Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?

Kỹ thuật kể chuyện storytelling được áp dụng trong content và các thể loại viết khác bao gồm cả viết sáng tác, cụ thể là tản văn tự sự. Kể chuyện, có thể đã có nhiều người đã áp dụng rồi. Nhưng làm thế nào để tạo nên một bài storytelling hấp dẫn, câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Làm nổi bật cốt truyện/thông điệp

Storytelling là hình thức kể chuyện được áp dụng trong các thể loại viết khác nhau. Như vậy cốt truyện sẽ là yếu tố cốt lõi để độc giả quyết định đọc tiếp và đọc hết bài viết của bạn. Độc giả sẽ đồng cảm với câu chuyện nếu nó sâu sắc, có bước ngoặt, có cao trào; đồng thời đồng cảm với nhân vật khi họ nhận thấy sự tương đồng giữa mình và nhân vật đó.

Chẳng hạn, một học viên của mình đã viết một bài quảng cáo về sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức storytelling. Ngay từ khi mở đầu, bạn đã cho độc giả biết kết thúc khiến cho toàn bộ câu chuyện thiếu xung đột, thiếu cao trào. Chính vì thế, bài viết đã bị mất đi yếu tố gây tò mò, chỉ cần đọc đoạn mở đầu, độc giả cũng có thể đoán được kết thúc.

Để tạo ra một cốt truyện hấp dẫn, chúng ta nên dành thời gian để nghiên cứu về ý tưởng viết. Ý tưởng càng thú vị sẽ khiến cho câu chuyện trở nên gay cấn hơn. Bạn cũng đừng quên tạo những cú sốc hoặc bẻ lái câu chuyện để tạo sự kịch tính.

Tránh viết lan man, dài dòng

Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?
Photo by Clay Banks on Unsplash

Kể chuyện thú vị ở chỗ dẫn dắt người đọc đi từ sự kiện này qua sự kiện khác, do đó người viết phải khéo léo bám sát vào dàn ý. Việc đưa độc giả đi quá xa sẽ làm cho bài storytelling của bạn thiếu hiệu quả. Vì vậy bạn nên đi sâu vào vấn đề thay vì viết lan man dài dòng không có hồi kết.

Đặc biệt nếu viết content storytelling, thì câu chuyện bạn kể đôi khi phải vừa vặn với dung lượng mà đối tác yêu cầu. Những bài viết ngắn gọn, súc tích, bám vào trọng tâm sẽ được đánh giá cao hơn. 

Để làm được điều này, bạn cần:

– Lập dàn ý câu chuyện của bạn. Hoặc bạn có thể vẽ mindmap, trình bày gạch đầu dòng để liệt kê các ý chính. Sau đó triển khai bài viết theo dàn ý đã lập.

– Bỏ qua những chi tiết thừa thãi bằng cách gạch bỏ các câu, đoạn văn không cần thiết.

– Tạo ra câu chuyện đơn giản thu hút độc giả, để họ cảm nhận và suy nghĩ về nó thay vì kể một câu chuyện có quá nhiều nhân vật, quá nhiều tình huống.

Bài viết liên quan:

15 ý tưởng viết bài đánh tan nỗi lo không biết viết gì

9 cuốn sách về Content và Storytelling dành cho mọi cây viết

Học và thực hành copyworking như thế nào?

Những lưu ý cần biết khi viết nội dung chất lượng

Kể chuyện chân thành, gần gũi

Sự chân thành của người viết sẽ giúp cho bài storytelling hấp dẫn, điều này cũng sẽ gắn kết độc giả với câu chuyện của bạn hơn. 

Để chọn giọng văn phù hợp, bạn cần phải biết được đối tượng độc giả mình hướng đến. Nếu muốn tạo sự chân thành gần gũi, bạn có thể sử dụng văn nói; hoặc muốn viết những câu chuyện dí dỏm, hài hước, bạn có thể kết hợp với văn thơ, chơi chữ, nói lái, chế nhạc,…

Một ví dụ gần nhất là mentee của mình đã áp dụng storytelling trong một bài tản văn tự sự ngắn. Bạn ấy kể về một nhân vật là nguyên nhân khiến bạn bị mất cảm hứng viết. Nhân vật đó mang tên Cảm Hứng, và anh chàng này đã trốn bạn ấy biệt tăm. Kết quả bạn ấy không thể nào tìm được Cảm Hứng để viết. Rõ ràng đây là một bài viết hư cấu, tuy nhiên với cách truyền tải dí dỏm này, bài viết lại gần gũi và hài hước hơn rất nhiều.

Nếu bạn cần một câu chuyện hư cấu cho chiến dịch truyền thông sản phẩm/dịch vụ, hãy đảm bảo rằng ý tưởng của bạn được truyền đạt dưới một góc nhìn, góc kể chuyện riêng, độc đáo và khác biệt. Việc kể những câu chuyện không có thật bằng một giọng văn sáo rỗng không phải là lựa chọn phù hợp.

Kết nối với độc giả bằng cảm xúc

Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?
Photo by Miha Arh on Unsplash

Một câu chuyện thành công sẽ gợi được cảm xúc ở người đọc, họ đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện cũng như sẵn sàng nhấn nút theo dõi bạn để đọc thêm. Để bài storytelling hấp dẫn không chỉ đòi hỏi người viết phải sử dụng những câu từ đắt giá, cốt truyện cuốn hút mà còn phải kết nối được tác giả với độc giả bằng những cảm xúc chân thật. Dù là viết cho chính mình trên trang cá nhân, blog hoặc viết cho khách hàng, sự chân thành là sợi dây kết nối tuyệt vời giữa những người xa lạ với nhau.

Bạn có thể chia sẻ nỗi buồn, sự thất vọng hoặc hạnh phúc, vui vẻ khi nhận được một món quà, một tin tức nào đó. Hoặc bạn có thể gợi bất kỳ cảm xúc nào có thể khiến cho độc giả suy ngẫm, cảm thấy muốn kết nối với thông điệp của bạn.

Cảm xúc sẽ làm cho câu chuyện trở nên gần gũi hơn, nhân văn hơn, chân thành hơn. Nếu không có cảm xúc, bài viết của bạn dù áp dụng hình thức kể chuyện storytelling cũng sẽ khô khan, khó “chạm” đến độc giả.

Kết hợp với số liệu hoặc dẫn chứng thuyết phục

Khi bạn trình bày một vấn đề nào đó trước đám đông, cách thuyết phục nhất vẫn là trình bày cùng các con số, ví dụ đã được nghiên cứu chứng minh. Với storytelling cũng tương tự như thế. Nếu bạn muốn tăng sức thuyết phục cho câu chuyện đang kể, hãy thêm vào đó những số liệu cụ thể.

Kể chuyện để truyền tải thông điệp, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua dẫn chứng. Chỉ cần một câu chuyện, một con số, câu chuyện của bạn sẽ tin cậy hơn rất nhiều.

Đặc biệt khi bạn sử dụng kỹ thuật storytelling cho dịch vụ, sản phẩm, những con số thực tế, dữ liệu từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu sẽ làm cho độc giả ấn tượng. Họ muốn đọc thêm, thậm chí muốn mua ngay sản phẩm bạn giới thiệu, bởi vì nó đã được kiểm chứng rõ ràng.

Có rất nhiều cách để tạo nên một bài storytelling hấp dẫn, điều quan trọng vẫn là người viết tự tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho mình. Trên hành trình trở thành người kể chuyện, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thực hành việc kể cho mình trước sau đó hãy kể cho người.

Để lại một bình luận