Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục

Có một lỗi viết cơ bản mà 90% những học viên khóa học Viết từ số 0 của mình đều mắc, đó là lỗi viết lan man dài dòng. Nghĩa là khi các bạn ấy muốn diễn tả một điều gì, thay vì sử dụng một câu để nói về vấn đề đó, các bạn diễn đạt hẳn một đoạn văn; thậm chí có bạn còn viết lặp lại các ý đã xuất hiện trong các đoạn trước đó. Bài viết này, mình chia sẻ đến bạn nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục.

Lặp từ

Lỗi phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải đó là lỗi lặp từ. Để hiểu rõ về lỗi này, bạn cần phân biệt lỗi lặp từ và phép lặp/điệp từ.

Lặp từ

Là lỗi lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ trong những câu văn liền kề một cách máy móc, không có tác dụng trong diễn đạt.

Ví dụ: “Nhiều người dùng cà chua socola như một loại trái cây tráng miệng bởi vì cà chua socola có vị thơm ngon.” Lỗi lặp từ cà chua socola.

Phép lặp

Bao gồm lặp ngữ âm, lặp từ, lặp cú pháp. Phép lặp là việc sử dụng lại những từ ngữ đã có ở câu trước nhằm tạo tính liên kết với các câu sau tùy vào ý đồ của tác giả.

Ví dụ: “Ngày rời quê lên thị thành, thèm lắm một chén sương sâm thơm ngon. Thứ quà quê bình dị ấy xoa dịu trái tim tôi giữa bôn ba cuộc đời. Thứ quà quê đổi lấy những nụ cười!” (trích sách Nằm nghe gió thổi sau hè). Phép lặp cụm từ “thứ quà quê”.

Điệp từ (hay còn gọi điệp ngữ)

Là cách sử dụng câu/từ được lặp lại nhiều lần trong một bài hát, câu thơ, đoạn văn. Mục đích của biện pháp tu từ này là nhấn mạnh một vấn đề nào đó, gây sự chú ý cho độc giả.

Ví dụ: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.” (Trích bài Cây tre Việt Nam, Thép Mới). Điệp ngữ “giữ” nhằm nhấn mạnh vai trò của cây tre trong công cuộc giữ nước.

Nếu phép lặp, điệp từ làm cho câu văn trở nên bay bổng hơn thì lỗi lặp từ làm cho bài viết trở nên nặng nề. Bản thân độc giả cũng chẳng muốn đọc tiếp.

Thông thường những bài viết văn học thì sẽ xuất hiện ít nhiều các biện pháp tu từ. Tuy nhiên đối với bài content, mục đích là hướng tới độc giả nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi. Vì vậy bạn nên viết đơn giản, dễ hiểu.

Thường lỗi lặp từ xuất hiện do bí từ, vốn từ nghèo nàn hoặc cũng có thể do người viết cẩu thả, không cẩn thận khi dùng từ.

Cách khắc phục tốt nhất là nên trau dồi vốn từ vựng từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như sách vở, ca nhạc, tài liệu,… Bạn cũng có thể sử dụng các từ đồng nghĩa/gần nghĩa thay thế cho từ trùng lặp. Và cũng đừng quên kiểm tra lại để phát hiện và sửa lỗi ngay nhé.

Đọc thêm:

10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết

Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè

Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết lách

Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết

Lặp ý

Lặp ý tức là lặp lại ý tứ nào đó khiến cho bài viết lan man dài dòng. Người viết thường mắc lỗi lặp ý trong một đoạn văn hoặc lặp ý giữa các đoạn văn với nhau.

Ví dụ: “Bồ kết có thành phần chính là saponin. Đây là chất có khả năng kháng viêm, trị nấm da đầu. Saponin còn có tác dụng làm sạch bụi bẩn, chống viêm nhiễm. Ngoài ra nó còn có thể trị bệnh nhiễm trùng da đầu, kích thích tóc mọc nhanh hơn.”

Lỗi lặp ý khiến cho đoạn văn lủng củng khó hiểu. Bạn có thể sửa lại ngắn gọn hơn: “Bồ kết có thành phần chính là saponin. Đây là chất có khả năng kháng viêm, trị nấm da đầu và kích thích tóc mọc nhanh hơn.”

Để giải thích cho một ý tứ nào đó, bạn có thể viết thành một hoặc hai câu thật súc tích. Không nhất thiết phải viết thành đoạn văn dài nửa trang giấy. Hãy đặt mình ở vị trí người đọc, chẳng ai muốn đi mãi trong một mê cung chẳng tìm thấy lối ra.

