“Liệu mình có đang “dạy đời” ai không?”, “Liệu độc giả có cảm thấy khó chịu vì những gì mình viết hay không?” Đã bao giờ bạn đọc lại những bài viết của chính mình và tự hỏi bản thân những câu như thế? Nếu câu trả lời là có, hãy tham khảo bài viết dưới đây để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc nhé.
Hạn chế các từ ra mệnh lệnh như “hãy”, “cần phải”, “bắt buộc”
Bạn nói với một đứa bé rằng “Hãy ăn cái này đi!” thì liệu bao nhiêu đứa bé sẽ nghe theo lời bạn? Chúng sẽ vùng vằng lắc đầu, thậm chí khó chịu và tệ hơn là khóc lóc ăn vạ chỉ vì một lời ép buộc cứng nhắc đó. Nếu bạn thử đổi lại cách nói chuyện, bằng việc “Con thử ăn cái này cùng mẹ nhé!”, kèm theo lời nói là hành động của bạn để đứa trẻ làm theo. Bạn có thấy nó hiệu quả không?
Độc giả cũng như thế, họ sẽ khó chịu với những bài viết áp đặt suy nghĩ, quan điểm một chiều. Và một trong những cách tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc là thay đổi các từ ra mệnh lệnh.
Tất nhiên nó không hoàn toàn hiệu quả 100%, nhưng việc lược bỏ các từ “hãy”, “phải”, “cần” sẽ làm cho câu viết mang cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu hơn. Đồng thời độc giả cũng không thấy khó chịu hoặc mang cảm giác mình bị ép buộc phải làm điều đó.
Bạn có thể so sánh trong hai cách viết dưới đây:
Cách 1: Bạn bắt buộc phải học kỹ thuật seo để giúp Blog lọt vào top công cụ tìm kiếm. Đừng chỉ cố gắng tạo ra nội dung chất lượng, hãy học hỏi và thực hành Seo cho blog ngay từ bây giờ.
Cách 2: Bạn nên học kỹ thuật seo để giúp Blog lọt vào top công cụ tìm kiếm. Đừng chỉ cố gắng tạo ra nội dung chất lượng, thay vào đó học và thực hành Seo cho blog ngay từ bây giờ nhé.
Cũng với dung lượng 40 từ, tuy nhiên nếu chọn giữa hai cách viết thì cách viết thứ hai mang cảm giác dễ chịu hơn. Trong khi cách viết đầu tiên sẽ làm độc giả có cảm giác họ đang phải đọc một mệnh lệnh thay vì đọc bài viết để tìm kiến thức, trải nghiệm.
Khi viết ra một điều gì đấy, bạn nên hạn chế diễn đạt kiểu: “Bạn cần phải làm điều này vì nó sẽ làm cho blog có nhiều lượt xem hơn”, thay vào đó hãy nói rằng: “Mình nghĩ khi bạn làm điều này, blog của bạn sẽ có nhiều lượt xem hơn”.
Nhờ một ai đó đọc thử để thay đổi giọng điệu
Có một sự thật là, đa số người viết sẽ không nhận ra được các lỗi viết của họ dù là những điều cơ bản như chính tả hay ngữ pháp. Bởi thế mới xuất hiện Biên tập viên – người sẽ giúp họ rà soát các lỗi, chỉnh sửa những dấu câu, từ ngữ, thậm chí là số liệu được trích dẫn trong bài.
Bạn không cần phải đi tìm những Biên tập viên có bề dày kinh nghiệm để giúp đỡ, bởi vì nó rời xa thực tế. Tuy nhiên bạn có thể “mời” bạn bè thân thiết, thậm chí là ba mẹ, hoặc bất cứ một người nào đó tin tưởng để trở thành “Biên tập viên” của bạn.
Thử gửi bài viết cho những người quen đọc thử, và hỏi họ xem bài viết của bạn có giáo điều không hay bạn có đang cố gắng nhồi nhét quá nhiều lời khuyên để khiến độc giả bội thực hay không. Từ đó bạn có thể điều chỉnh giọng điệu, cách viết sao cho phù hợp để có thể truyền tải được thông điệp hiệu quả.
