Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

Có bao giờ bạn trò chuyện với một ai đó và sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành để rồi người nghe không hiểu những gì bạn chia sẻ? Viết cũng như thế. Độc giả sẽ không hiểu được thông điệp bạn muốn truyền tải nếu bài viết với những thuật ngữ, từ ngữ khó hiểu. Vậy làm thế nào để viết đúng đối tượng?

Lưu ý khi dùng tiếng Anh

Trong một lần trò chuyện về công việc với mẹ, mình đã sử dụng từ “deadline” để miêu tả sự khó khăn và chật vật của mình khi trở thành freelancer và sắp xếp giao trả deadline như thế nào cho đúng hạn. Khi đó mẹ đã hỏi mình rằng: “Đếch-lai là gì hả con?”. Mình đã phải dừng lại một vài giây suy nghĩ rồi tiếp tục giải thích với mẹ ý nghĩa của “deadline” cũng như nói rằng rằng đây từ tiếng Anh dùng trong công việc và đa số người làm văn phòng sẽ sử dụng nó nhiều hơn.

Trong trường hợp trên, mẹ của mình là một phụ nữ U50 và sẽ không hiểu “deadline” là gì. Tựa như mẹ cũng chẳng biết những thuật ngữ tiếng Anh khác như “teamwork”, “proposal”, “client”,… Mẹ chỉ biết “làm việc nhóm”, “bản đề xuất” hay “khách hàng” mà thôi.

Đó là một ví dụ cơ bản cho việc viết cho sai đối tượng. Hoặc khi bạn trò chuyện với một đứa trẻ, việc sử dụng các từ ngữ khó hiểu, thuật ngữ chuyên ngành hoặc các từ phổ biến trên mạng xã hội cũng sẽ khiến đứa bé ấy không hiểu bạn muốn nói gì. Hoặc chúng sẽ hỏi ngược lại bạn về những từ/cụm từ đó. Điều đó sẽ khiến cho việc truyền đạt thông điệp không đạt hiệu quả cao.

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
Photo by Romain Vignes on Unsplash

Không phải độc giả nào cũng hiểu những gì bạn viết ra. Nếu trong bài có sử dụng những từ tiếng Anh hoặc các thuật ngữ chuyên ngành, bạn nên cân nhắc xem độc giả của bạn là ai, họ thuộc tầng lớp nào, độ tuổi nào, từ đó chọn ngôn ngữ giao tiếp/viết bài cho phù hợp.

Ví dụ viết cho khách hàng là những người lớn tuổi, hãy cố gắng giải thích các từ chuyên ngành bằng những từ thuần Việt. Ví dụ thay vì nói soạn “outline”, bạn nên viết “lập dàn ý”. Thay vì viết “stress”, bạn có thể dùng từ “căng thẳng”, “áp lực”, “mệt mỏi”… Một số từ tiếng Anh dịch nghĩa tiếng Việt đôi khi sẽ không chính xác hoàn toàn, nhưng nó nếu có thể dịch được bằng những từ/cụm từ mang nghĩa tương đương, bạn nên viết bằng tiếng Việt nhé.

Bài viết liên quan:

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp

Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay

Lưu ý khi dùng từ Hán Việt, từ cũ

Khi người viết lạm dụng từ Hán Việt, các từ cũ (từ xưa nay ít dùng) vào trong văn bản cung cấp thông tin thuần túy sẽ khiến độc giả cảm thấy khó chịu. Đồng thời họ sẽ mất nhiều thời gian để tra cứu từ. Chưa kể khi người đọc không có tài liệu tham khảo hoặc Từ điển tiếng Việt thì việc cố gắng để hiểu nội dung toàn bộ văn bản vô cùng khó khăn.

