Book Proposal là gì, làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?

Thông thường, sau khi hoàn thành bản thảo, phần lớn tác giả sẽ chọn gửi bản thảo đến các NXB hoặc đơn vị phát hành sách nhằm tìm kiếm cơ hội xuất bản sách với chi phí 0 đồng. Bên cạnh bản thảo hoàn chỉnh, một số tác giả sẽ gửi kèm Book Proposal nhằm tăng cơ hội lọt vào mắt xanh của NXB. Vậy Book Proposal là gì, có quan trọng như thế nào khi gửi bản thảo?

Book Proposal là gì?

Mình biết đến khái niệm “Book Proposal” khi xuất bản cuốn sách đầu tay Nằm nghe gió thổi sau hè. Cũng như nhiều tác giả khác, khi hoàn thiện nội dung, mình bắt đầu tìm hiểu quy trình gửi bản thảo đến NXB. Nhờ đó mình nhận ra rằng, để bản thảo của mình được lọt vào mắt xanh của NXB, cần phải có một bản đề xuất.

Book Proposal là gì, làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?
Nguồn ảnh: Unsplash

Thế là sau một tuần làm Book Proposal, mình gửi bản thảo đi và hơn 2 tháng sau nhận về email từ một đơn vị phát hành sách đề nghị mua bản quyền cuốn sách của mình. Rất tiếc vào thời điểm ấy, mình đã lựa chọn hình thức tự xuất bản vì muốn nhanh chóng ra mắt cuốn sách đầu tay vào tháng 6 – tháng sinh nhật mình. Mình đã từng chia sẻ ưu – nhược điểm của các hình thức xuất bản sách, bạn đọc tại đây: Quy trình gửi bản thảo đến NXB hoặc nhà phát hành sách.

Proposal được hiểu là một tài liệu đề xuất giải pháp hoặc là cơ hội hợp tác cụ thể nhằm thuyết phục người đọc thực hiện theo mong muốn của người đề xuất. Proposal được dùng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả xuất bản sách. Một số tác giả sẽ gửi Book Proposal để kêu gọi NXB hay đơn vị phát hành sách đầu tư (bỏ tiền mua bản quyền) cho tác phẩm của mình.

Book Proposal quan trọng như thế nào?

Để bán được món hàng bạn, bạn sẽ vận dụng khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện cùng kỹ năng giao tiếp của mình để thuyết phục đối phương mua nó. Chẳng hạn như bạn sẽ nói về sản phẩm này độc đáo thế nào, có mức giá tốt ra sao, có đặc điểm gì nổi trội mà sản phẩm khác không có, hoặc có thể cho người mua biết rằng đây là sản phẩm còn duy nhất trên thị trường,… 

Cuốn sách của bạn cũng vậy. Bạn sẽ phải trình bày những lý do thuyết phục để NXB hoặc đơn vị phát hành sách chấp nhận mua bản quyền bản thảo trong Book Proposal. 

Book Proposal là gì, làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?
Nguồn: Canva

Thực tế, không phải tác giả nào cũng có đủ ngân sách để tự xuất bản, thế nên đa phần những tác giả mới thường tìm đến NXB hay đơn vị phát hành sách với hy vọng đứa con tinh thần của mình sẽ được chọn mua. Tuy nhiên nếu chỉ gửi bản thảo không thôi thì rất lâu bạn mới nhận được phản hồi. Lý do là vì bản thảo phải trải qua thẩm định nội dung. Trong đó, không thể thiếu bước xem xét, nghiên cứu tác phẩm của bạn có tiềm năng hay không, có khả năng sinh lời hay không. Bạn biết mà, chẳng ai muốn đầu tư mà bị thua lỗ. 

Vậy nên một Proposal càng chi tiết, cụ thể với những phân tích, thống kê rõ ràng sẽ chiếm được cảm tình từ NXB. Thậm chí một tác giả sách mình quen khi gửi Book Proposal cho một đơn vị phát hành sách nổi tiếng đã nhận được đánh giá tích cực vì sự nhiệt tình của chị. Đồng thời phía đơn vị còn hài hước cho rằng bản đề xuất của chị ấy đã làm thay công việc của người làm kinh doanh và biên tập rồi.

Đọc thêm:

Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì?

Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?

Ký ức tuổi thơ ùa về qua trang sách Nằm nghe gió thổi sau hè

Các loại chi phí xuất bản sách mà bạn cần biết để tự xuất bản sách

Làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?

Có 2 lựa chọn gửi Book Proposal:

– Bạn hoàn thiện bản thảo và sau đó làm bản đề xuất để gửi kèm với bản thảo. Bạn có thể gửi tóm tắt bản thảo hoặc là một phần bản thảo tùy ý, tuy nhiên theo mình thì nên gửi bản thảo hoàn chỉnh để NXB thẩm định nội dung.

– Bạn viết trước một phần của cuốn sách, sau đó làm bản đề xuất và gửi cho đơn vị phù hợp. Nếu được đồng ý, bạn có thêm động lực để hoàn thiện phần còn lại của cuốn sách; ngược lại nếu bị từ chối bạn cũng sẽ có sự chuẩn bị tài chính cho phương án tự xuất bản.

Nhưng dù gửi cách nào thì tốt nhất bạn cũng nên trình bày rõ ràng, rành mạch trong thư thay vì gửi qua một kênh chat nào khác nhé. Mình có chia sẻ một số lưu ý khi viết email, bạn đọc thêm: Hướng dẫn viết thư “đúng người, đúng thời điểm”

Book Proposal là gì, làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?
Book Proposal mình làm cho cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè

Cấu trúc của Book Proposal như sau:

– Thư ngỏ: Một lá thư chia sẻ sơ lược về bạn, cuốn sách của bạn hoặc nội dung liên quan.

– Giới thiệu tác giả: Hãy cố gắng cho người đọc biết về bạn, thông tin càng ấn tượng càng tốt, chẳng hạn như bạn đã viết bao nhiêu cuốn sách, có bao nhiêu lượt theo dõi trên trang cá nhân,…

– Ý tưởng sách: Cuốn sách của bạn được lấy ý tưởng từ đâu và vì sao bạn lại chọn ý tưởng này.

– Nghiên cứu: Đây là phần khá quan trọng, bạn cần trình bày tất cả nghiên cứu, tìm hiểu của bạn về chủ đề sách, ví dụ như có bao nhiêu cuốn sách nào có nội dung tương tự trên thị trường rồi, điểm khác biệt giữa cuốn sách của bạn và cuốn sách của tác giả khác,…

– Góc tiếp cận: Cuốn sách được viết với phong cách/giọng điệu như thế nào, chất liệu trong sách được lấy từ đâu,…

– Truyền thông cho sách: Ở phần này, bạn cố gắng trình bày những phương án truyền thông cho sách để ghi điểm với NXB. Chẳng hạn như bạn có một cộng đồng với 50,000 thành viên hoặc có một kênh Tiktok với 2 triệu lượt theo dõi,… 

– Đề xuất hợp tác: Phần này không bắt buộc phải có, tuy nhiên theo mình bạn có thể suy nghĩ và trình bày một vài phương án hợp tác, ví dụ bán đứt bản quyền hoặc hợp tác xuất bản dựa trên thỏa thuận.

– Đề cương chi tiết: Phần tóm tắt nội dung cuốn sách, ở phần này bạn lưu ý ghi thật súc tích.

– Phần liên hệ: Bạn nhớ điền thông tin liên hệ chính xác và đầy đủ như email, số điện thoại hoặc facebook cá nhân để NXB dễ dàng liên hệ.

Ngoài những thông tin thuyết phục mà bạn cung cấp trong Book Proposal thì yếu tố quan trọng đầu tiên để NXB mua bản quyền là chất lượng bản thảo phải tốt. Cũng giống như bán hàng, cho dù bạn có đưa ra lý lẽ tốt đến mấy nhưng sản phẩm không tốt thì cũng sẽ khó có người mua. Vậy nên ngoài việc làm bản đề xuất chuyên nghiệp, bạn cần luyện kỹ năng viết và nghiên cứu đề tài độc đáo cho cuốn sách của mình nữa nhé. Nếu bạn còn loay hoay với viết sách hoặc làm bản đề xuất cho sách, vui lòng đăng ký tư vấn 1:1 cùng mình để được hỗ trợ nhé.

Để lại một bình luận