9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

Bạn đã có bao nhiêu kỹ năng cơ bản trong số các kỹ năng dưới đây? Bạn tự tin về gì nhất và cần bổ sung điều gì? Đầu tiên hãy thử đọc bài viết này, sau đó thực hành áp dụng những gì mình còn thiếu để viết tốt hơn nhé.

Sử dụng từ ngữ phù hợp, dễ hiểu

Nhiều bạn mới tập tành viết lách, nghĩ rằng nên sử dụng các từ ngữ hay, độc đáo, mới lạ để bài viết trở nên ấn tượng hơn. Sự thật không phải thế. Tùy thuộc vào từng đối tượng độc giả mà bạn nên chọn ngôn ngữ giao tiếp phù hợp để truyền tải thông điệp hiệu quả.

Ví dụ nếu viết cho đối tượng là trung niên từ 45- 50 tuổi, thay vì viết “deadline”, bạn nên ghi rõ là “thời hạn cuối”, cũng không nên viết “stress”, “tựu trung” hay “quảng giao” mà viết là “căng thẳng”, “tóm lại/nhìn chung” hay “giao thiệp rộng”,… (Tất nhiên một số từ tiếng Anh khi dịch sang tiếng Việt không đúng hoàn toàn 100%, nhưng về cơ bản đã sát nghĩa nhất).

Hãy viết sao cho một bạn 16 tuổi hay một người 46 tuổi đọc vẫn hiểu. Chứ không nhất thiết phải cố nhồi nhét những mỹ từ hoặc một số từ chuyên ngành để làm khó người đọc. Nếu những từ không thể nào dịch qua tiếng Việt chuẩn xác, thì nên chú thích để độc giả hiểu thêm.

Làm giàu vốn từ vựng

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết
Photo by Kari Shea on Unsplash

Một vốn từ phong phú sẽ giúp bài viết của bạn trở nên ấn tượng hơn. Bạn cũng có thể dễ dàng viết nhiều thể loại đa dạng, đặc biệt là trong sáng tác như văn thơ, truyện ngắn, tản văn hay trong giao tiếp.

Để chữa bí từ khi viết và cải thiện từ ngữ, bạn có thể tập luyện thói quen nghe nhạc, đọc sách báo, theo dõi các cây viết chuyên nghiệp, từ đó ghi chép, lưu lại những từ hay ho. Đồng thời kết hợp từ điển để tra cứu nghĩa chính xác nhất để sử dụng đúng ngữ cảnh nhé. 

Đọc thêm để làm giàu vốn từ tại đây nhé:

Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết

Viết tốt hơn nhờ cải thiện chính tả và trau dồi vốn từ vựng

Viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề

Trước khi đi vào chủ đề này, bạn thử suy nghĩ và trả lời những câu hỏi:

  • Bạn thường bị nhận xét viết dài dòng lê thê?
  • Bạn thường viết những câu dài và không biết tách câu sao cho mượt mà?
  • Bạn thường viết mở bài quá nhiều chữ và cảm thấy không đặc sắc?

Nếu câu trả lời của bạn là có, vậy thì nên luyện cách viết ngắn gọn bằng cách viết nhiều lần mỗi ngày. Sau đó đọc lại và biên tập cắt bỏ những từ thừa, từ vô nghĩa. Hoặc một cách khác, bạn có thể gửi cho độc giả hoặc người thân/bạn bè đánh giá. Hãy hỏi họ về thông điệp bạn muốn truyền tải có rõ ràng không, bạn có sa đà vào viết lan man dài dòng hay không nhé.

Luôn kiên trì và nỗ lực học hỏi

Viết lách không phải là chuyện một sớm một chiều mà thành. Không phải hôm nay bắt đầu học viết, ngày mai bạn sẽ viết tốt hoặc thậm chí kiếm được tiền từ viết. Đó là con đường dài, thậm chí nhiều người đã từng bỏ cuộc bởi vì trên hành trình ấy, họ không đủ kiên trì để đi tiếp.

Bạn có thể dành ra một ít phút trong ngày để viết nhật ký, ghi chép lại những câu chuyện của bản thân. Có thể đăng chúng lên trang cá nhân hoặc đơn giản lưu lại trên giấy. Hãy lặp lại việc đó mỗi ngày và xem kết quả sau một tháng, bạn có thấy các bài viết trở nên trơn tru và mượt mà hơn không?

Tuy nhiên, kiên trì thôi là chưa đủ, bạn phải bỏ thêm đó chút nỗ lực. Bởi chỉ có viết mỗi ngày thì không thể nào viết tốt hơn. Bạn có thể nhờ người quen hoặc bạn bè góp ý, đánh giá về những bài viết của bạn. Hoặc đơn giản tham gia cộng đồng viết lách để trau dồi kỹ năng cơ bản.

Tinh thần tự học

Có một câu nói rất hay rằng “The greatest lesson I have learned in life is that I still have a lot to learn”, có thể hiểu nôm na “Bài học vĩ đại nhất mà tôi từng học trong cuộc đời là tôi vẫn còn có rất nhiều điều phải học”. Và điều đầu tiên là tự học.

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết
Photo by Element5 Digital on Unsplash

Internet đã phổ biến, Youtube, Google trở thành công cụ miễn phí giúp bạn học viết mà không cần phải lo lắng về chi phí. Chẳng có rào cản nào ngăn cản bạn học trừ chính bạn.