Nếu bạn chỉ viết một bài viết cung cấp thông tin đơn giản cho đối tượng độc giả đại chúng, thay vì sử dụng “tựu trung”, “quảng giao” thì bạn có thể sử dụng các từ “tóm lại”/“nhìn chung” hoặc “giao thiệp rộng”,… Như vậy độc giả sẽ dễ dàng hiểu được thông điệp mà bạn truyền tải, đồng thời không cần phải tốn quá nhiều thời gian để tra cứu tài liệu.

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
Photo by Marcos Paulo Prado on Unsplash

Bên cạnh đó, một số từ tiếng Việt cũ nay không còn phổ biến. Vì vậy khi viết, bạn cần cân nhắc sử dụng. Ví dụ như:

  • Viết cho khách hàng là độ tuổi gen Z, có thể sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, năng động hoặc bắt kịp các trend (xu hướng).
  • Viết trên các hội nhóm có thể sử dụng văn nói để tạo cảm giác gần gũi, dễ hiểu, chân thành. 
  • Viết content như blog/website, bạn cần dùng từ chỉn chu, tránh dùng từ địa phương hoặc từ xưa cũ đánh đố độc giả.

Trong số những bạn học viên đã và đang học Khóa viết 1: 1 với mình, có một điều mình luôn nhắc nhở là khi viết cho ai, viết trên nền tảng nào, hãy luôn nhớ rằng viết đơn giản, dễ hiểu.

Viết sao cho một bạn 16 tuổi hay một người 46 tuổi đọc vẫn hiểu. Chứ không nhất thiết phải cố nhồi nhét những mỹ từ hoặc một số từ chuyên ngành để làm khó người đọc. Nếu những từ không thể nào dịch qua tiếng Việt chính xác 100%, thì nên chú thích ở cuối bài để độc giả hiểu.

Làm thế nào để viết đúng đối tượng?

Đối tượng độc giả của bạn vô cùng rộng lớn, không phân biệt ngành nghề, tuổi tác, không phân biệt trình độ dân trí. Do vậy việc chọn lọc từ ngữ phù hợp với đối tượng sẽ giúp bạn truyền tải đúng thông điệp mà mình muốn nói. Hơn hết đó cũng là cách tôn trọng độc giả.

Để viết đúng đối tượng, bạn có thể tham khảo một vài cách sau:

Tìm hiểu đối tượng độc giả

Hãy nghiên cứu và tìm hiểu về độc giả của bạn, họ thuộc giới tính, độ tuổi nào, nhu cầu, sở thích và phong cách là gì. Thông qua đó bạn có thể chọn ngôn ngữ phù hợp để viết đúng đối tượng.

Đưa người quen đọc thử

Điều này sẽ giúp bạn nhận được những đánh giá, phản hồi của độc giả để từ đó điều chỉnh cách viết sao cho phù hợp. Đầu tiên hãy nhờ cho những người quen trong nhóm đối tượng độc giả mục tiêu của bạn đọc thử, sau đó ghi chép lại những phản hồi và cải thiện thiện ở bài viết tiếp theo.

Chọn cộng đồng phù hợp

Khi đã chọn được đối tượng phù hợp, bạn có thể chọn cộng đồng để viết. Ví dụ muốn chia sẻ những kiến thức về giáo dục, cách nuôi dạy con trẻ, bạn có thể gõ vào ô tìm kiếm từ khóa trên facebook như “nuôi dạy con”. Thực hành viết bài trên cộng đồng có đối tượng độc giả mục tiêu sẽ giúp bài viết tiếp cận đến với nhiều người hơn, đồng thời bạn cũng học thêm nhiều kiến thức từ các hội nhóm đó.

Một bài viết hiệu quả là truyền đi đúng thông điệp/ý tưởng của người viết. Và không có cách nào làm tốt điều đó bằng việc chọn từ ngữ viết đúng đối tượng. Trong khóa Viết blog 1:1, mình cũng đã cho học viên thực hành bằng việc nghiên cứu độc giả trước khi viết, bạn có thể tham khảo tại đây.

Trả lời