Với kinh nghiệm hơn 1 năm vận hành duongstory.com, mình nhận thấy 90% cây viết mới gặp khó khăn trong việc phát triển nội dung cho blog. Thậm chí có những bạn không biết bắt đầu từ đâu, nên viết chủ đề gì, làm thế nào để chèn từ khóa. Một số mẹo viết bài blog dành cho người mới bắt đầu dưới đây mình tin rằng sẽ giúp tự tin hơn nhiều trong việc phát triển nội dung cho blog.
Mẹo số 1: Hãy viết cho chính mình
Nếu bạn đã có một blog nhưng chưa tìm được ngách (niche) cho mình, hãy bắt đầu bằng việc viết cho chính mình. Đây là một cách viết nhằm giải tỏa cảm xúc, chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống của bạn. Lúc này không cần quan tâm về từ khóa, chẳng cần phải tối ưu chuẩn SEO.
Tham khảo các chủ đề luyện viết mỗi ngày qua bài: 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn.
Bạn có thể sử dụng kỹ thuật storytelling để bắt đầu câu chuyện của bản thân. Đây là phương pháp cực kỳ hiệu quả mà mình tin rằng bất cứ ai cũng có thể áp dụng, dù là cây viết mới. Hãy bắt đầu câu chuyện, tựa như “Mấy năm trước…”, “Tôi nhớ có một lần…” hoặc “Tôi nghe [một ai đó] kể lại rằng…” sau đó bạn có thể kể lại một câu chuyện. Đối với kỹ thuật storytelling, bạn đừng quên liên tưởng đến hiện tại và rồi kết thúc bằng việc rút ra thông điệp suy nghĩ như kiểu “Câu chuyện này cho mình bài học/cho mình suy nghĩ…”
Bí quyết của cách viết này là bạn phải có chất liệu. Bạn có thể kể chuyện của chính mình, chuyện của người khác mà bạn nghe được hoặc vô tình chứng kiến. Hãy tập thói quen ghi chép vào sổ để làm kho ý tưởng, vì có thể một ngày nào đó bạn sẽ không còn chuyện để kể. Thói quen này giúp bạn cải thiện tình trạng bí ý tưởng đồng thời cải thiện việc lên bài đều đặn cho blog.
Mẹo số 2: Hãy viết cho khán giả của bạn
Viết blog một thời gian bạn sẽ bắt đầu có độc giả – những người luôn chờ đợi nội dung mới được xuất bản trên website của bạn. Lúc này bạn không thể kể những câu chuyện vụn vặt đời thường nữa. Câu chuyện phải có bài học đúc kết, hoặc độc giả có thể rút ra điều gì đó.
Bạn cũng có thể viết về những trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực nào đó. Hãy áp dụng mẹo viết bài blog bằng việc bạn tiết chế những câu chuyện mang tính cá nhân hoặc xoay quanh mình, thay vào đó kể cho độc giả. Nội dung hướng về độc giả nhằm truyền cho họ một thông điệp, một giá trị, một tinh thần, một năng lượng, một niềm tin nào đó.
Đừng quên nghiên cứu độc giả của bạn là ai để tìm ra phong cách và giọng điệu phù hợp. Điều này sẽ giúp cho việc truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhất. Bạn cũng có thể hỏi độc giả xem họ muốn đọc nội dung gì, muốn tìm hiểu về điều gì để viết. Lúc này bạn hãy nghĩ đến chiến dịch Email Marketing để lên kế hoạch xuất bản nội dung bài bản, hiệu quả hơn.
Đọc thêm:
Làm thế nào để bài viết blog ấn tượng hơn?
10 câu hỏi bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân
Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Xây dựng nội dung hiệu quả, tăng lượt truy cập với khóa học viết blog
Mẹo số 3: Đừng quan tâm đến từ khóa
Hầu hết bài viết được đăng tải trên blog sẽ được tối ưu để đảm nội dung chuẩn SEO. Trong đó mức độ xuất hiện từ khóa chính được khá quan trọng trong bài.
Theo Seo Chatter, mật độ từ khóa lý tưởng là 1-2%, điều đó có nghĩa là với những bài viết 1000 từ, xuất hiện 10 từ khóa. Tuy nhiên kinh nghiệm viết bài blog và dịch vụ content website mà mình đang triển khai, mật độ từ khóa như thế này sẽ làm cho nội dung trở nên khiên cưỡng, không tự nhiên.
