Nằm nghe gió thổi sau hè – cho một buổi chiều lặng yên nghe gió thổi 

Nhắc về tuổi thơ, bạn nhớ điều gì nhất? Còn với mình là nhớ cánh diều chao nghiêng lượn trên bầu trời, nhớ những giậu mồng tơi xanh biếc trong vườn nhà, nhớ món bánh thơm lừng mùi trứng hay những trưa hè nằm võng đung đưa. Tất cả những ký ức ấy mình gói ghém vào trong Nằm nghe gió thổi sau hè – một cuốn sách được mình xuất bản vào tháng 7.2023.

“Cuốn sách cho người lớn đã từng là trẻ con”

“Nằm nghe gió thổi sau hè” được mình nhen nhóm ý tưởng vào cuối năm 2021 và hoàn thiện bước cuối vào đầu năm 2023. Những mẩu chuyện được góp nhặt từ tuổi thơ của mình, từ những món ăn, trò chơi dân gian, cánh đồng hoa sim hay lũy tre đầu làng,… Tất cả đều đưa vào trong trang sách.

Có hai điều trăn trở khi mình viết cuốn sách này là làm sao hạn chế kể lể chuyện cá nhân, đồng thời để độc giả tìm thấy bóng dáng tuổi thơ mình trong đó. Và rồi khi nhận được những dòng cảm nhận đầu tiên từ độc giả, mình nhận ra những điều lo lắng trước kia đã tan biến. Những dòng cảm nhận của độc giả về “Nằm nghe gió thổi sau hè” là minh chứng cho giá trị của cuốn sách.

Nằm nghe gió thổi sau hè - cho một buổi chiều lặng yên nghe gió thổi 

Nằm nghe gió thổi sau hè dành tặng cho thế hệ 8x, 9x – “những người lớn đã từng là trẻ con”. Cuốn tản văn với hơn 40,000 chữ, là những câu chuyện tuổi thơ mà đôi khi bạn sẽ thấy bóng dáng mình trong đó. Là những lần trốn ba má ra đồng bắt con cá rô đồng; là những khi chăn bò trên đồi hái sim tím. Là những lần thấy máy bay trên bầu trời xanh thẳm rồi chạy ùa ra ngước nhìn theo và thả luôn ước mơ vào đó. Hay những lần nằm võng đung đưa, nghe mùi thiên lý thoảng thơm rồi chìm vào giấc ngủ ban trưa.

Bài viết liên quan:

Mua sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?

Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?

Sách Nằm nghe gió thổi sau hè và 101 câu chuyện “hậu trường”

Review “Nằm nghe gió thổi sau hè” từ bạn đọc

Kể từ khi sách “Nằm nghe gió thổi sau hè” được phát hành, mình nhận rất nhiều những lời nhận xét, bài đánh giá từ độc giả. Trong đó mình ấn tượng với những dòng chia sẻ của Jordan Phạm – travel blogger tại jordanrongchoi.com:

“Những năm 2000, nhà nước mình bắt đầu phát hành tiền xu. Mình thích lắm. Thích cái cách lấy túi vải để lấy ra đồng 5,000 mua hộp cơm tấm mỗi khi đến trường. Và mình cũng thích mỗi lần mẹ cho tiền xu thì mình sẽ đem chôn dưới gốc chuối sau hè. Cảm giác một thời gian sau moi lên là cả kho báu chực chờ.  

Bẵng đi nhiều tháng, tới kỳ hẹn, đứa trẻ trong mình háo hức chạy ra chỗ cũ, tìm ngay vệt đánh dấu để khai quật kho báu đã chờ sẵn từ lâu. Nhưng, bằng cách nào đó nó đã biến mất khỏi gốc cây như bị ông đất nuốt chửng.