Nguyên nhân bài viết thường xuyên bị lặp ý có thể do tác giả:

– Diễn đạt dài dòng

– Không lập dàn ý trước khi viết

Để hạn chế tình trạng viết lan man dài dòng, bạn nên tập thói quen diễn đạt ngắn gọn. Nếu trong bài có những đoạn văn với nội dung giống nhau, hãy gộp nó lại. Tương tự đối với các câu trong một đoạn.

Việc lập dàn ý trước khi viết sẽ giúp bạn:

– Chọn lọc và sắp xếp những nội dung quan trọng theo bố cục rõ ràng.

– Triển khai ý tưởng theo bố cục đã được vạch sẵn, bám sát chủ đề viết.

– Tránh được tình trạng lạc đề, lạc ý hoặc triển khai ý không cân xứng.

Dùng từ thừa

Lỗi này khá phổ biến, không chỉ dễ bắt gặp trong viết content mà còn trong giao tiếp hằng ngày.

Ví dụ:

“Nữ tiểu thư”: Từ “tiểu thư” vốn đã chỉ nữ giới rồi nên viết đúng là “tiểu thư”.

“Du học sinh nước ngoài”: “Du học sinh” để chỉ chung cho những người Việt đang sinh sống, học tập tại nước ngoài. Vì vậy bạn viết “du học sinh” thì độc giả vẫn có thể hiểu được.

“Hoàn thành xong”: “Hoàn thành” cũng có nghĩa là “xong”, vậy nên bạn viết “hoàn thành” là đủ nghĩa.

Ngoài ra còn có những trường hợp dùng thừa từ, ví dụ như:

“Cấm không vẽ bậy”: Chỉ cần viết “Cấm vẽ bậy” hoặc “Không vẽ bậy” là đã đủ nghĩa.

“20 giờ tối”: Khi viết “20 giờ” thì độc giả đã ngầm hiểu đó là 8 giờ tối, vì vậy bạn nên viết “20 giờ” là được.

Nguyên nhân dùng từ thừa trong tiếng Việt đó chính là do không hiểu rõ về nghĩa từ Hán Việt. Dẫn đến nhiều người kết hợp sai từ thuần Việt và Hán Việt. Hoặc cũng có thể do thói quen của người viết vốn đã vậy.

Để khắc phục lỗi này, bạn nên đọc, học thêm về cách sử dụng từ ngữ tiếng Việt thông qua các đầu sách như Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả,… Ngoài ra bạn cũng có thể cải thiện vốn từ thông qua việc luyện viết mỗi ngày.

Do cách viết

Việc diễn đạt dài dòng còn do ảnh hưởng cách viết văn học. Có thể là vì bạn quen với viết văn, đọc nhiều tiểu thuyết lãng mạn. Ví dụ như bạn nhồi nhét quá nhiều từ Hán Việt trong một đoạn văn, dẫn đến câu văn dài dòng. Sở hữu vốn từ vựng phong phú là điều tốt, thế nhưng đừng lạm dụng nó nhé.

Nguồn ảnh: NeONBRAND on Unsplash

Để tránh viết lan man, bạn có thể luyện tập bằng cách viết lại những bài dài bằng một bài mới ngắn gọn nhưng vẫn đủ ý. Trường hợp dùng từ Hán Việt thì nên biết tiết chế và phân bố từ hợp lý.

Đối với thông tin không cần thiết bạn có thể viết vắn tắt (hoặc bỏ qua). Với những thông tin dưới dạng danh sách (các bước thực hiện, mẹo vặt, tips,…) thì nên trình bày gạch đầu dòng. Cách này sẽ giúp các bài viết phức tạp trở nên dễ đọc, thông tin rõ ràng.

Cuối cùng, bạn nhớ tránh các lỗi lặp từ, lặp ý, thừa từ để khắc phục cách viết lan man dài dòng. Điều này cũng giúp ích rất nhiều cho bạn trong hành trình viết lách sau này, kể cả bạn viết cho chính mình hay trở thành người viết kiếm tiền. Còn giờ thì, bạn tìm lại một bài viết cũ của mình và tiến hành biên tập, cắt gọt để giảm dung lượng bài viết còn 2/3 dung lượng ban đầu thử nhé.

Để lại một bình luận