Với một bài viết 1000 từ trên blog duongstory.com đa phần mình chèn từ khóa một cách tự nhiên, với tần suất 3 – 4 từ. Tần suất này không cố định và mục đích của mình khi viết blog không phải để tối ưu SEO mà để cung cấp kiến thức cho độc giả. Đó là lý do có những bài viết chỉ có 2 – 3 từ khóa hoặc ít hơn.
Đối với những blog viết sáng tác, bạn sẽ không thể nào chèn từ khóa vào bài. Đơn giản bởi vì đây là thể loại cần một giọng điệu đầy cảm xúc, mang hơi thở văn chương. Việc nhồi nhét từ khóa để biến một câu viết đáng lẽ ra mượt mà sẽ làm cho câu văn trúc trắc khó hiểu, bài viết vì thế cũng mất đi cảm xúc hơn.
Mẹo số 4: Sử dụng các câu ngắn/dài xen kẽ
Phần lớn các bạn được mình hướng dẫn viết ban đầu đều gặp tình trạng này. Nghĩa là các bạn viết những câu quá dài liên tục làm cho người đọc cảm thấy lê thê dài dòng. Hoặc sẽ có trường hợp viết những câu ngắn liên tục làm cho nhịp điệu câu văn dồn dập, gấp gáp và thiếu đi sự mềm mại.
Xen kẽ giữa câu dài và câu ngắn sẽ làm hài hòa nhịp điệu viết. Độc giả có thể đọc câu ngắn, xen kẽ câu dài mà không cảm thấy lê thê nhàm chán. Để làm được điều này, bạn hãy tập thói quen biên tập bài viết trước khi xuất bản. Hãy mạnh dạn tách câu, phân đoạn nếu bạn cảm thấy nó làm rối mắt và gây khó đọc.
Mẹo thứ 5: Tạo ra những nội dung đinh
Khi gõ những dòng chữ này, mình nhớ lại vào năm lớp 12, thầy giáo cho chúng mình làm một bài kiểm tra để chọn học sinh đi thi Tỉnh. Mình là người cuối cùng được thầy chọn. Vì trong bài viết rất bình thường của mình, có một câu văn khiến thầy rất ấn tượng và thầy quyết định chọn mình.
Mẹo viết bài blog là hãy để lại điều gì đó đọng lại trong lòng độc giả, hay còn gọi là câu đinh. Câu đinh chính là thứ níu độc giả ở lại với bài viết của bạn, họ trăn trở, nghĩ suy và nhớ về bài viết của bạn nhiều hơn.
Tương tự như khi nhắc về “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”, người ta sẽ nghĩ ngay đến Lỗ Tấn với tác phẩm Cố hương.
Dĩ nhiên không phải ở thể loại nào bạn cũng có thể tạo câu đinh cho bài. Thế nên cần khéo léo và áp dụng nó phù hợp. Đặc biệt khi bạn viết tản văn, một câu đinh hay và súc tích sẽ khiến độc giả nhớ về bạn nhiều hơn. Hãy để độc giả thưởng thức trọn vẹn nội dung và sau đó họ đọng lại điều gì đó, một thông điệp, một bài học, một điều gì đó khiến họ suy ngẫm chẳng hạn.
Mẹo thứ 6: Tạo CTA (Call to Action) cho bài viết
Nếu nội dung bạn đang viết có liên quan hoặc móc nối với những nội dung đã xuất bản trên blog rồi, đừng ngại gợi ý độc giả nhấp vào đường dẫn để tham khảo thêm. Tương tự như khi bạn viết xong một phần và muốn có phần 2, hãy nhắc nhở người đọc đăng ký email theo dõi để được nhận nội dung mới tiếp theo.
Để hiểu rõ về CTA và cách viết CTA khéo léo, bạn đọc bài viết này: 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
Mục đích của việc tạo CTA cho bài viết sẽ giúp tăng thời lượng độc giả ở lại với website của bạn hơn, tăng lưu lượng truy cập. Tất nhiên điều cốt lõi vẫn là nội dung trên blog của bạn phải chất lượng, nếu không thì việc điều hướng độc giả sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Một vài mẹo viết bài blog trên đây hy vọng sẽ gỡ rối cho người mới bắt đầu. Nếu bạn có dự định làm blog hoặc bắt đầu với một chiếc blog để phát triển thương hiệu cá nhân, xây dựng portfolio cho người viết nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, có thể đăng ký phiên mentoring 1:1 với mình nhé. Trong thời lượng 45 – 60 phút, mình sẽ gỡ rối và tư vấn giúp bạn định hướng để bắt đầu với blog dễ dàng hơn.