Để đi từ tay mơ đến freelance content writer, bạn sẽ phải trải qua nhiều chặng đường phát triển khác nhau bao gồm cải thiện kỹ năng viết, chọn ngách, tìm kiếm khách hàng, tiếp thị bản thân,… Tuy nhiên bắt đầu như thế nào, cần phải làm gì trước,… tất cả những băn khoăn của bạn sẽ được giải đáp bởi mình – một Freelance Content Writer thực chiến cho hơn 20 dự án khác nhau.
Bước 1: Cải thiện kỹ năng viết
Một số cây viết mới thường bỏ qua bước này và nóng lòng tìm job viết để có thu nhập, thậm chí các bạn chấp nhận viết bài với một mức giá cực kỳ thấp (và có trường hợp làm miễn phí). Với mình, đây không phải là cách làm đúng đắn. Chiến lược thông minh của một freelance content writer là chinh phục khách hàng bằng chính kỹ năng viết của mình.
Có thể bắt đầu viết tự do với những chủ đề đơn giản để luyện viết đúng, viết chuẩn; sau đó bạn có thể luyện viết content trong các hội nhóm hoặc thông qua khóa học về content. Thông thường việc học dưới sự hướng dẫn và góp ý/chỉnh sửa của mentor thì kỹ năng viết của bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn rất nhiều.
Bước 2: Chọn ngách viết phù hợp
Nếu đọc dòng chữ này và bạn đang tự hỏi liệu chưa có ngách thì có thể làm content writer được không, câu trả lời của mình là có. Chẳng hạn như mình, mình bắt đầu viết content đa lĩnh vực. Mãi sau này mới đi sâu vào mảng ẩm thực, đồng thời làm việc nhiều hơn với các dự án F&B.
Mình nhận ra khi chúng ta chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, thù lao nhận được cho bài viết sẽ cao hơn. Không chỉ vậy, bạn còn trau dồi kiến thức chuyên môn và xây dựng thương hiệu cá nhân, định hình được mình trong thế giới viết lách tự do. Như là người ta sẽ nhớ đến Hải Dương với một cây viết về ẩm thực, Thủy Tiên là một content writer trong lĩnh vực Nhà hàng – khách sạn.
Để chọn ngách viết phù hợp, bạn có thể tham khảo: 5 ngách viết blog tiềm năng năm 2024 dành cho blogger.
Bước 3: Chuẩn bị những bài viết mẫu
“Em định gửi CV cho công ty X nhưng chưa có khách hàng, chưa có bài mẫu thì ghi gì trong CV ạ?” – Đây là câu hỏi mình nhận được rất nhiều kể từ khi chia sẻ về viết lách nói chung hay content writing nói riêng. Thực ra chúng ta có nhiều cách để có bài viết mẫu như là:
– Lập một website hoặc fanpage chia sẻ về chủ đề mà bạn quan tâm.
– Chọn một sản phẩm của thương hiệu bạn yêu thích, viết thử content cho sản phẩm đó.
– Chọn những bài viết có sẵn trên MXH của bạn (nếu là bài được đăng chất lượng với lượt tương tác cao thì càng tốt).
– Đăng ký viết bài trên Brandsvietnam, Vietcetera, Her hoặc một website uy tín bất kỳ.
– Tham gia cộng tác với báo, tạp chí để có sản phẩm khẳng định thương hiệu của mình.
Bước 4: Chuẩn bị bảng báo giá
Đừng đợi khách hàng liên hệ mới vội vàng làm một bảng báo giá và gửi đi trong khi mình vẫn chưa suy nghĩ thật kỹ lưỡng. Bạn nên tham khảo thêm mức giá của những người làm trong ngành hoặc người quen nhé, để tránh trường hợp đưa ra giá quá thấp so với thị trường (và bị cho là phá giá) hoặc đưa ra giá quá cao so với năng lực thực tế.
Khi có một bảng giá cố định, tùy thuộc vào từng lĩnh vực (độ phức tạp của chủ đề), yêu cầu thêm (như vừa viết vừa thiết kế ảnh hoặc đăng bài,…) mà bạn điều chỉnh mức cho phù hợp. Nên có ưu đãi cho khách hàng ký hợp đồng dài hạn, ví dụ như tặng thêm bài trong tháng hoặc là giảm giá, đó là một cách để giữ chân khách hàng.
Sau khi có kinh nghiệm và thương hiệu được tăng lên, bạn có thể tăng mức giá của mình.
Đọc thêm:
10 “nỗi sợ” của newbie khi muốn trở thành freelance writer (#1)
Viết sách thuê cho người khác – Nghề hot dành cho Freelance Writer
Gia tài của mình sau 2 năm làm freelance writer là 5 cuốn sách và 3 ebook
Chuẩn bị gì khi trở thành freelance writer, những “được – mất” khi làm tự do?
