu thập chính xác.
Dưới đây là một số mẹo tìm thông tin mà bạn có thể tham khảo:
– Tìm thông tin từ các trang uy tín: Những trang này sẽ cho bạn số liệu và các nội dung gần như là chính xác để bạn sử dụng trong khi viết bài chuẩn Seo hoặc viết blog, sách điện tử (ebook).
– Tìm thông tin bằng tiếng Anh: Hầu như các trang tiếng Việt đăng đi đăng lại một nội dung và đôi khi họ xào xáo những định nghĩa, nhận định từ một bài báo khác. Nếu bạn muốn tìm hiểu về thông tin gì đó, có thể gõ công thức: What is A?, How to A,… Ngày nay việc dịch thông tin cũng đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ những công cụ dịch đi kèm.
– Nghiên cứu sâu và rộng: Đảm bảo rằng bài viết bạn cung cấp cho độc giả là một bản mô phỏng kiến thức mà bạn đã tìm hiểu sâu sắc và rộng về nó. Hãy liệt kê những gì bạn biết, bạn nghiên cứu về nó và sắp xếp theo một trật tự nhất định.
– Cẩn thận với các con số: Khi trích dẫn các con số, bạn lưu ý nó phải trích dẫn từ tài liệu đáng tin cậy (nguồn báo uy tín, trang nghiên cứu khoa học, chuyên gia trong ngành,…)
Tham khảo ý kiến chuyên gia: Trường hợp có thể, bạn hãy hỏi những người làm việc thuộc lĩnh vực bạn đang tìm hiểu. Bạn sẽ có thêm góc nhìn và kiến thức mới về nó. (Điều này không hoàn toàn bắt buộc, nhưng sẽ là tốt nếu bạn viết các nội dung chuyên sâu (articles), ebook, case-study,…)
Đọc thêm bài viết:
Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục
Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay
Bước 2: Lập dàn ý sơ bộ, sắp xếp thông tin theo bố cục
Mục đích của việc viết là truyền tải thông tin đến độc giả, cung cấp cho họ những nội dung hữu ích. Nếu như độc giả đọc xong vẫn không hiểu bạn muốn truyền tải điều gì hoặc thậm chí chính bạn viết xong nhưng vẫn không hiểu mình viết gì. Lúc đó bạn đã có một nội dung thất bại.
Để viết nội dung hiệu quả, không có gì khác ngoài viết bạn phải có một quy trình viết khoa học. Đối với những tay viết mới, đứng trước một chủ đề nào đó các bạn thường sẽ hoang mang không biết nên viết gì, không biết bắt đầu từ đâu, trình bày ý nào trước, ý nào sau,… Lập dàn ý sẽ giúp bạn trình tự hóa các bước thực hiện, đồng thời biết cách phát triển thông tin và bám sát chủ đề cần viết.
Đó là lý do vì sao chúng ta mất những năm tháng trung học để vật lộn với con chữ và học cách lập dàn ý cho bài văn. Ngày nay, lập dàn ý gần như là công việc cần phải làm của bất cứ cây viết nào, dù mới tập tành viết hay đã có nhiều năm kinh nghiệm.
Khi nghiên cứu chủ đề, bạn hãy vạch ra outline sơ bộ cho bài viết. Mình đã từng nói rất nhiều về dàn ý có vai trò quan trọng như thế nào. Đặc biệt khi bạn sản xuất nội dung cho website, blog hay MXH.
Tầm quan trọng của việc lập dàn ý:
– Hiểu được đề bài.
– Phát triển nội dung phụ (luận cứ, luận chứng, ví dụ, số liệu, thống kê,…)
– Kích thích não bộ tư duy và nảy sinh những ý tưởng thú vị.
– Bám sát chủ đề cần viết.
– Tránh được lỗi lạc đề/sai đề.
Bạn cũng đừng nên vừa viết vừa lập dàn ý trong đầu. Khi đó bạn sẽ không tập trung cho điều mình viết, đồng thời sẽ xuất hiện những ý tưởng bên lề làm bạn rối như một mớ bòng bong.
Một số lời khuyên khi lập dàn ý cho bài viết:
– Liệt kê tất cả những gì bạn nghĩ đến hoặc muốn viết về chủ đề này (cộng với thông tin bạn tìm hiểu và nghiên cứu được từ bước 1).
– Loại bỏ những thông tin không cần thiết, sắp xếp thông tin còn lại theo một trật tự sao cho đảm bảo logic, hợp lý về mặt thời gian, không gian, diễn biến sự việc (nguyên nhân – kết quả)
– Đảm bảo dàn ý bao gồm 3 phần: Mở đầu, thân bài, kết thúc. Ở mỗi phần, hãy lập những đề mục nhỏ và chắt lọc những nội dung quan trọng.
– Có thể sử dụng Bản đồ tư duy (Mindmap) để ghi chú các ý tưởng. Mindmap thể hiện cấu trúc tổng thể của bài viết, đồng thời giúp bạn nhận biết được mức độ quan trọng của nội dung riêng lẻ và biết cách kết nối chúng lại với nhau.
Bước 3: Viết bản nháp và sửa lỗi cơ bản
Bản nháp đầu tiên thường là bản thô. Ở bước này, hãy viết tất cả những gì bạn đã liệt kê trong dàn ý thành một câu, một đoạn hoàn chỉnh. Bạn không cần phải trau chuốt về từ ngữ hoặc cách diễn đạt. Tập trung bám sát vào chủ đề cần thiết để đảm bảo ghi lại đầy đủ các ý cần thiết. Kể cả khi bạn muốn sửa lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, hãy làm việc đó sau cùng.