Bạn cũng có thể tự học qua sách báo, phim ảnh, thậm chí theo dõi các cây viết nổi tiếng. Hãy tương tác với họ, rằng bạn thích bài viết ở điểm nào, điều gì cuốn hút bạn,… Hoặc có thể chỉ ra những gì bạn cảm thấy chưa hợp lý. Những câu trả lời là kiến thức bổ ích và thực tế mà bạn có thể áp dụng cho viết lách sau này.

Học hỏi, thực hành copyworking

Copyworking là một khái niệm học tập bằng cách sao chép lại một từ ngữ, câu nói, trích dẫn, đoạn văn,… thậm chí giọng văn của một tác giả/cây viết nổi tiếng nào đó. Sau đó bạn sẽ ghi chép lại và sử dụng nó trong các bài viết của mình.

Trong giáo dục, copyworking thường được thực hiện bởi những học sinh nhỏ tuổi. Đó là độ tuổi tốt nhất để kết hợp việc thực hành sao chép bằng tay và ghi nhớ. Tuy nhiên trong viết lách bạn vẫn có thể áp dụng và thực hành kỹ năng cơ bản này để viết được nhiều thể loại, phong cách viết khác nhau.

Cần phân biệt rõ copyworking và đạo văn. Copyworking chỉ là học hỏi những câu nói, một từ, cụm từ hay và áp dụng chúng trong những bài viết của mình. Trong khi đó đạo văn là sao chép nguyên văn câu nói, trích dẫn hoặc ý tưởng của tác giả khác.

Hình thành thói quen quan sát, ghi chép

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết
Photo by Gabrielle Henderson on Unsplash

Trong số những học viên khóa Viết cơ bản đã hỏi mình làm thế nào để kể một câu chuyện gợi mở trước khi vào nội dung chính. Và câu trả lời của mình là: “Trước tiên em phải có câu chuyện đã, rồi sau đó phân tích xem câu chuyện ấy có phù hợp để đưa vào bài viết không.”

Để có được câu chuyện, không gì tốt hơn bằng việc quan sát và ghi chép. Bất kỳ cuộc hẹn nào, từ buổi dã ngoại, những lần cafe, hay ngồi chờ xe buýt, bạn có thể bắt gặp hàng ngàn câu chuyện xảy ra trên đời. Hãy lắng nghe, ghi chép lại và làm chất liệu cho bài viết. Đó là ý tưởng viết tuyệt vời để có một bài cuốn hút và hấp dẫn.

Viết mỗi ngày để viết tốt hơn

Và bạn có biết, tác giả của bài viết này đã viết liên tục 100 bài trong 100 ngày trên nhóm Những người viết hằng ngày, đã xuất bản 1-2 bài blog/tuần đều đặn. Cô ấy cũng đã viết trên cộng đồng nhỏ của mình mỗi ngày (trừ cuối tuần), viết trên trang cá nhân cùng một số dự án viết lách khác.

Kết quả cô ấy có tên trong danh sách 10 mentor của chương trình OWD Mentoring Programme – một chương trình viết do Linh Phan sáng lập, blog cán mốc 50,000 view chỉ trong 10 tháng và góp mặt trong 3 cuốn sách in chung. Và cô ấy chính là mình – blogger của duongstory.com.

Đọc thêm các bài về ý tưởng viết tại:

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

15 ý tưởng viết bài đánh tan nỗi lo không biết viết gì

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Tham gia các khóa học viết

Có một sự thật, hơn 90% học viên khóa học Viết cơ bản 1:1 của mình không thể nhận ra lỗi sai của họ cho đến khi đăng ký học với mình. Đó là lý do bạn nên tìm một khóa học (có thể là miễn phí hoặc có phí tùy thuộc tình hình tài chính của bạn) để nâng cao kỹ năng cơ bản. Một người mentor sẽ phân tích cho bạn những lỗi sai, góp ý và chỉnh sửa để bạn tiến bộ hơn.

Tuy nhiên có hai điều cần nên lưu ý khi đăng ký một khóa học dù là miễn phí hay có phí:

  • Bạn nên hiểu rõ mình là ai, bản thân mình có gì và chưa có gì, kỹ năng viết của mình ở level nào. Với một người viết chưa tốt thì đừng vội nghĩ đến việc đăng ký khóa Content Writing hay Copywriter. Thay vào đó bạn nên học những khóa cơ bản, hãy đi từ con số 0 rồi đến 1 thay vì từ số 0 nhảy lên 10 hay 100. 
  • Bạn nên đăng ký những khóa học chất lượng, hoặc tốt hơn nên học kèm 1:1 thay vì đăng ký một khóa online với nhiều học viên. Đơn giản bởi mỗi người sẽ có level khác nhau, và việc ghép chung lớp giáo viên có thể sẽ không thể chăm sóc tốt nhất cho từng học viên của mình như 1:1. 

Bây giờ hãy nhìn lại xem, với 9 kỹ năng cơ bản này, bạn có bao nhiêu trong số chúng? Bạn dự định sẽ cải thiện điều gì trước tiên? Một khóa học viết để viết mỗi ngày? Tham khảo tại đây nếu bạn muốn đồng hành cùng mình nhé. Chúc bạn ngày ngày viết tốt!

Trả lời