Bước 5: Xây dựng thương hiệu cá nhân
Đây là bước quan trọng nếu bạn muốn sống tốt với công việc freelance content writer. Nghĩa là thay vì chủ động tìm kiếm khách hàng thông qua các hội nhóm, bạn sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân để khách hàng tìm đến. Tuy nhiên để làm được điều đó, bạn cần có:
– Một website/blog chuyên nghiệp để khách hàng hiểu rõ về bạn hơn.
– Xây dựng hồ sơ trên LinkedIn – mạng xã hội việc làm hoặc trên các nền tảng làm việc tự do như Upwork hoặc Fiverr.
– Xây dựng thương hiệu qua mạng xã hội (có thể là facebook cá nhân, fanpage, instagram hoặc tiktok,…)
Đừng quên tối ưu hóa hồ sơ trên các nền tảng để có thể tăng khả năng hiển thị trên công cụ tìm kiếm nhé. Chẳng hạn như với duongstory.com, nhờ việc tối ưu nội dung chuẩn SEO mà lượt truy cập tăng lên đáng kể, hơn 7,000 lượt xem/tháng.
Bước 6: Mở rộng vòng kết nối
Thông qua các cộng đồng, diễn đàn, bạn có thể tham gia chia sẻ đồng thời tiếp thị nội dung cho các sản phẩm dịch vụ cá nhân. Hãy nói cho người khác biết bạn đang làm gì, với vai trò gì, công việc cụ thể như thế nào,… có như vậy những người xung quanh mới dễ dàng hình dung về bạn và giới thiệu công việc cho bạn.
Dự án đầu tiên mình nhận được khi bắt đầu làm freelance content writer là được bạn bè trên Facebook giới thiệu. Kể từ đó các khách hàng đều đặn tìm đến cũng một phần nhờ việc mở rộng vòng kết nối. Bên cạnh đó mình còn nhận được nhiều lời khuyên, góp ý và học hỏi được những chuyên gia và người có kinh nghiệm trong ngành.
Bước 7: Tự tiếp thị bản thân
Song song với việc xây dựng thương hiệu và mở rộng vòng kết nối, bạn cũng cần học thêm kỹ năng về copywriting để phục vụ cho quá trình tiếp thị bản thân. Rõ ràng bạn cần khách hàng biết nhiều hơn về mình và nói cho họ biết vì sao bạn phù hợp với dự án của họ, nhờ đó họ mới sẵn sàng xuống tiền để thuê bạn viết bài.
Thông thường, mình thường áp dụng hình thức storytelling lồng ghép yếu tố quảng cáo trong bài đăng mạng xã hội hay bài blog nhằm tiếp thị sản phẩm. Tương tự khi xuất bản cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè, để quá trình truyền thông sách diễn ra suôn sẻ, trước đó mình đã tự tiếp thị bản thân qua nhiều kênh khác nhau. Nhờ đó lượt pre-order sách trong thời gian mở đơn đăng ký có gần 200 lượt đặt.
Bước 8: Hoàn thành tốt dự án
Các bước 5, 6 hoặc 7 sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn không hoàn thành tốt dự án hay tệ hơn là để lại “tiếng xấu” với khách hàng. Hãy nâng cao kỹ năng viết, nếu có thể nên đầu tư học một khóa content chất lượng để bồi đắp kiến thức cho bản thân. Song song với việc làm tốt, bạn cần có tác phong làm việc chuyên nghiệp nữa.
Hãy đảm bảo những điều sau:
– Dự án hoàn thành đúng thời hạn.
– Cung cấp nội dung chất lượng.
– Giữ liên lạc với khách hàng trong thời gian làm việc, chủ động báo cáo tiến độ, tiếp nhận phản hồi và sửa đổi yêu cầu nhanh chóng.
Hoàn thành tốt dự án không chỉ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn mà còn giúp danh tiếng của bạn tăng cao, thậm chí khách hàng cũ có thể giới thiệu khách hàng mới cho bạn, mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Bước 9: Liên tục phát triển kỹ năng
Nếu bạn là newbie, hãy học trở thành người viết chuyên nghiệp; nếu bạn là Content Writer, hãy học thêm để trở thành một leader content trong tương lai, xa hơn là trở thành Content Strategist. Để làm được điều đó, hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất.
Với content website, bạn có thể học cách làm thế nào để quản trị website, cập nhật các xu hướng để làm mới nội dung, học về SEO. Các khóa học viết blog hay các cuốn sách về chuyên ngành sẽ thực sự phù hợp với bạn. Tương tự với content mạng xã hội, hãy đầu tư nghiên cứu tìm hiểu để không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn là cách bạn đi lên. Đặc biệt trong môi trường đầy rẫy sự cạnh tranh, càng nổi trội, bạn có nhiều cơ hội hơn.
Mình đang ở bước thứ 9 trong nghề freelance content writer, nhưng chắc chắn sẽ không dừng lại. Vì mình tin nếu muốn nâng cấp bản thân, không thiếu kiến thức để chúng ta học. Vậy còn bạn, bạn đang ở nấc thang nào trên hành trình này?