Sau khi đã có bản nháp đầu tiên, giờ là lúc bạn tiến hành sửa những lỗi cơ bản. Ở bước này, mình sẽ gợi ý cho bạn một số mẹo hữu ích:
– Nên đặt tiêu đề chính (title), tiêu đề phụ cho bài viết để tránh lạc đề. Bạn có thể tinh chỉnh tiêu đề, đoạn mở đầu cho phù hợp ngay sau khi hoàn thành bản nháp.
– Trình bày ý tưởng phải bám sát vào dàn ý đã lập ở bước 2.
– Soạn thảo văn bản trên Google Docs sẽ giúp bạn phát hiện một số lỗi chính tả.
– Dùng cỡ chữ 14 hoặc 16, font chữ không chân trong quá trình viết bản nháp đầu tiên. Bạn sẽ dễ phát hiện lỗi sai trong bài.
– Đọc to để xem các câu văn đã mượt mà chưa. Nếu cảm thấy trúc trắc, hãy tiến hành sửa lỗi ngữ pháp, bỏ từ thừa, từ lặp, từ vô nghĩa… Đồng thời sắp xếp lại các đoạn sao cho logic và hợp lý.
Bước 4: Sửa bản nháp lần 2 và nâng cấp bài viết
Ở bước này, bạn vẫn sửa bài viết một lần nữa. Tuy nhiên lần này bạn sẽ phải nâng cấp nội dung, để bài viết thu hút và hấp dẫn hơn. Bước này thực hiện sau khi có bản nháp đầu tiên.
Đầu tiên bạn hãy đọc lại tiêu đề, đoạn mở đầu và đoạn kết thúc xem đã thu hút chưa. Bạn có thể gửi cho bạn bè đọc và cảm nhận. Nếu cảm thấy tiêu đề hay sapo chưa thật sự gây ấn tượng, hãy viết lại tiêu đề theo một cách khác.
Bạn có thể xem các bài viết liên quan:
5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn
6 cách viết mở đầu cứu nguy cho bạn khi bí ý tưởng
Tiếp theo, hãy tạo một số câu đinh cho bài viết. Một bài viết đều đều, không có điểm nhấn hay sự sáng tạo sẽ khiến độc giả đọc xong một lần rồi thôi. Họ sẽ trôi tuột theo câu chữ mà không đọng lại được gì. Cố gắng chắt lọc nội dung bài và cô đọng thành một (một vài) câu nói ấn tượng. Ở bước này, đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều câu đinh nhé. Nó sẽ khiến độc giả cảm thấy mệt và phản tác dụng đấy. Hãy rải rác câu đinh trong toàn bài để tạo điểm nhấn nhé.
Cuối cùng, đọc lại bài viết một lần nữa và trả lời các câu hỏi ở bước 1. Bài viết đã đúng đối tượng chưa, mục đích viết bài rõ ràng không, nội dung có thể hiện rõ hay còn mờ nhạt, giọng văn phù hợp chưa. Giờ thì bạn so sánh bài viết với dàn ý ở bước 2. Từ đó điều chỉnh bài viết của mình hợp lý. Bạn có thể sửa đổi nội dung, thay thế vị trí sắp xếp giữa các đoạn,… tùy ý. Trong một số trường hợp, hãy gửi bản sửa hoàn chỉnh này cho một người có trình độ và kỹ năng viết tốt hơn để đánh giá giúp bạn. Nhớ notes lại những gì chưa được và rút kinh nghiệm trong sản phẩm tiếp theo nhé.
Bước 5: Hoàn thiện bài viết và đăng bài
Đây là bước cuối cùng trong quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie. Trước khi đến với bước này, hãy cho đôi mắt bạn nghỉ ngơi một ít phút. Bạn có thể massage hoặc yoga cho mắt để giảm mệt mỏi cũng như giúp cơ mắt trở nên linh hoạt hơn. Tin mình đi, khi bạn quay lại với dòng chữ, bạn sẽ phát hiện thêm vài lỗi chính tả nữa mà trước đó mình không nhận ra.
Ở bước này, bạn chỉ việc đọc và rà soát lại bài viết trước khi xuất bản. Nghe thì có vẻ khá đơn giản, nhưng hãy để ý từng dấu câu, từng từ ngữ nhé.
Một số trường hợp bước này sẽ là gửi bài cho khách hàng/sếp/ban biên tập,… Nhìn chung thì bạn vẫn phải làm đầy đủ các bước trên để cho ra một nội dung tốt.
Đối với bài viết chuẩn SEO, bạn kiểm tra độ dài tít, sapo và tiêu đề phụ xem đã đảm bảo đúng yêu cầu chưa. Đối với bài đăng MXH, hãy cẩn thận một số từ “cấm” khi đăng bài nhé. Sau khi đăng bài (trên website), bạn có thể chọn chế độ xem trước để kiểm tra bài viết một lần nữa trước khi xuất bản công khai cho độc giả.
Đôi khi mỗi cây viết sẽ có cho mình một quy trình viết riêng được đúc kết qua nhiều năm làm việc. Nó có thể là 5 bước viết nội dung hiệu quả, thậm chí là 7 bước, 9 bước hoặc có khi chỉ là 3 bước mà thôi. Tuy nhiên nhìn chung thì bạn vẫn phải trải qua các công đoạn nghiên cứu chủ đề, tìm tài liệu, lập dàn ý, viết nháp và hoàn thiện. Để lại email ở phần bình luận để mình gửi cho bạn những bài viết mới nhất trên duongstory.com nhé.