Ở quê mình người lớn hay dặn không nên chôn đồ quý giá xuống đất vì nó sẽ trôi đi. Nhưng đứa trẻ trong mình thì cứ ngoan cố làm ngược ý người lớn. Giờ mỗi lần nhớ lại, cứ mỉm cười vì thấy tuổi thơ hồn nhiên, nghịch ngợm như cậu bé bút chì. Mấy đồng xu chẳng là bao nhưng mà có cảm giác tiếc nuối, vì cái thời ấy mỗi ngày lại một chút trôi tuột khỏi tâm trí, đến khi hình ảnh và âm thanh mờ dần thì những mảnh ký ức về tuổi thơ cũng chỉ như một luồng gió thoảng man mát thổi qua mi mắt và đôi tai khi gặp một cảnh tượng na ná thời ấu thơ.

“Nằm nghe gió thổi sau hè” là một tác phẩm với mình cũng giống như hình ảnh đồng tiền xu ấy. Khi chợt nhớ ra, khui lại nó đã không còn ở đó nữa, chỉ còn là một câu chuyện.

Nằm nghe gió thổi sau hè - cho một buổi chiều lặng yên nghe gió thổi 

Có một vài hình ảnh tuổi thơ của tác giả tương đối  xa lạ với ký ức thuở bé của mình, ví dụ như chuyện “Cải tàu bay về trời”. Người quê mình không ăn món này, các bác lớn tuổi chỉ dùng nó làm thuốc cầm máu trong những năm tháng bom đạn giày xéo quê hương. Hoà bình về, cải tàu bay cứ mọc lại hoang dã như cỏ dại sau hè, và hạt của nó thi thoảng lại  bay lên đậu trên vai mấy đứa trẻ 8,9x như cánh bồ công anh. 

Ừ, mình đã từng ngây ngô nghĩ nó là bồ công anh thôi. Và hồi đó chẳng ai nói cho mình biết đây là rau tàu bay.  

Dù vậy, khi tác giả miêu tả bất cứ chi tiết nào, mình cũng có đủ khả năng vẽ lại hình ảnh thơ ấu bằng cách riêng của mình. Đây là một điều rất thú vị mà mình cảm nhận được trong tác phẩm. 

Mộc mạc, chân thành mà không kém phần tinh tế, tác giả đã khéo léo “flex” những “kho báu tuổi thơ” mà cô có được cho độc giả. Đặc biệt ở nơi kho báu ấy,  gần như lúc nào cũng có 2 viên ngọc sáng loá, không bao giờ mất như đồng tiền xu được, là cha và mẹ.

Đọc tác phẩm “Nằm nghe gió thổi sau hè”, mình mới nhớ mẹ mình cũng giống vậy, và giống những phiên bản anh hùng khác nhau trong ký ức của rất nhiều “đứa trẻ lớn”:

Nếu phiên bản của tác giả Hải Dương là “Má quẩy đôi quang gánh trên vai, đi từ nhà ra ngõ, qua vườn chợ, dọc theo con đê, trên cánh đồng làng. Má gánh trên vai đâu chỉ là rau củ, mà còn là những lo toan, những bộn bề, má gánh luôn cả những giấc mơ của chúng tôi đi thật xa” (Trích “Nằm nghe gió thổi sau hè” – Hải Dương)

Thì phiên bản của mình là: 

“Mẹ quẩy cái ràng vịt lên chiếc xe cà tàng, đi từ nhà ra ngõ, qua khỏi mấy con kênh, nhoài người trên những nẻo đường bùn sình, vượt qua khỏi những cánh đồng chua xì phèn. Mẹ ràng trên xe đâu chỉ là gà, vịt, mà còn là những lo toan, bộn bề, mẹ gánh luôn những giấc mơ của chúng tôi đi thật xa” (Jordan Phạm)

“Nằm nghe gió thổi sau hè” không chỉ là một cuốn sách, mà mình tin rằng đó là một tấm vé đưa bạn về với tuổi thơ. Mượn câu hát trong bài “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” để khép lại bài review sách của độc giả Jordan Phạm: “Hãy cho tôi xin hạng vé trung thôi. Dẫu tháng năm có lớn thêm thật rồi. Chỉ cần cho tôi được trở về tuổi thơ. Thì tôi sẽ xin chờ hoài.

2 bình luận

Trả lời