Bài viết liên quan:
Chọn ngôn ngữ viết cho đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
Nguyên nhân khiến bài viết lan man dài dòng và cách khắc phục
Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay
Kết nối, đồng cảm với độc giả qua những câu chuyện
Một trong những bí quyết để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc, là bạn không cần phải đưa ra quá nhiều lời khuyên, lời nhắc nhở hay góp ý. Thay vào đó là kết nối với câu chuyện của độc giả, đồng cảm, chạm tới cảm xúc của họ hoặc thậm chí kể một câu chuyện để độc giả tự suy ngẫm và rút ra bài học cho mình.
Chẳng hạn như bạn nhận được một dòng tin nhắn là câu chuyện buồn của đối phương. Với họ khi ấy, câu nói kiểu như “Đừng buồn nữa!” hoặc “Mày phải vui lên” chẳng mang nhiều ý nghĩa, thậm chí sẽ làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Nếu bạn cũng từng trải qua điều tương tự như thế, bạn đã hành động hoặc giải quyết ra sao, có thể kể lại với độc giả. Thậm chí nếu bạn không có câu chuyện nào, có thể nghĩ về những gì mà từng chứng kiến, từng tận mắt thấy hoặc được nghe lại từ ai đó. Tất nhiên nó sẽ không hoàn toàn có hiệu quả, nhưng cũng là một cách để “chạm” đến độc giả của bạn.
Người viết không nên nâng cao quan điểm cá nhân
Nguyên tắc 1: Tránh áp đặt tư duy
Một trong những tài liệu mình từng soạn để phục vụ cho Khóa học: Viết từ số 0 có phần lưu ý để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc, đó là tránh áp đặt tư duy lên độc giả. Điều này được đúc kết từ quá trình dạy viết cho các học viên.
Những trải nghiệm chưa đủ, kiến thức còn khuyết thiếu sẽ là điều hạn chế của bạn. Vì vậy thay vì khuyên răn giáo điều một ai đó, hãy chia sẻ thật lòng từ những gì mà bạn đã trải qua.
Ví dụ, bạn đừng viết kiểu hô hào mọi người phải làm điều đó, nếu họ không làm thì sẽ thất bại. Thay vào đó, hãy truyền tải thông điệp một cách nhẹ nhàng.
Một mẹo nhỏ là bạn nên viết câu dài để nhịp điệu được mượt mà trơn tru hơn. Các câu ngắn sẽ làm cho giọng điệu người viết chuyển thành nhát gừng, câu văn đứt đoạn, gãy ngang. Bạn có thể tham khảo ví dụ này nhé:
– Đừng viết: “Muốn viết tốt hơn thì bạn cần phải tập viết mỗi ngày, ngay bây giờ hãy lấy sổ và bút để luyện viết nhé. Đừng chần chừ. Đừng do dự. Đừng sợ thất bại.”
– Nên viết: “Luyện viết mỗi ngày sẽ giúp bạn viết tốt hơn. Và sự thật khi bài viết này xuất bản, mình đã có hơn 3 tháng viết liên tục với mỗi ngày gần 2000 chữ”.
Nguyên tắc 2: Giải thích bằng khoa học kèm lời khuyên
Ví dụ, bạn đừng ép buộc độc giả phải ăn/uống/thử/làm điều gì đó mà hãy giải thích cho độc giả thứ đó tốt thế nào, và vì sao họ nên ăn.
– Đừng viết: “Cam rất tốt cho sức khỏe, không ăn cam thường xuyên, bạn sẽ mắc bệnh ung thư.”
– Nên viết: “Theo nghiên cứu từ ABC cho thấy cam chứa nhiều vitamin A, E và chất hesperidin và naringin. Các chất này không chỉ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn phòng chống ung thư hiệu quả.”
Hy vọng vài mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc. Đôi khi chúng ta không cần phải nâng cao quan điểm, mà chỉ cần kết nối với cảm xúc của độc giả, lắng nghe câu chuyện của họ, kể lại câu chuyện của mình. Việc rút ra bài học hay điều gì là tự độc giả suy ngẫm và đi tìm câu trả lời.